Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Anh thương binh vẫn đến trường làng…

Thứ năm, 25/07/2019 | 10:47
Giờ đây sống xa nhà nhưng có giây phút nào ta không nhớ về cội nguồn – Tổ quốc Việt Nam, nơi sinh ra lớn lên và trưởng thành, cũng như công ơn mẹ cha nuôi con khôn lớn nên người. Đặc biệt, công lao to lớn của anh bộ đội Cụ Hồ qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược dành độc lập tự do, giang sơn thống nhất một nhà càng bên lâu, ghi sâu trong tâm trí mọi người.

Anh thương binh vẫn đến trường làng…

Vâng, làm sao có thể quên được, trên chiến trường đầy đạn bom khói lửa ấy, đã có bao người “quần nhau với giặc tới giọt máu cuối cùng khiến mẹ cha phải khóc thầm lặng lẽ”, đã có bao người “Ngày trở về bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre chống nạng cầy bừa”. Để rồi, hàng năm vào ngày thương binh liệt sĩ – 27 tháng 7, chúng ta dù ở quê nhà hay hải ngoại đều tưởng nhớ, ghi ơn và tri ân “những người vì mọi người” theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc.

Với tôi, trong ký ức tuổi thơ, ngoài những tấm gương quí giá, giống như huyền thoại về các anh hùng liệt sĩ như Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo tới hơi thở cuối cùng, Cù Chính Lan băng qua sông núi như mãnh hổ diệt tăng địch, rồi La Văn Cầu, Giáp Văn Khương… Còn giữ mãi một kỷ niệm đầy sinh dộng, đậm tình người về “Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương”.

Xin được chia sẻ đôi điều với bạn đọc gần xa của “Người Việt Odessa” mà tôi rất đỗi trân trọng.

… Sau một năm, máy bay khổng lồ B52 Mỹ, giải thảm bom phố Khâm Thiên (28 tháng 12 năm 1972), tôi nhận được giấy “thông hành” xuất ngoại du học. Trước ngày lên đường, tôi tranh thủ đến thăm cô bạn thân cùng lớp cuối cùng cấp 3, trường phổ thông Đống Đa, Hà Nội.

Bịn rịn “tạm” chia tay xong, nhìn quanh tôi ngẩn ngơ hỏi:

- Anh Bình của Thanh đâu?

Thoảng qua một nét buồn động trên khuôn mặt thanh tú, má lúm đồng tiền, Thanh thở dài đáp: Cuối năm ngoái, cầm trong tay tấm bằng đại học, anh Bình tự nguyện nhập ngũ vào đội quân tình nguyện vào Nam chiến đấu. Ngày khoác ba lô lên đường, anh rạng rỡ niềm tin hẹn trở về sum họp cùng gia đình vào ngày vui chiến thắng chung của dân tộc.

Nghe xong, suy từ bản thân, tôi cũng nghĩ thế và luôn củng cố niềm tin và hy vọng của mình sớm thành sự thật. Bởi lẽ, đất nước ta vốn có những con người sắt son tình yêu với độc lập tự do của Tổ quốc từ khi mới lọt lòng Mẹ.

Qủa thật, sau đại thắng “đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào” (30 tháng 4 năm 1975) Nam Bắc thống nhất một giang sơn, bên này, qua cô bạn gái Thanh ở quê nhà, tôi được hay tin Bình đã trở về, để lại một bàn tay trong chiến trành, với tấm huy chương chiến công sáng ngời đeo bên ngực. Nghỉ ngơi một thời gian ngắn, Bình đã được tiếp theo con đường mình chọn là giáo viên dạy môn lịch sử tại trường trung học phổ thông ở làng Đình Công, ngoại ô Hà Nội xưa.

Từ đấy, hình ảnh Bình “Anh thương binh vẫn đến trường làng và những bài học quê hương là chùm khế ngọt” luôn in sâu đậm nét trong mọi lứa tuổi học trò, cũng như lời dẫn giải: “Tình yêu có từ nơi đâu” ghi trên trang sách tuổi thơ trở thành ấn tượng bền lâu trong tâm tư những ông cha bà mẹ.

Vào những ngày này tháng này chiến tranh ở quê nhà đã qua đi nhiều năm tháng, nhưng tình sâu nghĩa nặng với anh “Bộ đội Cụ Hồ” càng gắn chặt dài lâu trong tâm trí mỗi người Việt Nam khi họ đã tự hiểu mình có gì trong tầm tay, hạnh phúc gia đình thắm nồng, tình yêu lứa đôi thủy chung và nụ cười trẻ thơ sáng ngời… là do ai và từ dâu! Thêm nữa, dù cho chúng ta đang sinh sống, làm việc và học tập ở mảnh đất xa quê hương hàng vạn dặm đường vẫn phải luôn hướng về Đất Mẹ bằng lương tâm và trách nhiệm của mỗi người.

Giờ này Thanh và Bình – người anh trai của cô bạn gái, đang ở đâu và làm gì! Đêm ngày tôi luôn tự hỏi mình, tôi đặt niềm tin và hy vọng sẽ có một ngày về quê gặp lại bạn bè xưa trong tình cảm yêu thương vô vàn.

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành – Kharkov” – tháng 7/2019