Lòng buồn tênh, nhớ khôn nguôi thời chợ tấp nập ngược xuôi, mọi người năng động hòa vào cơn “lốc” phát triển mạnh của kinh tế chợ. Nhất là những phiên chợ đêm bán buôn cho khách hàng đường xa, lũ lượt kéo đến Kharkov như “trăm sông đổ về biển Đông” thì làm sao có thể quên được thủa ban đầu lưu luyến ấy. Phải không các bạn?
Trung tâm thương mại Барабащова - 1996.
Nhớ lại, tháng 6 năm 1996, với sự ra đời của Trung tâm thương mại Барабащова thuộc tập đoàn Avek – trong đó có khu chợ “Đồng hương Việt Nam” do công ty Hữu Nghị quản lý, đã mở ra phương thức buôn bán, kinh doanh mới cho tiểu thương dân bản xứ lẫn người nước ngoài mà người Việt mình chiếm phần đông.
Từ bấy đến nay, đã qua đi 22 năm, sự hình thành và phát triển của chợ gắn liền với số phận người lao động, với công sức đóng góp to lớn của cộng đồng Việt Nam khi nơi đây còn là nơi hoang vắng, nhà cửa thưa thớt, ít ỏi người qua lại. Để rồi có được khu chợ khang trang, rộng lớn như ngày nay chắc mọi người còn nhớ, trước ngày khai trương, hàng trăm người Việt bán hàng ở chợ Trung tâm đã tự nguyện thay nhau đi chợ “nghĩa vụ” ở chốn này vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Chợ vẻn vẹn có mấy dãy bàn sắt đặt dưới mái lớp tôn mỏng cách không xa bến xe công cộng tàu điện ngầm, ô tô cần giật và, do nhận thức đúng trách nhiệm “gây dựng chợ”, ai nấy đều vui vẻ “đứng chơi” hàn huyên chuyện đời từ 9 giờ sáng đến 15 giờ chiều mới “tay không” thu hàng về.
Ai đấy, có mưu sinh tại chợ mới cảm nhận được hết thẩy những khó khăn vất vả “sớm tối chiều hôm” bên sạp hàng của dân chợ búa, mới hiểu mình là ai qua những phiên chợ đêm. Bán buôn vào chiều tối thứ hai, kéo dài qua ngày thứ ba và trọn vẹn ngày thứ năm tiếp tục sang cả ngày thứ sáu tới ba bốn giờ chiều mới dọn về. Chính tôi, với tư cách cán bộ trực tiếp điều hành chợ Hữu Nghị, từng trực đêm thức trắng đến sáng như nhiều bà con lao động khác, đôi mắt cay xè, đầu óc căng thẳng mới cảm phục sức chịu đựng bền lâu của dân chợ búa quả là sắt thép, mới hiểu thấu đáo hơn câu “một nắng hai sương” từ đâu có mà đồng cảm và chia sẻ.
Lần nghe hỏi “vì sao hình thành chợ đêm vào hai ngày thứ hai và thứ năm hàng tuần!”. Lúng túng chưa tìm hiểu hết nguyên nhân tôi đành mượn lời giải thích khá “chí lý chí tình” của một người bạn có thâm niên đi chợ đêm: “Bởi tiện lợi cho người buôn bán tỉnh xa và ngoại ô Kharkov về lấy hàng phục vụ người mua vào đầu và cuối tuần”. Chả hiểu có được mọi người chấp nhận hay không! Song cho dù thế nào đi chăng nữa, một khi đã trở thành tiền lệ rồi thì muốn tồn tại, buộc con người ta phải hội nhập và chấp nhận tất cả nhữn điều kiện thuận lợi cũng như khó khăn đang chất chồng ở phía trước.
Đồng hành với phiên chợ đêm là nét đẹp cần cù siêng năng chăm chỉ làm ăn của dân chợ búa mà hồi đó chuyên mục “Trong ốp ngoài chợ”, “Lương tâm và trách nhiệm”, của “Người bạn của mọi nhà” là “Tạp chí Tuần tin quê hương” đã phản ánh khá sâu sắc và sinh động nhân cách, đạo đức làm người, tinh thần đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau “buôn có bạn, bán có phường” của bà con lao động ta bươn trải sớm ngày trên thương trường sống động.
