Trong Đại hội lần thứ VI Hội người Việt Nam thành phố Kiev ngày 29.9.2014, tôi chú ý nhất đến câu của một đại biểu có tuổi, nói năng nghiêm túc như một cán bộ, nhưng ở nước ngoài lâu năm: “Tôi làm công tác buôn bán ở chợ. Tôi thấy sự va vấp với bà con chủ yếu là lãnh sự và Ban Công tác cộng đồng. Đại sứ đã ở đây 2 nhiệm kỳ và tôi thấy ngài cởi mở, dễ gần…”.
Lời nhận xét ấy khiến tôi dễ chịu về một con người, nhất là với giới lãnh đạo chính trị, cơ quan bảo vệ luật pháp và ngành ngoại giao… Bấy lâu nay, có lẽ không chỉ với tôi, giới ngoại giao bị tiếng là không gần gũi và thiếu cởi mở. Họ có thể hết sức lịch duyệt, khéo léo với người nước ngoài nhưng với đồng bào mình thì lại khác. Lúc nào họ cũng như một ẩn số! Thậm chí có nhiều lúc thật xa lạ, như là những người nói thứ tiếng khác nhau, và như có một bức tường vô hình đang đứng giữa. Vô hại, nhưng khiến tôi thấy họ ít thể hiện cá tính và có phần tẻ nhạt.
Suốt mấy chục năm làm báo, đi nước ngoài không ít, nhưng với các quan chức ngoại giao ở các sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam, tôi cũng chỉ làm công tác… ngoại giao, hay nói nôm na là xã giao lấy lệ nếu khi bắt buộc phải gặp nhau. Duy có một lần ở Tây bán cầu, trò chuyện với một vị đại sứ lão làng, có chút quan hệ với gia đình tôi, nên ông cởi mở kể nhiều chuyện, đọc cả thơ vui viết về ngành ngoại giao, nhưng lời dặn thì đã thành điệp khúc: “Đừng viết gì nhé, không chỉ những lời mình nói và cả những gì anh thấy, anh chụp những mặt tồn tại của nước bạn, cũng đừng công bố trên báo chí…”. Tất nhiên tôi phải nghe theo và chờ đến ngày ông về hưu. Và quả thật, tôi đã từng gặp mấy vị làm ngoại giao lúc sắp hưu hoặc đã hưu, nghĩa là về với đời thường ở trong nước, hoặc thậm chí họ đang làm cố vấn ở chính nước ấy cho một doanh nghiệp Việt Nam thì chân dung họ đã khác. Cởi mở, gần gũi hơn và chân thành hơn.
Ông Nguyễn Minh Trí còn ít nhất một nhiệm kỳ nữa mới có thể về nghỉ. Vì thế, tôi nghĩ cũng còn khá lâu nữa tôi mới có may mắn được làm một người bạn của ông. Cái tuổi tôi cũng như ông Trí, theo lời Khổng Tử “lục thập nhi nhĩ thuận” - nghĩa là “Sáu mươi tuổi nghe phân biệt được thật giả…”, nghe biết vậy thôi chứ mình đâu phải bậc thánh nhân mà biết rõ đến thế. Còn ở cái tuổi này, thời buổi này, giữ được một vài người bạn cơ hồ còn khó huống hồ nói gì có thêm được những người bạn mới có tài có đức, lại độ lượng, bao dung?
Dù sao, do duyên số, khi tôi bỡ ngỡ lần đầu sang Ukraina với mong muốn đến miền Đông, tôi được gặp Đại sứ Nguyễn Minh Trí. Tôi có may mắn được đi với ông cả một chặng đường khá dài, đến Odessa, đến cả Kishinev - thủ đô Moldova. Vậy mà cũng chẳng có dịp nói chuyện nhiều. Vẫn chỉ là những lời có tính xã giao. Nhưng tôi biết, ông quan tâm đến công việc tôi phải làm và có những sự giúp đỡ một cách lặng lẽ, không khoa trương nhưng cụ thể.
Đó phải chăng là phẩm chất của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp? Sở dĩ tôi có lăn tăn như vậy vì, không chỉ ở nước ta, có nhiều người “tạt ngang” sang làm ngoại giao, giữ cương vị đại sứ hẳn hoi, thậm chí Bộ trưởng Ngoại giao và không thể không thừa nhận, có nhiều vị thật xuất sắc. Nhưng có những người nhạt nhẽo, bất tài, phát ngôn chẳng giống ai. Gần đây, ngành ngoại giao Việt Nam có một chuyện một vị đại sứ đã đi vào “lịch sử”. Không chuyên nghiệp, thiếu hiểu biết lại quá tự tin đã lôi cả vợ cùng trò chuyện với cơ quan ngôn luận nhìn nhận đất nước mình đang giữ cương vị Đại sứ một cách hết sức chủ quan đến kinh ngạc. Chuyện ấy đã “mang tầm” quốc tế!
Nguyễn Minh Trí bảo, ông vừa tròn 40 năm sang học ở Liên Xô (tất nhiên bây giờ là Liên Xô cũ). Tốt nghiệp đại học, ông vào ngành và làm nhiều công việc, từ văn phòng, quản trị, hành chính, lễ tân, thậm chí còn làm cả kế toán. Các giai đoạn ở trong nước ông làm nghiên cứu, tổng hợp, công tác văn hóa… Riêng với Ukraina, đây là nhiệm kỳ thứ 3. Khi mở Đại sứ quán tại Kiev năm 1993, ông đã có mặt. Năm 1999, ông sang nhiệm kỳ 2, làm Bí thư I, phụ trách lãnh sự. Đầu năm 2014, ông được cử làm Đại sứ. Nước Nga và các nước Soviet cũ là cả cuộc đời, cả sự nghiệp của ông. Khi thời gian về nước, ông cũng chỉ làm việc ở Vụ Châu Âu, theo dõi các đất nước ấy. Không chỉ riêng ông - vợ ông, nhà giáo Lê Thanh Vân - cũng từng học ở Liên Xô, con gái ông cũng đang học Đại học Ngoại giao ở Moskva.
Tôi hỏi ông, ông có thấy tiếc khi cả đời chỉ làm việc ở một địa bàn? Với tính cách suy xét cẩn trọng của ngành, ông bảo, vấn đề có hai mặt. Nếu được làm ở nhiều địa bàn khác nhau, sẽ có cái nhìn rộng hơn, đa chiều hơn, thực tế hơn về tình hình thế giới. Như thế nó toàn diện hơn. Còn tôi thêm rằng, tri thức và sự tiếp cận nền văn hóa khác nhau làm con người có tính nhân loại hơn. Tôi nghĩ, ông cũng như tôi, đã sắp gần với cái tuổi 60 không mong mỏi một chút nào, vì thế ông nghĩ gì về tuổi trẻ, và theo ông, qua cuộc đời mình, làm ngoại giao ở lứa tuổi nào là thích hợp nhất. Nguyễn Minh Trí trầm ngâm, chậm rãi như chợt hồi tưởng lại thời trai trẻ, nhưng ông không dễ bị “mắc” vào câu hỏi ấy. Trả lời khôn khéo, bài bản nhưng chấp nhận được, bởi đó cũng là sự thật, qua chính đời mình: “Tôi nghĩ, có lẽ ngành nghề nào phần lớn cũng giống nhau. Tuổi trẻ bao giờ cũng gắn với sự năng nổ, năng động nhưng nhiều khi nóng vội, chủ quan. Đến lứa tuổi này, tôi thấy người ta tích lũy được nhiều kinh nghiệm, làm việc chủ động hơn, độc lập hơn; nhưng có lẽ sự năng nổ, sáng tạo biết đâu có phần đã giảm sút. Theo tôi, lứa tuổi đẹp nhất của người làm ngoại giao là khoảng từ 45 đến gần 60 tuổi, lúc ấy kết hợp được nhiều thứ, phát huy được nhiều mặt mạnh, có độ chín của tư duy, bình tĩnh, thận trọng và khôn khéo hơn trong hành động…”.
Có lẽ ông đã nhìn nhận đúng. Nguyễn Minh Trí biết điều chỉnh giọng, cách nhấn nhá rất tu từ và có cách nói dứt khoát thuyết phục nếu khi cần và nếu thấy cần, sẵn sàng chậm rãi để thăm dò và bày tỏ sự lắng nghe để đối thoại. Tôi mạnh dạn nói với ông về việc mà ngôn ngữ ngoại giao gọi là công tác lãnh sự. Cứ ở nơi đâu có nhiều người Việt - không có quốc tịch nước sở tại, giấy tờ, hộ chiếu hết hạn, không rõ ràng - khiến Đại sứ quán “vất vả” hơn, nhưng lại hấp dẫn hơn, bởi có cơ hội làm ăn. Gần như không có cán bộ, nhân viên ngoại giao nào muốn “nhàn hạ” ở các nước quá nhỏ bé hoặc quá ít người Việt. Người nhà tôi ở Mỹ - hồi chưa cấp visa 5 năm, có lần cho tôi xem visa vào Việt Nam của Đại sứ quán Việt Nam tại một nước láng giềng ở Trung Mỹ. Tôi quá ngây thơ không hiểu vì sao có sự nhiêu khê, mua đường ấy. Thì ra đường dây dịch vụ làm visa ở nước ấy rẻ hơn nhiều so với giá ở Mỹ.
