Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

7 năm đi khắp Bắc, Nam tìm chị chồng

Thứ sáu, 16/05/2014 | 14:00
Ngày đó, chị bắt xe vào Nam rồi ra Bắc tìm chị chồng. Đến đâu chị đều mang tấm hình chị Hẹ ra để hỏi han nhưng đều nhận được cái lắc đầu. ...
Đến bây giờ nhiều người dân thôn Duy Phiên nói riêng và xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) nói chung vẫn còn nhớ rõ về những tháng ngày chị Trần Thị Thúy khăn gói, ngược xuôi Bắc-Nam tìm chị chồng bị thất lạc. “Phải công nhận chị ấy là con người giàu tình cảm, biết chăm lo cho gia đình và giàu đức hi sinh. Chị em ruột chưa chắc đã bỏ công ra đi tìm nhau trong 7 năm ròng huống hồ em dâu đi tìm chị chồng”, chị Trương Thị Thương ở thôn Duy Phiên khen ngợi.

Trời xế trưa cũng là lúc vợ chồng anh Trương Văn Lạc và chị Trần Thị Thúy trở về nhà sau buổi ra đồng. Pha vội ly trà mời khách, anh, chị bắt đầu kể về quá trình đi tìm người chị bị thất lạc 7 năm trời. “Khi chị tôi thất lạc, tôi và vợ đã đi tìm nhiều năm liền nhưng không thấy. Đã có lúc tôi nản chí và nghĩ đến những điều không may có thể xảy ra nhưng vợ tôi vẫn tin rằng sẽ đưa được chị trở về. Ai ngờ quyết tâm ấy của vợ tôi đã trở thành hiện thực”, anh Trương Văn Lạc nhớ lại.

Anh Lạc kể, anh có 2 người chị là Trương Thị Lý và Trương Thị Hẹ nhưng cả 2 chị đều mắc bệnh tâm thần từ nhỏ. Chị Lý bị bệnh nhẹ hơn nên được gia đình cho đi học đến hết lớp 5 trường làng rồi nghỉ, riêng chị Hẹ thì không thể đến trường một phần vì bệnh khá nặng, phần vì mắc chứng nói ngọng bẩm sinh. Mặc dù mắc bệnh tâm thần nhưng dưới sự hướng dẫn của người nhà thì các chị vẫn có thể làm một số việc như giặt quần áo, quét nhà, làm cỏ vườn, hái rau…

7 năm đi khắp Bắc, Nam tìm chị chồng
Chị Thúy chăm sóc chu đáo cho hai chị chồng

Tháng 4/1991, khi anh Lạc và chị Thúy đang đi làm đồng thì chị Trương Thị Hẹ bỏ nhà ra đi theo một người đàn bà lạ mặt làng bên. Trở về nhà hay tin chị bỏ đi, anh chị đã tức tốc đi tìm nhưng chẳng thấy. Biết là chị mình bị kẻ xấu lợi dụng với chiêu trò làm thuê không công nên anh, chị đã khăn gói lên đường đi tìm. Nghe đâu có thông tin giống với đặc điểm nhận dạng chị mình là họ lại đến tìm. Thế rồi thất vọng nối tiếp thất vọng, khiến anh, chị hết sức lo lắng. Lúc đó, để nhanh chóng tìm ra chị mình, họ chia nhau ra tìm kiếm.

“Tôi không biết đi xe đạp, xe máy lại càng không nên ngày đó đi tìm chị chồng, tôi chỉ đi bộ ngày này qua ngày khác suốt 2 tháng liền. Cuối cùng sự cố gắng của tôi cũng đã thành công khi chị đang giúp việc cho một gia đình ở huyện Hải Lăng”, chị Thúy kể lại.

