Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, với cương vị là người tổ chức và lãnh đạo phong trào cách mạng, Bác Hồ luôn luôn nêu bật vai trò của sự đoàn kết như yếu tố tối quan trọng để tạo nên sức mạnh của lực lượng. Ngay từ khi còn hoạt động trên vùng rừng núi Việt Bắc và nhen nhóm ngọn lửa cách mạng qua phong trào Việt Minh, năm 1941, để tuyên truyền lôi kéo quần chúng Bác đã viết bài ca dao Mười chính sách của Việt Minh. Sau khi kể hết những công việc sẽ làm được khi cách mạng thành công, Bác Hồ đã nhấn mạnh tới yếu tố tiên quyết của mọi sự:
“Muốn làm đạt mục đích này,
Chúng ta trước phải ra tay kết đoàn…”
Trong bài nói chuyện tại buổi lễ bế mạc hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu ngày 18/1/1949, Bác đã đưa ra thêm một thuật ngữ “đoàn kết thật thà”. Bác nói: “Đồng chí ta tuy có khi khác nhau về chủng tộc hay khác nhau về nguồn gốc giai cấp, nhưng là người cùng chủ nghĩa, cùng mục đích, cùng sống, cùng chết, chung sướng, chung khổ, cho nên phải thật thà đoàn kết. Muốn đi tới mục đích, không phải chỉ tổ chức là đủ, phải chân thành trong tư tưởng nữa…”.
Đoàn kết không phải là “chén chú chén anh”, là anh A giấu lỗi cho anh B. Trong nội bộ phải thực hành dân chủ, phải luôn luôn tự kiểm thảo để đi đến đoàn kết. Phê bình và tự phê bình phải từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Phê bình trên công tác cách mạng, phê bình để tiến bộ, không phải để xoi mói.
Trong bài Phải theo đúng kỷ luật của Đảng in trên báo Nhân Dân số 217 (ra từ ngày 22 tới 24/8/1954), với bút danh C.B, Bác viết:
“Đoàn kết là sức mạnh của Đảng. Đoàn kết chặt chẽ và kỷ luật nghiêm khắc, hai điều đó không thể tách rời nhau”.
Năm 1963, trong bài viết Đoàn kết tiến lên giành thắng lợi mới in trên báo Nhân Dân số 3235 ra ngày 3/2, Bác cũng nhấn mạnh:
“Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí. Mỗi cán bộ đảng viên phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách và đường lối của Đảng, tôn trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng...”.
Và cũng trong bài báo này, Bác đã vạch ra những khiếm khuyết trầm kha mà một bộ phận đảng viên có thể mắc phải và “cần phải nghiêm khắc phê bình và thật thà sửa chữa”. Đó là:
“Cá nhân chủ nghĩa: Ít nghĩ đến lợi ích chung của cách mạng, mà thường lo cho lợi ích riêng của mình. Tham danh lợi, hay suy tị. Có chút thành tích thì tự cao, tự đại, kiêu ngạo, công thần, gây lủng củng trong nội bộ…”.
Bác cho rằng, cũng do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra những căn bệnh như tự do chủ nghĩa, quan liêu, mệnh lệnh, tham ô lãng phí, lười biếng…
Trong một dịp khác, nói chuyện tại hội nghị bồi dưỡng chỉnh huấn do Trung ương triệu tập từ ngày 22 tới 26/1/1965, Bác đã nói rõ hơn về những căn bệnh nảy sinh ở các cán bộ đảng viên mang nặng chủ nghĩa cá nhân:
“Số người ấy không hiểu sức mạnh của Đảng chính là ở sự tập trung thống nhất, ở kỷ luật sắt của Đảng. Hễ có đôi chút hiểu biết, đôi chút thành công thì tự cao, tự đại, vênh vang kiêu ngạo, tự cho mình tài giỏi hơn người. Ở cương vị phụ trách thì tự cho mình có quyền hơn hết thảy, định đoạt mọi việc; ở ngành nào địa phương nào thì coi đó là một giang sơn riêng, không biết đến lợi ích toàn cục. Họ coi thường những quyết định của tổ chức, họ là những “ông quan liêu”, chỉ thích dùng mệnh lệnh đối với đồng chí và nhân dân… Số người đó coi Đảng như cầu thang để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng, mỗi đồng tiền hạt gạo đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí. Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi…”.
Và Bác kết luận:
“Tất cả những lỗi lầm nói trên đều là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân.
Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt…”.
Trong bài báo Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân in trên báo Nhân Dân số 5409 ra ngày 3/2/1969, Bác đã viết thẳng rằng những cán bộ, đảng viên bị dính vào chủ nghĩa cá nhân là những người “đạo đức, phẩm chất còn thấp kém”. Và chính vì cá nhân chủ nghĩa nên họ phạm phải nhiều sai lầm. Và Bác yêu cầu:
“Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa, về đường lối chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu sát thực tế, gần gũi quần chúng, thực sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ…”.
Tư tưởng này đã đau đáu trong từng con chữ của bản Di chúc, được công bố ngay sau khi Bác qua đời:
“Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm túc tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng.”…
Hôm nay đọc lại những dòng này, vẫn thấy mang tính thời sự và còn nóng hổi làm sao!
Hải Anh (theo tài liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)