Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Bà con lưu ý: Đừng để "cái sảy nảy cái ung"

Thứ tư, 19/02/2020 | 17:14
Thành ngữ Việt Nam có câu: "Cái sảy nảy cái ung", ý nói việc nhỏ, nếu không giải quyết kịp thời và hợp lý, có thể trở thành vấn đề phức tạp, gây phiền toái, thậm chí tiền mất tật mang.

Trong thời gian vừa qua, tại Kharkov đã xảy ra một số trường hợp đáng tiếc với bà con cộng đồng Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại đây, xuất phát từ những việc nhỏ không được quan tâm đúng mức. Cụ thể, trong những ngày gần đây, có ít nhất hai người sang phép đã không được biên phòng bạn cho phép nhập cảnh, buộc phải quay trở lại Việt Nam. Lý do là nợ tiền phạt hành chính, với số tiền chỉ vẻn vẹn 510 grivna!

Năm ngoái, một sinh viên người Việt Nam, học năm thứ 5 tại một trường đại học ở Kharkov cũng đã gặp tình huống tương tự, bị buộc phải quay về, đến khi sang lại thì muộn học mất hơn một tháng.

Việc này không chỉ xảy ra với người Việt Nam, nhiều công dân nước ngoài ở Kharkov cũng đã vướng phải mà không ai có thể giúp được.

Theo tìm hiểu qua các kênh thông tin có trách nhiệm và luật sư, được biết mấy trường hợp nói trên đều từng bị lập biên bản phạt vi phạm hành chính tại địa bàn Trung tâm thương mại Barabashovo, vì những nguyên nhân khác nhau, nhưng chưa nộp phạt. Theo luật Ucraina, khi quá thời hạn nộp phạt, cơ quan thi hành án có thể đề nghị tòa án ban hành biện pháp chế tài bằng hình thức cấm nhập/xuất cảnh. Lệnh cấm nhập/xuất cảnh được niêm yết trên hệ thống dữ liệu điện tử chung của các cơ quan quyền lực và chỉ được gỡ bỏ sau khi đương sự thực hiện trách nhiệm của mình (nộp phạt đầy đủ), hoặc khi tòa án ban hành quyết định khác, hủy bỏ biện pháp chế tài này.

Về nguyên tắc, người nợ tiền phạt hành chính chỉ cần nộp phạt là sẽ được nhập cảnh, tuy nhiên, do thủ tục pháp lý liên quan đến nhiều nơi, nên sau khi nộp phạt sẽ cần chờ đợi một thời gian nhất định để lệnh của tòa án được gỡ khỏi hệ thống điện tử.

Cũng có một số trường hợp may mắn, khi xuất cảnh được biên phòng Ucraina cảnh báo đang nợ tiền phạt, nhờ vậy họ biết được vấn đề vướng mắc và đã nhờ người ở lại nộp phạt theo quy định. Khi họ quay sang thì lệnh cấm nhập cảnh đã được gỡ bỏ và họ được nhập cảnh bình thường.

Theo nhận định của luật sư, cả ba trường hợp được đề cập trên đây đã xảy ra do thiếu sự quan tâm đúng mức của chính người trong cuộc. Có thể, khi bị kiểm tra hành chính, họ đã tin tưởng vào ai đó và nghĩ rằng mọi việc đã giải quyết xong. Cũng có thể họ đã được nhân viên bảo vệ pháp luật cảnh báo về việc phạt hành chính, nhưng do trình độ ngôn ngữ có hạn nên không hiểu hết, bỏ qua mất phần thông tin quan trọng. Cuối cùng, chỉ vì sơ suất nhỏ mà không được nhập cảnh, phải bay đi bay về hết sức mệt mỏi và tốn kém.

Để tránh tiếp tục xảy ra những trường hợp đáng tiếc tương tự, theo lời khuyên của luật sư, bà con ta nên tìm hiểu xem mình có bị "treo" phạt ở đâu không và có bị áp biện pháp chế tài nào không (việc này hoàn toàn không khó, vì hệ thống dữ liệu điện tử mở, có thể nhờ người kiểm tra được dễ dàng). Đặc biệt là những người đã từng bị kiểm tra hành chính tại chợ hoặc những nơi khác, là người cần quan tâm hàng đầu đến vấn đề này.

Một việc hết sức quan trọng nữa mà mọi người nên lưu ý - đó là khi tiếp xúc với các nhân viên công quyền, nếu không tự tin hoàn toàn vào trình độ ngôn ngữ của mình, hãy cẩn thận nhờ người biết tiếng giúp nói chuyện, để mọi việc được rõ ràng. Không nên đoán ý người khác, không ký bất cứ giấy tờ, biên bản nào nếu không hiểu rõ. Và nếu bị phạt hành chính thì nhất thiết phải nộp phạt qua ngân hàng để lấy hóa đơn đàng hoàng, đừng đưa tiền mặt cho ai mà nghĩ là họ sẽ nộp thay cho mình, hoặc họ sẽ xé biên bản bỏ đi, mình không bị phạt nữa!

Câu chuyện "cái sảy nảy cái ung" đơn giản là vậy, mong bà con lưu ý nhé.

Theo TTQH