Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Lên mạng nhiều, học trực tuyến chẳng bao nhiêu

Thứ tư, 12/11/2014 | 02:08
Theo một khảo sát 1.000 người Việt vừa được Công ty nghiên cứu thị trường TNS công bố giữa tháng 9-2014, 85% người Việt thường có thói quen xem video khi lên mạng. 

Lên mạng nhiều, học trực tuyến chẳng bao nhiêu

Internet là nơi có nguồn tài nguyên tri thức vô giá nếu biết khai thác - Ảnh: Giang Phạm

Việc lên mạng để học, trái lại là những con số quá ít. Và việc sử dụng mạng để làm giàu kiến thức đang bị bỏ ngỏ với nhiều lý do.

Chưa mặn mà với học trực tuyến

Trả lời riêng với Nhịp sống trẻ, một số trang web giảng dạy trực tuyến miễn phí đều cho biết số lượng học viên VN không ổn định và còn khiêm tốn so với tiềm năng.

Chỉ duy nhất Khan Academy (Học viện Khan) - một trong những trang web giáo dục trực tuyến miễn phí có tiếng trên thế giới - bày tỏ sự lạc quan.

“Trong 12 tháng qua chúng tôi có thêm 150.000 học viên mới đến từ VN, còn riêng tháng vừa rồi thì con số là 20.000. Hầu hết họ đều siêng học” - đại diện trang web chia sẻ với Nhịp sống trẻ ngày 21-9. 

Tuy nhiên, cũng cần nhắc thêm rằng Khan Academy không phải là MOOC (Massive Open Online Course, tạm dịch: khóa học trực tuyến đại trà, gồm nhiều tiết học xâu chuỗi và xuyên suốt theo lịch) mà chỉ đơn giản là những đoạn video bài giảng riêng biệt, người học có thể mở xem bất cứ lúc nào (như YouTube).

Với các trang web giảng dạy trực tuyến miễn phí bằng tiếng Việt cũng có tình hình tương tự. Ngay cả trang web có chất lượng đầu tư cao như Zuni cũng gặp không ít thử thách trong việc thu hút, duy trì sự ổn định ở người học.

Theo số liệu cung cấp riêng cho Nhịp sống trẻ, số lượt truy cập vào trang Zuni.vn trong ba tháng 4, 5, 6 đều trên 1 triệu lượt, tuy nhiên trong tháng 7, 8 tuột xuống còn trung bình, khoảng 700.000 lượt.

Tương tự, số đăng ký mới trong tháng 5, 6 lần lượt là 20.957 và 40.278 thì trong tháng 7, 8 chỉ còn 9.624 và 5.399...

“Có lẽ tháng 4, 5, 6 là giai đoạn thi tốt nghiệp THPT và ôn thi ĐH “nước rút” nên số lượt truy cập, thành viên mới tăng vọt, còn tháng 7, 8 thì các kỳ thi đã qua nên số lượt truy cập giảm mạnh” - đại diện Zuni cho biết.

Theo các trang web trên, người học Việt Nam hiện chỉ vào xem khi cần tìm hiểu thông tin nào đó, chưa có thói quen học dài hạn và bài bản.

Về lý do chưa khai thác kho tàng tài nguyên dồi dào trên mạng, từ các khóa học trực tuyến, bạn Phan Lê Vũ Lộc (ĐH Quốc tế TP.HCM) cho biết: “Tôi từng nghe nhiều về hình thức học trực tuyến trên nhưng nghĩ... phải tốn tiền nên ngại đăng ký. Ngoài ra, tôi nghĩ bản thân thích học theo kiểu truyền thống vì có sự tương tác qua lại, còn ở đây chỉ một mình với màn hình thì chán lắm, khó tập trung”. 

Còn Minh Trang (ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho rằng đi học chỉ cần đọc đủ tư liệu mà giảng viên cung cấp là được.

“Nhiều khóa học trực tuyến miễn phí và rất thú vị nhưng chúng tôi đã quá mệt khi về nhà nên chỉ muốn giải trí khi online. Chưa kể chúng tôi còn phải vượt qua rào cản ngôn ngữ vì hầu hết trang web lớn đều chỉ dùng tiếng Anh” - Minh Trang bộc bạch.

Tuy vậy, Minh Trang thừa nhận dẫu rất muốn cải thiện vốn ngoại ngữ của bản thân nhưng bạn cũng rất lười vào các trang web dạy tiếng Anh, chỉ thích coi video ca nhạc. 

Trong khi đó, bạn Nguyễn Hoàng Lân (ĐH Kinh tế TP.HCM) thì cho rằng lý do giới trẻ Việt chưa mặn mà với hình thức học này là vì: “Sinh viên chúng tôi không có nhu cầu biết nhiều, chỉ biết những gì cần biết là được. Vì vậy có thời gian trống thì chúng tôi thích chơi game và đi làm thêm để kiếm tiền hơn”.

Đừng lãng phí kho tàng

"Tôi nghĩ ngoài một số lý do kể trên thì thông tin, sự giới thiệu về lợi ích của phương pháp học trực tuyến vẫn chưa được phổ biến đến nhiều người nên đã vô tình lãng phí thời gian” - thạc sĩ Trần Minh Công, bí thư Đoàn Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM, nhận định.

Cá nhân ông đã hoàn thiện được vốn ngoại ngữ nhờ thường xuyên học trực tuyến. “Nếu chịu khó tìm tòi sẽ thấy nguồn tài liệu tham khảo đồ sộ cho nhiều lĩnh vực trong cuộc sống".

Trong khi đó, thạc sĩ xã hội học ứng dụng Nguyễn Diệp Quý Vy, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết học trực tuyến trước hết giúp tiết kiệm chi phí và cho phép người học chủ động về thời gian.

Điều này đặc biệt hiệu quả đối với những bạn trẻ có nhu cầu trau dồi ngoại ngữ và tìm hiểu thêm các khóa học, kiến thức mới chỉ có ở giáo trình nước ngoài.

“Chỉ cần biết cách chọn lọc hiệu quả, chúng ta có thể tham gia nghe bài giảng của những giáo sư đến từ những trường đại học hàng đầu, điều sẽ rất tốn kém ở hình thức học truyền thống. Học trực tuyến cũng có thể giúp chúng ta cân đối, giảm bớt sự sa đà vào một số hoạt động vô bổ trên mạng” - thạc sĩ Vy nói.

Theo thạc sĩ Nguyễn Diệp Quý Vy, “yếu tố chi phối mạnh mẽ nhất, theo tôi, có lẽ còn nằm ở ý thức tự học và cầu tiến của nhiều bạn trẻ chưa cao”. Vì thế dẫn đến sự lãng phí lớn lượng tri thức online bởi VN hiện có tốc độ tăng trưởng người dùng Internet cao hàng đầu khu vực.

Do vậy, nhà trường và giảng viên cần khuyến khích, hướng dẫn sinh viên tận dụng nguồn tài nguyên trên thay vì chỉ xem phim, lướt web...

“Chúng ta cũng có thể linh động lồng ghép các nội dung được cung cấp ở những trang web trên vào bài giảng để tăng tính sinh động, gợi mở” - thạc sĩ Vy đúc kết.

Bắt đầu học online, nên làm sao?

Theo trang Wikihow, các bước căn bản để học trực tuyến hiệu quả:

1. Nên xem kỹ và ghi chép nội dung, lịch trình học một cách cẩn thận để từ đó có lịch học phù hợp. Học online không đồng nghĩa kiến thức được học sẽ “dễ nuốt”.

2. Hãy tập thói quen học online đều đặn, chẳng hạn mỗi ngày dành một giờ. Cố gắng hoàn thành bài tập, làm bài kiểm tra đúng thời hạn.

3. Trao đổi thường xuyên với các bạn học cùng lớp trực tuyến để có được những hỗ trợ cần thiết. Một số trang web có tạo điều kiện để người học được đặt câu hỏi với giảng viên, chuyên gia... hãy tận dụng điều này.

Còn với trang Examtime thì lưu ý người học nên tuyệt đối tránh trường hợp “ham học” quá mức vì việc học dồn, học nhiều môn khó cùng lúc sẽ không hiệu quả.

Theo: Tuoitre