Tôi biết không ít người gần như “chuyên nghiệp” tuần nào cũng hành trình trên tuyến đường xa đi Odessa lấy hàng. Những lần ấy, chắc chắn mất hai ngày đêm, cộng thêm hai buổi “ốp tôm” không ngủ ở nhà, vị chi là bốn. Thêm nữa, mệt mỏi lo lắng bận rộn với công chỗ hàng hóa có thể quên cả chuyện phòng the, chàng trai bỏ lỡ cả nơi hẹn hò… dễ sinh ra thói hư “đào khoai trộm” trong “những ngang trái cuộc đời!” Ấy là chưa kể thời tiết băng giá, khắc nghiệt miền hàn đới dễ dẫn đến bệnh tật, ốm đau hủy hoại sức khỏe lẫn bản tính hồn nhiên “người với người sống để yêu thương”.
Tôi đã từng gặp vài người, trao đổi chủ đề chợ đêm nóng hổi này, ai cũng bày tỏ chung một quan điểm: “Một khi chợ đêm vẫn tồn tại, dân địa phương vẫn bám trụ thì người Việt mình đừng sao được. Ngay cả trong nội bộ cộng đồng ta thôi, nhìn bạn bè xóm giềng dắt díu nhau đến chợ, dù cho bản thân có mệt mỏi mấy vẫn chẳng lùi bước nữa là… Thậm chí, đại bộ phaanh doanh nghiệp và bà con cộng đồng ta “ăn lên làm ra”, có nhà lầu, xe hơi cũng nhờ những buổi chợ đêm bán buôn nhiều hơn bán lẻ”. Đồng tình nhất trí, tôi chỉ bày tỏ thêm chính kiến của mình: “Phải chăng đó cũng là quy luật bù trừ, được mất trong cuộc sống đa dạng mà con người phải gánh chịu khi bước qua ngưỡng cửa cuộc đời, thâm nhập vào thực tế “phi thương bất phú”.
Bán buôn – những phiên chợ buôn bắt nguồn từ ngày ấy và dân chợ búa “lao tâm khổ tứ” mất ít được nhiều cũng từ đó, kéo dài tới cuộc khủng hoảng kinh tế mang tính chất toàn cầu vào những năm 2008 tạm rút ngắn đến 11 giờ đêm. Những người buôn tỉnh xa hay các vùng lân cận thành phố vãn hẳn. Quanh những dãy cửa hàng kính lộng lẫy, bến bãi đỗ ô tô chỉ còn lại những rác rưởi, những đống giấy lộn và đội bảo vệ lặng lẽ đi tuần tiễu, nơi này chốn nọ. Trung tâm thương mại Барабащова ồn ào, náo nhiệt là thế trở lên im ắng lạ qua những ánh đèn mờ đỏ sừng sững chiếm một góc trời xa.
Và, giờ đây, sau những cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị mang tính cục bộ (2014) dường như “chợ đêm” không còn nữa. Bán buôn vào hai ngày thứ hai và thứ năm, vắng bóng người mua “mới giữa trưa chợ đã như về chiều” với hoài niệm lắng sâu trong tâm trí dân chợ búa “bao giờ trở lại ngày xưa ấy!”.
Thay lời kết là tâm sự cháy bỏng yêu thương con người và cuộc sống của anh bạn “nối khố” cùng quê, tuổi còn xuân xanh mà mái tóc đã đốm bạc, đuôi mắt đã hằn sâu nhiều nếp nhăn của sóng gió nơi chợ búa: “Nghị lực và ý chí là sức mạnh giúp con người ta phấn đấu để thích nghi với mọi hoàn cảnh sống bên ngoài để tồn tại và phát triển lên tầm cao mới”. Còn tôi xin đóng góp thêm một ý nhỏ: “Đức tính quý báu ấy cần được nhân lên gấp bội để vượt qua những khó khăn, vất vả hiện thời với niềm tin và hy vọng vào ngày mai sáng ngời”.
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” – Kharkov tháng 11-2018