Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Tưởng nhớ Liệt sỹ Phạm Ngọc Bốn

Thứ năm, 20/07/2017 | 18:09
Người Việt Odessa xin tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc về một tấm gương anh hùng, liệt sỹ Phạm Ngọc Bốn, người cha, thân nhân gia đình cô chú Phạm Đức Long - Phạm Thị Xuân sống trong cộng đồng người Việt tại Odessa.

Tưởng nhớ Liệt sỹ Phạm Ngọc Bốn

Trong cuộc hành trình “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đã có không biết bao nhiêu người lính đã anh dũng ngã xuống nơi chiến trường ác liệt. Không phủ lên mình một tấm chiến bào sang trọng, không có những khúc ca bi tráng được cử hành, tấu lên nhưng họ vẫn kiên cường chiến đấu vì lí tưởng, rồi thầm lặng ngã xuống để cho đất nước ngày hôm nay được hòa bình, độc lập. Người lính - nhà thơ Quang Dũng đã từng viết rất chân thực về những người đồng đội mình khi nhớ về họ, những người lính cụ Hồ, về sự chiến đấu và hy sinh của họ trong những năm tháng đó: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/Áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành” (Tây Tiến – Quang Dũng). 

Chiến tranh đã qua đi bao nhiêu năm, nhưng vẫn còn đó những nỗi đau, những ngôi mộ liệt sĩ vô danh và vẫn còn ở nơi nào đó, rải khắp trên mảnh đất hình chữ S thân thương, nơi dọc chiến trường, nơi rừng sâu núi thẳm, hay trốn biên cương xa xôi, thể xác và tâm hồn của họ đã hòa vào với đất, trở thành minh chứng về một quá khứ bi tráng, hào hùng, là cột mốc vững chắc khẳng định chủ quyền của dân tộc, tiếp tục canh giữ bảo vệ non sông.

Liệt sĩ Phạm Ngọc Bốn, cha của chú Phạm Đức Long, đã từng tốt nghiệp kỹ sư, nay là trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhập ngũ ngày 11/09/1965, lên đường vào Nam chiến đấu đầu tháng 05/1966, hoạt động điệp báo, điện đài, hy sinh tại chiến trường miền Nam ngày 25/05/1967 tại mặt trận phía Nam.
Chú Phạm Đức Long cho biết, gia đình đã may mắn đã tìm được phần mộ của liệt sĩ Phạm Ngọc Bốn, được yên nghỉ ở nghĩa trang Quảng Bình, nhưng vẫn còn nhiều người thân khác là liệt sỹ trong gia đình đã hy sinh mà đến nay vẫn chưa tìm được mộ, như liệt sĩ Phạm Ngọc Oánh, Phạm Thế Đức.

Cô chú cũng cho biết ông hy sinh năm 33 tuổi, chỉ còn tấm ảnh nhỏ trong cuốn nhật ký của ông để lại, luôn được gia đình cất giữ cẩn thận. Được cô chú cho phép đọc những dòng chữ của ông, tôi không khỏi xúc động, bùi ngùi, đầu tiên là tình cảm đồng đội của liệt sĩ trong những năm chiến đấu gian khổ, ý chí kiên quyết và nghị lực của liệt sĩ: “Nợ nước thù nhà, giờ đây em đã có đủ khả năng và nghị lực để tiêu diệt kẻ thù”. Rồi tình cảm và lí tưởng mà liệt sĩ đã dành tặng cho Đảng cho nhân dân: “tôi xin hiến dâng khả năng tinh thần tôi để phục vụ Đảng”.

Tưởng nhớ Liệt sỹ Phạm Ngọc Bốn
Tưởng nhớ Liệt sỹ Phạm Ngọc Bốn
Bút tích của liệt sĩ Phạm Ngọc Bốn

Tưởng nhớ Liệt sỹ Phạm Ngọc Bốn
Tưởng nhớ Liệt sỹ Phạm Ngọc Bốn
Những trang viết tới đồng đội và của đồng đội liệt sĩ Phạm Ngọc Bốn

Hay có những đoạn liệt sĩ Phạm Ngọc Bốn viết trong những dòng cho người thân:
“Tuấn Minh con!
Con ơi, thầy đi bắn kẻ thù, bảo vệ quê hương, bảo vệ con, bảo vệ hạnh phúc của con sau này. Con hãy cố gắng, con phải noi theo truyền thống của thầy”.

“Vân nga con! 
Thầy ra đi chiến đấu giải phóng miền Nam, bảo vệ quê hương, bảo vệ hạnh phúc và tương lai của con sau này…Con hãy cố gắng nhé, ngoài chiến trường thầy yên tâm. Cứ mỗi nụ cười của con là mỗi quyết tâm của thầy”.

“Tuấn long con! Con là con trai thứ 3 của thầy thế mà đến nay thầy ra đi chiến đấu vẫn chưa thấy mặt con xem ra sao, có lớn không…
Vì nhiệm vụ
Vì đảng, vì dân
Vì kẻ thù xâm lăng”.

Tưởng nhớ Liệt sỹ Phạm Ngọc Bốn
Tưởng nhớ Liệt sỹ Phạm Ngọc Bốn
Những bức thư viết cho gia đình trong cuốn nhật ký của liệt sĩ Phạm Ngọc Bốn

Trong cuốn nhật ký của liệt sĩ Phạm Ngọc Bốn còn có trang viết: “Thế là sau đó tôi đã được Đại Tướng ghi tên tôi, từ đó tôi đã được thay tên đổi họ và trở thành một chiến sĩ miền Nam. Thỏa lòng tôi. Thỏa lòng mong mỏi của cha tôi và gia đình tôi. Thỏa lòng mong mỏi của hàng triệu trái tim hai miền”.

Tưởng nhớ Liệt sỹ Phạm Ngọc Bốn
Trang nhật ký về những tháng ngày hoạt động

Những dòng chữ trong cuốn nhật ký nhỏ ấy được liệt sĩ viết vội trên chiến trường, giữa những khu rừng Trường Sơn rậm rạp, dẫu nét mực đã phai nhòa đi theo năm tháng nhưng những trang còn rõ, chắc chắn vẫn có sức lay động lớn đến hàng triệu trái tim độc giả hôm nay nếu may mắn được đọc. 

Xin được gửi lời biết ơn, lòng thành kính tới liệt sĩ Phạm Ngọc Bốn, tới những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong công cuôc bảo vệ đất nước và xin được mượn lời của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm để nhắn gửi tới thế hệ trẻ hôm nay, hãy sống cho xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ đi trước, noi gương và có trách nhiệm với bản thân mình, với đất nước, tiếp nối sự nghiệp của cha ông, xây dựng đất nước Việt Nam giàu và đẹp hơn.

“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời”

(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)

Trần Xuyến


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN