Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Hà Nội phố!

Thứ tư, 22/10/2014 | 03:15
Hôm nay tình cờ lên mạng, thấy các bạn trong trang Hà Nội Phố share một cái ảnh… quen quen. Ngắm ra thì thấy người trong ảnh chính là… bà ngoại. Còn căn nhà lở lói trong ảnh cũng chính là căn nhà đã gắn liền suốt nhiều năm tháng tuổi thơ (cũng lở lói) theo của mình. Thấy các bạn t

Hà Nội phố!

Ngày xưa, ngôi nhà còn in rõ những đường hoa văn đắp nổi trang trí, giờ những đường hoa văn ấy cũng rụng dần rụng mòn theo từng lớp vữa bong tróc ra theo năm tháng. Ngày xưa, mình còn leo trèo, nhảy nhót trên cái bậc cửa sổ, làm siêu nhân phi thân từ trên ấy xuống mặt đường. Giờ thì bị cấm, vì... sợ sập.

Còn nhớ, tết năm nào ông bác cũng mặc quả quần bộ đội khươm mươi niên, đít quần dúm lại như người ta dúm mắm tôm (vì quá gầy), xộc xệch cầm chổi ra quét vôi lại ngôi nhà cho vàng khè,chặt bớt đám dương xỉ đã lủng lẳng kí sinh trên góc mái tự bao giờ. Năm nào mình cũng ngẩn ngơ đứng xem ngôi nhà ướt nhẹp, vàng một màu khó tả, và mất đi ít nhiều dáng dấp thời gian vốn có. Năm nào mình cũng thở dài, bảo với "chị thân sinh": "Con tiếc quá! Tiếc... cái cây dương xỉ quá!"

Bên trong ngôi nhà lát gạch đỏ, loại gạch mộc mà mỗi lần gõ guốc xuống lại vang lên những tiếng lộc cộc, lọc cọc, nghe rõ vui tai. Những viên gạch ấy giờ đã mòn vẹt vì những bước chân người qua lại. Trong nhà còn một khoảng sân có cây trứng gà, năm nào đến mùa, quả cũng rụng như bom bi. Nay cây đã già,nhà cũng già. Người cũng già nhưng dường như lại chẳng mấy thương tiếc những thứ cũng già nua theo mình. Ngôi nhà với mình là kí ức, những người gắn bó với ngôi nhà mới là di sản.Nhưng mình biết, đến đá, gỗ, xi măng cũng còn lở ra, rữa đi vì thời gian nữa là da thịt con người...

Cách đây chưa lâu, con phố Châu Long khi ấy là một con phố đẹp bình dị theo chuẩn mực của đường phố Hà Nội cổ, với một cây bàng xum xuê tán và một cửa hàng bán gạo mậu dịch của Ty lương thực, có những cánh cửa gỗ màu xanh, loại cửa mà phải đánh số thứ tự để xếp cho đúng mới có thể đóng lại được. Giờ thì cây bàng đã bị đốn đi, vì người ta sợ… sâu róm rớt xuống đám trẻ con hay chơi lò cò, bắn bi dưới gốc. Còn cửa hàng bán gạo thì đã thay thế bởi một quán café có nhạc xập xình. Những người chủ của quán café ban đầu có ý xây dựng quán thành một nơi hoài cổ, lưu dấu thời gian, nhưng thời gian đã không dừng lại ở đó, khi họ đã vô tình làm mất hồn cốt ngôi nhà bằng lớp vôi ve mới, bằng sàn đá bóng loáng và bằng những vật dụng hiện đại, những con người hiện đại vào ra, nói cười.

Bây giờ, ngôi nhà của bà ngoại là hình ảnh cuối cùng mang dáng vẻ xưa ở con phố cũ nhưng không còn cổ ấy. Mặc dù những đoàn khách du lịch nước ngoài vẫn ngày ngày nườm nượp lui tới đây, ăn uống trong những nhà hàng giả cổ, ngắm nghía những con người như sót lại từ quá khứ, cự tuyệt và lãng quên hiện tại, thỉnh thoảng mới ló mặt ra đường.

Đằng sau nghệ thuật bao giờ cũng là một khoảng tối! Đằng sau sự hoài cổ bao giờ cũng là những di sản của quá khứ, mà không phải tất cả những di sản ấy đều thỏa mãn với sự phát triển hiện đại.