Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

"Âm nhạc dân tộc chính là cầu nối văn hóa..."

Thứ năm, 21/06/2018 | 08:37
Sinh năm 1983, Trần Thị Hương Giang hiện là giảng viên khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Với tiếng đàn bầu lúc nỉ non, khi thiết tha, réo rắt, nghệ sĩ Trần Thị Hương Giang đã có hàng chục chuyến lưu diễn ở các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến với đàn bầu như một cơ duyên định sẵn, với nghệ sĩ Hương Giang, mỗi hành trình giao lưu, mỗi cuộc trình diễn đều là một lần khẳng định lòng tự tôn dân tộc...

Cơ duyên

Trần Thị Hương Giang sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc tại xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch. Lớn lên giữa những làn điệu dân ca miền Trung, những câu hò khoan nhẹ nhàng mà đằm thắm trên dòng Linh Giang và đặc biệt là sức hấp dẫn từ những thanh âm đầy mê hoặc của “ông hoàng” trong hệ thống nhạc cụ truyền thống dân tộc... tất cả đã chắp cánh, nâng bước cho Hương Giang sớm bước chân vào con đường nghệ thuật.

"Âm nhạc dân tộc chính là cầu nối văn hóa..."Nghệ sĩ Hương Giang trong chuyến lưu diễn tại châu Âu.

Trong căn nhà đầy ắp tiếng cười tại thôn 7, xã Hạ Trạch, trò chuyện với chúng tôi, gia đình nghệ sĩ Hương Giang không giấu nỗi niềm tự hào: “Hương Giang bộc lộ năng khiếu âm nhạc ngay từ khi còn rất nhỏ. Ngày ấy, chiếc đàn bầu tự chế được làm từ vỏ lon sữa cũng khiến cô bé mê mẩn bởi những thanh âm da diết lạ lùng. Biết con có năng khiếu, gia đình đã định hướng cho Hương Giang theo đuổi con đường chuyên nghiệp, học sơ cấp, trung cấp rồi học tiếp nhạc viện và chuyên sâu”. Chính định hướng từ rất sớm đó đã giúp Hương Giang nhận thức được con đường mình cần đi bằng chính niềm đam mê và quyết tâm khổ luyện.

Rời gia đình khi vừa tròn 6 tuổi, cô bé Hương Giang cùng bà ngoại khăn gói ra đất Hà thành để theo đuổi ước mơ. Trọ học xa nhà trong điều kiện kinh tế gia đình hết sức chật vật, thêm vào đó là nỗi nhớ nhà da diết nhưng cô bé Hương Giang lúc ấy chưa bao giờ bỏ sót một buổi học. Với niềm đam mê mãnh liệt dành cho loại nhạc cụ dân dã, đơn sơ mà độc đáo, nghệ sĩ Hương Giang đã gắn kết với cây đàn bầu như một cơ duyên định sẵn.  

Suốt 14 năm khổ luyện, Hương Giang sớm “bén duyên” với hàng loạt các giải thưởng âm nhạc quốc gia, trong đó có giải A1 cho độc tấu đàn bầu “Vì miền Nam”. Đặc biệt, năm 2012, cô xuất sắc giành huy chương vàng tại Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc lần thứ I với độc tấu đàn bầu "Xúy Vân" của tác giả Ngô Quốc Tính. Gặt hái nhiều thành công khi tuổi đời còn rất trẻ, nghệ sĩ Hương Giang đã mang về cho mình những "trái ngọt" đầu tiên-thành quả sau chuỗi ngày dài phấn đấu vì đam mê nghệ thuật.

Truyền lại tình yêu và tâm huyết

Với tài năng âm nhạc thiên bẩm, Hương Giang học rất nhanh các loại nhạc cụ, đặc biệt là nhạc cụ truyền thống. Hiện ngoài nhạc cụ “chủ lực” là đàn bầu, nghệ sĩ Hương Giang còn tham gia biểu diễn với nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác nhau như đàn tranh, đàn tam thập lục...

