Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Tháng Bảy là tháng của Biển

Thứ bảy, 15/07/2017 | 17:51
Từ lâu, gần như đã trở thành quy luật: Tháng 7 là tháng nghỉ ngơi của dân địa phương từ cán bộ, công nhân viên chức nhà nước đến tiểu thương buôn bán kinh doanh trên thương trường sống động.
Họ kéo nhau đi khắp chốn mọi nơi, tham quan du lịch… sau những tháng ngày lao động mệt nhọc cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong đó, có thể nói, biển rộng bao la vẫn là nơi có sức hút mạnh mẽ hơn cả.
Tháng Bảy là tháng của Biển
 
Bởi nguyên nhân trên, hàng năm vào tháng 7 chợ bao giờ cũng “đuội”. Trung tâm thương mại Барабашова – vùng chợ bán buôn bán lẻ lớn nhất miền đông Ucraina cũng như các khu chợ nhỏ nằm rải rác trong và quanh nội ngoại thành Kharcov đều rơi vào tình trạng “Vắng người mua thưa người bán”, buồn ơi là buồn! Nhưng qua cơn bão nhỏ này, đầu tháng 8 sóng yên biển lặng, chợ khởi sắc quanh năm suốt tháng, dân chợ búa đua nhau gặt hái. Vì thế, sự mất mát nhỏ như con thỏ vào tháng 7 ấy chả thấm tháp gì so với thu nhập đều như vắt chanh trong cả năm.
 
Cuộc đời thật đẹp sao. Ngày tiếp ngày bao nhiêu tình yêu chân thành dẫn đến hôn nhân, bao tình nghĩa vợ chồng thêm gắn bó tao khang, ấm êm trong hạnh phúc gia đình. Cùng lúc “nhà lầu xe hơi” xuất hiện nhiều trong những khu chung cư riêng của người Việt hoặc cùng dân bản xứ… Để rồi, ai nấy đều nhận thấy mình trong đấy, nguyện đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau theo phương châm “Buôn có bạn, bán có phường” và phấn đấu tự cường vững tâm đợi chờ với niềm tin và hy vọng “sau cơn mưa trời hửng sáng”… Thì dù cho, cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế nơi ta đang sinh sống làm ăn nhen nhóm từ đầu năm 2014 căng thẳng kéo dài cho đến tận giây phút này cũng chả ngăn nổi bước tiến đi về phía trước của mọi người. Vâng, có theo dòng đời đua chen, gặp gỡ, tâm tình mới hiểu tâm hồn người dân chợ búa: “Mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi/ Mộc mạc thôi mà bâng khuâng nhớ mãi” – Như câu ca trong bài hát (Tự sự ký ức) “Hà Nội và Tôi”, sáng tác của Lê Vinh, luôn ẩn sâu trong con tim tôi.
 
Mấy ngày vừa rồi, tôi liên tục ra chợ như thể bù lại những ngày trước đó nằm điều trị tại bệnh viện. Từ bến Metro Барабашова qua trung tâm siêu thị “Sông Hồng”, tiếp đến dãy C, CP rồi BA nữa… thấy không ít cửa hàng bỏ trống, người thưa thớt qua lại như chợ đã về chiều mà thấy lòng quạnh hiu. Mặc dù, thừa biết tháng 7 là tháng nghỉ ngơi cũng như thừa hiểu cặn kẽ nguồn gốc của nó đã có từ mấy năm gần đây. Và, dù cho, dân chợ búa, ai cũng chấp nhận nhưng vẫn muốn chia sẻ cùng nhau cho vơi đi nỗi buồn không của riêng ai này.
 
