Ngay từ những ngày đầu sau khi Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Bác Hồ đã nghĩ tới việc phải ngăn chặn và loại trừ căn bệnh hình thức hay thói “nói với làm khác nhau”, “nói vậy mà không nghĩ vậy”. Hơn ai hết, Hồ Chủ Tịch đã hiểu được rằng, những câu khẩu hiệu hay ho nhất, những mục đích thiêng liêng nhất nếu không được quán triệt một cách sâu sắc và đích thực thì rất dễ bị dùng làm chiêu bài để phủ lên những việc làm lắm khi thực chẳng như danh. Bác Hồ luôn muốn các cán bộ của nhân dân, phải làm việc thực sự trên tinh thần vì dân vì nước, chứ không phải vì lợi riêng mà quên lợi ích chung, phải nói điều mình thực sự nghĩ, thực sự hiểu chứ đừng vì một cá nhân. Với các nhà báo, “thật thà cầm bút” tức là phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách đúng đắn nhất trên quan điểm vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Và để làm được việc này, cần “có lập trường vững, tư tưởng đúng”, nghĩa là “phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”.
Mục đích của báo chí!
Tờ báo đầu tiên được nghĩ ra có lẽ chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin. Như vậy mục đích đầu tiên và trên hết của nghề làm báo phải là sự xác thực. Sự thật phải là bản chất của báo chí. Một dân tộc biết được sự thật về bản thân và về thế giới xung quanh thì có đủ thông tin để lựa chọn lối đi cần thiết cho mình, mới thoát khỏi cái tiếng là “dân tộc dốt”. Nhà báo chân chính hơn ai hết phải hiểu rõ nhiệm vụ cung cấp sự thật của mình cho người đọc “để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình” như Bác từng dạy trong bài giảng cho đảng viên Trung ương ngày 17/8/1953.
Và cũng vì thế nên nhà báo luôn luôn phải nắm chắc chủ đề mà mình muốn đề cập tới. Phải có góc nhìn đúng đắn vào sự việc thì mới có thể viết đúng sự thật. Viết ra sự thật không phải chỉ để giải trí mà trước hết để giáo dục. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, phần “Chống thói ba hoa” viết tháng 10/1947, Bác đã nhấn mạnh: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”. Và Bác cũng đã nói rõ rằng, muốn nói chuyện đạo đức với người khác thì mình không thể nào không làm theo những tiêu chí mà mình đã đặt ra: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý” (Thế nào là chính, ngày 2/6/1949, đăng trên báo Cứu quốc). Không phải lúc nào viết ra sự thật cũng là việc dễ dàng và được vỗ tay ngay lập tức. Sự thật hay mất lòng, đó là điều ai cũng biết. Nhà báo chân chính phải có lòng dũng cảm thực sự của một chiến sĩ, phải có tính chiến đấu, để nói ra sự thật và để kiểm chứng cái sai có bị trừng phạt không, cái đúng có được tôn trọng không trong thực tế. Năm 1953, Bác đã lưu ý tới hiện tượng “đánh trống bỏ dùi” khi báo chí đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực: “Từ khi Đảng và Chính phủ mở phong trào chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí bằng cách giáo dục, tự phê bình và phê bình, quần chúng đã biết phê bình, báo chí đã đăng những lời phê bình của quần chúng. Đó là một tiến bộ. Nhưng báo chí đăng rồi mà không kiểm tra, những cán bộ và cơ quan bị phê bình thì cứ im lặng. Đó là một khuyết điểm cần sửa chữa”.
Đối tượng của báo chí!
Tờ báo nào sinh ra cũng để phục vụ độc giả, “cho đại đa số”. Trước đã thế và nay cũng vẫn thế. Nhưng ngay cả trong cơ chế thị trường, báo chí ở nước ta tồn tại và phát triển cũng phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình: phục vụ quyền lợi của nhân dân, của Tổ quốc. Báo chí cách mạng cũng là vũ khí phục vụ quyền lợi của nhân dân lao động, chứ không phải là nơi để các nhà báo đơn thuần múa bút cho thỏa chí tang bồng như Bác từng phê phán trong bài nói tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16/4/1959: “Có người chỉ muốn làm cái gì để “lưu danh thiên cổ”. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình trên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra”... Cũng như “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” mà là tổ chức “sẵn sàng vui vẻ làm tôi tớ trung thành của nhân dân” như trong lời phát biểu kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam ngày 3/2/1951.
Cách viết của báo chí!
Có nhiều cách viết. Bác từng dạy là cần phải tránh lối viết rườm rà và đặc biệt không được sai chính tả. Chớ ham dùng chữ, phải viết gọn gàng vắn tắt nhưng không được cụt đầu, cụt cuối... Bác cũng dạy phải viết thiết thực “nói có sách, mách có chứng”... Nhưng có lẽ điều Bác dạy mà ta cần thấm thía nhất là khi làm báo, nhất là trong những bài mang tính đấu tranh, cần luôn tâm niệm một nguyên tắc đạo đức mà sách xưa đã dạy: “Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Chân lý này hôm nay không cũ và có lẽ không bao giờ cũ đối với những ai muốn làm nhà báo chân chính.
Nguyễn Hải Anh (sưu tầm)