Chả hiểu năm nay thời tiết thay đổi thế nào, đã bước vào tháng 5, nhiều ngày khí trời còn lành lạnh như đã sang thu khiến hàng hóa vụ hè ngập tới “cổ” chẳng mấy ai ngó ngàng tới. Chợ vắng như chùa bà Đanh ấy, cộng thêm giá “các” tăng, dù cho có vài phần trăm và mấy năm qua vắng hẳn người tiêu dùng cả buôn lẫn lẻ từ mấy tỉnh miền Đông cùng phương Bắc càng làm cho dân chợ búa mưu sinh tại Trung tâm thương mại Барабашова âm thầm “ngậm đắng nuốt cay”, lo lắng phận mình sao đây!
Kể cả tôi, có “miếng cơm manh áo” tuy chẳng liên quan, dính líu gì tới ba điều kiện “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” bất khả kháng ấy nhưng vì “đồng cam cộng khổ” với người Việt mình hơn hai chục năm trời qua nơi thương trường nóng bỏng nên con tim biết yêu thương của mình cũng luôn nhói đau.
Mấy lần định bắc thang lên hỏi ông Trời cho ra nhẽ mà còn “Liệu cơm gắp mắm” cho những ngày tiếp theo thì may thay như thể “động lòng” trước những nhọc nhằn, đắng cay của những đứa con máu đỏ da vàng đang tha phương cầu thực nơi xứ người, ông Trời đã mở cửa Thiên đình để nắng ấm tràn xuống trần gian. Trung tâm thương mại Барабашова sống động hẳn. Dù cho so với những năm tháng qua, chẳng thầm tháp gì nhưng cũng đã củng cố được niềm tin và hy vọng “Sau cơn mưa trời hửng sáng” của dân chợ búa đang quyết tâm trụ lại chốn này cho đến ngày “về quê”. Cho tôi nữa, giọng thêm dịu êm, mỗi lần gặp em – người Hà Nội, tại góc chợ nọ, hát mấy câu mở đầu bài “Về quê” của Phó Đức Phương:
“Theo em anh thì về thăm lại miền quê
Nơi có một triền đê có hàng tre ru khi chiều về…”
Và, bao giờ em cũng nhoẻn cười đáp lại, trong sáng như mặt trời đã chiếu qua tim.
Hôm vừa rồi, nắng ấm ban mai. Vừa bước chân lên khỏi bến Metro quan thuộc, gặp ngay em ngồi bên sạp hàng, khuôn mặt tươi roi rói chào mời. Chờ người mua cuối cùng nhận hàng đi khỏi, tôi lại gần hứng giọng:
- Chào Th.
Ngẩng mặt nhận ra tôi, Th mỉm cười đáp lại rồi hỏi luôn:
- Anh vẫn đi làm bằng Metro đấy chứ!
- Còn con đường nào khác hả em? Tôi vội đáp. Và chưa kịp giải thích “Bởi đấy là nơi lắng sâu, là nơi bến lâu trong ký ức về nét đẹp, quan hệ giữa người với người trong lòng đất” thì Th đã “chất vấn”: “Bạn đồng hành” của anh đâu mà lâu anh không gặp? - Thoảng qua một chút ưu tư, tôi bộc lộ: Em vào trong báo điện tử “Người Việt Odessa – mở chuyên mục “chia sẻ cộng đồng” là biết ngay”.
Th nguây nguẩy lắc đầu, làn tóc xanh rờn ùa trên đôi vai mảnh mai, thỏ thẻ đáp:
- Nhưng em muốn có “Bạn đồng hành” (ý nói tờ báo giấy) bên mình để mỗi lần nhớ người cùng quê đang cùng nhau bươn trải nơi xứ người, mở ra đọc cơ!
Thấm đậm từng câu em trả lời, lòng rộn ràng niềm vui, tôi vững tin hứa:
- Qua sóng gió “Bạn đồng hành” sẽ về bến bãi vào thời điểm thuận lợi nhất. Bởi đấy cũng là mơ ước từ niềm đam mê làm báo cộng đồng của anh nữa.
- Có nghĩa là vào thời điểm này, em và bạn đọc của “Bạn đồng hành” từ thủa ban đầu vẫn phải “nén chịu” gặp anh trên trang điện tử trong niềm vui và hi vọng – Th nhỏ nhẹ trải lòng. Ngừng một lát như chợt nhớ ra điều gì thầm kín, em đặt vấn đề. Ngoài những bài chia sẻ “niềm vui nỗi buồn” với dân chợ búa, chủ đề “Tôi đi làm bằng Metro” có gì mới không? Nghe Th nhắc đến con đường hàng ngày mình đi, những suy tư thường xuyên thai nghén trong trí não, tôi phấn khời thổ lộ hết lòng.
- Có bao giờ hết được đâu em. Bởi đôi khi cuộc sống trong lòng đất nhiều lúc còn sống động hơn cả trên đất liền ấy. Như sáng nay chẳng hạn, từ bến Metro Алекссевка tới Барабашова đã lọt vào đôi mắt anh nhiều hình ảnh đẹp. Nếu ai cảm hứng viết thành thơ và phổ nhạc. Chắc hẳn sẽ là những bản tình ca tuyệt vời, lắng đọng trong tâm hồn con người…
Chẳng để tôi nói tiếp, Th nóng vội yêu cầu:
- Anh có thể kể cho em nghe ngay lúc này được không? Hay (giọng nũng nịu) giữ nó trong lòng làm của riêng sau này viết!
