Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Ấm tình hữu nghị tại nhà máy giày da Odessa

Thứ ba, 29/05/2018 | 10:24
Có thể nói, sự thân thiện, giúp đỡ chí tình của ban lãnh đạo nhà máy giày da và người dân bản địa đóng một vai trò không nhỏ giúp cho các công nhân sớm thích nghi và hòa nhập với cuộc sống. Để chi tiết hơn, lương y Vũ Anh Dũng – cựu thành viên nhà máy giày da Odessa đã cùng Người Việt Odessa chia sẻ về vấn đề này.

Dù được hẹn trước, nhưng khi đến nơi, tôi vẫn phải ngồi chờ hồi lâu vì còn một bệnh nhân nữa đang cần ông giúp đỡ. Bên tách trà nóng mà vợ ông - bà Phù Thị Hiển pha thơm lừng, mắt tôi như bị cuốn theo người đàn ông khoác trên mình chiếc áo blu đã bạc màu, di chuyển đôi bàn tay nhẹ nhàng, khéo léo, mát xa, bấm huyệt, giúp lưng người bệnh kia bớt đau nhức. Được biết, Táo y tế của làng Staritskogo nói riêng và của cộng đồng Người Việt tại Odessa nói chung từng là y sỹ trường hậu cần bộ Tư lệnh công binh. Mang trong mình sứ mệnh cao cả, lương y như từ mẫu, ông đã giúp đỡ, chữa trị cho biết bao người tại bệnh viện quân y 110. Chẳng bao lâu sau đợt giảm biên chế, ông may mắn nhận được suất đi lao động theo diện Hiệp định giữa hai nước Việt Nam – Liên Xô tại nhà máy giày da Odessa.

Ấm tình hữu nghị tại nhà máy giày da Odessa

Kết thúc quá trình chữa trị, dưới ánh đèn vàng, nơi căn phòng ấm áp, chúng tôi cùng người y sỹ quê Thái Bình trò chuyện, gợi lại những kỉ niệm xưa cũ. Nét mặt ông bỗng rạng ngời hệt như ngày đầu ông mới biết tin được qua đây lao động. “Hồi ấy, chúng tôi có biết Odessa là ở đâu đâu, thấy người ta bảo ở gần biển Đen, học địa lý cũng có biết chút ít, nhưng mọi thứ vẫn mơ hồ lắm” – ông chia sẻ. Được đào tạo và làm quen với tiếng Nga trong môi trường quân đội, cùng với sự nhạy bén, linh hoạt vốn có của một người bác sĩ, ông thích nghi nhanh hơn trên mảnh đất đầy sự lạ lẫm này. Nhớ lúc mới xuống sân bay Moscow, thấy nhiều người đang khát, phiên dịch viên thì bận, ông tiến đến quán cà phê gần đó, bập bẹ hỏi xin nước. Ngạc nhiên kèm sự vui mừng khôn xiết, ông mang về một bình nước mát lành thật to, ai cũng trầm trồ: sao ông giỏi thế?. Sự giúp đỡ đầu tiên ấy để lại một cảm tình sâu đậm, tiếp thêm cho chính ông niềm tin, hi vọng vào một miền trời mới đầy sự thân thiện, tin yêu.

Xuống sân bay Odessa, lãnh đạo nhà máy và một số sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường Đại học ở Odessa đã đợi sẵn, chào đón và đưa đoàn công nhân về ngôi nhà chung 35 trên đường Frunze. Ấm lòng với dòng chữ in màu vàng, trang trọng trên nền phông đỏ treo ngay cổng kí túc xá (ốp) “nhiệt liệt chào mừng các công nhân Việt Nam đến thành phố anh hùng Odessa”, cả đoàn công nhân được ban quản lý hướng dẫn, chỉ bảo tận tình, giới thiệu các phòng, cách sử dụng các đồ dùng thời đó… Giọng nghèn nghẹn ông chợt nhớ về một lần, bạn ông đánh rơi hộ chiếu, người trực ốp hôm đó nhặt được đã bọc lại cẩn thận, trao trả tận tay cho các ông. Mừng rơn vì nhận lại giấy tờ quan trọng, mọi người chỉ biết cảm ơn rối rít. Về sau, sự thân thiện, tốt bụng của người phụ nữ ấy gắn kết mọi người lại gần nhau hơn. Nhiều lần các ông vẫn đến nhà chơi, gặp gỡ, giao lưu, xưng hô bằng những từ ngữ thân thương như mẹ con trong gia đình rồi dần dần thành chỗ thân thiết. Đến giờ, vợ chồng ông bà vẫn duy trì và trân quý mối quan hệ ấy, dù những tình cảm còn vẹn nguyên mà thời gian thì đã nhuốm lên mái tóc ngả màu hoa râm.

