Đào Thị
Và nàng lại lên đường, bắt đầu một cuộc đào tẩu vào ngay giữa cái mùa mà người ta hối hả sum họp. Nàng đi. Viết. Viết. Rồi lại đi. Những con chữ cũng theo bước chân nàng uể oải trườn bò lên trang giấy. Xúc cảm của nàng cũng trải ra, xâm chiếm những khoảng không ít ỏi còn sót lại.
Co Xàu. Một ngày mưa. Nàng đã đặt chân đến đó. Nơi bản làng vùng biên ải mang một vẻ tiêu điều bình thản. Có những con chó nằm ngủ vùi bên mái hiên sũng nước. Có những đứa bé lấp ló trong khung cửa tối thui. Có những cây hạt dẻ xác xơ, trơ lại những chùm quả gai góc của mùa trước còn sót lại. Có những nếp nhà xanh rêu như đã tự ngàn năm đứng đó.
Trong cơn mưa, cảnh vật nhòa nhạt, mặt người nhễu nhại.
Những tấm giấy đỏ dán trước cửa nhà không đem lại không khí vui tươi cho những mảng màu xám đen của đá, cũng như những xâu bánh chưng, xúc xích treo trên gác bếp không xua được vẻ nghèo túng, đói khát của những bản làng vùng biên. Trong mắt nàng, tất cả chỉ là một vẻ xám xịt, một màu tối đen đầy thi vị. Nàng đang trôi lơ lửng trong cái nỗi buồn trong veo ấy.
Nước sông Quây Sơn mùa này xanh ngắt một màu ma mị.
Trong những thị trấn hẻo lánh, nơi đã từng một thời đô hội, một thời là Hồng Kong của Việt Nam, nay chỉ còn lại những tàn dư của một thời quá vãng. Những ngôi nhà xây theo kiểu người Hoa đã từng rất bề thế, nay chỉ còn là một phế tích đứng xo ro. Gió biên ải thổi rơm rạ bay ràn rạt. Hồn ma thị trấn đang hát những khúc liêu trai.
Trống trải. Lạc lõng. Nàng lạc giữa những tàn tích cô quạnh để tìm sự đồng hiện, đồng thoại, đồng cảm. Nàng đặt chân tới một chốn câm lặng để nghe mình gào thét bằng những thất thanh.
Cái bình ảo tưởng mộng mơ nuôi sống nàng đã cạn rồi. Hiện thực giáng xuống nàng những cái tát váng vất. Nàng là đứa trẻ vừa được ăn bánh vẽ, nhìn tờ giấy, nhìn đôi bàn tay không rồi gào khóc, hờn giận.
Chỉ còn lại nàng ngồi trơ giữa phiên chợ đã vãn người.
Báo Người Việt Odessa độc quyền đăng bài viết này