Khi được hỏi tại sao giữa những nhạc cụ hiện đại như piano, violon, organ... đang hấp dẫn giới trẻ, nghệ sĩ Hương Giang lại chọn cho mình chuyên ngành đàn bầu để theo học?, cô chỉ cười bảo: Ngày còn nhỏ, mình đã say với tiếng đàn bầu da diết và đậm đà tình quê qua lời kể của bà ngoại. Ngày ấy, cây đàn được cấu tạo đơn giản chứ chưa được chạm trổ hiện đại như bây giờ. Vậy nhưng âm thanh của nó mê hoặc đến kỳ lạ. Nói rồi nghệ sĩ Hương Giang hào hứng tấu mấy bài yêu thích như một món quà tặng đãi khách đường xa. Từ “Bèo dạt mây trôi” dân ca quan họ, “Nam ai” xứ Huế đến vị ngọt ngào của những điệu hát ru, những lời tình tứ ý nhị “Hoa thơm bướm lượn” hay “Quê hương là chùm khế ngọt”, “Quảng Bình quê ta ơi”..., tất cả đều da diết. Dưới bàn tay điêu luyện của nghệ sĩ Hương Giang, mỗi ca từ đều được tấu lên với thanh âm nỉ non, thiết tha, trong veo thanh sắc và cũng có lúc trầm bổng, réo rắt, nhẹ nhàng đi vào lòng người.

"Âm nhạc dân tộc chính là cầu nối văn hóa..."
Mỗi chuyến lưu diễn nước ngoài đều được nghệ sĩ Hương Giang nâng niu như một cơ hội quý để giới thiệu với bạn bè quốc tế văn hóa Việt Nam.

Điều đặc biệt là với nghệ sĩ Hương Giang, mỗi chuyến lưu diễn ở nước ngoài đều được cô nâng niu như một cơ hội quý báu để giới thiệu với bạn bè quốc tế về đàn bầu-loại nhạc cụ truyền thống chứa đựng cốt cách và tâm hồn người Việt. Từ Tuần văn hóa Việt Nam tại Lào, Malaysia đến giao lưu âm nhạc truyền thống Việt Nam-Thụy Điển, Đức, Pháp..., dù ở bất cứ đâu nghệ sĩ Hương Giang và các đồng nghiệp của mình cũng cảm thấy tự hào khi nhận được tình cảm yêu mến mà bạn bè quốc tế dành cho cây đàn bầu Việt Nam. Cô chia sẻ: “Nếu nói đến đàn một dây thì ở các nước như Trung Quốc, Tây Ban Nha hay Ấn Độ... đều có cả. Vậy nhưng, cây đàn một dây có âm sắc tuyệt đẹp, có thể chơi cả dân ca, nhạc phẩm mang hồn Việt lẫn nhạc phẩm của các xứ sở trên thế giới với sự truyền cảm lạ lùng thì chỉ có đàn bầu của Việt Nam. Bởi đàn bầu không còn là tiếng ngân rung của âm thực, với âm sắc dễ nhận ra của dây tơ, dây thép hoặc inox nữa mà đã biến ảo để ngân lên các cung bậc sâu thẳm và phong phú vô cùng tận của tâm hồn người, nhưng lại ẩn đi phần ngữ nghĩa của lời ca, vì thế càng đa nghĩa và gần gũi với thưởng ngoạn của bạn bè thế giới”.

Từng tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành đàn bầu và bảo vệ thành công khóa luận về phương pháp giảng dạy chuyên ngành âm nhạc, hiện ngoài biểu diễn, nghệ sĩ Hương Giang còn tham gia giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Với âm nhạc truyền thống, dấu ấn sáng tạo luôn có vai trò quan trọng trên con đường khẳng định tên tuổi của một nghệ sĩ. Đó thật sự là thử thách cho những ai muốn bền bỉ gắn bó với nghề. Cũng chính vì thế, nghệ sĩ Hương Giang luôn cố gắng sáng tạo, tìm tòi cái mới, lồng vào mỗi bản nhạc, mỗi tiết tấu hơi thở của cuộc sống đương đại với mong muốn mang lại cảm giác gần gũi với người nghe, khiến họ dễ dàng hơn trong cảm nhận, hiểu và yêu nghệ thuật truyền thống.

Ước mong được truyền lại tình yêu và đam mê cho giới trẻ, nghệ sĩ Hương Giang đang góp sức tạo nên môi trường nghệ thuật chuyên sâu để các nghệ sĩ trẻ ngày càng thêm yêu mến, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc truyền thống trong cuộc sống hiện đại. Chúc cho nghệ sĩ Hương Giang sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường nghệ thuật mà mình đã chọn.

Theo Baoquangbinh.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN