Tại Đại hội toàn thể Hội người Việt Nam tỉnh Odessa vừa qua, bà con cộng đồng thể hiện quyết tâm cùng đoàn kết vượt qua khó khăn
Ai đã từng đến Odessa thì không thể quên được thành phố nằm bên bờ biển đen. Đây là một trong những khu nghỉ dưỡng lớn nhất Ucraina có khí hậu ôn hòa, nước biển ấm, có nhiều bãi biển cát trắng đẹp nằm cách nhau trên chiều dài khoảng 30 cây số. Thành phố cổ kính có chiều dài lịch sử hơn 200 năm tuổi vì thế hằng năm đón một lượng khách du lịch đến đây lên tới hàng triệu, có năm còn nhiều hơn cả số người dân sống tại đây.Thành phố Odessa dân số lớn thứ ba sau thủ đô Kiev và Kharkov có gần 1015000 người, nằm trên diện tích 236,9 cây số vuông. Odessa là một thành phố công nghiệp không khói, cảng biển lớn, một vị trí đắc địa thuận lợi cho ngành thương mại chủ yếu về xuất nhập khẩu. Odessa được biết đến không chỉ có bậc thang Potemkin, biển và các bãi biển đẹp mà còn cả thị trường buôn bán lớn ở chợ “Cây số 7”.
Chợ “Cây số 7” được thành lập vào năm 1989 đến nay đã qua hơn 20 năm tồn tại và phát triển, nằm trên diện tích khoảng 70 hecta và có tới hơn 15000 điểm bán hàng. Kinh tế chợ là một mảng thu nhập rất lớn của thành phố. Trong đó có sự đóng góp và tất nhiên cũng thu được một kết quả rất tốt đối với cộng đồng người Việt. Cách đây gần 30 năm bắt đầu là những lưu học sinh, sau đó là những anh chị em sang đây theo diện hợp tác lao động của hai nhà nước. Khi hiệp đồng kết thúc phần đa mọi người quay về quê hương còn một số ở lại tự kiếm kế sinh nhai và tồn tại cho tới bây giờ. Mọi người coi đây là quê hương thứ hai để yên tâm làm kinh tế xây dựng gia đình, nuôi dạy con trẻ và còn góp phần giúp đỡ quê hương đất nước. Tất nhiên cũng có cả trách nhiệm và nghĩa vụ với chính quyền sở tại. Cho đến bây giờ có lẽ vì "mảnh đất lành" nên đã hội tụ về đây gần ba nghìn người. Nhưng thật trớ trêu thay khi cơ chế và chính quyền thay đổi thì một số thành viên "cựu" trong những người được gọi là đặt nền móng đầu tiên trên "mảnh đất hứa" này phải chịu cảnh không giấy tờ tùy thân khi họ đã chính thức trở thành ông bà nội ngoại. Bên cạnh đó thì những người đến sau sinh muộn lại tạm thời vẫn bình yên vô sự. Lý do vì đâu???. Chẳng lẽ do năm 2013 là một năm có nhiều biến động và thử thách. Con số 13 không mấy thiện cảm với người dân nơi đây. Nhất là ngày 13 đúng vào thứ 6 trong tuần. Liên quan vấn đề giấy tờ tùy thân của một số bà con trong cộng đồng, rất mong BCH Hội kết hợp với Đại sứ quán giúp đỡ bà con.
Người Việt ta được đánh giá là rất chịu thương chịu khó và có tính cộng đồng cao nhưng rất nhiều hạn chế trong giao tiếp về mọi mặt.Vì trước khi ra chợ chỉ cần học bồi một thời gian, còn những người được đào tạo chính quy rất ít. Bà con ta sống ở đây có gần 100% phụ thuộc vào kinh tế chợ. Nếu kinh tế chợ hết thời thì chúng ta chuyển đổi nghề không dễ, đây quả là một bài toán khó. Nhìn vào thời điểm hiện tại, chủ chợ tiến hành quy hoạch xây dựng, đồng nghĩa với việc bà con ta mất chỗ bán hàng mất luôn cả những đồng vốn sau bao nhiêu năm tích cóp được để mua pa-lát. Những người đầu tư công chỗ thì mang tiếng là cho thuê nhưng thực chất là rút vốn ra ăn dần. Chủ hàng thì không bán hết hàng, tồn đọng nhiều. Khủng hoảng bắt đầu từ 2008 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Nhiều gia đình kinh tế hao hụt rất lớn, số lượng người giàu giảm, người nghèo và phá sản tăng. Nhiều chuyên gia nổi tiếng đã cảnh bao giới đầu tư rằng thế giới đang sống trong tình trạng mọi thứ đều bong bóng. Thịnh vượng ảo trong quá khứ, cho nên nền kinh tế phải trả giá. Khủng hoảng là khách quan nhưng do một số bà con ta đánh giá sai tình hình, vay mượn đầu tư sai mục đích hoặc không may mắn nên đẩy nhanh tới đổ vỡ. Không những mất hết tài sản của nhà mình mà còn ảnh hưởng tới cả bạn bè và người thân. Nền kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu ổn định nên không chỉ có nhà nước và doanh nghiệp cần cơ cấu lại mà mỗi gia đình chúng ta cũng cần phải tái cơ cấu: Chọn hướng đầu tư kinh doanh, chi tiêu hằng ngày trong gia đình. Cuộc sống không nên hà tiện, nhưng lúc này cũng nên áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng" để phòng lúc ốm đau và nuôi dạy con cái ăn học đến nơi đến chốn. Chúng ta cần có một khoảng lặng để ngồi nghĩ về chính mình, đánh giá những thành công và thất bại đã qua, đó là hình ảnh chân thực nhất của con người mình nếu cần thì phải thay đổi. Một người khi vốn liếng ban đầu không có là bao nhưng nếu có đầu óc kinh doanh giỏi thì có nhiều cơ hội trở nên giàu có. Còn một người giàu có mà không biết quản lý đồng tiền thì sớm muộn nó cũng ra đi. Người ta thường nói: "thương trường là chiến trường ". Nền kinh tế chưa thấy dấu hiệu khởi sắc, cung thì nhiều còn cầu thì ít vì vậy chúng ta không nên quá mạo hiểm trong đầu tư. Nên dựa vào năng lực của mình là chính, mèo nhỏ bắt nhiều chuột nhỏ, trứng bỏ nhiều giỏ...Vì vay mượn lúc này là điều không dễ khi niềm tin trong cộng đồng ta đang bị lung lay sau nhiều biến cố xẩy ra. Bạn bè không thể giúp nhau dễ dàng và vô tư như trước nữa. Cho nên cộng đồng bà con ta cần phải cùng nhau "gạn đục khơi trong" để xây dựng lại niềm tin như ngày xưa. Muốn thế mỗi chúng ta trước tiên hãy"trở thành những người đáng tin". Người Việt trước tiên phải thương yêu người Việt. Sau đó chúng ta mới mong chờ những sự ưu đãi từ chính quyền sở tại và người dân bản địa. Thực chất kinh tế chợ đã bão hòa và ảm đạm trong mấy năm gần đây trên một số thị trường lớn như Kiev và kharkov... Những điểm bán hàng trước đây rất có giá trị nhưng hiện nay trở về gần như bằng không. Còn thị trường ở Odessa đến muộn hơn, vậy không phải là không đến. Nhưng tôi tin vào nghị lực và lòng quyết tâm của bà con ta. Chắc chắn sẽ cùng nhau đoàn kết để khắc phục và vượt qua khó khăn này. Trong cái khó sẽ ló cái khôn. Sau cơn mưa trời sẽ hửng sáng.
Trên đây là mấy điều chia sẻ của riêng cá nhân tôi. Chúc mọi gia đình sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
VT