An Nhiên
“Có những con đường không thể tới thành Rome
Nhưng Khau Vai thì tới...” (Khau Vai – Trần Hòa Bình)
Có những chuyện tình không thể nên duyên chồng vợ nhưng cứ mãi vấn vương, vướng vít, quyến luyến hai tâm hồn. Tình yêu như tiếng khèn của chàng trai trên đỉnh núi, dìu dặt, thiết tha gọi mời, tình yêu như tiếng đàn môi của cô gái dưới bản, réo rắt, lưu luyến nhớ nhung... Họ tìm đến Khau Vai vì một mối tình duyên chưa dứt...
Vượt 180km đường đèo khúc khủy từ thị xã Hà Giang đến bản Khau Vai, rồi lại lặn lội đi hết con đường đèo gập ghềnh, ta đến với chợ tình Khau Vai. Từ mờ sương, những người dân tộc váy áo sặc sỡ như những bông hoa rừng đã dập dìu cùng nhau xuống bản tìm bạn. Chỉ tay lên một đỉnh núi chon von lởm chởm toàn đá tai mèo sắc nhọn, Giàng A Lủ cười hỉ hả: “Nhà tao ở trên kia, đi qua ngọn núi này, hết ngọn núi nữa là tới!”. Đường về nhà của A Lủ mơ hồ như đường lên trời. A Lủ đã trèo đèo lội suối 2 ngày mới tới được chợ tình để gặp bạn cũ, một cô gái Mông mà lòng chàng trai này say đắm, nhưng có duyên mà không có phận. Cô gái giờ đã là vợ người ta, A Lủ giờ cũng đã là bố của một đàn con, nhưng năm nào họ cũng hẹn gặp nhau ở Khau Vai để ôn lại tấm tình xưa cũ.
Chuyện kể rằng chợ tình Khau Vai bắt nguồn từ một mối tình đẹp và buồn của một đôi nam nữ. Tuy khác dân tộc nhưng họ vẫn đem lòng yêu nhau tha thiết. Mối tình đã gây ra xích mích giữa hai tộc người, không đành lòng nhìn cảnh tang thương ấy, đôi trai gái đã chia tay nhau và hẹn mỗi năm một lần, vào ngày 27/3 Âm lịch, sẽ gặp lại nhau cho thỏa nỗi nhớ thương, xa cách. Chợ tình Khau Vai có từ ngày đó. Trong phiên chợ đặc biệt mỗi năm chỉ có một lần này, người ta không tới để mua bán, đổi trác, những đôi trai gái đến đây để tìm nhau vì một mối duyên tình còn dang dở. Ngày nay, chợ tình Khau Vai không đơn thuần là một nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc vùng cao nơi địa đầu Tổ quốc, mà đã trở thành một điểm hẹn du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Người ta tìm đến đây không chỉ vì tò mò, ham khám phá, mà còn để được hòa mình vào một tập tục đầy tính nhân văn, nhân bản.
Chợ tình “họp” trên một rẻo đất chênh vênh, không quán sá, không xôn xao, nhộn nhịp như những phiên chợ vùng cao thường thấy, chỉ có một vài chiếc bàn dài cũ kĩ bày những chai rượu ngô, vài chiếc bát uống rượu đã ố vàng màu men và mấy nồi thắng cố bốc khói nghi ngút, phục vụ cho những chàng trai, cô gái xuống chợ. Bên bát rượu ngô cay nồng, những đôi trai gái tìm đến với nhau, người cười rạng rỡ vì gặp bạn cũ, người lại ngậm ngùi xót xa, rơm rớm giọt nước mắt như tiếc nhớ một mối tình nồng đượm. Họ đã để lại trên con đường mòn trùng điệp đá sắc kia tất cả mọi toan lo bộn bề của cuộc sống, tạm gác lại gia đình nhỏ bé, người vợ, người chồng và cả những đứa con của mình, để được sống lại một thời quá khứ với những mối tình miên man không đầu không cuối.
Có những đôi trai gái gặp được nhau, có những mối tình được nối lại, nhưng cũng có những người xuống chợ mà vẫn không tìm được người mình nhớ mong. Sùng Mí Páo là một người đàn ông không may mắn. 60 tuổi với mái đầu bạc phơ, ông vẫn lặn lội vượt đường xa xuống chợ, nhưng người phụ nữ ông hẹn vẫn biệt tăm. Đã nhiều năm nay ông không gặp lại bà, nhưng năm nào cũng vậy, Páo vẫn xuống chợ với một niềm tin dai dẳng. Ngày đã ngả về chiều, màu của trời đã hòa lẫn với sắc xám lạnh của đá, những đôi trai gái đã dắt tay nhau tìm một chốn riêng tư để tự tình. Riêng Páo vẫn ngồi bên bát rượu, ngà ngà men say, đôi mắt vẫn đăm đắm hướng về con đường đất đã nhá nhem, vắng vẻ, nơi lối mòn dẫn về bản của người ông thương. Đâu đó, vang lên giữa thinh không bao la của núi tiếng khèn gọi bạn, da diết nhớ nhung:
“Đợi anh hết mùa lanh, đợi anh qua mùa đào
Vượt đỉnh Mã Pí Lèng, ta tìm về với chợ tình Khau Vai...”