Được gọi là Cộng đồng, nhưng ngưởi Việt Nam sinh sống và làm ăn ở Azerbaijan chỉ vẻn vẹn ngót 10 người, cả người lớn và trẻ em, nếu không kể hơn 30 sinh viên hiện đang theo học Học viện Dầu khí Azerbaijan và Học viện Ngoại giao theo diện cử tuyển từ trong nước có thời hạn 4,5 năm. Cộng đồng cũng chỉ sinh sống tập trung ở thủ đô Bacu, thậm chí trong cùng một căn hộ thuê chung ở một khu chung cư gần trung tâm thành phố… Một bữa cơm thân mật như giữa những người thân trong gia đình đã diễn ra ấm cúng, mặc dù nơi ở của bà con chưa phải là những căn hộ rộng rãi, sang trọng và phải dồn hết đồ đạc sang phòng của gia đình này, gia đình kia mới dành ra được một phòng rộng nhất kê bàn ghế tiếp đoàn khách đông. Và rồi, tất cả mọi người đều thực sự xúc động khi những vị khách quý là ông Lê Hồng Anh và đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam cùng các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga kiêm nhiệm Azerbaijan … đã dành thời gian tới thăm bà con. Nơi đây vốn không nhiều những đoàn công tác từ trong nước sang.
Ân cần thăm hỏi tình hình làm ăn, sinh sống của bà con, ông Lê Hồng Anh rất vui khi biết bà con tuy chưa dư giả so với cộng đồng VN ở nhiều nơi khác nhưng cuộc sống ở đây khá ổn định bởi bà con nhận được sự ưu ái khá lớn từ Chính quyền Azerrbaijan. Đặc biệt, nhờ sự quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam khi mới đây đã đề đạt trực tiếp với Tổng Thống Azerbaijan và được đồng ý cấp phép cho người Việt Nam đăng ký cư trú 5 năm liền, thay vì phải làm từng năm như trước đó. Sau khi thăm hỏi cặn kẽ tình hình làm ăn, đời sống, học tập của bà con cộng đồng, ông Lê Hồng Anh rất chia sẻ và cho biết:
“Trong các cuộc làm việc với Tổng thống, Thủ tướng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, rồi Bộ trưởng Ngoại giao tôi đều có nói, cảm ơn đã tạo điều kiện cho cộng đồng bà con ở đây và mong muốn có sự quan tâm hơn đến bà con để được ổn định về việc làm, các cháu học tập cho tốt. Bà con mình sinh sống học tập nói chung tốt, không có gi vi phạm là tốt. Bà con hãy cố gắng, đoàn kết, thương yêu nhau, và sản xuất, kinh doanh có hiệu quả”
Chị Lưu Thị Hương, là người từng sang Nga làm việc từ năm 1988 và sau này về Bacu tự kinh doanh để trụ lại khi Liên Xô tan rã. Rất xúc động với sự chu đáo, gần gũi của một lãnh đạo cấp cao và những người cùng đi, chị Hương nói:
“Qua đây chúng em cũng xin cảm ơn Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã quan tâm, các bác ở trên ĐSQ đã giúp đỡ chúng em rất nhiều. Nếu như không có các bác cũng như không có các đoàn của Chính Phủ, của ĐSQ sang đây thì cộng đồng chúng em gặp rất nhiều khó khăn ở đây. Hôm nay thay mặt bà con em xin cảm ơn các bác đã bớt chút thời gian đến thăm chúng em. Đây là vinh dự rất lớn của chúng em”.
Chia tay với đoàn công tác, bà con cộng đồng Việt Nam ở Azerbaijan, dù ít ỏivề số người, đã mang một ấn tượng thật ấm áp về sự quan tâm, chu đáo của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đối với những người con xa xứ.
