Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Đôi dòng tâm sự của người công nhân giày da năm nào

Thứ năm, 04/07/2013 | 12:42
Tháng 7 năm 1988, gần 300 công nhân Việt Nam lần đầu tiên đặt chân đến thành phố cảng Odessa, làm việc trong nhà máy giày da theo hiệp ước kí kết về lao động giữa Việt Namvà Liên Xô. Đã 25 năm trôi qua nhưng với người công nhân giày da năm nào - chú Ngô Xuân Trình, ký ức về những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi, hăng say lao đ

 
Đôi dòng tâm sự của người công nhân giày da năm nào

Chú Ngô Xuân Trình là cây văn nghệ rất tích cực của cộng đồng

Chú Trình chia sẻ:

- Ngày ấy, nước mình vẫn còn khó khăn gian khổ. Khi đó chú đã phục vụ quân ngũ được 11 năm; theo sự điều động của Đảng và nhà nước, chú đã rời vùng quê nghèo Yên Bái để đến đây làm công nhân lao động, cùng với gần 300 anh chị em khác, mà thành phần chủ yếu từ quân đội hoặc con em trong nghành.

PV: Cảm nhận của chú khi lần đầu tiên đặt chân đến Odessa như thế nào ạ?

Chú Trình:   `

- Lúc đó chú 28 tuổi. Vào một ngày hè tháng 7, chú lần đầu được lên máy bay, bay đến phương trời Tây, và thấy cuộc sống ở đây đối với chú lúc ấy như thiên đường. Cuộc sống thật hiện đại và khác xa so với điều kiện Việt Nam lúc ấy, trong sân bay có điều hòa, rồi anh em được chở trên một chiếc xe khách sạch sẽ thơm tho. Xe chạy qua ốp trên đường Frunze, chú và các anh em đi cùng đã rất vui mừng khi thấy trên đất bạn dải ruy băng quảng cáo  màu đỏ viết bằng tiếng Việt “Chào mừng các bạn Việt Nam đến làm việc tại nhà máy giầy da” . Ấn tượng nhất là họ không chở mình vào ốp luôn, mà chở qua phòng vệ sinh dịch tễ thành phố để tắm rửa và thay quần áo sạch. Trong ốp cái gì cũng mới và hiện đại với các chú lúc ấy, nhà cao tầng, xe điện,  giường ga chiếu đệm, vòi nước sạch…

Đôi dòng tâm sự của người công nhân giày da năm nào
Một buổi sinh hoạt tại chi hội Lvov

PV: Những ngày đầu làm việc trong nhà máy chú có ấn tượng gì với con người Xô Viết và công việc mới ạ?

Chú Trình:

Dây chuyền công nghệ của họ lúc ấy rất hiện đại và sạch sẽ, quần áo bảo hộ được trang bị đầy đủ. Công nhân Việt Nam mình luôn làm việc rất nhanh nhẹn, còn các công nhân Xô Viết lúc đó rất tốt, luôn nhiệt tình giúp đỡ mình để làm quen với công việc. Người dân Xô Viết luôn luôn đúng giờ và làm việc cực kỳ nghiêm túc. Trong số đó, chú ấn tượng nhất là bà thợ cả, luôn chỉ bảo ân cần và hàng tháng đều yêu cầu tăng lương cho những người Việt. Chính những tình cảm rất chân thành, gần gũi của những người bạn nơi đây đã giúp chú nguôi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Thời đó thông tin liên lạc hạn chế hơn bây giờ rất nhiều, có những lúc nhớ người thân, thấy buồn và trống trải lắm (cười).

Đôi dòng tâm sự của người công nhân giày da năm nào

Cháu Thắng - con của anh chị Dũng Hoa- được sinh ra đầu tiên tại kí túc xá Phrunze 35

PV: Chú làm việc trong nhà máy được bao lâu, và vì sao nhà máy lại tan rã ?

Chú Trình:

Chú làm việc từ tháng 8/1988 đến năm 1992 thì nhà máy tan rã. Lý do chủ yếu là sau khi liên Bang Xô Viết tan rã, nhà máy không thể tìm được nguyên liệu cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm.

PV: Sau khi nhà máy đã tan rã, toàn cảnh xã hội lúc đó thế nào và các cô chú công nhân thì đi đâu ạ?

Chú Trình:

Nhà máy tan rã, phần lớn các cô chú được gửi vé bay về Việt Nam, do nhiều nguyên nhân nhiều anh em đã bám trụ lại cuộc sống nơi đây. Thời gian đó, cuộc sống tương đối nhũng loạn, một số phần tử xấu gây lộn xộn cướp bóc trong cộng đồng. Trước bối cảnh đó, các anh em sinh viên và công nhân quyết tâm thành lập nên Hội đồng hương lâm thời, chủ tịch là chú Nguyễn Văn Khanh. Và qua vài lần Đại hội Hội người Việt luôn luôn có mặt anh em công nhân giày da trong ban lãnh đạo Hội.

Đôi dòng tâm sự của người công nhân giày da năm nào

Chú Trình cùng bạn đi dạo tại bậc thang Pochomkin nổi tiếng

PV: Thế với cá nhân chú, thì cuộc sống chú ra sao sau khi nhà máy tan rã đến nay?

Chú Trình:

Sau một thời gian nhà máy tan rã, lúc đó chợ 7km mới hình thành, các anh em Việt Nam được khoảng 300 mét đất đứng chung nhau bán hàng ở đó. Mọi người luôn đoàn kết và giúp đỡ nhau làm việc. Rồi sau dần, mỗi người đều có it lưng vốn để mua công ra làm riêng, Cuộc sống của chú cũng rất nhiều thăng trầm vất vả, vào sinh ra tử cũng đã nếm đủ mùi. Nhưng chú luôn cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống hiện tại, nuôi dạy con cái tốt, tham gia ca nhạc văn nghệ.

Đôi dòng tâm sự của người công nhân giày da năm nào
Chú Trình cùng bạn bè bên tượng Dug - Thị trưởng đầu tiên của Odessa

PV:  Vừa qua, trong Đại hội lần thứ VII Hội người Việt Nam tỉnh Odessa, chú đã được tin tưởng bầu vào Ban thư ký Đại hội, chú có suy nghĩ gì về Đại hội cũng như hoạt động của Hội thời gian gần đây?

Chú Trình:

Đại hội vừa qua có thể nói là Đại hội thành công nhất kể từ khi thành lập Hội cho đến nay. Đại sứ quán đánh giá cao mà bà con trong cộng đồng cũng có phản hồi tích cực, củng cố lòng tin vào sự điều hành của Ban lãnh đạo Hội. Chúng ta hãy cùng tin tưởng rằng, thời gian tới Hội sẽ có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, ngày càng vững mạnh và phát triển. Cá nhân chú rất mong muốn có thể tiếp tục đóng góp tâm sức của mình cho các công việc chung. Đồng thời, chú cũng rất mong muốn tất cả bà con trong cộng đồng ta đều nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm vì lợi ích chung của cả cộng đồng, tích cực tham gia các công việc chung. Như thời gian này, Hội đang tiến hành thu Hội phí, việc chúng ta tích cực đóng góp Hội phí vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm, vừa là quyền lợi của chúng ta đấy nhé (cười).

Đôi dòng tâm sự của người công nhân giày da năm nào

Mùa đông tại Odessa

PV:  Là đại diện cho cho thế hệ người Việt thứ 2 sống tại đây, cháu rất cảm ơn những chia sẻ của chú cho độc giả và thế hệ trẻ như chúng cháu để biết về một thời chông gai, vất vả của các chú, các bác để xây dựng nên cộng đồng lớn mạnh như ngày nay. Cháu chúc chú luôn mạnh khỏe và có thêm nhiều đóng góp cho cộng đồng!

P/V báo Người Việt Odessa