Đưa chị về đoàn tụ cùng gia đình chưa đầy 2 năm, chị Hẹ lại bỏ đi theo một người làng bên lên thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa) để giúp việc mà gia đình không hề hay biết. Chị Thúy lại cuống cuồng đi tìm chị chồng lần hai và mất gần nửa tháng, chị Thúy mới tìm được chị của mình. “Chị Hẹ là người thích đi xin ăn ở các đám giỗ, cưới hỏi nhưng chị chưa bao giờ ăn xin không công mà thay vào đó là phụ rửa chén bát, lau nhà giúp gia chủ. Tại thấy chị hơi ngờ nghệch nhưng lại siêng năng, sai đâu làm đó nên nhiều người muốn lợi dụng sức lao động của chị. Chị làm chỉ để được ăn chứ không quan tâm đến công cán và chẳng hề biết tiền là gì nên nhiều người mới gặp thường dỗ ngon ngọt để mang chị về nhà mình giúp việc không lấy tiền công”, chị Thúy nói thêm.

Năm 2004, chị Hẹ lại bỏ làng ra đi vì nghe theo lời dụ dỗ ngon ngọt của người lạ. Lần ấy, chị rời xa làng rồi lưu lạc nơi đất khách đến 7 năm ròng. “Hôm chị Hẹ đi theo người lạ, tôi sang làng bên tìm nhưng không thấy. Hỏi người làng bên thì họ bảo thấy chị Hẹ và nhóm người lạ ở bến xe khách Đông Hà. Linh cảm có chuyện không hay, tôi dặn chồng ở nhà chăm con nhỏ, lo công việc để mình tôi đi tìm chị Hẹ”, chị Thúy cho biết.

Ngày đó, chị bắt xe vào Nam rồi ra Bắc tìm chị chồng. Đến đâu chị đều mang tấm hình chị Hẹ ra để hỏi han nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Để có manh mối tìm kiếm, chị Thúy đã để lại hình ảnh chị Hẹ cùng địa chỉ liên lạc ở một số người dân nơi mình từng đi qua. Sau một thời gian ngược xuôi tìm kiếm và móc nối thông tin, chị Thúy trở về nhà chờ đợi tin báo. Cứ 2 đến 3 tháng chị lại thu xếp việc nhà để lần theo thông tin từ các nơi liên lạc về. Công việc đó diễn ra trong 7 năm liền làm tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức lẫn của cải nhưng chưa bao giờ chị từ bỏ hy vọng. Và rồi quyết tâm ấy của chị cũng được đến đáp khi chị Thúy gặp được chị Hẹ đang lang thang giữa phố phường tỉnh Nam Định. “Thời khắc ấy đến nay đã 4 năm nhưng hễ ai nhắc lại chuyện cũ là lòng tôi lại trào dâng niềm hạnh phúc”, chị Thúy chia sẻ cảm xúc.

Gương sáng giữa miền quê

Trong căn nhà khang trang của anh Lạc, chị Thúy nằm giữa thôn Duy Phiên, chúng tôi may mắn chứng kiến được một bữa cơm gia đình đầm ấm tình người. Mấy chị em họ vừa ăn cơm vừa nói cười vui vẻ bên nhau. “Để có cuộc sống no đủ, đầm ấm như bây giờ, vợ chồng tôi đã phải cố gắng vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức”, chị Thúy nói.

Hơn 25 năm về trước, anh Lạc và chị Thúy tình nguyện đến với nhau từ hai bàn tay trắng, gia cảnh đôi bên đều nghèo khó nên của hồi môn chỉ là vài cây tre, gánh tranh phụ giúp làm nhà. Trước khi họ làm đám cưới, một số người cho rằng chị Thúy dại khi chọn anh Lạc bởi anh vốn đã nghèo lại phải chăm lo cho người mẹ già cùng với hai người chị bị bệnh tâm thần bẩm sinh.

“Ở cùng làng nên tôi hiểu rõ gia cảnh của chồng và dẫu biết khó khăn đang chờ đợi phía trước nhưng tôi vẫn quyết định lấy anh chứ không phải ai khác. Và quyết định ấy của tôi đã đúng”, chị Thúy cười hiền chia sẻ.

Chuyện nàng dâu với chị em chồng vốn là vấn đề nhạy cảm, đã thế các chị chồng lại mắc bệnh tâm thần nên càng khó xử hơn. Từ lúc về làm dâu, chị Thúy luôn tỏ ra khéo léo, mềm mỏng, linh hoạt trong việc xử lý mối quan hệ với chị chồng nên cuộc sống rất êm đẹp. Không những thế, chị Thúy còn là cô con dâu ngoan hiền, hiếu thảo. Hàng xóm và gia đình hai bên đều hài lòng với cách ứng xử, lối sống của chị. Thế nhưng vẫn có một số người ganh ghét chị đã bày cách xúi giục các chị chồng phá rối cuộc sống gia đình.

“Các chị chồng vốn bị bệnh nên khó nhận ra được phải trái như người thường, ai cho các chị bánh kẹo, đồ ăn thì đó là “người tốt”. Vì thế, nhiều lần trở về nhà, các chị đập phá đồ đạc, chửi bới tôi thậm tệ nhưng tôi luôn có cách để “hóa giải” khéo léo”, chị Thúy cho biết thêm.

Trong dân gian có câu: “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” nhưng chị Thúy thì quan niệm khác. Chị cho rằng: “Mình hãy sống với chị em chồng bằng tất cả thiện ý, sự chân tình lẫn yêu thương thì lo gì các chị không hiểu tình cảm của mình”.

Năm 2000, với số vốn tích cóp bấy lâu anh Lạc và chị Thúy đã mua được căn nhà xây kiên cố để có điều kiện phụng dưỡng mẹ già, an tâm làm ăn. “Đó là ước mơ cả đời của chúng tôi. Ngày trước thấy cảnh mẹ già cùng hai người chị bị bệnh ở trong căn nhà cũ nát mỗi khi đông về lòng vợ chồng tôi quặn thắt. Bây giờ thì chúng tôi an tâm rồi, chẳng còn nơm nớp lo sợ mẹ, các chị bị gió lạnh, mưa ướt nữa”, anh Lạc cho biết.

Khi đã có nơi ở mới, chị bắt đầu chú trọng chăn nuôi lợn, trâu và đấu thêm ruộng để làm. Công việc làm ăn thuận lợi nên chị bàn với chồng đấu thầu đầm nước lợ nuôi thủy sản và chỉ sau 5 năm, anh chị đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhanh chóng. Kinh tế khấm khá hơn, chị lại có thêm điều kiện để chăm sóc cho mẹ và hai chị chồng. Dù bận bịu đến mấy, chị cũng thu xếp cơm nước cho mẹ và hai chị xong mới tính đến việc của bản thân mình. Chị nhiều lần từ chối những chuyến tham quan của Hội Phụ nữ xã, thôn chỉ để ở nhà chăm mẹ, chị chồng.

“Mẹ và các chị ở với vợ chồng tôi lâu rồi nên không quen với người lạ chăm sóc. Với lại có đi tôi cũng không yên tâm nên thường quyết định ở nhà làm tròn trách nhiệm nàng dâu”, chị Thúy tâm sự. Nhấp ngụm nước, chị cười hiền pha trò: “Suốt 7 năm đi tìm chị chồng tôi đã du lịch khắp 2 miền Nam-Bắc nên giờ đi lại cũng thấy chán. Trong làng này có lẽ tôi là người đi đến nhiều địa danh trong nước nhất”.

Thời gian 7 năm đi tìm chị chồng thất lạc, chị Thúy đã từng làm thuê trong các quán ăn, ở thuê, giữ trẻ, lau nhà cho đến phụ hồ để trang trải kinh tế nhằm trụ lại nơi đất khách để tiếp tục tìm kiếm. Mỗi nơi đi qua đều để lại trong chị một kỷ niệm khó quên. Tình yêu thương và đức hy sinh của chị đã viết nên một câu chuyện cổ tích bình dị giữa đời thường đáng để mọi người học hỏi.

Theo Phú Hải/Báo Quảng Trị

Theo Infonet


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN