Mục đích này được tiến hành theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là chiếm và thôn tính Krym; giai đoạn hai là gây bất ổn tại khu vực Donetsk và Lugansk; giai đoạn ba - dùng lực lượng quân đội Nga chiếm các vùng thuộc hai khu vực này, ký thỏa thuận ngừng bắn giữa hai cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk với Chính phủ Ukraina, thông qua luật trao quy chế đặc biệt cho vùng Donbass. Nhưng điều này không có nghĩa là chiến tranh của Nga với Ukraina đã chấm dứt. Tổng thống Putin nhất định tìm cách đạt được mục tiêu của mình cả bằng biện pháp quân sự lẫn biện pháp hòa bình tùy thuộc vào bối cảnh chính trị.

 

Khi ký kết thỏa thuận Minsk, mục tiêu của Nga là phải đạt được việc công nhận lực lượng ly khai là một bên xung đột và buộc chính quyền Kiev phải có trách nhiệm hỗ trợ tài chính khôi phục vùng Donbass, thậm chí cả những vùng hiện lực lượng ly khai cũng như quân đội Nga kiểm soát. Phía Nga còn tính toán cả việc tìm cách đưa những đối tượng thân Nga từ các đảng Khu vực và Cộng sản tham gia bầu cử Quốc hội theo thể thức bầu tại khu vực dân cư, nhằm sau này có thể tác động hoặc gây rối hoạt động của cơ quan lập pháp Ukraina. Chính quyền Ukraina tuyên bố không hỗ trợ tài chính cho những khu vực mà lực lượng ly khai đang chiếm đóng, cũng như không tiến hành bầu cử tại các địa điểm này khi Ủy ban bầu cử Trung ương Ukraina không kiểm soát được.

Trong khi đó chính quyền tại hai nước cộng hoà tự phong tuyên bố tiến hành bầu cử địa phương vào ngày 2.11.2014. Điều này có nghĩa là chính quyền Moskva có ý định phá bầu cử của Ukraina và bằng cách đó gây nghi ngờ về tính hợp pháp của cuộc bầu cử này.

Tổng thống Nga hiểu rằng, bằng biện pháp hòa bình khó có thể đưa người của mình vào Quốc hội Ukraina, đổi lại ông Putin có thể tìm cách phá, và lại tiếp tục đưa quân vào Ukraina trong bối cảnh thỏa thuận hòa bình được thực hiện một cách hết sức mỏng manh. Không nên nghĩ rằng sân bay Donetsk, Mariupol, Ilovaisk hoặc Debalsevo chỉ có quân nổi dậy ly khai hoặc những người du kích thân Nga mang băng “chiến thắng”. Không, hành động tại đây là các chiến binh Nga được núp dưới bộ quân phục không dấu hiệu, còn các lực lượng ly khai chỉ mang tính hỗ trợ.

Không có lệnh của Putin, chắc chắn các đơn vị quân đội Nga này không thể hoạt động, thậm chí dù chỉ ở những khu vực chiến trận riêng biệt. Một trong những nhiệm vụ của các đơn vị này là gây chiến tranh để làm mất khả năng chiến đấu cũng như quấy phá không cho quân đội Ukraina củng cố lực lượng dự phòng. Những cuộc đụng độ giao tranh này trong bối cảnh thoả thuận Minsk đã được ký kết có mục đích phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội tại các vùng lãnh thổ của Donetsk và Lugansk càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên mục tiêu của họ còn lớn hơn - tối thiểu là chiếm toàn bộ hai tỉnh Donetsk và Lugansk, còn tối đa là chiếm cái gọi là "Novorossia" từ Kharkov đến Odessa và lật đổ chính quyền hợp hiến tại Kiev.

Đây là một kịch bản khắc nghiệt, tuy nhiên lại vẫn có thể khả thi. Ngoài ra, cũng không thể loại trừ việc có thể xảy ra một kịch bản mềm hơn và đỡ nguy hiểm hơn cho Ukraina và không có các cuộc giao tranh quy mô lớn. Nga có thể phái các nhóm quân đổ bộ vào lãnh thổ Ukraina thông qua chiến tuyến hiện nay giữa hai bên xung đột, qua biên giới Ukraina - Nga, hoặc thậm chí qua cả biên giới Belarus - Ukraina. Việc gây bất ổn tình hình Ukraina còn có thể vừa thông qua vấn đề khí đốt, thậm chí có thể ngừng cung cấp hẳn khí đốt cho Ukraina, vừa hạn chế hàng hoá của Ukraina vào thị trường Nga.

Dù Tổng thống Nga có sử dụng kịch bản nào đi chăng nữa thì cũng cần phải lưu ý rằng, ông Putin sẽ không thể mãi lợi dụng tình hình Ukraina để làm lợi cho mình. Vấn đề cũng không chỉ nằm ở các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Nga, mà còn ở chỗ Nga còn cần phải tài trợ cho việc khôi phục các khu vực thuộc cộng hoà tự xưng Donetsk và Lugansk. Rõ ràng Nga chưa có ý định đầu tư cho khu vực Donbass đang bị tàn phá. Chỉ riêng việc phải "cõng" thêm Krym cũng chưa chắc Nga có thể chịu nổi được thêm nữa. Do vậy Nga cần phải vội để cho kịp thời gian, nếu không đạt được hoàn toàn mục tiêu đề ra, thì chí ít cũng đẩy xung đột tới giai đoạn "đóng băng", nghĩa là khu vực Donbass sẽ được biến thành một vùng tương tự như Pridnestrovie trong lãnh thổ Moldova với một Chính phủ sẽ được dựng lên cũng tương tự như Chính phủ thân Nga của Thủ tướng Vladimir Voronin tại đây.

