Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

25 năm người Việt Nam đến làm việc tại nhà máy cơ khí thành phố Belaia Xerkov

Thứ ba, 09/07/2013 | 22:39
Thời gian cứ trôi đi, không bao giờ quay trở lại. Kỷ niệm, tình người và ký ức thì vẫn còn đó. Sáng ngày 8-7-2013 chiếc xe chở đoàn chúng tôi khởi hành từ Odessa, khi tiến gần vào thành phố Belaia xerkov trong cuộc hành trình dài hơn 400 cây số, để cùng nhau hội ngộ trên mảnh đất ngày đầu đặt chân sang lao động theo hiệp định giữa hai n




Là một thành phố nhỏ với chiều dày lịch sử 220 năm, tuy đất không rộng người không đông " diện tích 34,77 cây số vuông, dân số 211000 người". Nhưng nó là niềm tự hào của người dân nơi đây với những chiến công oanh liệt để bảo vệ tổ quốc vĩ đại và công cuộc xây dựng sau này. Thành phố có tầm quan trọng trong khu vực đối với Ucraina. Trong thời kỳ xô viết nó đã trở thành một trung tâm công nghiệp về kỹ thuật và xây dựng. Mặc dù bị hủy diệt tàn bạo sau những cuộc chiến tranh, nhưng bằng những bàn tay cần cù, khối óc thông minh, chỉ sau một thời gian ngắn, thành phố đã được khôi phục và xây dựng lại trông đàng hoàng to đẹp hơn xưa. Những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát, những cửa hàng cửa hiệu, trường học, bệnh viện, khách sạn lớn với trang thiết bị hiện đại. Và con người nơi đây luôn thân thiện niềm nở đón khách bốn phương. Đó là những bông hoa tô điểm cho thành phố thêm phần rực rỡ. Người dân ở đây đa số theo đạo thiên chúa giáo, người gốc do thái chiếm số đông nhất. Vì vậy họ đã xây nhà thờ ngay giữa trung tâm thành phố để làm nơi hội họp, lễ hội. Nét nổi bật là toàn bộ ngôi nhà thờ toát lên một nền trắng trong tinh khiết đẹp đẽ, mà người dân muốn kính dâng lên đức chúa trời. Vì thế họ đặt tên : "Thành phố nhà thờ trắng - Белая церковь". Đặc biệt tháng 7 năm 2011 tập đoàn Rôntôn đã đầu tư nhà máy mì ăn liền nơi đây. Do ông chu Hải Hà làm tổng giám đốc cùng một số chuyên gia người Việt, tạo việc làm cho hơn 400 công nhân người địa phương, với tổng đầu tư vốn hơn 45 triệu đô la mỹ, trên diện tích rộng 6 ha.

Vào ngày này cách đây 25 năm, nơi đây đã đón 400 anh chị em công nhân Việt nam sang đây lao động theo hiệp định giữa hai nhà nước, làm ở hai nhà máy cao su và cơ khí. Khi hết hạn hợp đồng lao động vì nhiều lý do, đại bộ phận quay về quê hương ,còn lại số ít bay đi khắp bốn phương trời tìm nơi phù hợp để an sinh và lập nghiệp, trong đó có thành phố biển Odessa. Tại thành phố Belaia xerkov vẫn còn 5 gia đình bám trụ và sinh sống cho tới hôm nay. Để chúng tôi có điều kiện và cơ hội trở về nơi đã từng in dấu chân xưa và cùng nhau tổ chức sự kiện này.

Buổi lễ bắt đầu từ 14 giờ cùng ngày, vì thấy còn sớm nên đoàn chúng tôi đi vòng quanh thành phố để được ngắm lại những cảnh vật xưa. Nơi đầu tiên chúng tôi thăm lại là ký túc xá cách đây hơn 20 năm đã sống. Tất cả không tránh khỏi được bùi ngùi xúc động, nhất là anh Mậu. Vì đây là lần đầu tiên anh dắt vợ con là chị Hạnh về “Quê”. Khi bắt đầu bước vào nhà hàng nơi tổ chức ngày lễ thì thấy các anh trong ban tổ chức chuẩn bị rất chu đáo. Chúng tôi chào nhau bằng nhiều nụ cười rạng rỡ và tay bắt chặt tay. Thăm hỏi sức khỏe, làm ăn kinh tế, con cái học hành... Sau đó khoe nhau “ tài sản để dành” là những đứa con cao lớn hơn cả bố mẹ. Và chúng tôi đố vui các cán bộ nhà máy để xem họ có đọc đúng tên các anh không? Thật là cảm động, sau nhiều năm mới gặp lại, không những họ gọi đúng tên các anh mà còn gọi thêm một số tên của các cô dâu nữa. Thấm thoắt trôi đi đã 25 năm chẵn ¼ thế kỷ, nay mọi người gặp lại nhau thì mái đầu điểm bạc. Để nhận thấy ai cũng chững chạc, phong trần, sâu lắng và trách nhiệm hơn xưa. Như những người lính trong thời kinh tế thị trường, bao nhiêu vất vả khó khăn thăng trầm bằng cả 1/3 đời người có lẻ. Nhưng không phải ai cũng gặt hái được mọi kết quả như ý. Trong số họ vẫn có người còn nhiều khó khăn vất vả. Nhưng họ bỏ đi mọi lăn tăn, hơn thiệt thường ngày để vượt lên một tầm cao hơn là tình nghĩa, tình người với nhau trong ngày gặp mặt.

