Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Người làm chợ lão thành

Thứ sáu, 24/10/2014 | 22:26
Tôi đặt một cụm từ mới để gọi ông. Người làm chợ lão thành. Người dựng chợ, người làm chợ ở các nước thuộc khối Soviet cũ - hoặc ngay cả ở Tây Âu, Bác Mỹ phải có tố chất đặc biệt - ít nhiều cũng chính - hoặc là - giới Mafia, giới xã hội đen. Tôi chưa dám kết luận gì về người đàn ông này. Chỉ tính hai lần lấy vợ Tây, 3 lần đi tù ở Tâ

Người Việt ở chợ Troesina. Ảnh: NAM QUANG

Có thể gọi ông là Bố Già. Cái biệt danh ấy có lẽ nghiêng về phần tuổi tác. Tôi thấy hầu hết bà con ở chợ Troesina (Kiev, Ukraina) gọi ông là chú một cách kính trọng. Khi nghĩ ông là Bố Già, tôi lại nhớ đến cuốn tiểu thuyết “The Gold Father’ của Mario Puzo do Sài Gòn xuất bản trước năm 1975. Dịch giả Ngọc Thứ Lang đặt cái tên Bố Già cực kỳ hoàn hảo, không thể tìm từ thay thế. Mãi về sau, người Việt mới được xem phim do đạo diễn lừng danh Francis Ford Coppola làm (dù có từ năm 1972, sau này làm phần 2 năm 1974, rồi phần 3 năm 1990 thì không còn thấy thích thú nữa), bê về một đống giải Oscar. Ở đời hay thật, người ta sợ giới xã hội đen, sợ bạo lực nhưng lại bị ám ảnh, lôi cuốn bởi các tác phẩm văn chương, điện ảnh về nó.

Tất nhiên, về mọi tầm cỡ, người đàn ông Việt Nam này chẳng có gì gần gũi với các Bố Già trong truyện, trên phim.

Ông là người thấp bé, nhẹ cân, cứ ngỡ như cái anh lục sự, nhân viên văn phòng về hưu, quá lắm là tay chủ cửa hàng bán đồ tạp hóa… Hôm họp Đại hội Khóa 6 Hội Người Việt Nam thành phố Kiev ở Trung tâm Thương mại Cầu Vồng một ngày cuối tháng 9 vừa qua, tôi gặp ông. Đến muộn, nhưng tự tin điềm nhiên ngồi vào hàng ghế đầu dường như chỉ dành cho lãnh đạo và cán bộ của Đại sứ quán. Và rồi, đến phần đại biểu đóng góp ý kiến, thì ông cũng đưa tay lên nói đầu tiên. Âm sắc không sang, không có vẻ quyền uy nhưng thẳng thắn, ngắn gọn. Ôi trời, một thứ giọng Quảng Trị - mà sau này tôi mới biết, đã bị bứng khỏi gốc quê hương, cả đất nước mình gần nửa trăm năm - vẫn vẹn nguyên không cách trở. Tế Hanh khi về thực tế sáng tác ở giới tuyến Vĩnh Linh đã thốt lên: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu…”. Tôi thì thấy tiếng Quảng Trị là một trong những tiếng địa phương có sức nặng về mọi nhẽ, nó bền chắc và khó có thể chia cắt được.

Chẳng hiểu sao người ta lại chỉ gọi ông là Hoàng. Thật ra đó chỉ là họ. Và dù dân chợ Troesina, hay cánh trẻ doanh nhân ở Ukaraina (mà dân Việt đến tài tình, gọi tắt là U, cũng như gọi Moskva là Mát, gọi Leningrad thuở xưa là Len) kính trọng ông đến đâu thì cũng chưa đến mức gọi ông bằng họ. Có lẽ do cái tên Hoằng khó gọi chăng? Ông tên là Hoàng Hữu Hoằng.

Ông Hoàng trong chợ Troesina.

