Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Người cán bộ Hội phải nhớ năm chữ không: Không nhận lương, không vô trách nhiệm, không bè phái, không hại dân, không làm chỉ điểm tay sai!

Thứ năm, 16/05/2013 | 01:30
Bài Phỏng vấn anh Phùng Đăng Dương, thành viên mới của Ban chấp hành Hội.
Chúc mừng anh đã đắc cử vào BCH khóa VII với số phiếu tín nhiệm rất cao!

Cám ơn em, cám ơn bà con đã tín nhiệm tôi! Tôi sẽ làm hết sức mình để khỏi phụ lòng tin của bà con cộng đồng! Thực sự khi bà con khu tôi ở cũng như ở những nơi khác vận động tôi cũng rất đắn đo suy nghĩ, vợ tôi phản đối. Lý do: chắc tất cả thành viên BCH đều có tâm tư như tôi thôi, trong bối cảnh hiện nay, trách nhiệm vô cùng nặng nề, thu mũi nhọn về phía gia đình mình. Liệu có bị nghĩ động cơ tham gia là trục lợi không? Riêng tôi với tính hay nói thẳng nhiều khi thiếu tế nhị có khi thêm thù. Nhưng được sự động viên của mọi người thân lẫn không thân, tôi muốn góp sức mình gìn giữ cộng đồng của chúng ta bình yên, ổn định, ngăn chặn những mầm mống chỉ điểm, hơi hướng “ xã hội đen”. Thêm nữa, đến bây giờ về vật chất gia đình tôi cũng tạm ổn, tôi thấy yên tâm hơn để “vác tù và hàng tổng”.

BCH mới đã có buổi họp đầu tiên, anh có suy nghĩ gì sau buổi làm việc đầu tiên trên cương vị mới?

(Cười) Thực ra chúng tôi mới chỉ làm quen với” ghế nóng” thôi. Vì vẫn còn dư âm của Đại Hội, với lại thời gian có hạn, chúng tôi chỉ kịp gặp mặt, phân ban công tác thôi. Nhưng cơ bản BCH đã thống nhất được nguyên tắc làm việc: Quyền dân chủ đưa lên hàng đầu. Bất cứ một công việc nào, một vấn đề nào của cộng đồng, đối nội hay đối ngoại, công tác chợ, văn hóa hay thể thao, phụ nữ hay thanh niên đều phải đưa ra toàn BCH bàn bạc, mổ xẻ và đi đến quyết định. Để tránh một người tự quyết, lộng quyền. Tôi thực sự tâm đắc và yên tâm nghĩ đến 3 năm tới cộng sự cùng 10 thành viên BCH mới. Trong cuộc họp không phải một lần tôi nghe được : phải thay đổi đi không bà con không nghe mình đâu. Qua buổi họp đầu tiên tôi thấy: tại Odessa, chưa bao giờ BCH mới nào lại nôn nóng muốn cải tổ, muốn làm việc như BCH này. ( Cười ) Có lẽ bởi tình hình cộng đồng bất ổn quá, sống thế không được nữa, bà con dị ứng với cung cách cũ.

Đại Hội thành công, bà con yên tâm được một phần, và đang dõi theo từng bước làm việc của BCH.Theo anh, để cải tổ được, để cộng đồng ổn định vững mạnh, từng thành viên cộng đồng ta phải thế nào? 

Tôi nghĩ trước hết cán bộ phải gương mẫu, công minh. Là cán bộ Hội phải nhớ năm chữ không: không nhận lương, không vô trách nhiệm, không làm hại dân, không làm chỉ điểm tay sai, không bè phái, phải đồng lòng. Và người dân cũng phải có ý thức , trách nhiệm với cộng đồng.

Tại sao anh lại nhấn mạnh việc không được làm chỉ điểm của người cán bộ như vậy?

Người bình thường làm việc đó cũng là điều tồi tệ rồi chứ đừng nói đến cán bộ. Thời xưa đem ra xử bắn rồi. Bản thân tôi những năm 2000-2003 cũng từng vào BCH hội, là chi hội trưởng chi hội ốp 63. Làm cán bộ trực tiếp vận động nhiều lúc rất vất vả, nhiều khi thời gian làm việc nhà cũng bị lẹm . Đa số bà con ủng hộ nhiệt tình, nhưng một số nhỏ chưa ý thức được nghĩa vụ và quyền lợi của mình đối với cộng đồng và bản thân tôi cũng có một số lý do riêng. Vì vậy từ 2003 tôi quyết định làm “phó thường dân” tốt để lo cho gia đình mình. Nhưng từ năm 2004 đến 2007 nhà tôi bị cướp 2-3 lần gần hết số tài sản có được cũng do có người trong cộng đồng chỉ điểm. Rồi hai năm qua cộng đồng ta điêu đứng , nơm nớp vì có người chỉ điểm, như nhà anh Hải Anh, anh Khước… Muốn làm dân thường cũng không được. Đó cũng là một trong những lý do tôi tham gia BCH. Lịch sử cộng đồng ta từ ngày thành lập đến giờ có bao lần điêu đứng vì những người như Biên, Mai, Mạnh bạc. Và qua những lần đó, cộng đồng ta đoàn kết lại, có biện pháp xử lý kịp thời đích đáng. Vì vậy, những kẻ biến chất làm chỉ điểm tay sai sẽ không bao giờ có chỗ đứng. Bởi cộng đồng Odessa là một khối đoàn kết.

BCH có thêm ban mới: ban từ thiện. Anh vừa là tác giả vừa phụ trách. Tại sao anh lại có ý tưởng này?

Thực ra cá nhân gia đình tôi làm việc từ thiện từ lâu rồi, thường xuyên và chủ yếu hướng về quê nhà. Nay vào BCH tôi muốn việc làm như tôi được nhân lên. Ban từ thiện sẽ hoạt động có bài bản hơn , thường xuyên hơn, và có tầm mới. Công tác từ thiện không chỉ hướng về tổ quốc mà còn dành cho quê hương thứ hai của chúng ta là đây, cho những ai trong cộng đồng ta hoàn cảnh éo le đặc biệt .Việc quyên góp từ thiện là hoàn toàn tự nguyện, tùy tâm. Nhân đây tôi muốn thông báo với bà con: Anh Thịnh quê Thái Bình, có bố, mẹ hơn 80 tuôi nằm liệt đã mấy năm. Gia đình nhờ tìm, và giúp đỡ cho anh ấy về VN. Hiện anh em đồng hương cũng đang quyên góp , bà con tùy tâm có thể liên lạc với chúng tôi .

Cám ơn anh Dương đã cho chúng tôi cuộc nói chuyện lý thú! Chúc anh cùng BCH thành công trong công tác cải tổ .

P/s:Đôi lời về việc làm từ thiện của gia đình anh Dương Ngọc. Khi anh cho tôi xem những biên lai và quyển sổ ghi chép những địa chỉ, những mã số của những người mà sự hảo tâm của anh đã đem lại sự sống, đã cứu họ khỏi cảnh màn trời chiếu đất, đã giúp họ nguôi ngoai chút ít vì hậu quả chiến tranh…, chị Ngọc càu nhàu: từ thiện cứ lặng lẽ mà làm khoe ra làm gì.

Người cán bộ Hội phải nhớ năm chữ không: Không nhận lương, không vô trách nhiệm, không bè phái, không hại dân, không làm chỉ điểm tay sai!
Anh chị Dương Ngọc cùng các cháu đến thăm bà Vũ Thị Được sống tại Trương Mỹ - Hà Nội

Nhưng anh Dương muốn qua đó mong mọi người hãy cùng nhau” lá lành đùm lá rách”. Đọc cuốn sổ ghi chép , tôi từ sốc sang phục anh. Con số tiền gia đình anh giúp đỡ đồng bào mình trên 500 triệu tương đối lớn. Nhưng điều đáng nói là, qua truyền hình, qua mạng Dân trí, qua người quen sự giúp đỡ của gia đình anh đến từng người cụ thể. Những lần về VN , khi làm từ thiện anh chị đều đưa hai cháu đi cùng. Thật không có cách nào giáo dục lòng nhân ái cho con cái tốt hơn.

Ban biên tập