Sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh từ năm 1988, tác giả Trần Quốc Quân được chứng kiến thời kỳ chuyển đổi thể chế của các nước Đông Âu, tạo ra rất nhiều điều tác động sâu sắc lên mọi mặt đời sống của người Việt xa xứ ở đây. “Tuyết hoang” viết về cuộc sống mưu sinh của người Việt ở các nước Đông Âu những năm 80- 90 của thế kỷ trước.
Nguyên, nhân vật chính là một trí thức Hà Nội, từ một nghiên cứu sinh du học trở thành người “ngày đêm quay cuồng với vòng xoáy của đồng tiền”. Hành trình của anh cũng là hành trình của một thế hệ người Việt thời đó, những con người dấn thân sang xứ lạ, mong muốn đổi đời, kiếm tìm hạnh phúc. Tiền bạc từng có rồi lại mất, hạnh phúc cũng tưởng chừng đã chạm đến, nhưng sau cùng còn lại là cảm giác rã rời hoang vu của tâm hồn như cảnh tuyết “vừa mới vui đấy lại trở nên buồn bã, cô quạnh”…
Nhân vật Nguyên vừa là những trải nghiệm của bản thân tác giả nhưng cũng là tổng hợp tính cách, số phận của nhiều nhân vật khác.
Tác giả ví cuộc sống của người Việt ở Ba Lan như một "Làng Vũ Đại bên sông Wisla" trong những năm tháng ấy... Trần Quốc Quân vốn người của “làng Vũ Đại” (làng Đại Hoàng, xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Thân sinh nhà văn, ông Trần Quốc Thái, là bạn thân của nhà văn Nam Cao.
Trần Quốc Quân chia sẻ, ban đầu, chỉ với ý định ghi lại biên niên sử một thời của cộng đồng người Việt tại Ba Lan, anh viết từng phần của hồi kí “Em ơi Ba Lan” và đưa lên Facebook. Nhiều bạn đọc sau khi đọc đã động viên anh đem biên tập lại thành sách. Một số bạn bè là nhà văn, nhà báo lại khuyên anh chuyển tải thành tác phẩm văn học sẽ nâng tầm giá trị hơn.
Cuốn tiểu thuyết được viết trong thời gian 26 tháng. Anh tự khép mình vào một kỷ luật làm việc nghiêm túc, cần mẫn từ 9h đêm đến 1-2h sáng là thời gian viết sách. Tác phẩm hoàn thành dày gần 800 trang, gồm 10 chương.
Tác giả và bạn đọc
Tác giả Trần Quốc Quân cho biết, nhiều năm tích cực tham gia hoạt động cộng đồng, tham gia sáng lập báo (Quê Việt), viết báo, anh luôn muốn được đóng góp công sức cho sự phát triển của cộng đồng Việt. Anh đã mang nỗi trăn trở về cái “làng Vũ Đại bên sông Wisla” trong đó có những cư dân người Việt khép kín, ít có khả năng tái hòa nhập với xã hội Ba Lan vào từng trang viết trong cuốn tiểu thuyết của mình.
Tại buổi giao lưu, nhiều độc giả đã bày tỏ ý kiến của mình nhận xét về cuốn sách, cho rằng "Tuyết hoang" thực sự là một tác phẩm có giá trị văn học, giá trị tư tưởng, và mang dấu ấn của người viết.
Trần Quốc Quân cho biết sẽ tiếp tục dành thời gian cho văn học- vốn là niềm đam mê từ khi còn rất trẻ.
Sau “Tuyết hoang” anh dự định viết tập truyện ngắn, vẫn về những mảnh đời người Việt trong cái “làng Vũ Đại bên sông Wisla” ấy. Và cũng không ngoại trừ ý định viết tập tiếp theo của tiểu thuyết “Tuyết hoang”.
“Tuyết hoang” dự kiến ra mắt bạn đọc TP.HCM lúc 9 giờ 30 sáng ngày 24/5 tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM.
"Thâm trầm và phá cách, văn chương của Trần Quốc Quân là những dòng chảy nhỏ rỉ rả nhưng đầy xung đột và mâu thuẫn. Như để lột tả chính mình, một nghiên cứu sinh Ba Lan cuối thập niên 80 của thế kỉ trước, hình ảnh các nhân vật là một nội tâm thu nhỏ nóng bỏng, vừa thực tế vừa lãng mạn lạ lùng. Bắt đầu viết ở độ tuổi không còn trẻ, khát vọng thanh xuân vẫn ngời ngời trong từng con chữ của anh. Một tuổi xuân liều lĩnh, toan tính, một thế giới phũ phàng, đa chiều đầy tính thời đại mà có lẽ chính bản thân anh cũng tin rằng nó còn thuộc về nhiều người khác nữa."
__Nhà văn Phạm Phương__
PV/VOVonline