Năm 1988, theo Hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam và Liên xô, gần 400 công nhân Việt Nam phần lớn là những anh chị em phục vụ trong quân đội sang làm việc trong các nhà máy Giày và Da tại Odessa. Sau khi Liên Xô tan rã, nhà máy phá hợp đồng, nhiều anh chị em công nhân Việt Nam và những sinh viên sau khi tốt nghiệp muốn ở lại làm ăn kinh tế giúp gia đình. Nhưng người Việt khi đó sinh sống và hoạt động rời rạc, không gắn kết nên nhiều băng đảng đã nổi lên và trấn cướp người Việt, còn chính quyền thì kiểm tra và bắt bớ thường xuyên. Trong hoàn cảnh đó, được sự chỉ đạo của Đại Sứ quán Việt Nam tại Ukraine và nhằm đáp ứng nguyện vọng của phần lớn anh chị em Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Odessa, Hội đồng hương Việt Nam thành phố Odessa đã được thành lập vào ngày 07/07/1994, mà nòng cốt là những người lính – những người công nhân Giày da.
Có lẽ bởi nguồn gốc hình thành đặc biệt như thế mà trong tinh thần của cộng đồng người Việt tại Odessa luôn có “chất lính” – đầy lạc quan, đầy ý chí, đoàn kết và không ngừng cố gắng vươn lên. “Chất lính” đã làm nên tinh thần lạc quan, “chất lính” đã làm nên sức mạnh cộng đồng.
Suốt quá trình 20 năm hình thành và phát triển, cộng đồng đã cùng nhau gây dựng cuộc sống ngày một đủ đầy hơn về vật chất, phong phú hơn về tinh thần, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành quả đáng tự hào, được Đảng và Nhà nước, các cộng đồng người Việt và nước sở tại ghi nhận, đánh giá cao. Và cũng trong suốt 20 năm ấy, biết bao khó khăn, biết bao sóng gió đã ập đến, đe dọa cuộc sống của bà con, cản trở công việc làm ăn, phá hoại sự đoàn kết, phát triển của cộng đồng… Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, cộng đồng ta vẫn vững vàng, gắn kết chặt chẽ và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn.
Hai năm trở lại đây, cả chính trị và kinh tế Ucraina đều khủng hoảng nghiêm trọng khiến cho cuộc sống của bà con cộng đồng đứng trước những khó khăn vô cùng lớn, công việc kinh doanh, buôn bán bị đình trệ, thủ tục định cư, học hành khó giải quyết, an ninh bất ổn… Đặc biệt từ lúc có biểu tình, xung đột, người Việt ở trong và ngoài nước đều vô cùng lo lắng, hoang mang. Nhưng cả cộng đồng người Việt tại Odessa vẫn “bình tĩnh” đối phó với tình hình. BCH nêu cao tinh thần trách nhiệm, hỗ trợ, hướng dẫn và động viên bà con đoàn kết, vững tin để ổn định cuộc sống, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Bà con cũng hiểu rằng, ĐSQ, Hội sẽ luôn ở bên hỗ trợ hết sức, bên cạnh đó mỗi gia đình phải nỗ lực tìm biện pháp vượt qua khó khăn. “Chất lính” lại được phát huy.
Không ít người đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy trong thời gian này, cộng đồng người Việt tại Odessa vẫn triển khai rất mạnh mẽ các họat động cộng đồng. BCH Hội đưa ra kế hoạch, phương hướng và bà con thì đồng lòng hưởng ửng, ủng hộ hết mình. BCH Hội xác định rõ, trong tình hình khó khăn và bất ổn như hiện nay càng cần tăng cường các hoạt động cộng đồng. Các hoạt động đó là trung tâm, là “chất keo” để gắn kết các thành viên, là món ăn tinh thần để cổ vũ, động viên, là sự định hướng, hỗ trợ để toàn thể bà con cộng đồng vững vàng vượt qua giai đoạn này.
Đâu đó người ta vẫn nghĩ ở Odessa bây giờ là đánh nhau, là nguy hiểm, người dân chắc đang hỗn loạn và hoang mang lắm. Nhưng khi các phóng viên, nhà báo đến thực tế tìm hiểu, họ đã thay đổi suy nghĩ…
Chị Điệp Anh, phóng viên thường trú Đài Tiếng nói VN tại LB Nga (VOV) cho biết: “có thể nói, nếu không kể điểm nóng quanh tòa nhà Công đoàn (mà không phải lúc nào điểm này cũng nóng, đã có lúc người dân được vào tận sát tòa nhà) thì cả thành phố và khu chợ lớn vẫn diễn ra một nhịp sống thường nhật, nghĩa là vẫn rất bình yên và thật sự tươi đẹp khi nắng mới đã lên, cây cối đã xanh tốt…. Điều đáng nói là trong bối cảnh hiện nay của Ucrraina với những biến động khó lường, tin tức báo chí thường sẽ chỉ phản ánh những bất thường diễn ra mà không đưa tin về cuộc sống bình thường đang diễn ra… Chính vì vậy gây một suy nghĩ của mọi người là cả đất nước Ucraina đang là “lò lửa chiến tranh.”
Từ một cộng đồng nhỏ bé chỉ có khoảng 500-600 người, nay cộng đồng người Việt tại Odessa đã có trên 3000 người và một cơ ngơi rất đáng tự hào: Làng Sen và các cụm dân cư Sorsa, khu vực Lvov, khu kva 1 và khu kva 2. Phần lớn bà con có cuộc sống khá giả, có nhà ở, phương tiện đi lại, công việc kinh doanh, con cái có điều kiện học hành. Thế hệ thứ hai của cộng đồng đang dần trưởng thành, tích cực học tập, lao động để hòa nhập với cuộc sống trên quê hương thứ hai đồng thời tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, các hoạt động từ thiện để giữ gìn các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Ban biên tập