Sau Đại hội, tôi làm kẻ ăn theo khi được anh Nguyễn Văn Thuân, Bí thư I, Phó lãnh sự - người tôi rất biết ơn trong những ngày ở U - đưa đến ăn tối tại nhà ông Hoàng ở ngoài rìa trung tâm Kiev. Đất của dân có tiền, có bảo vệ từ vòng ngoài, có rừng cây thoáng đãng và biệt thự trông về hồ. Người phụ nữ thấp, nhưng không nhỏ người, mau mắn dẫn chúng tôi lên các phòng không chỉ như một nhiệm vụ. Họ bảo, trước mặt ông Hoàng, sướng thế, có Ôsin kiêm nhân viên massage, cũng là người tình. Nhưng đừng nghĩ người đàn bà có vẻ mặt vui tươi, dễ dãi ấy có một số phận an lành. Bọn trùm đưa người gọi nghề của mình với cái tên khinh rẻ “hàng’ đến sợ: “Đánh khỉ”! U là đất trung chuyển đưa người vào Châu Âu. Đứa con của người đàn bà ấy đi thoát, còn mình phải ở lại đất U, rồi ra chợ, rồi gặp ông Hoàng…

Chẳng thấy chủ nhà nói là ngày gì, nhưng rõ là thịnh soạn, không chỉ món Việt, còn có mấy loại thịt rừng xứ U. Ông Hoàng mời cả một đầu bếp, cũng người mình thôi, nhưng có vẻ tài tử, chuyên nấu đồ nhậu thì phải. Ông không phải đại gia ta thường nghĩ, tất cả độ hai chục thực khách nhưng phải ngồi xuống đất, ăn theo kiểu... Triều Tiên, Nhật Bản. Cách ông mời mọi người thấy rõ sự giản dị, thân mật như ở xóm giềng đất cát nắng nôi vùng Cam Lộ. Không thấy có các doanh nhân đẳng cấp trong Hội Doanh nhân Kiev, dù có những vị khách đang kinh doanh khá thành công như anh Hải, anh Tuấn… Họ vẫn là người của chợ, từ chợ mà dấy lên. Không phải cánh học đại học rồi ở lại, tiếng tăm giỏi, làm ăn theo hướng mới, giao du được với giới có quyền, có tiền người bản xứ.

Ông Hoàng vẫn là thứ người bị đẩy ra lăn lóc “đầu đường xó chợ”, vẫn giữ hồn cốt gốc quê, không hợm mình, hợm của. Là người dễ gần, sau này tôi còn có dịp gặp ông mấy lần ở chợ Troesina, nơi ông có công gây dựng. Hoàng đã là một “ông lão” tuổi ta là 72, sinh năm 1943. Ra Bắc tập kết, ông học ở Trường học sinh miền Nam, rồi được đi sang Quảng Đông - Trung Quốc học hết lớp 4 mới về nước. Thời ấy, thế là may mắn lắm, dễ có một tương lai tử tế. Học xong lớp 10, hết cấp 3, đi học lái tàu làm thợ. Năm 1965, khi Mỹ đánh phá miền Bắc, trông một chuyến Hà Nội -Thanh Hóa, anh chàng phụ lái tàu đã thay lái chính bị thương nặng, Hoàng cắt những toa tàu thực phẩm, chỉ để lại hai toa vũ khí sát đầu máy, tăng tốc cố trốn chạy cuộc oanh tạc của không quân Mỹ. Có lẽ vì thế, và cũng vì cái lý lịch học sinh miền Nam tập kết, được sang học tại Trường Đại học Bách khoa Kiev năm 1966. Ông Hoàng không nói rõ vì sao ông bị đuổi học, buộc phải về nước. Chỉ nói: “Vì có quan hệ với bạn bè U”. Tôi đồ rằng trai gái gì đây, lại ương ổi nên gặp sự cố lớn. Hồi ấy bị kiếp nạn ấy là muôn đời mặc cảm, không có cơ hội ngóc đầu dậy được nữa. Thế là Hoàng bảo, ông thành “lưu vong” kể từ năm 1968. Suốt 3 năm vật vờ, Hoàng vẫn học buổi chiều - không chính quy - tại trường cũ. Suốt từ năm 1971 đến năm 1999, làm công nhân ở nhiều nhà máy. Lấy vợ người U, có một trai một gái, rồi chuyện buồn lại đến, con trai ốm chết. Một phần cũng do nghèo, Hoàng buôn bán ngoại tệ từ Moskva về Kiev. Án 2 năm tù đưa ông vào trại tù dành cho người nước ngoài Tatarstan. Vợ bỏ, nên Hoàng chỉ còn biết cắm mặt vào làm mộc, mỗi ngày phải làm được 40 cái ghế nhỏ.