Cũng nhờ sự tận tình, quan tâm chu đáo của kamedan, ban quản lý kí túc xá, đoàn công nhân nhanh chóng thích nghi hơn và phần nào vơi bớt nỗi nhớ nhà. Mọi người bắt đầu làm quen với tiếng Nga sau một tuần ổn định chỗ ăn ở. Tôn sư trọng đạo, ông nhớ như in hình ảnh những người cô giáo năm xưa. Ông tươi cười cho biết thêm “Các cô giáo ngày ấy có trình độ sư phạm tuyệt vời lắm, khiến chính bản thân tôi luôn bị cuốn theo từng câu chữ, lời giảng của cô”. Từ giao tiếp cơ bản đến chuyên ngành, không hiểu chỗ nào, các cô lại tận tình chỉ bảo thật kĩ, giúp ông chăm chú, nghiêm túc hơn. Từ mới, khó khăn về bất đồng ngôn ngữ thì quá nhiều, phiên dịch viên trong nhà máy lại quá ít, với ý chí, nghị lực của anh bộ đội cụ Hồ, mong muốn sớm thông thạo, chủ động trong mọi việc, các ông quyết định, ngoài giờ học trên lớp, tự thân, tìm tòi thêm tài liệu, sách vở để trau dồi khả năng ngoại ngữ cho mình.

Ấm tình hữu nghị tại nhà máy giày da Odessa

Khi được hỏi về ban quản lý đoàn công nhân năm đó, ông nhắc ngay đến người quản đốc phân xưởng và cô phó phòng cán bộ nhà máy. “Họ nhiệt tình, tốt bụng lắm, không biết chỗ nào là họ chỉ bảo từng li từng tí một cho chúng tôi. Giờ đây, chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ thân thiết ấy, dù thường xuyên thăm hỏi mà mỗi lần gặp lại, chúng tôi vẫn mất đôi ba tiếng chỉ để ôn lại kỉ niệm xưa. Cũng gần 30 năm rồi, nhưng họ luôn hỏi thăm các công nhân, “giờ anh này ở đâu, con cái anh kia lớn hết chưa?...”, và rồi chúng tôi lại pha trò cười khúc khích khi đọc tên các công nhân năm xưa bởi 6 thanh trong tiếng Việt luôn là sự khó khăn rất lớn đối với họ”. – trân trọng tình cảm của họ dành cho công nhân, ông chia sẻ với nét mặt đầy rạng rỡ. Được biết thêm, trong lễ kỉ niệm 30 năm giày da sắp tới, người quản đốc phân xưởng và cô phó phòng cán bộ nhà máy ấy là hai vị khách quý đã được ông đích thân mời đến dự.

Ấm tình hữu nghị tại nhà máy giày da Odessa

Biết ơn sự giúp đỡ tận tình của hai người quản lý trong nhà máy, tôi có chút tò mò về người dân địa phương hồi đó. Ông bà hồ hởi chia sẻ: “người dân Xô Viết ngày xưa, họ tốt lắm, thân thiện mà chân chất ấy”. Một số người gắn bó từ thời ông còn là công nhân trong nhà máy, nhiều người thường xuyên hỏi han, giúp đỡ gia đình ông bà đóng cái cửa, cái ghế, làm khuôn bánh chưng từ thiện cho cộng đồng… Bà Hiển cho biết thêm: “họ quý trọng tình cảm nên có dịp ghé qua, chúng tôi chuẩn bị, làm đồ ăn Việt ở đó, mang cho họ ít gia vị Việt là họ quý lắm!”. Ngày nay, khi vòng xoáy mưu sinh, cơm áo gạo tiền, cuốn mọi người vào những ganh đua, bon chen…ta thấy được tình cảm kia đáng quý biết bao, dù xã hội có đổi thay nhưng bản chất, cốt cách của họ vẫn vậy, vẫn giữ nét sống giản dị, và luôn đối tốt với tất cả mọi người.

