Tác giả: Lan Anh
Hôm trước tôi có đươc nghe một cuộc tranh luận khá hay của hai người phụ nữ trên truyền hình về việc : Chúng ta có nên sợ người nước ngoài hay không? Tất nhiên, từ “sợ” ở đây là nể sợ chứ không phải cảm giác sợ hãi như xem phim kinh dị hay mang bảng kiểm điểm về cho bố mẹ ký.
Một phía ý kiến cho rằng chúng ta nên nể sợ người nước ngoài bởi không thể phủ nhận họ ưu việt hơn chúng ta rất nhiều mặt. Chúng ta học hỏi được ở họ sự chuyên nghiệp trong công việc, sự tiến bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa nghệ thuật và việc chúng ta nể sợ họ là tâm lý hoàn toàn bình thường. Hơn nữa, “nể sợ” còn là trạng thái tâm lý tích cực để chúng ta không ngừng cố gắng, nỗ lực hoàn thiện mình hơn để được như họ. “Nể” chỉ là một cách nói hoa mỹ khác đi của cảm giác sợ mà thôi, và cảm giác đó là cần thiết để phát triển.
Một phía ý kiến cho rằng chúng ta hoàn toàn không cần phải “sợ” người nước ngoài và cần phải khắc phục tâm lý này ở người Việt Nam nói chung. Chúng ta đều là những con người có giá trị riêng, đặc tính riêng, chúng ta là những cá thể độc lập và riêng nhất như nhau nên việc nể sợ hay tỏ ra thiếu tự tin, rụt rè khi tiếp xúc với người nước ngoài là một điểm yếu rất cần khắc phục. Có những dẫn chứng rất cụ thể cho việc này như: Tại sao khi đến Việt Nam, một người Tây mặc quần ngố đi dép tông hiên ngang bước vào khách sạn 5 sao và nhân viên của chúng ta vẫn khúm núm cúi chào trong khi một người Việt Nam ăn mặc như vậy thì chắc chắn không nhận được sự tiếp đón tương tự. Hoặc có rất nhiều người nước ngoài được đối xử đặc biệt hơn tại nơi công cộng so với người Việt Nam, điều này không đơn giản là sự hiếu khách, thân thiện mà còn xuất phát từ tâm lý nể sợ, tôn sùng người nước ngoài. Thậm chí có rất nhiều người nước ngoài là “Tây ba lô”, họ sống bằng tiền trợ cấp của xã hội nhưng khi sang Việt Nam vẫn được các cô gái vây quanh, được cung kính ở mọi nơi họ đến, dễ dàng có những cơ hội việc làm hơn rất nhiều người Việt tài năng khác. Chỉ vì họ là Tây.
Nghe thì có vẻ mâu thuẫn nhưng câu chuyện của cả hai người cuối cùng đều dẫn đến một thông điệp, đó là chúng ta cần tìm hiểu nhiều hơn về chính bản thân mình, trân trọng con người mình và cố gắng nhiều hơn để hoàn thiện bản thân, từ đó chúng ta có thể tự tin khi giao tiếp và làm việc với người nước ngoài. Chúng ta tôn trọng, nể phục những thành tựu của họ đồng thời nhìn rõ những mặt tiêu cực từ đất nước của họ. Có rất nhiều lao động Việt Nam làm việc trong các nhà máy sản xuất ở nước ngoài và bị những người chủ ở đó đối xử rất thậm tệ: Một nữ công nhân bị ông chủ người Hàn Quốc đánh đập dã man, nhiều công nhân bị bắt chui qua háng, liếm gót giầy…Đó là sự xâm phạm nghiêm trọng quyền con người ở những nơi được xem là văn minh và tiến bộ trên thế giới. Đôi khi chính những người nước ngoài sống tại Việt Nam, lạm dụng sự hiếu khách của người Việt để làm những việc mà chắc chắn họ không bao giờ có điều kiện được thực hiện trên quê hương mình. Thậm chí nhiều quốc gia phát triển khác cũng đang phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến sự tha hóa đạo đức con người, không phải “cứ Tây là tốt” như chúng ta vẫn nghĩ và không phải mọi thứ đến từ đất nước của họ đều là chuẩn mực.
Cuộc tranh luận này khiến tôi nhớ đến một diễn đàn mình mới được bạn bè mời tham gia trên Facebook. Một dạng forum của người nước ngoài tại Việt Nam, mục đích chủ yếu là đăng những tấm ảnh độc đáo ngộ nghĩnh, hoặc đôi khi là ngốc nghếch đáng yêu về Việt Nam – theo cách hiểu của người nước ngoài. Tôi thấy có tấm ảnh một người phụ nữ nhỏ bé chở hàng ngàn chiếc bình gốm trên đường, một chiếc xe máy chở được sáu con lợn, một vài biển chỉ dẫn hoặc những tấm menu được phiên dịch rất hài hước cho người nước ngoài đọc…tất nhiên cũng có một vài hình ảnh tiêu cực mà người nước ngoài nhìn thấy tại chính đất nước chúng ta.
Nhưng gần đây, số lượng status được update dễ đến một nửa là của người VN, kèm theo những chú thích ảnh bằng tiếng Anh. Một vài bức ảnh đúng là không like không được. Một vài bức ảnh tôi không hiểu các bạn đã suy nghĩ và cân nhắc như thế nào khi đưa lên. Ví dụ một bức ảnh chụp một cô gái xinh đẹp nằm chết trên đường, hai người bạn khác một nam một nữ đang tự sướng bên cạnh “xác chết” ấy và cười nhăn nhở. Nếu là người VN với nhau chúng ta dễ dàng nhận ra ngay đó chỉ là họ đang quay clip và tự chụp ảnh trêu đùa. Nhưng nếu là người nước ngoài nhìn vào họ sẽ nghĩ gì khi chỉ nhìn thấy một cái xác chết đầy máu me và hai con thú đội lốt người đứng thản nhiên chụp ảnh. Một comment trong số hàng chục những lời chê bai mà vốn tiếng Anh như gà của tôi hiểu được là “ What’s wrong with Vietnamese people?“ Vietnamese, ewwww”.
Thậm chí có những bức ảnh nhìn vào thì chưa chắc đã là người Việt Nam, nhưng vì cũng tóc đen da vàng, và lại được đăng bởi một em gái trẻ Việt Nam thì…tội gì mà nghi ngờ. Và còn rất nhiều những cái ngớ ngẩn khác như kiểu trình bày hẳn một bài dài ngoằng bằng tiếng Anh để chê bai mấy công ty du lịch của Việt Nam làm ăn chán đời, lên án mấy thói hư tật xấu vô văn hóa nọ kia mà thế nào đồng bào của các bạn vẫn mắc phải trong khi bạn đã lên hẳn cái diễn đàn của hàng chục ngàn người nước ngoài này để nhắc nhở kêu ca rồi? Mỗi người Việt Nam ngoài cuộc sống thật đang cố gắng từng chút một để giúp vài người bạn nước ngoài xung quanh họ hiểu và yêu đất nước này, trong khi một tấm ảnh ngu ngốc đã có thể mang đến hàng ngàn cái “ewww” của bạn bè quốc tế.
Tôi nghĩ đó cũng là hình thức biểu hiện của việc chúng ta đang “sợ” người nước ngoài, chúng ta đôi khi đã bêu riếu chính dân tộc mình để mua vui cho họ. Và chính vì việc chúng ta vào hùa với họ, đua theo mọi thứ họ làm nên đã khiến họ nghĩ rằng họ được nhiều đặc ân khi đến Việt Nam.
Chẳng phải tự dưng người ta đem chuyện nể sợ người nước ngoài lên tranh luận ở đài truyền hình quốc gia.Nó đang diễn ra hàng ngày ở một bộ phận không nhỏ những công dân Việt Nam, hình như quên mất rằng từ thời anh hùng Núp bắn Tây, đã reo vang giữa núi rừng rằng: “Máu thằng Tây cũng đỏ như máu buôn làng mình thôi”.