Tôi cười đùa vui:
- Thì tranh thủ gặp em vào giây phút nóng hổi của những đứa con sống xa nhà, chỉ để có thể cho khỏi cô đơn mà. Nói rồi, tôi kể luôn:
… Sáng nay, theo thường lệ “Đi làm bằng Metro”. Tại bến khởi điểm Победа (Chiến Thắng) chật ních hành khách đi vào trung tâm thành phố làm việc. Khắp nẻo đường, trong đó không ít sinh viên nhiều màu da.
Đang yên vị trong tàu, chợt nhìn thấy đôi trai gái dắt díu nhau vội bước vào. Thoáng qua, nhận ra đôi mắt cô gái bên trái lim dim mở, bên phải nhắm nghiền. Cảm thông, chưa kịp nhường chỗ thì đối diện tôi, sát cửa ra vào vừa kịp đóng, cô gái dáng sinh viên – người thon thon, da nâu, đã vui vẻ tự nguyện đứng lên mời “Пожалуйста”. Đáp lời “Спасибо” (Cảm ơn). Chàng trai nặng trĩu trên vai chiếc ba - lô, đỡ tay cô gái ngồi xuống. Đứng sát bên, thi thoảng chàng trai cúi mình ghé sát tai cô gái thì thầm, tay vuốt nhẹ mái tóc vàng tràn trên trán của cô nàng. Liền sau đấy, cô gái nở nụ cười, khuôn mặt trắng trẻo rạng rỡ niềm tin yêu.
Mấy phút lặng lẽ trôi qua, con tàu lao về phía trước. Đâu phải riêng tôi mà xung quanh, nhiều người địa phương khác, có lẽ ai cũng hiểu đấy là cặp tình nhân đang ở độ yêu đương mãnh liệt. Càng được biểu hiện rõ nét vào những giây phút con tàu “đột ngột” dừng ở bến bãi rồi đung đưa chuyển bánh tiếp tục cuộc hành trình trong lòng đất. Chàng trai vội ôm chặt vai cô gái, nói rất nhỏ “Я люблю тебя” (Tôi yêu em) mà ai nấy đều nghe rất rõ, đều ngưỡng mộ và hi vọng tình yêu chân thành của họ sẽ dẫn đến hôn nhân.
Còn tôi, mải suy tư. Con tàu cập bến “đôi trai tài gái sắc” ấy dắt díu nhau ra khỏi toa. Tiếc hoài, dự tính liều hỏi họ “Tình yêu có từ nơi đâu”, không thực hiện nổi. Nhưng em có biết không, điều anh đoán sớm hay muộn họ sẽ thành đôi vợ chồng. Duyên nợ với nhau suốt đời.
Th tán thành ngay với lời quyết đoán: “Em tin bản tình ca sẽ kết thúc đẹp như vậy” rồi hỏi:
- Còn gì nữa không anh?
- Dĩ nhiên. Tôi vội đáp rồi mở ngay máy điện thoại khoe Th tấm ảnh chụp bà già bán hoa trong lòng đất với lời chia sẻ, nhìn bề ngoài chả có gì đặc biệt nhưng qua hội thoại sẽ thấy ngay được những cung bậc trầm bồng của bản tình ca. Anh kể lại cho em nghe nhé:
- Từ nhà cụ đến Metro có gần không ạ?
- Xa. Chừng hơn một cây số đường.
- Thêm hai làn hoa xách tay nữa. Chắc mệt lắm cụ nhỉ?
- Tuổi 75 “gần đất xa trời” như tôi cần phải cố gắng thôi. Vả lại, ngoài niềm vui ra, đi bộ còn để giữ gìn, củng cố và tăng cường thể lực nữa.
- Hoa cụ tự trồng ạ?
- Vâng, và chỉ hai loại: tím tượng trưng cho niềm tin và hi vọng, trắng thể hiện tình yêu thủy chung.
- Đối tượng!
- Chủ yếu lớp trẻ. Chợt ngừng lời, đôi mắt nâu mờ nhạt viền dày những nếp nhăn, đăm chiêu và rực sáng, bà nói tiếp. Hơn nữa, thường ngày gặp gỡ họ tôi thấy mình trẻ lại, thức dậy trong ký ức một thời đã qua, mỗi lần nhận được bó hoa nhỏ từ đôi bàn tay ấm áp của tình nhân trong buổi hẹn hò.
Lòng lâng lâng nhớ lại mình, định phụ họa:
- Chắc chắn có cả đức lang quân đồng niên hiện thời… thì, vừa lúc, có một đôi trai gái khoác tay nhau đến hỏi mua hoa… nên đành phải tạm biệt bà già bán hoa trong lòng đất.
Nghe xong, ngước mắt nhìn tôi Th trách:
- Thế mà anh chả nhớ tới em!
Biết mình có lỗi. Ngượng nghịu tôi khất:
- Lần sau, anh nhớ để chúng mình cùng sống trong giây phút của bản tình ca “lứa đôi”…
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn đồng hành” – Kharkov