Mô hình Moldova là: Khu vực Pridnestrovie được coi như một thành viên bình quyền của Liên bang Nga, nhưng trong lĩnh vực kinh tế, xã hội lại nhận kinh phí, trợ giá từ chính quyền trung ương Kishinev. Thực ra, kế hoạch này của Tổng thống Putin đã không thể triển khai được tại Moldova, bất chấp tại đó đang tồn tại một Chính phủ thân Nga, do vậy nó càng khó có thể được thực hiện tại các nước cộng hoà Donetsk và Lugansk tại Ukraina. Trong tương lai, nếu với quy chế đặc biệt dành cho vùng Donbass thì các nước cộng hoà tự trị Donetsk và Lugansk này có thể đưa người của mình vào Quốc hội Ukraina và hình thành ra những đảng phái chính trị thân Nga, nhưng họ lại không cho phép Ukraina được triển khai quân đội, cảnh sát, quan chức và ngôn ngữ Ukraina tới khu vực lãnh thổ của họ.

Tổng thống Putin muốn hiện hữu tại khu vực này tình trạng ly khai giống như Apkhazia với người đứng đầu Aslan Abashidze trong Gruzia hiện nay. Nhưng cũng sẽ chẳng dễ dàng để Putin thực hiện phương án này với Ukraina. Do vậy nhiều khả năng Nga sẽ triển khai quân quy mô lớn tại khu vực Donbass.

Vậy Ukraina có thể đáp trả chiến lược này của Putin thế nào? Trước hết Ukraina phải nhanh chóng tăng cường tiềm lực quốc phòng, củng cố lực lượng vũ trang. Đồng thời Ukraina cần nhận được sự bảo đảm an ninh từ các nước phương Tây, mà trước tiên là Mỹ. Như vậy Ukraina cần nhanh chóng từ bỏ quy chế phi khối mà cựu Tổng thống Yanukovich trước đây đã cam kết với chính quyền Moskva. Tuy nhiên, đó chỉ là bước đi đầu tiên, và trên bước đường này Ukraina không phải vội vàng gia nhập NATO, cũng như không phải mong muốn nhận được quy chế đồng minh của Mỹ, mà điều cần là ký kết với Mỹ hiệp định về phòng thủ chung, tương tự như mô hình mà Mỹ đã tiến hành với Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Israel.

Việc Ukraina gia nhập NATO dễ bị Nga phản bác và ngăn cản bằng cách có thể mua chuộc một số thành viên NATO, chẳng hạn như Hungari, bởi lẽ việc thông qua quyết định trong NATO là theo nguyên tắc đồng thuận. Cũng như vậy đối với việc trở thành liên minh của Mỹ. Quy chế này có thể cho phép Mỹ hỗ trợ tài chính và vũ khí cho Ukraina, song Washington lại không thể bảo vệ Ukraina khỏi mối đe doạ quân sự.

Ngược lại, hiệp ước về phòng thủ chung vốn chỉ cần sự nhất trí của một quốc gia, mà không cần tới cả 28 nước như trường hợp với NATO, điều này sẽ cho phép Ukraina nhận được sự bảo đảm an ninh. Sự hiện diện của một số lượng nhất định quân đội Mỹ tại Ukraina cũng sẽ buộc Putin phải suy nghĩ, lùi bước, và cuối cùng có thể giải phóng cả Donbass và Krym. Chính hiệp định về phòng thủ chung mới là mục tiêu hướng tới của ngoại giao Ukraina hiện nay.

Để chống lại được sự xâm lấn quy mô lớn từ phía Nga, Ukraina cần phải cải cách quân đội. Tối thiểu quân đội phải được cải cách lại từ 300 ngàn quân nhân chuyên nghiệp và gấp đôi số đó là lực lượng quân dự trữ, được tái đào tạo từ những quân nhân đã qua thời hạn phục vụ theo hợp đồng cũng như kết hợp với các sư đoàn quân tình nguyện. Cần phải tái cơ cấu các tổ hợp công nghiệp - quốc phòng để những tổ hợp này có thể hoạt động độc lập không phụ thuộc vào việc liên kết với Nga như trước đây nhằm sản xuất các loại vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại, cũng như tăng cường mua vũ khí của nước ngoài.

Giờ đây cũng là lúc Ukraina cần phải huấn luyện quân đội theo chương trình của Mỹ, chứ không phải theo Xô viết như từ trước đến nay, đồng thời cử tướng lĩnh, sĩ quan đi đào tạo tại các học viện quân sự của Mỹ và các nước phương Tây. Quá trình cải cách quân đội này đòi hỏi phải mất từ 4 đến 5 năm và sẽ cho thành quả khi những tướng lĩnh sĩ quan được đào tạo về sẽ cho "ra lò" đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp được đào tạo theo phong cách mới. Ngoài ra Ukraina cũng cần tăng ngân sách quốc phòng lên mức 5 - 6% GDP, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ kinh tế của Ukraina với Nga bị ngắt quãng bởi nhiều lệnh trừng phạt đến từ Nga.

Trước mắt Ukraina là những năm tháng hết sức khó khăn, nặng nề. Nhưng rồi thành quả lâu dài đối với đất nước và người dân Ukraina sẽ là một nền độc lập quốc gia và sự lựa chọn Châu Âu trong đường hướng phát triển tương lai của mình.

Theo Lao động