Lưu lại thêm chút thời gian với bà con, chúng tôi được biết, bà con hầu hết đều xuất phát từ những người sang lao động xuất khẩu theo Hiệp định và khi Liên Xô tan dã đã về đây buôn bán kinh doanh, lập nghiệp. Tuy số người không nhiều, nhưng ai cũng có ý thức đùm bọc, thương yêu nhau. Chị Trần Thị Bích Nguyệt, sống ở đây từ năm 1992 hiện nay cũng kinh doanh một cửa hang nhỏ cho biết :
“Chúng em ở đây chủ yếu là thế hệ thứ nhất, nhưng sống như một gia đình. Chúng em chỉ buôn bán nhỏ, thì trong mọi công việc đều hỗ trợ nhau ví dụ như việc gì, thông tin gì người này biết thì lại thông báo cho nhau. Nói chung là đều tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cả”.
Anh Trần Văn Minh, sang làm việc từ năm 1983. Khi Liên Xô tan rã anh đã ở lại và theo học Đại học tại Học viện Dầu Khí Bacu, rồi ở lại làm ăn từ những năm còn có nhiều thuận lợi. Nhận xét về điều kiện làm ăn trong mối quan hệ với người dân Azerbaijan, anh Minh cho biết:
“Dân Azerbaijan nói chung sống hòa đồng, không phân biệt đối xử bởi vì chính người dân Azerbaijan cũng sống ở nước ngoài khá nhiều. Mà đặc biệt là an ninh rất bảo đảm. Cộng đồng người Việt ở đây sinh sống và làm ăn cho đến nay làm ăn, định cư bảo đảm quy định của nước sở tại. Nói chung họ đều có cửa hang buôn bán và nộp thuế cho Nhà nước”.
Với bà con ở Azerbaijan, mưu kế sinh nhai dẫu không nhiều nhưng có lẽ, mục đích lớn nhất bây giờ là làm sao để đủ tiền cho con cái ăn học. Chính bởi vậy, với những cháu đang được bố mẹ cho đi học đại học ở đây có ý thức rất tốt trong phấn đấu vươn lên. Cháu Phạm Ánh Ngọc, sinh viên năm thứ nhất khoa Phiên dịch tiếng Nga, tiếng Anh trường Đại học Xlavianxk của Azerbaijan tự hào nói:
“Cháu tự đánh giá bản than mình thì cháu được loại khá trở lên và được bạn bè, thầy cô rất quý mến. Các trường Đại học lớn trước kia cũng có nhiều sinh viên VN đến học ở đây cũng rất tốt và cháu cũng tự thấy là mình phải phấn đấu làm sao thật tốt để sau này các thế hệ tiếp theo đến học người ta cũng nhắc đến cháu là một sinh viên xuất sắc”.
Cháu Trần Việt Phương, sinh viên khoa dự bị tiếng Anh trường Đại học Xây dựng cũng là một con em trong cộng đồng Việt Nam đang phấn đấu để trở thành một phiên dịch viên tiếng Anh và tiếng Azerbaijan trong tương lai.
Cũng chính vì những mục tiêu ấy của con trẻ, vì những điều tốt đẹp trong suy nghĩ của người dân sở tại đối với cộng đồng Việt Nam ở Bacu mà việc tiếp tục cuộc sống ổn định ở đây vẫn là hướng đi của bà con Việt Nam ở đây. Chị Lê Thị Cúc, người mới sang Azerbaijan được 8 năm nay khẳng định:
“Người dân Azerbaijan ở đây cũng tốt, làm ăn cởi mở chứ cũng không đến nỗi khó khăn, thế nên chúng em chắc là sẽ “đọng” ở đây lâu”./.
Chia tay bà con, chúng tôi cầu chúc cho bà con sẽ mãi mãi có được sự ổn định trong cuộc sống ở đây và vươn lên phát triển hơn nữa, trở thành cầu nối hợp tác, hữu nghị với người dân, đất nước Azerbaijan như kết quả tốt đẹp của chuyến thăm và làm việc vừa diễn ra của đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam./.
(Điệp Anh, Bacu, 16/10/2014)