Bắt đầu từ tháng 2/2014, đảo quốc Malta ở vùng Địa Trung Hải chính thức triển khai chương trình mua bán quốc tịch, mang tên Citizenship for cash (CFC). Hiểu nôm na là bán quốc tịch hay có tiền là có quốc tịch. Chương trình này dấy lên sự lo ngại về an ninh toàn cầu, nhất là nạn nhập cư trái phép vào các nước Âu -Mỹ.
Kẽ hở cho tội phạm
Cộng hòa Malta là một đảo quốc 300 km2 nhưng lại có mật độ dân số cao bậc nhất thế giới. Quốc đảo gồm bảy hòn đảo nằm giữa Địa Trung Hải, cách đảo Sicilia (Italia) 93 km về phía nam, cách Tunisia 288 km về phía bắc, vịnh Gibralta 1826 km về phía đông và Alexandria 1510 km về phía tây.
Là một quốc gia trung lập, Malta được xem là nơi có chính sách nhập cư thoáng nhất châu Âu. Chương trình CFC được khởi xướng làm cho nhiều người phấn khởi, nhất là nhóm người có nguyện vọng nhập cư vào châu Âu và xa hơn là đến các nước khác, nhất là Mỹ, còn chính phủ các nước nhất là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ thì lại lo lắng bởi nó là phương tiện tiếp tay cho nạn di cư bất hợp pháp, khủng bố phát triển.
CFC chính thức được đảng Lao Động của Malta đề xướng và ủng hộ, nhằm thu hút 1,9 tỷ USD đầu tư, giúp kinh tế Malta có thêm sinh khí mới, tạo thêm công ăn việc làm. Ngay từ đầu nó thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nga, Arập Xêút, Iraq hay Libya, bởi đây là những nước có tỷ lệ di cư cao.
Có tiền là có quốc tịch
Tuy nhiên, dự án này đã làm cho nhiêu nước lo ngại như ngồi trên đồng lửa. Trước tiên, phải kể đến Liên minh châu Âu (EU) bởi một khi passport (hộ chiếu hay giấy thông hành) bị thả nổi thì chủ nhân của nó có thể đi lại và làm việc tại bất ở cứ nơi nào trong số 27 nước thuộc EU mà không cần visa. Ngoài ra, còn có thể đi lại không cần visa đến 69 quốc gia khác ngoài EU, trong đó có cả Mỹ, Canada… Tuy nhiên, để mua được quốc tịch Malta, khách hàng phải thỏa mãn một số tiêu chí như, phải trả khoản tiền mặt lên tới 891.000 USD, phải có tài sản hoặc mức đầu tư làm ăn tại Malta trị giá lên tới 685.000 USD.
Ngay trong chính phủ Malta cũng có nhiều người phản đối, cho rằng, CFC sẽ tạo ra kẽ hở nguy hiểm an ninh cho các quốc gia EU, tiếp tay cho nạn mua bán quốc tịch, nạn ăn cắp, giả mạo hộ chiếu.... Riêng Mỹ thì lo lắng sự lạm dụng giấy thông hành giả sẽ tạo cơ hội cho bọn tội phạm, khủng bố đi lại một cách dễ dàng, gây ra nhiều thảm họa mà con người chưa lường hết, nhất là trong bối cảnh an ninh rối ren như hiện nay.
Nhóm chống đối chương trình CFC cho rằng chính phủ đã "khoán trắng" cho Công ty Henley & Partners (HPC), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại đảo British Channel Islands. HPC đảm nhận việc sàng lọc đối tượng, vừa tiếp nhận đơn đăng ký lại đảm đương các công việc khác, theo kiểu "vừa đá bóng vừa thổi còi" như phân loại, thẩm định đối tượng để loại bỏ những phần tử tội phạm, khủng bổ. Để trấn an dư luận, ông Eric G. Major, Giám đốc điều hành HPC cho biết, thay mặt chính phủ, công ty HPC sẽ làm hết sức mình theo đúng quy trình, không bán nhầm quốc tịch, riêng những người đứng đơn từ Iran và Siry sẽ bị loại.