Cũng trong một chuyến đi, tôi gặp một Tổng lãnh sự, có lẽ vì sắp về hưu nên anh đành nói thật, “Cũng kiếm ăn lần cuối. Thành phố có tới 2.000 người mình, chưa kể các nơi khác thuộc quyền quản lý của Tổng lãnh sự quán”. Nguyễn Minh Trí thông cảm với những điều tôi nêu ra, bởi ông từng phụ trách công tác lãnh sự ở Ukraina (1999 - 2002). Khi một đại biểu trong Đại hội người Việt ở Kiev đứng lên kêu rằng, hết hạn hộ chiếu là phải nhờ dịch vụ vừa vất vả, vừa tốn tiền và trả tiền visa ngay tại sân bay ở Hà Nội, Sài Gòn nhanh chóng và rẻ hơn, Đại sứ Nguyễn Minh Trí trả lời ngay, Hội có thể cử người được làm dịch vụ và phải đăng ký, nhưng người không có điều kiện phải ủy quyền nhưng ưu tiên người đến làm việc trực tiếp. Đại sứ hứa, sẽ giải quyết visa ngay cho những trường hợp mà đại biểu vừa nêu.
Ngày tôi xuống Odessa cùng, khi thấy tình hình bà con có nhiều vướng mắc về giấy tờ, ông Nguyễn Minh Trí cho gọi Phó lãnh sự xuống gấp để lắng nghe và tìm biện pháp. Khi sang Moldova, ông cũng đưa vị Bí thư I phụ trách lãnh sự đi cùng để nắm tình hình, dù ở đó rất ít người Việt, và giao cụ thể phải giải quyết vấn đề hộ chiếu, giấy tờ cho 2 người Việt lấy vợ người Moldova đã nhiều năm sống gần như “bất hợp pháp”. Ông nói với tôi: “Trách nhiệm của chúng tôi - những người làm ngoại giao - là phải bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Đối với tôi, nhiệm kỳ này phải xử lý tốt vấn đề cộng đồng. Đây cũng là 1 trong 5 nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành ngoại giao chúng ta”.
Cũng chính nhờ những hành động cụ thể và kinh nghiệm sâu về công tác cộng đồng cũng như lãnh sự, đồng bào người Việt đã tin vào ông, vào Đại sứ quán để có những việc làm thiết thực để đóng góp không chỉ cho người Việt ở vùng chiến sự
mà còn cho chính người Ukraina thông qua Hội Chữ thập đỏ và còn quyên tiền để góp phần xây dựng lại con phố đổ nát của Kiev sau những ngày biểu tình, bạo động… Mọi gợi mở, đề xuất hoạt động của Đại sứ quán được bà con có phần tin tưởng hơn.
Tôi đã từng gặp Đại sứ tại Ukraina nhiệm kỳ trước, Hồ Đắc Minh Nguyệt, nay sang làm đại sứ ở Bratislava (nước cộng hòa Slovakia), chính nhờ chị mà tôi được nói chuyện với Đại sứ Nguyễn Minh Trí trước khi rời Hà Nội. Chị bảo: “Nhiệm kỳ của tôi ở Ukraina không có chuyện gì. Thế mà anh Trí vừa sang là có biến động. Anh ấy phải vất vả đấy…”. Tôi được biết Nguyễn Minh Trí - một người nói tiếng Ukraina duy nhất trong 12 đại sứ trình quốc thư trước Tổng thống Ukraina P.Poroshenko - và thật vinh dự cho người Việt khi chính Tổng thống nói với Đại sứ: “Hình ảnh người Việt Nam luôn trong trái tim người Ukraina”. Chính vì thế, Đại sứ Nguyễn Minh Trí bảo rằng, ông cùng tất cả mọi người Việt ở đất nước này phải giữ gìn phẩm giá dân tộc, nâng cao hình ảnh người Việt trước người dân và đất nước Ukraina. Cũng như ông, tôi hiểu rằng, Đại sứ quán có một vai trò hết sức quan trọng, nó khác với tình hình ở các nước phát triển Tây Âu - Bắc Mỹ, nơi cũng có đông đảo người gốc Việt. Tôi hy vọng, cùng nhiều người Việt ở xứ sở Ukraina khi Đại sứ tuyên bố: “Trụ sở Đại sứ quán là ngôi nhà tin cậy nhất của cộng đồng. Đại sứ quán luôn phải sẵn sàng khi có các công dân Việt Nam cần đến sự giúp đỡ…”.