Đang lững thững trong tâm trạng bứt rứt đủ điều. Qua ngã ba đường gặp ngay anh bạn thân – Đại gia áo da nét mặt đăm chiêu đi ngược chiều. Tay bắt mặt mừng, dăm câu ba điều chào hỏi xã giao xong, tôi buột miệng hỏi: 
- Công việc thế nào! – Nhẽ ra vào thời điểm này, chỉ cần thăm hỏi sức khỏe thôi là tiện lợi nhất.
Thế là được thể trải lòng, anh bạn bức xúc đáp:
- Cậu biết không? Vào thời điểm này, trong số những mặt hàng đang kinh doanh tại chợ, cánh áo da chúng tớ bị thua thiệt nặng nề trong vòng lao lý hàng tồn vốn đọng tưởng chừng không có lối thoát nữa là đằng khác…
- Sao không tự cứu mình bằng cách chuyển kinh doanh sang mặt hàng khác! Tôi ngắt lời hắn, đặt vấn đề.
Lắc đầu, anh bạn giải tỏa:
- Không đơn giản, bởi mỗi người có riêng cái nghiệp mưu sinh cho mình. Vả lại, vợ chồng tớ cũng đã quen chịu đựng, từng chấp nhận quy luật “được, mất” để mà yên tâm bám chợ, trụ lại trên quê hương thứ hai này. Và, sẽ cảm thấy bình thường hóa cuộc sống, một khi biết hòa nhập theo nhịp điệu của người địa phương. Thêm niềm tin, mai này nơi ta đang sinh sống, làm việc và học tập sẽ ổn định dần, đổi đời là điều chắc chắn như hết đêm rồi lại đến ngày.
Vững tin, tôi lấn hỏi:
- Tháng 7 là tháng nghỉ ngơi, cậu có kế hoạch đi đâu không đấy!
“Biển” – Khẳng định xong, anh bạn giải thích:
- Nhẽ ra, vào tháng 7 chợ đuội lên đường theo tiếng gọi của biển – Odessa ngay. “Một công đôi việc”, vừa nghỉ ngơi vừa thăm lại bạn bè xưa từng một thời là dân chợ búa từ những ngày đầu tại trung tâm thương mại Барабашова. Nhưng bà Tây giúp việc đã lên kế hoạch xin nghỉ nên vợ chồng tớ đành hoãn lại đến trung tuần. Vé đã có trong tay, chờ ngày lên đường.
Nghe xong, tự ngượng với lương tâm mình, tôi thú nhận:
- Còn tớ. Ngại đi du lịch cứ ru rú ở nhà “Biết ngày nào khôn”! Hơn 20 năm rồi, chưa một lần chính thức nghỉ phép. Có buồn không cơ chứ.
- Thì hầu hết dân chợ búa mình tham công tiếc việc đều như thế, trừ những lần “về quê”. Nhưng tin rằng, sớm hay muộn tư duy này sẽ thay đổi cho phù hợp với thời cuộc. Anh bạn thân khẳng định.
“Tự kỷ ám thị” tôi gật đầu thổ lộ:
- Kể cả tớ. Chứ không, nhìn màu da nâu của anh em, bạn bè sau lần đi biển về, có mà ngượng đến chín cả người. Nói xong, chia tay với “Đại gia áo da”. Hẹn gặp lại sau ngày “Biển Odessa gọi”. Rồi tiếp tục cuộc hành trình quanh chợ.
 
Đi được mấy bước đường, dừng bên của hàng bán toàn quần đùi, may ô, tất chân của Long – bạn đọc gần gũi của “Bạn Đồng hành” – Kharkov năm trước, trao đổi tâm tình đôi điều theo chủ đề “Tháng 7 là tháng của biển” xong đâu đấy, tôi hỏi:
- Hàng của biển của cậu năm nay thế nào!
- Nhúc nhắc đến cuối tháng 6 thôi anh à! Sau đó em chuyển ngay sang mặt hàng này. Cầm cự “câu dầm” quanh năm. Ngừng một lát, Long vào cuộc, mà đâu có phải bây giờ, từ khi “Siêu thị” – Trung tâm thương mại tư nhân xuất hiện khắp phố phường Kharkov, kinh tế đã giảm sút mạnh. Cộng thêm, khủng hoảng chính trị, kinh tế kéo dài triền miên, vắng hẳn người mua từ bốn phương kéo về khiến chợ càng không có thời cơ phục hồi. Vì thế muốn tồn tại phải hội nhập, muốn ổn định cuộc sống phải bằng lòng với mình, với những gì có trong tầm tay. Và, nhất là đừng bao giờ nghĩ mình phải hơn mọi người.
Nhất trí tán thành, tôi đắn đo hỏi:
- Có ý tưởng đi biển không?
Lắc đầu, Long đáp:
- Năm ngoái gia đình em đã 10 ngày ở Odessa. Thăm làng Sen, phơi nắng tắm biển rồi anh. Năm nay chủ trương ra chợ lấy lệ, dưỡng sức theo phương thức “Tháng 7 là tháng nghỉ ngơi”. Hòa đồng và đừng bao giờ nghĩ mình hơn mọi người.
Bằng lòng với những suy tư rất hiện thực của anh bạn trẻ, định bổ sung ý: Muốn vượt khó khăn, trở ngại ngoài niềm tin và hy vọng ra, người Việt mình còn phải thật sự tôn trọng, yêu thương đoàn kết giúp đỡ nhau trên phương châm “Lá lành đùm lá rách”. Khiêm tốn, giản dị để hòa nhập với cuộc sống bình dị của người địa phương. Nhưng nghĩ bằng thừa, bởi đã nhiều năm rồi cộng đồng Người Việt ở Kharcov và nhiều tỉnh thành khác tại Ucraina đã làm như vậy nên tồn tại, vững mạnh như bây giờ.
 
Chúc bạn đọc “Người Việt Odessa” và những ai đang bươn trải ngày đêm nơi chợ búa, hãy giành thời gian nghỉ ngơi vào “tháng 7 là tháng của biển” để có sức khỏe là có tất cả.
 
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” – Kharcov