Theo hợp đồng ký với chính phủ, HPC sẽ được hưởng hoa hồng 4% trên số tiền phí nộp hồ sơ 891.000 USD/mỗi người. Ngoài ra, HPC còn được phép thu thêm của khách hàng 96.000 USD phí hồ sơ nhập tịch. Sau khi HPC thực hiện xong công đoạn sàng lọc, kiểm tra, hồ sơ được chuyển lên cho văn phòng Identity Malta, cơ quan cấp căn cước của chính phủ để hoàn tất khâu cuối. Số tiền hoa hồng HPC nhận được thực tế sau khi hồ sơ đã được Identity Malta phê duyệt. Đây là quy trình tương đối thoáng, thậm chí còn chấp nhận cả những đối tượng có tiền án, tiền sự muốn mua quốc tịch. Chính sự thoáng này làm cho dư luận không khỏi băn khoăn, bởi đây là kẽ hở để bọn tội phạm có thể thực hiện các âm mưu bởi chúng không thiếu tiền.
Trước những phản đối từ nhóm đối lập, EU và Mỹ, Chính phủ Malta cũng như PHC mới đây đã đưa ra hàng loạt giải thích và các biện pháp bảo đảm an ninh cần thiết. Ví dụ, HPC sẽ thực hiện nhiều khâu kiểm định chi tiết hơn còn chính phủ cũng sẽ cập nhật, đưa thêm một số tiêu chí như ngoài khoản tiền lệ phí, số vốn đầu tư, tài sản nhà cửa thì người xin nhập quốc tịch Malta còn phải có thời hạn cư trú tại Malta ít nhất 1 năm.
Giá mua quốc tịch ở đâu cạnh tranh nhất?
Ngoài Malta, trên thế giới hiện còn nhiều quốc gia khác cũng đã và đang áp dụng chương trình mua bán quốc tịch tương tự để thu hút nhân tài. Đứng đầu có Mỹ, quốc gia này đã đưa ra hình thức cấp giấy chứng nhận thường trú (residency) chứ không bán quốc tịch, cho doanh nhân có vốn đầu tư làm ăn tại Mỹ từ 1 triệu USD trở lên. Theo đánh giá, chương trình này nó mang tính hai mặt, có thể bị lợi dụng cho việc rửa tiền.
Ngoài Mỹ, tại St. Kitts and Nevis, người muốn nhập cư vào quốc gia này chỉ cần đóng 250.000 USD cho Quỹ người lao động về hưu hoặc có tài sản 400.000 USD dưới dạng đầu tư. Tại Antigua và Barbuda, hồi tháng 4/2014 vừa qua cũng đưa ra áp dụng chương trình và mức giá tương tự. Tại Dominica, những người muốn mua quốc tịch chỉ phải bỏ ra 100.000 USD. Những loại hộ chiếu đặc biệt kể trên rất phổ biến ở Trung Đông, mặc dù St. Kitts and Nevis chính thức ngưng việc cấp quốc tịch cho nhóm người đến từ Iran kể từ năm 2011.
Một số quốc gia có mức nhập tịch đắt hơn như Síp mới đây lại giảm giá của chương trình "công dân đầu tư" từ 13,5 triệu USD xuống còn 4,4 triệu USD để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là Nga. Riêng CH Áo lại áp dụng chính sách cấp quốc tịch công dân cho những người đã thực hiện "dịch vụ đặc biệt" hoặc đảm bảo hộ chiếu cho khách hàng sẵn sàng đầu tư ít nhất 10 triệu USD vào nước này. Các quốc gia khác như Bồ Đào Nha và Ireland cũng có các chương trình cấp giấy phép cư trú, kể cả quyền đi lại trong EU cho các nhà đầu tư bằng hộ chiếu thường sau một vài năm đầu tư tại các quốc gia sở tại.
Khắc Nam (theo New York Times)