Nhâm nhi tách trà với từng hạt nho đen đã sấy khô, cả hai ông bà đều cởi mở kể cho tôi nghe những khó khăn, kỉ niệm đáng nhớ của một thời trai trẻ. Ánh mắt đó, nụ cười đôn hậu ấy tôi còn nhớ mãi, và chính tôi cũng thấy rất vui khi chứng kiến ông bà ngắm lại những bức hình chất chứa bao tình cảm, khi còn là công nhân trong nhà máy đến giờ. Hóa ra, cái duyên để ông bà đến với nhau cũng là nhờ nhà máy giày da Odessa, được anh trai, người ở cùng phòng trong kí túc xá 35 năm xưa giới thiệu làm quen, ông đã ngỏ lời với bà - nữ công nhân quê Bắc Giang làm việc ở thành phố Poltava thời đó. Và rồi, họ cùng nhau xây đắp, vun vén cho hạnh phúc gia đình, qua bao khó khăn, ông bà luôn tạo điều kiện tốt nhất cho hai con học hành, khôn lớn, trưởng thành. Dẫu vậy, sứ mệnh người lương y, ngọn lửa thôi thúc ông chữa bệnh giúp người vẫn còn sáng mãi. Khi nhận thấy, công việc kinh doanh không còn bận rộn như trước kia nữa, ông đăng kí khóa học theo chương trình đào tạo liên tục Cấy chỉ - Thủy châm, kết thúc khóa học cùng vốn hiểu biết trước đó, ông trở lại Odessa và chính thức mở phòng chữa bệnh cho bà con cộng đồng. Để nói rõ hơn về công việc cao cả của quan ngự y này (cái tên thân mật mà ông Phùng Đăng Dương vẫn gọi ông), Người Việt Odessa đã có lần đề cập tới trong bài Người y sỹ quân đội tận tình.

Ấm tình hữu nghị tại nhà máy giày da Odessa

Sau bao năm, tiếng lành đồn xa, không chỉ bà con trong cộng đồng mà nhiều người dân bản địa cũng đến tìm gặp để nhờ ông chữa trị. Cái tâm thiện luôn làm điều phúc trong ông đã giúp ông có những mối quan hệ gắn bó, tốt đẹp với bà con địa phương. Tình cảm, sự chân thành mà họ dành cho gia đình ông bà tựa như sợi dây liên kết nhỏ, bền chặt trong chuỗi các sợi dây thắt chặt, gắn kết mối quan hệ tốt đẹp giữa cộng đồng Người Việt Odessa và người dân bản địa nơi đây. Đó cũng là một yếu tố quan trọng để cộng đồng ta thêm phần vững mạnh.

Ấm tình hữu nghị tại nhà máy giày da Odessa Nụ cười mãn nguyện của cụ bà 96 tuổi, sau 5 ngày điều trị đau thần kinh liên sườn

Ấm tình hữu nghị tại nhà máy giày da Odessa

Nụ cười đôn hậu, lòng hiếu khách của ông bà luôn như một lực níu kéo vô hình khiến bất kì người nào ghé qua cũng đều muốn nán lại thêm chút. Cái tâm, cái đức, sứ mệnh cao cả chữa bệnh cứu người của y sỹ quân đội Vũ Anh Dũng làm sáng hơn vẻ đẹp của cộng đồng bà con nơi đây. Những chia sẻ của ông bà còn nói lên tiếng lòng của cả cộng đồng Người Việt Odessa. Đó là sự trân trọng, nhớ mãi những tình cảm tốt đẹp của nhà máy và người dân địa phương đã nồng nhiệt chào đón, cởi mở, thân tình ngay từ ngày đầu mọi người đặt chân đến. Đó là lời cảm ơn đến mảnh đất Odessa thân thương quá đỗi này. Và ông hứa sẽ làm tốt vai trò, sứ mệnh của mình hơn nữa để giúp đỡ bà con, giúp đỡ cộng đồng, giúp người dân địa phương, mang sức khỏe, niềm vui đến với mọi người.

Vô Ưu


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN