Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Ấn tượng Mariupol

Thứ hai, 31/07/2017 | 21:52
Do đặc thù công việc tôi có may mắn đã được đến thăm hầu hết các thành phố lớn của Ucraina. Đã mấy lần định đến thăm Mariupol nhưng rồi lại không thành.

Lần này cũng là dịp may bất ngờ: tôi được anh chị em Hội CCB Việt Nam thành phố Mariupol mời xuống thăm thành phố, thăm anh chị em Người Việt và dự Lễ kỷ niệm một năm ngày thành lập Hội CCB Việt Nam thành phố Mariupol. Tôi nhận lời, đặt vé ngay và sau hành trình hơn 16 giờ tàu chạy, cuối cùng tôi cũng đã có mặt tại Mariupol.


Mariupol – thành phố có lịch sử gần 500 năm, thuộc tỉnh Đônhét nằm trải dài bên bờ biển Azov, dân số trước đây gần 500 ngàn người nay còn khoảng 450 ngàn, là một trong 10 thành phố lớn nhất của Ucraina. Mariupol là một trong những trung tâm công nghiệp quan trọng nhất của Ucraina, là trung tâm luyện kim lớn gần như nhất nước, ngoài ra còn các nhà máy công nghiệp lớn như chế tạo máy, sửa chữa tàu biển … và cảng biển Mariupol cũng là một cảng biển lớn chỉ đứng sau cảng Odessa. Mariupol còn là nơi nghỉ dưỡng có tiếng với các nhà nghỉ và các bãi tắm cát trắng tuyệt đẹp trải dài nhiều cây số bên bờ Azov…
Và Mariupol cũng là một trong những nơi chịu hậu quả nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị của Ucraina. Do khủng hoảng, hầu hết các nhà máy, xí nghiệp đóng cửa hoặc chỉ sản xuất cầm chừng. Từ trên tàu, trên đường vào thành phố đã thấy các nhà máy luyện kim kéo dài nhiều km với hàng chục ống khói cao vút, nhưng hiện chỉ còn thấy lác đác vài ống khói còn nhả khói lên trời xanh còn thì tuyệt đại đa số im lìm như buồn thiu đứng nhìn thế sự…

Ấn tượng Mariupal

6 giờ sáng tàu đến ga, tôi được anh Thái Chủ tịch Hội CCB Việt Nam TP Mariupol ra đón. Ăn sáng xong, anh Thái lái xe đưa tôi đi thăm thành phố, phải nói Mariupol là thành phố đẹp, phố xá sạch sẽ, trật tự, nhiều công trình kiến trúc đẹp, nhưng chứng tích của cuộc khủng hoảng vẫn còn đó: Trụ sở Công an thành phố và Tòa Thị chính bị đốt cháy, hiện chính quyền không cho sửa chữa mà giữ lại như là chứng tích buồn của cuộc nồi da sáo thịt. Ra thăm bãi biển, bãi biển dài cát trắng, người dân thành phố vẫn ra tắm biển đông đúc trong ngày hè nắng nóng. Cảng biển trước đây nhộn nhịp tàu thuyền lớn bé vào ra , nay thỉnh thoảng mới lại thấy bóng dáng một con tàu vào bến.

Ấn tượng Mariupal

Ấn tượng Mariupal

Ấn tượng Mariupal

Ấn tượng Mariupal

Dọc con phố chạy dài ven biển là hàng loạt biệt thự đẹp, hiện đại mới được xây dựng chưa lâu, nhưng không thấy bóng người ở. Anh Thái nói với tôi rằng rất nhiều biệt thự mới được các nhà đầu tư xây dựng để đón khách du lịch về tắm biển và nghỉ dưỡng nhưng rồi khủng hoảng, chiến sự liền kề nên không có khách, bán không ai mua nên đành đóng cửa để chờ…!

Ấn tượng Mariupal

Ấn tượng Mariupal

Ra đường gặp người dân, biết tôi từ nơi khác đến thăm thành phố họ đều ân cần chào hỏi, vui vẻ chuyện trò nhưng tôi vẫn cảm thấy ẩn sau vẻ ân cần, vui vẻ, hiếu khách đó phảng phất một nỗi buồn, chịu đựng. Thành phố với lịch sử gần 500 năm đã trải qua bao lần binh đao khói lửa. Thời kỳ chiến tranh Thế giới thứ II, chỉ 2 năm dưới sự chiếm đóng của phát xít Đức, hơn 10 ngàn người dân thành phố đã bị xử tử, hơn 50 ngàn người dân bị bắt đem về Đức làm khổ sai, hơn 36 ngàn chiến sỹ Hồng quân và Du kích đã hy sinh, so với số dân thành phố khi ấy khoảng 250 ngàn người thì ta thấy mức độ tàn khốc của chiến tranh mà người dân thành phố đã phải chịu đựng ra sao. Sau 70 năm người dân được sống trong hòa bình, yên ổn làm ăn, có ai nghĩ rằng khói lửa chiến tranh đã lại tràn đến nơi đây. Đã hơn 3 năm trôi qua người dân nơi đây phải sống trong cảnh “đại bác đêm đêm vọng về thành phố” bởi ranh giới vùng chiến sự của 2 phe chỉ cách thành phố có đúng 12 km và việc hai bên pháo kích vào nhau chưa bao giờ chấm dứt…!

Ấn tượng Mariupal

Ấn tượng Mariupal

Ấn tượng Mariupal

 

Cộng đồng Người Việt tại Mariupol hiện có 25 gia đình với khoảng hơn 100 người. Hầu hết bà con là những người sang theo diện Hợp tác lao động rồi ở lại làm ăn sinh sống, có 3 gia đình từ Đônhét chuyển về do chiến sự và vài ba gia đình từ Kharkov chuyển về từ trước. Bà con nơi đây cũng giống như cộng đồng người Việt ở các thành phố khác, chủ yếu là buôn bán quần áo, giày dép ở chợ. Anh Thái đưa tôi đi thăm chợ, thăm các quầy hàng của bà con ta. Đây là chợ bán lẻ trung tâm của thành phố. Chợ được xây dựng quy củ, các quầy hàng tuy không rộng lắm nhưng ngăn nắp , sạch sẽ. Hỏi thăm bà con thì thấy cũng giống như các nơi khác, do khủng hoảng, kinh tế khó khăn, nhà máy xí nghiệp đóng cửa, dân không có tiền nên sức mua rất kém, nhưng mọi người vẫn phải bám chợ, đi sớm về muộn, cố gắng chắt chiu để lo cho cuộc sống thường nhật vì ngoài đi chợ thì thực ra cũng không còn cách nào khác để tồn tại.

Ấn tượng Mariupal

Chiều ngày 28-7 Hội CCB TP Mariupol tổ chức kỷ niệm một năm ngày thành lập. Buổi lễ được tổ chức tại nhà vườn- trang trại của nhà anh Thái-chị Hồng. Anh chị Thái Hồng mua nhà vườn để trồng các loại rau quả tự cung tự cấp cho gia đình và cho bà con ta, đồng thời sửa sang lại làm chỗ cho anh chị em, bà con ta có chỗ tụ họp. Buổi lễ được tổ chức gọn nhẹ nhưng trang nghiêm, đầy đủ thủ tục của một buổi lễ kỷ niệm. Theo báo cáo của BCH Hội thì tuy mới thành lập được một năm nhưng Hội CCB Việt Nam thành phố Mariupol cũng đã kịp kiện toàn tổ chức và làm được nhiều việc: Dù đường xá xa xôi, đi lại khó khăn nhưng Hội đã tích cực tham gia đầy đủ các sự kiện do Đại sứ quán và Hội CCB Việt Nam toàn Ucraina tổ chức, tổ chức đón Tết cho bà con, tổ chức rằm tháng 8 và 1-6 cho các cháu … và hiện đang là nòng cốt trong việc chuẩn bị tổ chức thành lập Hội Người Việt và Hội Phụ nữ tại Mariupol. Có một điều đăc biệt là nếu như các thành phố khác , Hội Người Việt và các hội, đoàn khác thành lập trước còn Hội CCB thành lập sau, thì riêng ở Mariupol hiện mới chỉ có Hội CCB được thành lập và thực sự đang đảm nhiệm chức năng của Hội Người Việt và đang là lực lượng nòng cốt để chuẩn bị thành lập Hội Người Việt và các hội đoàn khác tại đây.

Ấn tượng Mariupal

Sau phần lễ chính thức là phần liên hoan văn nghệ và ẩm thực. Dù số lượng không đông, hát có thể còn chưa hay nhưng anh chị em CCB và các phu nhân của CCB như anh Hòa, anh Điền, chị Nghĩa chị Liên…vẫn tích cực, nhiệt tình, hăng say trình diễn những ca khúc cách mạng, những bài ca về người lính làm xúc động mọi người. Sau văn nghệ là liên hoan ẩm thực với tất cả các món ăn đều do chị em tư nấu, mang đậm hương vị quê hương. Buổi liên hoan thực sự ấm cúng, thân tình. Một điều tôi thấy rất vui là các cháu thanh niên thế hệ thứ hai như cháu Thái, cháu Kiểu, cháu Châu Long... cũng đã rất tích cực tham gia giúp các CCB từ việc trang trí, tham gia văn nghệ , nấu nướng…dù các cháu sinh ra và lớn lên ở Ucraina nhưng vẫn giữ được tâm hồn và bản sắc của người Việt Nam.

Đến Mariupol tôi được anh Thái, chị Hồng, anh Sơn, anh Thứ …và các anh chị em, bà con nơi đây đón tiếp trọng thị, thân tình ấm cúng như đón người thân sau bao ngày gặp lại. Tình cảm của anh chị em làm tôi lại nhớ lại những hình ảnh và tình cảm của bà con mình dành cho những người lính trong thời gian chiến tranh gian khổ…Có lẽ càng trong khó khăn, gian khó thì con người ta lại càng yêu thương, đùm bọc nhau hơn, sống tình cảm hơn và sẵn sàng chia sẻ cho nhau hơn.

Ấn tượng Mariupal

Về Mariupol tôi được anh chi em kể nhiều về 2 lần Đại sứ Nguyễn Minh Trí về thăm Mariupol, lần đầu cách đây đã khoảng 15 năm khi đó Đại sứ Nguyễn Minh Trí đang là Trưởng phòng Lành sự và lần thứ 2 là năm 2016 mới đây, Đại sứ và đoàn công tác Đại sứ quán về thăm bà con trong hoàn cảnh Mariupol đang là vùng chiến sự và bà con ra đang gặp vô vàn khó khăn. Đại sứ và đoàn công tác Đaị sứ quán về thăm bà con đem theo một số vật chất giúp đỡ bà con lúc khốn khó, mọi người vô cùng cảm động. Dân gian có câu “ một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhưng điều mọi người ghi nhớ mãi, ấn tượng nhất chính là tình cảm mà Đại sứ và đoàn đem đến cho bà con. Đại sứ và đoàn về thăm đã củng cố tinh thần cho bà con làm cho bà con thấy được và yên tâm là dù bà con sống ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng luôn được Đảng, Nhà nước và Đại sứ quán quan tâm chăm lo bảo vệ. Chị Hồng tâm sự với tôi: Đại sứ Nguyễn Minh Trí là người có ơn nghĩa lớn với bà con Mariupol, chị và anh chị em Mariupol biết Đại sứ hết nhiệm kỳ, hoàn thành nhiệm vụ sắp về nước mà không lên chia tay với Đại sứ được, thật áy náy trong lòng, mong Đại sứ thấu hiểu tấm lòng của bà con Mariupol.
Tiễn tôi ra ga tàu, anh Thái, anh Sơn, anh Thứ và tôi đều từng là người lính, đàn ông, từng trãi mà vẫn bùi ngùi, bịn rịn không nỡ chia tay nhau. Dù mới đến Mariupol lần đầu, quen biết nhau chưa lâu nhưng tình cảm các anh, các chị dành cho tôi thật sau đậm. Về thăm Mariupol dù thời gian không nhiều nhưng cũng đủ để tôi hiểu thêm về một thành phố đẹp nơi có hơn 100 bà con mình sinh sống, đang cố gắng vượt qua những khó khăn vất vả do cuộc khủng hoảng đưa lại để xây dựng cuộc sống ổn định và ngày càng phát triển. Chuyến thăm Mariupol để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp về mảnh đất và con người nơi đây, nhưng kỷ niệm sâu đậm nhất, ấn tượng nhất chính là tình cảm ấm áp, chân tình của bà con cộng đồng Marriupol dành cho tôi. Chia tay ạnh chị em, bà con Mariupol tôi tự hứa với lòng mình: Nhất định tôi sẽ trở lại Mariupol nơi tôi có những người bạn người đồng chí thân yêu như anh em ruột thịt.

Nguyễn Văn Loan
Chủ tịch Hội CCB Việt Nam tại Ucraina