Do tác động của dịch bệnh COVID-19, kinh tế Argentina đã "sụp đổ" do vỡ nợ
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng tình hình nợ nần của các thị trường mới nổi rất đáng lo ngại. Khoảng từ nửa năm tới một năm tới đây, nguy cơ suy thoái và vỡ nợ ở các thị trường mới nổi sẽ tăng lên, điều này sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn hơn trên thị trường tài chính.
Đề nghị tái cơ cấu nợ của Argentina bị chủ nợ từ chối
Theo Tân Hoa xã, hôm 6/4, chính phủ Argentina tuyên bố, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với nền kinh tế và xã hội, họ đã quyết định hoãn trả khoản nợ công tổng trị giá 10 tỷ USD năm 2021. Số liệu do Cục Thống kê và Điều tra Quốc gia Argentina công bố cho thấy, đến cuối năm 2019, nợ nước ngoài của Argentina đã đạt 277 tỷ 648 triệu USD.
Vào ngày 17/4, chính phủ Argentina đã đề xuất phương án thay thế nợ cho các chủ nợ trái phiếu có chủ quyền của Argentina. Bộ trưởng Kinh tế Argentina Martin Guzman nói, trong đề xuất cho người nắm giữ trái phiếu tư nhân, chính phủ đã tìm kiếm được “sự kết hợp tốt nhất giữa các khoản khấu trừ gốc và lãi”; Argentina sẽ không trả bất kỳ khoản nợ nào trong ba năm tới, nhưng vào năm 2023 sẽ trả một mức lãi 0,5%, tương đương 300 triệu USD.
Ông Guzman nhấn mạnh rằng “đề án đã được chấp nhận đã giải quyết được một vấn đề. Nếu không, chúng tôi cho rằng sẽ lâm vào là tình trạng vỡ nợ thực tế. Đối với điều này, chúng tôi có một kế hoạch. Đó là, Argentina sẽ không nhận các khoản vay bên ngoài nữa. Đây không phải là ngừng tiếp nhận, mà là không thể nhận được, chúng tôi cũng không cho rằng sẽ nhận được các khoản vay từ bên ngoài nữa”.
Bộ trưởng Kinh tế Argentina Martin Guzman thừa nhận Argentina đã ở trong tình trạng vỡ nợ.
Ông Guzman nói: “Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Argentina có vẻ ngu ngốc khi xây dựng các chính sách kinh tế dựa trên giấc mơ và ảo tưởng. Cần phải dựa trên tình hình thực tế”. Nợ của Argentina đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đúng là không thể trả nợ trước năm 2023. IMF cũng đã hiểu điều này và phân tích tính liên tục nợ của họ cũng phản ánh điều này.
Vào ngày 19/4, ông Guzman nói trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng Argentina đang ở trạng thái “vỡ nợ thực tế” và hiện không thể trả được nợ, cho nên mới đề xuất tái cơ cấu toàn diện nợ nần. Trong bài phát biểu của mình, ông nhấn mạnh rằng Argentina đã thực hiện một “kế hoạch giả định không có tín dụng của bên ngoài”.
Đến ngày 21/4, có tin nói chủ nợ lớn nhất của Argentina, đã từ chối đề xuất của chính phủ về tái cơ cấu khoản nợ nước ngoài 83 tỷ USD, điều này làm tăng khả năng vỡ nợ lần thứ 9 của quốc gia này.
Argentina được mệnh danh là “vua vỡ nợ” trên thị trường vốn quốc tế. Sau khi giành được độc lập vào năm 1816, nước này đã nhiều lần vỡ nợ hoặc tái cơ cấu nợ, lần gần đây nhất xảy ra vào năm 2014. Trước khi đề xuất tái cơ cấu nợ toàn diện, một loạt các tín hiệu báo động với một mức độ nhất định đã xuất hiện báo hiệu kết cục này.