Trở về thành phố mang tên Nhà thờ trắng hôm nay để cùng nhau dự ngày lễ trọng đại này, Toàn “đại gia đình” nhà máy cơ khí, mặc dù tất cả chỉ có vài chục người ở lại sống rải rác khắp Ucraina. Nhưng khi đăng ký hội tụ về đây chỉ có 19 “suất đinh”, các thành viên cùng gia đình phải đến từ Odessa, Kiev, kharkov. Tuy vậy buổi lễ vẫn diễn ra long trọng, hoành tráng và thành công rực rỡ. Các đại biểu gồm có: các ban ngành nhà máy, giám đốc, trưởng phòng cán bộ, các phân xưởng trưởng, ban quản lý ký túc xá...và cả cán bộ ôvi, cùng một số bạn bè thân hữu. Đặc biệt có sự hiện diện của hai bố mẹ anh chị Thạch là sang thăm con cháu. Chương trình bắt đầu ông Nguyễn văn Thái trưởng ban tổ chức lên công bố nội dung, và để bạn bè tây hiểu hết những gì đang diễn ra, nên bên cạnh bác Thái có cháu Thu Thảo cùng đồng hành MC vừa là phiên dịch.

Tiếp theo ông Vũ Văn Ngọ phó ban tổ chức, chủ tịch hội cựu chiến binh thành phố Kiev đọc diễn văn ôn lại chặng đường dài trong 25 năm qua.

Tuy sống mỗi người mỗi nơi, nhưng tình cảm bạn bè đồng chí ngày nào vẫn còn đó nên việc tổ chức lễ gặp mặt kỷ niệm nhân dịp 25 năm để anh em công nhân tri ân với các cán bộ và ban ngành nhà máy là thật cần thiết. Khán đài tràn ngập hoa. Đặc biệt có người quản đốc phân xưởng mang hẳn cả két rượu sâm banh cùng một bó hoa, không một ôm hoa mới đúng vì có đến hơn trăm bông. Mỗi người phụ nữ và con cháu được nhận một bông, số còn lại cùng với kiện rượu ông dành tặng cho bà mẹ đẻ của anh chị Thạch là sang đây thăm con.Trên mảnh đất này cũng đã có nhiều đôi trai tài gái sắc của anh chị em công nhân Việt nam mình nên vợ thành chồng. Con cái nay đã trưởng thành, nhiều cháu nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của nhà trường, cấp tỉnh, cấp quốc gia. Bậc làm cha làm mẹ chúng tôi không chỉ tự hào cho gia đình mình mà tin tưởng mai đây các cháu sẽ là cầu nối văn hóa, và tăng thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt nam- Ucraina.

Lúc trở về, xe chở đoàn chúng tôi đi qua trung tâm thành phố. Nơi có tượng đài kỷ niệm các anh hùng liệt sĩ vô danh đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Họ đã hiến dâng toàn bộ tuổi thanh xuân và dòng máu nhiệt huyết của mình cho tương lai và hạnh phúc ấm no của nhân dân. Toàn khu tượng đài toát lên một hình ảnh sừng sững uy nghi của các chiến sĩ cảm tử, với đôi mắt rực lửa căm thù quyết tâm xông lên anh dũng chiến đấu. Dưới chân tượng đài là ngọn lửa thiêng bốn mùa rực cháy, như nhiệt huyết nóng bỏng và tinh thần dũng cảm của các anh. Và tôi cũng vinh dự được đặt những bó hoa tươi thắm dưới chân các anh trong ngày cưới trọng đại của mình cách đây 21 năm. Trong quá trình dài phấn đấu, đến nay đã tạm bằng lòng với những gì mình có được. “Của để dành” lớn nhất trong số tài sản của tôi là hai con trai khỏe mạnh và ngoan hiền.Chúng tôi cũng đi qua công viên mang tên Alekxandria đẹp như tranh vẽ. Công viên rộng lớn nhất Ucraina hơn 200 ha, thành lập năm 1788 với hơn 600 giống cây trồng được ông sưu tầm về đây từ trên khắp mọi miền thế giới. Ngày trở về “Quê” chung vui sự kiện 25 năm tròn của người Việt nam ta sống và làm việc trên đất bạn hôm nay, cũng là để tri ân với các ban ngành cán bộ nhà máy. Buổi lễ rất đồng thuận và vui vẻ, đọng lại trong lòng mọi người nhiều cảm động và ấn tượng đẹp thật khó quên.Đối với mỗi chúng tôi đó là một ngày kỷ niệm lịch sử mang theo mãi bên mình trong dòng đời còn lại.

Sau đây là một số hình ảnh buổi lễ.










 



















Trần Thị Thúy