PV: Mới đây, qua trả lời phỏng vấn báo Người Việt Odessa, Chủ tịch Hội - ông Nguyễn Như Mạnh đã tổng kết một năm hoạt động của BCH Hội người Việt Nam tỉnh Odessa nhiệm kỳ VII. Còn ông, với tư cách là Trưởng ban thanh tra Hội, ông đánh giá như thế nào về hoạt động của BCH?
Ông Đặng Xuân Tiếu:
Ban thanh tra Hội có nhiệm vụ thay mặt cho bà con giám sát hoạt động của BCH Hội và các tổ chức đoàn thể trong cộng đồng. Đánh giá về năm hoạt động đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Ban thanh tra Hội cho rằng BCH Hội người Việt đã làm được rất nhiều việc có ý nghĩa thiết thực và được bà con đánh giá cao. Nhìn chung bà con đồng tình, ủng hộ và đặt niềm tin vào BCH Hội. Điều đó thể hiện qua việc bà con tự giác, tự nguyện tham gia các hoạt động của cộng đồng. Vừa qua, Hội triển khai công tác thu hội phí, bà con rất tích cực đóng góp.
PV: Kết quả đóng hội phí như thế nào thưa ông?
Ông Đặng Xuân Tiếu:
Kết quả hiện tại như sau:
+ Làng sen có 220 hội viên đóng hội phí
+ Kva 1 có 140 hội viên đóng hội phí
+ Kva 2 có 125 hội viên đóng hội phí
+ Sorsa có 117 hội viên
+ Lvov có 55 hội viên
+ Xukhoi Liman: 15 hội viên
Số lượng này so với cùng thời điểm năm ngoái thì có giảm nhưng trong tình hình bất ổn chính trị, bà con gặp khó khăn trong công việc làm ăn, một số bà con đang băn khoăn ở lại hay về nước…,tôi cho đây là một kết quả tốt. Các chi hội trưởng đang tiếp tục vận động để bà con đóng hội phí. Những trường hợp quá khó khăn, các chi hội trưởng có thể tạm thời miễn giảm.
Nhìn chung bà con cộng đồng ta có ý thức trách nhiệm rất tốt, ai cũng hiểu được rằng mình sống trên đất khách quê người nên cần phải có tổ chức để đoàn kết và bảo vệ lẫn nhau. Bà con thấm thía hậu quả của việc mất đoàn kết nội bộ 2 năm vừa qua.
P/v: Bà con hiện nay đang gặp những khó khăn nào thưa ông?
Ông Đặng Xuân Tiếu:
Bà con cộng đồng ta hiện nay đang gặp hai khó khăn sau:
-Mặc dù tại Odessa không xảy ra chiến sự nhưng do tình hình Ucraina mất ổn định nên việc kinh doanh của bà con gặp nhiều khó khăn.
-Một số đối tượng chuyên đi cung cấp thông tin nội bộ ra bên ngoài gây bất lợi cho bà con.
Cụ thể là gần đây, do chính quyền địa phương (vừa có nhiều sự thay đổi nhân sự) đang nghi ngờ chợ “cây số 7” tiêu thụ hàng nhái từ các xưởng may đen nên chính quyền kiểm tra một số điểm bán hàng tại chợ trong đó có cả điểm bán hàng của người Việt Nam. Ngay khi sự việc xảy ra, luật sư của chợ và phiên dịch Hội đã gặp những bà con trên và nêu ra một vài phương án giải quyết nhưng bà con không thống nhất được cách giải quyết chung. Lý do là vì một số người làm dịch vụ đã “bỏ bom” nên một số bà con chạy theo phương án của họ. Vụ việc chỉ được giải quyết xong sau khi có sự thống nhất cách giải quyết.
P/V: Theo chủ trương của Hội người Việt, những dịch vụ nào không nên tồn tại trong cộng đồng thưa ông?
Ông Đặng Xuân Tiếu:
Trong cộng đồng hiện nay xuất hiện nhiều người làm dịch vụ giải quyết các vướng mắc cho bà con. Tính nguy hiểm của các đối tượng này là ở chỗ: chính họ tạo ra vấn đề, gây ra những khó khăn cho bà con và cuối cùng bà con là đối tượng làm tiền của bọn chúng.
Dịch vụ làm thủ tục xuất nhập khẩu và những dịch vụ đi kèm đã tồn tại từ khi cộng đồng hình thành. Đây là những dịch vụ cần thiết hỗ trợ cho công việc kinh doanh của bà con. Tôi rất hoan nghênh nhưng không thể chấp nhận dịch vụ giải quyết vấn đề của bà con như bằng thư mạo danh tố cáo giấy tờ, điểm bán hàng, nơi ở… để cơ quan pháp luật kiểm tra sau đó đứng ra giải quyết.
P/V: Vậy hướng của lãnh đạo Hội để giải quyết vấn đề này như thế nào?
Ông Đặng Xuân Tiếu:
Cộng đồng ta hiện nay hoạt động rất dân chủ, không có sự áp đặt. BCH Hội rất tôn trọng và lắng nghe ý kiến của bà con. Khi có việc xảy ra, vì liên quan đến mình nên bà con có quyền chọn phương án giải quyết. Nhưng lãnh đạo Hội cần phải tuyên truyền và giải thích để bà con hiểu nên giải quyết công việc như thế nào khi gặp vấn đề vì nếu không cẩn thận bà con không chỉ tạo ra tiền lệ bất lợi cho mình sau này mà còn gây khó khăn cho luật sư của Hội khi tham gia giải quyết. Nhiều trường hợp qua dịch vụ, khó khăn không được giải quyết mà còn tiền mất tật mang.
Cộng đồng kêu gọi những người có khả năng tham gia đóng góp xây dựng cộng đồng nhưng những người đấy phải là những người có uy tín và đạo đức tốt, thành thạo tiếng Nga, hiểu biết pháp luật, có khả năng kinh tế. Đồng thời, cộng đồng cũng cần phải loại bỏ những người không đủ uy tín và tiêu chuẩn tranh thủ lúc tình hình lộn xộn để làm tiền bà con, tung ra những thông tin thất thiệt gây khó khăn cho những người có thẩm quyền lúc giải quyết công việc của bà con.
P/V: Hướng giải quyết của Hội trong tình hình hiện nay như thế nào thưa ông?
Ông Đặng Xuân Tiếu:
Hiện chúng tôi đang thu thập bằng chứng về những đối tượng chuyên cung cấp thông tin nội bộ cộng đồng cho bên ngoài để làm hại bà con và sẽ báo cáo lên Đại sứ quán để giải quyết.
Hành vi của những đối tượng này là khi bà con gặp khó khăn, người làm dịch vụ gọi điện thoại đến, nêu giá dich vụ và cầm tiền của bà con, lập đi lập lại nhiều lần như thế là điều rất bất thường.
Lãnh đạo chợ “Cây số 7” đã thành lập công ty luật “An toàn kinh doanh” được 3 năm và hoạt động rất tốt mà bà con VN thường gọi là “Avek”, phần lớn bà con đều có hợp đồng với họ. Do có nhiều thay đổi trong chính quyền bạn nên lãnh đạo chợ chưa kịp gặp gỡ để giải thích và cung cấp thông tin trung thực để chính quyền mới tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tiểu thương kinh doanh tại chợ trên cơ sở pháp luật. Hiện tại, lãnh đạo chợ can thiệp ngay những trường hợp kiểm tra không tuân thủ qui định pháp luật. Với những trường hợp có lệnh của tòa theo vụ án hình sự, lãnh đạo chợ gặp khó khăn hơn vì cần có thời gian để xem xét đối tượng kiểm tra có liên quan đến vụ án hình sự đấy không. Việc này cần thời gian trong khi tâm lý của một số bà con Việt Nam là muốn nhanh và ngay vì thế người làm dịch vụ mới có đất tung hoành. Lãnh đạo chợ hiện đã thu được nhiều bằng chứng cho thấy nhiều trường hợp điểm bán hàng bị kiểm tra không liên quan đến vụ án hình sự mà công an đang điều tra và một số đối tượng đi các điểm bán hàng thu thập những thông tin bất lợi để làm tiền bà con. Trong thời gian tới lãnh đạo chợ sẽ gặp gỡ các cơ quan chức năng và mọi việc sẽ được giải quyết tốt đẹp để bà con yên tâm kinh doanh và nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
Vì thế, trong thời gian trước mắt, bà con kinh doanh cần phải cảnh giác cao độ, không nên tập trung hàng một nơi quá nhiều. Khi chẳng may bị kiểm tra, cần phải qua phiên dịch của Hội và luật sư chợ “Cây số 7” giải quyết. Như thế, thiệt hại của bà con sẽ giảm thiểu rất nhiều.
P/V: Có một số ý kiến cho rằng công ty luật của chợ “An toàn kinh doanh” hiện nay không có khả năng bảo vệ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Đặng Xuân Tiếu: Thực tế là giữa tiểu thương kinh doanh tại chợ và lãnh đạo chợ có mối quan hệ khăng khít với nhau. Môi trường kinh doanh không tốt sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của chợ. Vì thế, khi bà con bị kiểm tra điểm bán hàng, lãnh đạo chợ cũng rất lo lắng. Trong cuộc sống và đặc biệt là việc kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận lợi nhưng chúng ta mong muốn. Chợ “Cây số 7” là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Châu âu tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người dân Odessa, lãnh đạo chợ là những doanh nhân có khả năng kinh tế và mối quan hệ rộng rãi nên tôi không tin rằng họ gặp khó khăn khi giải quyết vấn đề mà là họ chọn thời điểm thích hợp để giải quyết. Dù môi trường thuận lợi hay khó khăn, người Việt chúng ta là dân ngụ cư nên lúc nào cũng phải bảo ban nhau cùng đoàn kết làm ăn và luôn đề cao cảnh giác. Thương trường và những bài học của cộng đồng đã dạy cho chúng ta như thế.
Phóng viên Người Việt Odessa thực hiện