Cách đây không lâu, “Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới” do IMF công bố đã dự đoán rằng nền kinh tế của Argentina sẽ giảm 5,7% vào năm 2020. Các chuyên gia cho rằng theo chính sách “sốc” hy sinh phát triển kinh tế để chống lại dịch bệnh COVID-19, một loạt các vấn đề về việc làm, xuất khẩu và nợ nần ở Argentina đã dần trở nên nổi bật, triển vọng phát triển kinh tế rất đáng lo ngại.
Chi tiêu lớn của chính phủ, thâm hụt ngân sách tăng mạnh và khoản vay lớn bên ngoài là những nguyên nhân quan trọng khiến khủng hoảng nợ lặp đi lặp lại ở Argentina. Ngoài ra, còn có rất nhiều rủi ro chồng chéo lẫn nhau: trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, vốn quốc tế đã chảy ra đáng kể, thị trường tài chính Argentina và tỷ giá hối đoái đồng peso xấu đi, mức dự trữ ngoại hối tiếp tục bị thu hẹp. Vụ dịch đã trở thành cọng rơm cuối cùng đè bẹp Argentina lần này.
Dịch bệnh COVID-19 đã đẩy một số quốc gia đứng trước nguy cơ vỡ nợ
Rủi ro suy thoái thị trường mới nổi và nguy cơ vỡ nợ gia tăng
Không chỉ Argentina, tình hình kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên tồi tệ dưới sự tấn công của dịch bệnh. Báo cáo của IMF ngày 14/4 dự đoán rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3,0% vào năm 2020, đây sẽ là mức suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng vào những năm 1930. Bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF đã chỉ ra trong báo cáo rằng tổn thất tích lũy GDP toàn cầu trong hai năm tới có thể lên tới 9 nghìn tỷ USD, lớn hơn tổng số nền kinh tế của Nhật Bản và Đức.
Có ý kiến phân tích chỉ ra rằng tình hình nợ của các thị trường mới nổi rất đáng lo ngại, tình hình dịch bệnh có thể gây nên cuộc khủng hoảng nợ của các thị trường mới nổi. Các thị trường mới nổi phụ thuộc vào thương mại quốc tế, dịch bệnh lần này đã gây ra sự sụt giảm mạnh về nhu cầu toàn cầu, dẫn đến sự xấu đi của tài khoản các thị trường mới nổi từ đó giảm thu nhập dòng chảy quốc gia, điều này sẽ trực tiếp làm cho vấn đề nợ nần càng nổi lên.
Theo dự báo của công ty chứng khoán Industrial Securities, so với năm 2008, hiện tại khả năng đối phó với khủng hoảng của các thị trường mới nổi còn kém hơn. Nếu khả năng thanh toán bên ngoài chịu áp lực, nó có thể dẫn đến vỡ nợ có chủ quyền. Ngoài Argentina, Nam Phi cũng đã xuất hiện nguy cơ vỡ nợ chủ quyền do không đủ dự trữ ngoại hối. Trong sáu tháng đến một năm tới, nguy cơ suy thoái và vỡ nợ ở các thị trường mới nổi sẽ tăng lên, điều này sẽ dẫn đến sự xáo trộn hơn nữa trên thị trường tài chính.
Ngoài Argentina hiện còn có các quốc gia nào đối mặt với nguy cơ vỡ nợ cao? Công ty chứng khoán Soochow Securities ngày 26/3 đã công bố kết luận nghiên cứu có liên quan. Nghiên cứu này kết hợp các chỉ tiêu dự đoán kinh tế của các thị trường mới nổi (tỷ giá, chỉ số chứng khoán, tỷ lệ nợ quốc gia, số người bị lây bệnh) và các chỉ số phòng ngừa rủi ro (số dư tài khoản hiện tại, tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP, chỉ số thặng dư tài chính, tỷ lệ bao phủ dự trữ ngoại hối). Nghiên cứu kết luận Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil có nguy cơ cao nhất, tiếp theo là Italy và Hy Lạp trong khu vực đồng euro. Tại khu vực các nước châu Á mới nổi, ngoại trừ Indonesia, mức rủi ro tương đối thấp.
Theo viettimes.vn