Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Văn Nhận

Thứ năm, 06/07/2017 | 14:02
Tháng 7 về là dịp để cả nước ôn lại những năm tháng đấu tranh đầy gian khổ của dân tộc và là dịp để toàn thể mọi người thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ tới những người anh hùng đã ngã xuống vì đất nước. 

Người Việt Odessa xin giới thiệu đến bạn đọc về một số gương anh hùng liệt sĩ, những người cha của các thân nhân trong cộng đồng người Việt tại Odessa 
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”.

Chúng ta có được ngày hôm nay đó là thành quả, là xương máu của biết bao thế hệ cha anh đi trước đã không tiếc thân mình, hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Sự cống hiến, hy sinh ấy của họ, là vô giá, không chỉ cho ngày hôm nay mà cho cả con cháu muôn đời mai sau.

Trong những năm chiến đấu gian khổ dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, biết bao người lính đã anh dũng hi sinh, thân thể của họ mãi mãi nằm lại nơi chiến trường ác liệt, mất đi cả tuổi trẻ với những khát khao, dự định, mong mỏi đến ngày hòa bình lập lại. Sự hy sinh ấy để lại một nỗi đau đớn khôn nguôi, một nỗi mất mát to lớn không gì bù đắp được, không chỉ với gia đình người thân của họ mà với toàn dân tộc. Họ là những người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam anh hùng.

Dù biết chiến tranh là trường kỳ gian khổ, trong cuộc chiến đấu ấy, danh giới sự sống và cái chết rất mong manh, nhưng họ vẫn quyết tâm lên đường nhập ngũ với lòng tự nguyện, với tinh thần yêu nước, tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hình ảnh của họ đã tạc vào dáng hình của đất nước và trở thành bức tượng đài bất tử trong lòng dân tộc. Đây chính là tấm gương sáng ngàn đời để cho con cháu noi theo, viết tiếp nên những trang lich sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, về sự kiên cường, bất khuất, anh dũng chiến đấu, hi sinh.

Nhân dịp này, báo Người Việt Odessa được ngồi nghe gia đình cô chú Yên - Thanh, thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Nhận, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cảm kích sự quan tâm của Hội cựu chiến binh Việt Nam tỉnh Odessa, chú Yên hồi tưởng lại những kỷ niệm đầy xúc động:

“Ngày xưa, khi ông đi bộ đội thì chú còn rất nhỏ. Ông lúc đấy là lao động chính trong nhà, bà thì yếu, các cô chú lúc đó thì vẫn còn rất nhỏ. Ông sinh năm 1935, ông đã từng tham gia chiến đấu trong những năm kháng chiến chống Pháp. Khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ bùng nổ. Ngày ấy, theo diện trong xã là bố của chú không phải đi tái ngũ vì gia đình đã có có nhiều người đi, mà hơn nữa bố mẹ chú có 4 người con nhỏ, nhưng theo lời kêu gọi Tổng động viên toàn quốc, nên bố chú đã làm đơn tình nguyện bộ đội, xin vào Nam chiến đấu”.

 Tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Văn Nhận
Cô chú Yên - Thanh bồi hồi xúc động nhớ lại những kỷ niệm về cha

Tháng 3/1968, ông tái ngũ. Đến tháng 6/1968, sau ba tháng luyện tập, huấn luyện ông lên đường vào Nam chiến đấu. Chú Yên kể ông cũng thường xuyên viết thư về nhà, cứ vài tháng một lá, bây giờ gia đình cô chú vẫn còn lưu lại những bức thư của ông gửi từ chiến trường về, mỗi lần về thăm nhà, cô chú lại giở ra đọc.

Cô Thanh chia sẻ, trong tập thư mà ông gửi về cho bà từ chiến trường, cô đọc và nhớ nhất một đoạn ông viết rằng: “dù có bao nhiêu gian khổ, có thể là hy sinh, nhưng ông nhất định không đào ngũ, ông khuyên mọi người vững tâm, chăm lo mọi việc ở nhà”.

Trong một lá thư khác, chú Yên kể: “Ông viết, chiến tranh rất khốc liệt, không biết có thể trở về hay không, nhưng ông mong mẹ của chú ở nhà chăm lo con cái, chăm sóc mẹ già, ông mong mọi người ở nhà luôn luôn được khỏe mạnh”.

Chú Yên bồi hồi xúc động nhớ lại một kỷ niệm: “đó là một kỷ niệm đáng nhớ nhất, trước khi vào trong Nam chiến đấu, ông được nghỉ phép về thăm nhà mấy ngày, lúc đó chú chỉ mới 5 tuổi, hôm ông lên đường, mọi người, bà con đi tiễn rất đông, chú cứ chạy theo ôm chân ông và khóc, đòi giữ lại. Mọi người ai cũng chạy theo vô cùng xúc động khóc, bế chú lại”. Đó là kỷ niệm cuối cùng của chú Yên về cha. Bao nhiêu năm đã qua đi, ký ức về người cha và kỷ niệm ngày ấy vẫn còn đọng lại mãi không nguôi.

Cô chú cho biết ông hy sinh ngày 19/9/1969, tại chiến trường miền Nam, lúc đó ông 33 tuổi, bà mới 31 tuổi, nhưng bà vẫn ở vậy, chăm sóc, nuôi dạy các con cái, mà không đi bước nữa. Đến nay, phần mộ của ông vẫn chưa tìm thấy được, cô chú đã nhiều lần trở về, vào trong Nam nhưng vẫn chưa tìm được.

Cô chú đến bây giờ vẫn còn nhớ những năm đó ông đi gia đình rất là khó khăn, đói khổ, một mình Bà nội lo toan, thay ông gánh vác mọi việc. Hiện nay, sinh sống và làm việc tại Odessa, bên cạnh cuộc sống mưu sinh thường ngày, cô chú luôn tích cực đóng góp cho những hoạt động cộng đồng, chú Yên nói: “nhiều lúc công việc bận rộn cả ngày, nhưng đổi lại cũng có những niềm vui, đấy là công việc chung của mỗi người, nên mỗi hội viên phải có trách nhiệm để xây dựng một cộng đồng vững mạnh”. Bên cạnh đó, cô chú còn luôn chăm lo, giáo dục con cái, các em đều rất chăm ngoan học giỏi, cô chú vẫn luôn kể cho các em nghe về ông, nhắc nhở, các em về những hy sinh của thế hệ đi trước, phải sống làm sao cho xứng đáng, và ghi nhớ công lao của các thế hệ đi trước đã làm nên lịch sử, hướng các em nhớ về quê hương, nguồn cội.

Tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Văn Nhận
Gia đình cô chú Yên Thanh - thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Nhận.

Chiến tranh đã qua đi, nhưng những mất mát, thiệt thòi và những nỗị đau vẫn còn đó, trong mỗi gia đình thương binh, liệt sĩ Việt Nam. Hài cốt của họ vẫn chưa được tìm thấy để được đưa trở về gần gũi bên người thân, gia đình, biết bao nhiêu chiến sĩ vẫn nằm lại trên mảnh đất biên cương xa côi, lạnh lẽo, Trên từng tấc đất của Tổ quốc Việt Nam thân yêu, đều là xương máu là hình hình dáng của họ, đã hòa vào làm một, với non song đất nước, và ở nơi xa xôi ấy, dọc chiến trường, nơi rừng thiêng núi thẳm, những ngôi mộ vô danh của họ sẽ là những cột mốc vững chắc canh giữ biên cương.

Trần Xuyến


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN