Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Sự lãng mạn tồn tại giữa “cuộc chiến”

Thứ hai, 19/05/2014 | 14:00
Người ta nói rằng hôn nhân là một quyển sách mà chương đầu là những vần thơ, còn các chương sau chỉ toàn văn xuôi hiện thực phê phán. Hôn nhân chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là khi gặp các rào cản về ngôn ngữ, văn hóa...

Đối diện với những điều này, người ta có thể khóc, hoặc cũng có thể cười – như cách cặp đôi chồng Tây vợ Việt David Perry và Jenny Vũ Perry lựa chọn. Cuộc hôn nhân đa văn hóa ấy thậm chí còn truyền cảm hứng cho David Perry, chuyên viên của Sở Công viên cây xanh New York sáng tác và tự xuất bản một cuốn sách biếm họa về đời sống gia đình của mình có tên “The Vietnamese Wife, Western Husband Club” (Câu lạc bộ Chồng Tây vợ Việt).

Phụ nữ Việt Nam chẳng tuân theo khuôn mẫu nào

- Hãy kể cho tôi nghe vài điều thú vị của vợ chồng anh, ví dụ như làm thế nào mà anh và Jenny lại gặp nhau, hoặc những đặc điểm của Jenny mà anh thấy rất quyến rũ…

- Chúng tôi gặp được nhau đúng là một điều kỳ diệu. Jenny làm nghề tư vấn du lịch, cô ấy lên kế hoạch cho chuyến đi đầu tiên của gia đình tôi tới Việt Nam, nhưng lần đó chúng tôi không gặp được nhau.

Khi về Mỹ, tôi muốn tìm địa chỉ liên lạc của người hướng dẫn viên cho gia đình tôi ở Việt Nam để gửi quà cảm ơn, nhưng vì lý do nào đó mà tôi không thể gửi email cho anh ta. Sau nhiều lần trao đổi email qua lại giữa tôi và hãng du lịch ở Mỹ thì tôi gửi email cho Jenny nhờ cô ấy tìm giúp.

Sau đó, tôi và Jenny liên lạc với nhau qua Facebook và Skype, và rồi gặp nhau lần đầu tiên khi Jenny tới New York chơi.

Thực ra tôi khá là “nhát gái”, đặc biệt là trước một cô gái xinh đẹp như Jenny, nhưng không hiểu sao có gì đó trong tôi cứ thôi thúc rằng “hãy nắm lấy cơ hội này, nếu không thì mi sẽ hối tiếc suốt phần đời còn lại đấy”. Vậy là tôi liều, dù điều đó có nghĩa là tôi phải sống và làm việc ở Việt Nam một thời gian.

- Jenny nói rằng anh chắc chắn phải là người Việt Nam ở kiếp trước. Điều đó có đúng không? Anh có cảm thấy như thế không?

- Chính xác đấy. Tôi đến từ New York, một nơi mà ai cũng cao lớn, ồn ào và cáu kỉnh - không hề là tôi một chút nào. Tôi có vẻ thư thái, ung dung hơn nhiều, ngoại hình của tôi cũng có vẻ giống kích thước và hình dáng của người Việt Nam hơn.

Chồng: David Ian Perry
Nghề nghiệp: Chuyên viên tại Sở Công viên cây xanh New York
Vào mỗi sáng Chủ nhật, David còn hướng dẫn các đoàn nghiên cứu các loài chim tại công viên trung tâm, New York.

Vợ: Jenny Vũ Perry
Nghề nghiệp: Phân tích dữ liệu tại NYU Langone Medical Center
Ngoài ra, đất nước của các bạn là một trong số rất ít nơi trên thế giới mà tôi xem là quê nhà. Ở đó có bố mẹ của Jenny - những người coi tôi như con ruột, và tôi cũng phải nỗ lực nhiều để học được tiếng Việt. Các món ăn thì không phải là vấn đề, tôi thích ẩm thực Việt Nam lắm, thích hơn nhiều so với pizza và hamburgers. Bên cạnh đó thì Jenny cũng có vẻ là một người New York từ trong bản chất, cô ấy chịu được thời tiết lạnh thậm chí còn tốt hơn tôi.

- Trước khi kết hôn với Jenny, anh có biết phụ nữ Việt Nam vốn nổi tiếng là những bà vợ hoàn hảo?

- Tôi có nghe những tin đồn như thế này ở phương Tây, rằng phụ nữ Việt Nam nấu ăn ngon như người Trung Quốc, và chiều chồng như phụ nữ Nhật Bản. Thực tế thì chuyện này khiến tôi chán phát ốm lên, không phải vì tính cách của những người phụ nữ, mà vì những gì đàn ông nghĩ rằng có thể hưởng lợi được từ họ. Một phụ nữ phải được đối xử như nữ hoàng, và Jenny cũng yêu cầu điều đó.
Thực ra tôi không thấy phụ nữ Việt Nam tuân theo một khuôn mẫu nào cả. Một số người có vẻ hợp với lời đồn thổi, một số khác thì ngược hoàn toàn, như Jenny chẳng hạn. Cô ấy rất nóng bỏng, luôn đòi hỏi sự chú ý, và điều ấy tạo nên nhiều thử thách khiến cho mối quan hệ của chúng tôi, ừm, tôi đoán là rất “hứng khởi”.

- Nhưng anh có nghĩ rằng những phần “rất Việt Nam” trong cuộc hôn nhân của anh làm nó trở nên vô cùng đặc biệt?

- Mỗi cuộc hôn nhân đều rất đặc biệt. Tôi có thể nói rằng câu hỏi của bạn cũng chính là câu trả lời, vì Việt Nam chính là một đề tài rộng lớn trong cuộc sống của chúng tôi. Có thể chuyện này bao gồm cả thử thách phải nấu món bún bò Huế trong suốt cả một ngày, và một hành trình đầy liều lĩnh vòng quanh phố Tàu mong có được các nguyên liệu kỳ lạ để nấu được món đó. Nhưng nếu vợ tôi đến từ Nga, hay Senegal, hay bất kỳ nơi nào khác, chúng tôi cũng sẽ làm những việc y hệt để nấu các món khác. Còn nếu Jenny là người Mỹ, tôi đoán là chúng tôi sẽ gọi rất nhiều pizza và sẽ tìm cách khác để có những chuyện phiêu lưu.

Dù sao, việc nắm lấy cơ hội để sống và làm việc tại Việt Nam đã thay đổi cuộc đời cũng như nhãn quan của tôi. Và tôi rất biết ơn vì điều này.



Ảnh: Hiền Trang

Tôi vẽ một biếm họa lãng mạn về hôn nhân của mình

- Ý tưởng của cuốn truyện tranh này đến từ đâu, thưa anh?

- "Câu lạc bộ Chồng Tây vợ Việt" là có thật mà. Những cô vợ Việt ở khắp mọi nơi trên thế giới tham gia vào các chatroom hoặc diễn đàn trực tuyến trên mạng. Thỉnh thoảng họ gặp nhau ngoài đời, khi đó thì các bà vợ ngồi với nhau, còn các ông chồng cũng ngồi cùng nhau nhưng ở một phòng khác. Trong lúc các cô vợ rất vui vẻ và cùng chia sẻ khoảng thời gian tuyệt vời bên nhau thì các ông chồng chỉ biết nhìn chằm chằm vào nhau mà chẳng biết nói năng gì.

Mỗi cặp đôi đều có một câu chuyện tuyệt vời, nhưng khi các ông chồng Tây có vợ Việt gặp nhau, cảm giác của chúng tôi là hơi… sởn da gà, cứ như là một âm mưu đã được sắp đặt để đàn ông phương Tây lén lút “đánh cắp” trái tim các cô vợ Việt vậy.

- Sách của anh tên là “Câu lạc bộ Chồng Tây vợ Việt”. Tôi nghĩ chủ đề này hẹp quá...

- Đúng là chủ đề này rất hẹp, nếu tôi bận tâm về việc làm sao bán được càng nhiều sách càng tốt. Nhưng tôi vẽ biếm họa vì đây là một cách để sáng tạo rất tuyệt vời, và cũng là cách hoàn hảo để bộc lộ, để kể chuyện. Dù sao thì tới giờ, nhiều bạn bè và gia đình chưa tới Việt Nam bao giờ đã rất thích cuốn sách, và họ biết thêm được nhiều về văn hóa Việt Nam đến mức muốn tới đất nước của các bạn.

- Vậy anh có nghĩ rằng anh sẽ vẽ một bức tranh hôn nhân hoàn hảo trong cuốn sách của mình không?

- Có, xét theo ý nghĩa của cuộc hôn nhân hoàn hảo, thì mỗi người đều phải có những sự thay đổi tích cực và học hỏi từ nhau. Tôi từng gọi cuốn sách đầu tiên của mình là “Một biếm họa lãng mạn”, không phải vì ở đó có nhiều nụ hôn (ai mà muốn nhìn mấy cái đó), mà bởi vì sự lãng mạn vẫn tồn tại giữa “cuộc chiến”. Tình yêu chính là một cuộc chiến gay go giữa hai bên, trong đó chúng ta “oánh nhau” một lúc, rồi lại học cách làm sao để không bỏ cuộc, để vẫn ở bên nhau, và cứ quay vòng như vậy.

- Hoặc là mọi thứ đã được thổi phồng, “làm quá” lên trong sách?

- Phải thổi phồng lên thì mới vui chứ. Thậm chí trong đời thường chúng ta cũng phải chọn cười thay vì khóc. Một cuốn sách biếm họa phải làm độc giả hiểu một cách vô cùng rõ ràng rằng cuộc sống chính là một câu chuyện cười, và điều cần làm là tận hưởng trước khi nó qua đi.

- Jenny nghĩ thế nào về cuốn sách của anh, về cách anh vẽ cô ấy, hay cách anh kể lại các câu chuyện?

- Cô ấy thích mà. Thực ra, Jenny muốn tôi vẽ cô ấy xinh đẹp hơn. Khi chúng tôi kết hôn, tôi đã làm một bộ phim hoạt hình về việc chúng tôi gặp nhau thế nào, yêu nhau ra sao, và cô ấy cứ bắt tôi vẽ đi vẽ lại cho tới khi có một chân dung nhân vật tôn vinh vẻ đẹp của Jenny nhất. Ừm, Jenny rất xinh đẹp, nên tại sao lại không làm thế? Nhưng tôi phải thuyết phục cô ấy rằng cuốn sách này là biếm họa, và sự hài hước cũng như sự đơn giản của nó buộc tôi phải dùng phong cách khác. Để câu chuyện thú vị hơn, tôi phải phóng đại chi tiết lên, và các nhân vật cũng không nhất thiết phải là tôi và Jenny.

- Anh có kế hoạch xuất bản những cuốn sách tiếp theo về cuộc hôn nhân của mình không?

- Có chứ, đơn giản là vì tôi không thể dừng lại. Tôi sẽ có cuốn thứ hai chuẩn bị ra mắt mang tên “All Proceeds Go to Baby”. Cái tên của nó là một câu nói đùa – các nhân vật đang bán sách để kiếm tiền sinh em bé. Cuốn này sẽ rất khác so với cuốn trước, có lẽ là một cuốn duy nhất theo kiểu như vậy. Sách sẽ có cả tiếng Anh và tiếng Việt, để nhiều người hiểu được. Thêm vào đó, các hình vẽ cũng sẽ lớn hơn, và sẽ kể lại toàn bộ câu chuyện chúng tôi gặp nhau như thế nào, cuộc sống của chúng tôi ở Việt Nam và New York ra sao.

Tôi hy vọng có thể xuất bản cuốn này ở Việt Nam – nơi có phần lớn người hâm mộ của tôi. Và cũng giống như cuốn đầu tiên, tôi sẽ xuất bản sách cho Kindle để ai cũng có thể đọc được dù ở bất cứ đâu.


Một số trang trong cuốn sách biếm họa “The Vietnamese Wife, Western Husband Club”


TheoDep.com.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN