Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Khi Tình Yêu và Niềm Tin không đủ xóa mờ Khoảng Cách?

Thứ năm, 27/11/2014 | 03:14
Tôi nghĩ rằng câu chuyện của mẹ tôi là câu chuyện chung của rất nhiều những gia đình Việt Nam khác trong quá khứ , hiện tại và cả tương lai, đang nỗ lực từng ngày để được đoàn tụ và có cuộc sống tốt hơn.

Tôi và mẹ đã xếp xong hành lý, 5 chiếc vali to với đủ thứ đồ dùng, quần áo, vật dụng cá nhân chuẩn bị cho chuyến đi dài sắp tới.

Sau mười năm, tôi với mẹ sẽ sang Đức đoàn tụ gia đình - sự thay đổi không nhỏ với tuổi 18 mới lớn của tôi và cả tuổi 45 đã gần già của mẹ. Bố sang Đức làm ăn từ lúc tôi 8 tuổi. Ngày đó, đi Tây được xem là cơ hội đổi đời, mẹ kể đã phải dùng hết số tiền tiết kiệm của gia đình và đi vay các cô chú mới đủ tiền chạy cho chồng sang bên kia. Một người đi Tây là hy vọng của cả đại gia đình, là cái chữ “giàu” được mặc định khi có người nhà ở “bên kia”, mỗi lần gửi tiền về là được tính bằng vé, bằng đô.

Trong kí ức những ngày đi học của tôi thường không có sự xuất hiện của bố. Hai năm đầu, vì công việc làm ăn còn khó khăn bố không về. Mẹ bảo một lần về, tính cả tiền vé máy báy rồi quà cáp cho nội ngoại hai bên cũng phải vài chục triệu. Thi thoảng có người về Việt Nam, bố gửi cho gia đình một ít đồ dùng: máy sấy tóc, máy hâm nóng cà phê, sữa bột, xà phòng, cốc chén, bánh kẹo, một ít đồ dùng học tập hoặc đô chơi gì đó cho tôi, một vài chiếc áo cho mẹ,…Một tháng hoặc hai tháng bố gọi điện về một lần, điện thoại nghe nhờ bên nhà hàng xóm, chỉ có mẹ nói chuyện với bố. Mẹ hỏi thăm sức khỏe rồi chủ yếu là vâng, dạ, em biết rồi…Cứ mỗi lần đặt điện thoại xuống là hai mắt mẹ đỏ hoe, nước mắt trực trào ra. Mẹ im lặng không nói gì rồi giục tôi về nhà.

Khi Tình Yêu và Niềm Tin không đủ xóa mờ Khoảng Cách?

Chúng tôi quen dần với cuộc sống không có người đàn ông trong gia đình. Mười năm. Bố tôi về nước bốn lần để ăn Tết cùng gia đình. Lần nào tôi cũng thấy bố mẹ bàn bạc về việc có sang đó không, sang như nào và khi nào thì sang được. Mẹ trấn an tôi rằng bố đang cố gắng làm việc, kiếm thật nhiều tiền thì mới chạy được cho cả hai mẹ con mình. Ở cái tuổi lên 9 lên 10 ấy, tôi chẳng hình dung được cuộc sống khó khăn đến mức nào mà bố phải đến làm việc ở một đất nước xa xôi, mấy năm mới về nhà một lần và tại sao bố mẹ lại có thể sống xa nhau đến vậy.

Mẹ làm ở căng tin của nhà máy Dệt, cứ chiều chiều đi học về là tôi vào chỗ làm đợi mẹ cùng về. Nhiều khi nhìn thấy hai mẹ con tôi đang sửa soạn ra về, các bác làm cùng còn trêu: Bố mày đi còn lâu mới về, kiếm cho mẹ ông nào đi để còn có em bế chứ?, Thế bố sang bên kia đẻ một em tóc vàng mang về thì cháu có nuôi không?. Có lần tôi nghe thấy các bác ngồi nói chuyện với mẹ còn bảo: “Nó cứ đi biền biệt thế thì xác định là có vợ bé bên đấy rồi, có điều là phải chịu thôi chứ biết thế nào được”. Lần nào mẹ cũng chỉ cười rồi im lặng. Mười năm trời đằng đẵng. Tôi không biết đã có lần nào mẹ đặt ra những câu hỏi tương tự như vậy, hoặc mẹ cũng đã từng nghĩ vậy nhưng đành chấp nhận mà sống. Người đi vất vả vì cơm áo gạo tiền, người ở nhà mòn mỏi vì những lời ra tiếng vào và đợi chờ. Tôi hỏi có lúc nào mẹ cảm thấy mệt mỏi và mất niềm tin, rằng tại sao mẹ lại chấp nhận đợi chờ quá lâu như vậy, hay đôi khi vì khoảng cách xa xôi nên đành nhắm mắt cho qua.

Mẹ tôi bảo chắc không phải vì sức mạnh tình yêu đâu, có yêu nhau mà xa nhau cả thập kỷ như vậy thì tình yêu cũng không còn đủ sức mạnh để giữ chân con người ta trước mọi cám dỗ đưa đẩy của cuộc sống. Nhiều khi mẹ cũng ghen tuông khi nghĩ biết đâu ở bên kia bố con có một gia đình khác, khoảng cách và cả thời gian luôn là kẻ thù lớn nhất của niềm tin. Mẹ kể, ngày còn chiến tranh, bà ngoại cũng đã đợi ông đi kháng chiến mười bốn năm, có những thời điểm còn bặt vô âm tín chẳng biết sống chết ra sao. Nhưng bà vẫn đợi và chưa bao giờ để bản thân mình phạm phải một sai lầm nào. Vì bà nghĩ, nếu bà làm điều gì đó không đúng, hoặc nghi ngờ và mất niềm tin thì ông ở chiến trường sẽ gặp hiểm nguy. Mẹ cũng tin như vậy. Nếu bây giờ mẹ làm gì điều gì đó có lỗi với bố, thì bố ở bên kia cũng sẽ gặp chuyện không may và biết đâu là nguy hiểm. Cái suy nghĩ rất có thể sẽ làm cho người khác gặp bất trắc về những hành động sai trái của mình luôn mãnh liệt hơn mọi cám dỗ của cuộc sống. Bố cũng vậy, bố còn phải vất vả và cực khổ hơn mẹ con mình nhiều lần vì cuộc sống bên đó chắc chắn cô đơn và khó khăn hơn để giữ mình khỏi những phút yếu lòng. Hai mẹ con chúng ta vẫn bình an để sang Đức đoàn tụ gia đình thì con hãy luôn tin rằng 10 năm qua bố đã làm rất tốt.

Khi Tình Yêu và Niềm Tin không đủ xóa mờ Khoảng Cách?

Tôi nghĩ rằng câu chuyện của mẹ tôi là câu chuyện chung của rất nhiều những gia đình Việt Nam khác trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai, đang nỗ lực từng ngày để được đoàn tụ và có cuộc sống tốt hơn. Và tôi thực sự tin như vậy!

Chúy