***
Ấy rồi, khi thân mật hơn Nguyễn Minh Trí kể cho tôi nghe một số kỷ niệm thời trẻ. Có trí nhớ ngày tháng thật tuyệt vời, ông bảo, làm phiên dịch thật khó, 5 năm chưa chắc đã ổn, dù tôi biết ông vốn học ngôn ngữ, sau còn làm nghiên cứu sinh, luận án tiến sĩ. Ông từng được phục vụ nhiều lãnh đạo cao cấp của Liên Xô cũng như Việt Nam. Ngày ấy đã quá xa, nhưng ông không quên các vị Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… khi xong công việc, bao giờ cũng hỏi ông - người phiên dịch - “Bác nói thế có được không cháu?”. Rất xa không chỉ năm tháng mà còn rất lâu, rất lâu nữa, đất nước ta mới có những vị lãnh đạo có tầm cỡ như thế…
Cuộc đời làm ngoại giao của Nguyễn Minh Trí không còn dài. Tôi hỏi ông qua chặng đường dài ấy, ông nhận thấy gì ở ngành ngoại giao? Ông cho rằng, phẩm chất của người làm công tác ngoại giao là trung thành với Tổ quốc, phải làm tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc… (Đã đành, nhưng nhiều ngành cũng cần phải như thế. Tôi không tiện chêm vào). Và ông đúc kết, nếu không kiên định giữ gìn tư cách, rất dễ bị sa ngã và sự cám dỗ đủ mọi thứ luôn rình rập người làm ngoại giao, đặc biệt khi ở nước ngoài. Ông bảo tôi: “Anh cũng như phần lớn mọi người có thể nghĩ, dân ngoại giao quần là áo lượt, lên xe xuống ngựa, tiệc tùng liên miên nhưng đó chỉ là phương tiện để làm việc, còn nhà ngoại giao đích thực là không được phô trương. Công việc phía sau nhà ngoại giao thì ít ai được thấy, bởi kết quả đàm phán không bao giờ ở các cuộc mít tinh, hội nghị mà chính ở phía sau ấy…”. Ông nói với tôi về nỗi khó khăn của người làm ngoại giao khi phải xa nhà, xa vợ con, dù rằng bây giờ Nhà nước và ngành quan tâm, có chính sách, chế độ tốt hơn, nhưng có không ít con em sống xa bố mẹ thì hư hỏng, theo bố mẹ đi nước ngoài một nhiệm kỳ về nước lại rất khó hòa nhập. Và tỉ lệ người ly hôn ở ngành ngoại giao là hơi cao…
Nếu xem xét mọi thứ tiêu chí ấy, thì rõ ràng Nguyễn Minh Trí là một nhà ngoại giao may mắn và hạnh phúc… Nhưng trước ông, với hàng vạn người Việt Nam đang phải lo mưu sinh trong thời buổi đất nước Ukraina đầy bất ổn như thế thì trách nhiệm của ông còn rất nặng nề.
Chia tay Nguyễn Minh Trí ở Kiev sau một chuyến đi khá dài, tôi rất muốn nói với ông những lời kết trong cuốn “Hành trình nước Mỹ” của Colin Powell, một người Mỹ da màu đầu tiên làm ngoại trưởng Mỹ, dẫn lời Thomas Jefferson (1743 - 1826), một trong những người lập nên nước Mỹ, là Tổng thống thứ 3: “Mỗi một người đều có một món nợ phải phục vụ đất nước mình, món nợ ấy sẽ tỉ lệ với phần mà người đó được hưởng từ tạo hóa và số phận…”. Chỉ có điều, chúng ta, ông và tôi, phải hiểu câu nói đó thế nào với chính cuộc đời mình…
Theo Lao động