Trại tù nào mà không va chạm, không phải đánh nhau. Nhỏ thó thế nhưng gan lỳ, không mặc cảm, ông bảo, biết nhiều thì làm nhiều, nói ít thôi. Tôi còn ngờ rằng, chính trại tù đã rèn ông, dạy ông đủ “mánh lới”, các thứ “võ nghệ”, thứ vốn liếng duy nhất để trở lại cuộc đời.

Ra ngoài, Hoàng lại lấy vợ. Cũng là người U, Natalia Dian và có con trai Maxim - dường như ông trời trả lại cho đứa con trai đã mất. Chuyện một anh chàng cao chừng 1m55 nhỏ con như thế dám “lái” trên 2 người vợ Tây đã đáng “khâm phục”, nhưng còn ghê hơn khi Hoàng lăn lóc một thời gian làm công trường xây dựng lại đi học lái xe tải, xe ben đổ cát hẳn hoi. Xem chừng phục vụ cô vợ người Tây đã quá sức mình nên Hoàng chuyển sang lái xe taxi. Nếu không được rèn luyện, nhất là mấy năm tù, Hoàng cũng không trụ nổi cả với cái taxi vì khách say rượu, quỵt tiền và nhiều lần còn bị trấn lột. Nhưng cái nghề mở cửa xe đón khách ấy cũng cho Hoàng một cơ may để làm ăn với cộng đồng. Có một lần Hoàng chở một ông khách, thấy lạ, hỏi: "Anh dân tộc nào, sao làm nghề lái taxi?". Ông khách là Giám đốc nhà máy Krementchuk sản xuất xe Kraz, đang muốn tìm thị trường ở Việt Nam. Hoàng tham gia một số công ty nên ông quen biết một vị bác sĩ từ trong nước từng sang Kiev làm nghề châm cứu. Qua ông, anh mời con nuôi của ông tên là Quân, (hiện là người phụ trách phía Nam của Tập đoàn Hòa Phát), sang khảo sát một số nhà máy ở U.

Nhiều năm nay, Tập đoàn Hòa Phát nổi như cồn, nghe nói giàu lắm, nhưng khi ấy còn rất nghèo. Bởi thế không ít những người lãnh đạo cao nhất của Hòa Phát vẫn còn nhớ gã người Việt xứ U nhỏ bé ngày ấy đã giúp học nhập khẩu bao loại giàn giáo, máy móc, sắt thép, xe Kraz... Dù rằng sau đó Hòa Phát không còn cần đến ông Hoàng nữa.

Một lần nữa, ông Hoàng lại nghĩ cách làm ăn với cộng đồng. Nhưng lần này với chính những người lang bạt xa xứ như ông, bởi sau khi Liên Xô sụp đổ, ở đất U đã có khá nhiều. Người Việt, cũng như người U cùng nhiều người ngoại quốc phải bày bán hàng đủ loại trên các vỉa hè trong mọi thời tiết, dù mưa gió, tuyết rơi. Ông Hoàng muốn lập chợ. Nhưng lập chợ quá khó, nếu không có quan hệ với chính quyền, không có thế lực của giới Mafia. Kinh nghiệm tù đày đã giúp cho ông cơ hội làm quen với một trong 8 ông trùm Mafia có tiếng ngày ấy, Valera Prys. Ông Hoàng bảo: "Lẽ dĩ nhiên tôi cũng phải là một thành viên của Mafia, loại vớ vẩn thôi". Nhưng được sự chấp thuận và vốn liếng của ông trùm, có đất rồi, ông Hoàng đặt 700 container loại 20 tấn, quây vòng bạt. Ban đầu ông cho người Việt mượn để thể nghiệm. Người Việt mình luôn đắn đo, e ngại, lại quen tự do nên khi ấy không mặn mà lắm, trong khi người nước khác ào ào xông tới mua đi bán lại. Sau năm 1996 - 1997, mở chợ được vài năm Troesina đã đứng đầu bảng. Các công (mà hình như người U gọi là Palat, còn dân ta nói tắt là Lát) đã có giá. 1 container chỗ tốt lên tới 70.000USD.

Từ chợ này đã có những người Việt trở thành các đại gia. Nay dù kinh tế khó khăn, một số người Việt về nước nhưng vẫn còn khoảng 50 hộ dân người Việt ở cái chợ có tới 7.000 người các nước làm ăn này. Troesina vẫn là chợ lớn nhất ở Kiev.

Ông Hoàng đương nhiên đã nằm trong giới chủ chợ. Đã có tiền, đã có thế lực. Nhưng cái gì cũng có giá của nó. Ông không thể một lần chào vĩnh biệt cánh cửa nhà tù. Chợ Troesina càng lớn, áp lực càng nhiều. Người có quyền thì tham nhũng, kẻ có tiền ắt phải hối lộ, hối lộ đút lót bao nhiêu cũng không đủ. Năm 2001, ông Hoàng rời chợ vào vào tù 9 tháng, không án, vì chính quyền không đưa ra được tội danh cụ thể. Thế nhưng, lần trước không có nguyên cớ thì cảnh sát quận nơi chợ Troesina không thiếu cách. 4 năm sau, có người bỏ lựu đạn vào xe, ông lại bị đưa vào tù nửa năm để điều tra. Nhưng số ông còn may, nhóm có cổ phần lớn ở chợ đều bị bắt giam từ 3 đến 4 năm. Riêng ông trùm Valera Prys thì bị giết bởi băng nhóm khác. Ông Hoàng bảo, suốt từ năm 1997 đến 2005, xã hội U rối ren, các băng nhóm Mafia lộng hành, ông Hoàng - dù chẳng phải tay có thế lực gì nhiều, chỉ quẩn quanh xó chợ - vậy mà cũng phải có tới 4 người bảo vệ suốt ngày đêm.

Ông Hoàng thở dài khi nói về chuyện cũ. Quả là khó khăn khi kể về những năm tháng ấy. Cũng đã gần nửa thế kỷ ở trên đất này rồi, có biết bao cay đắng, nhọc nhằn... Giờ thì ông đã về hưu, nhưng vẫn làm việc trong Ban quản lý chợ. Mỗi ngày từ văn phòng, ông vẫn rảo quanh chợ, đến trò chuyện với cánh bà con áo ngắn người mình đang kiếm sống ở cái chợ mà ông có công lớn lập nên. Ông bảo, thấy vui và hạnh phúc khi thấy những người Việt từ chợ này đã giàu có, những người đang ở chợ làm nhỏ thôi, nhưng đủ ăn đủ mặc, có tiền đưa con cái về nước, ra nước ngoài ăn học và còn đầu tư về quê nhà. Ông Hoàng cũng nhiều lần về nước tìm kiếm cơ hội. Ông khoe, Lili, con gái ông, đã cho ông một đứa cháu ngoại. Chắc là ông sẽ nằm lại xứ này thôi.

Tôi rất muốn nói với ông, dù sao đời ông còn là may mắn. Là người làm chợ, lập chợ, chắc ông hiểu rất rõ. Không ít ông chủ chợ ở Nga đã mất nghiệp, phải lặng lẽ về nước, hay lánh sang nước ngoài, có những người "lừng lẫy" về danh tiếng, tiền bạc còn phải mất mạng. Còn tại sao tôi gọi ông là người làm chợ lão thành, cũng bởi, tôi vốn là người tỏ tình vĩ đại, nhà thất bại lão thành, còn ông Hoàng, dù thế nào cũng là người thành công.

(BÚT KÝ CHÂN DUNG MỘT NGƯỜI VIỆT Ở KIEV)


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN