Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Nhà báo Việt Nam ở Odessa: Phía trước tòa nhà công đoàn

Thứ tư, 14/05/2014 | 14:00
Vượt qua được nhóm người dân muốn ngăn cản, chúng tôi đi về phía tòa nhà công đoàn, nơi từng có đến 46 người thiệt mạng. Phần khói đen loang lổ ám bên các cửa sổ do trận hỏa hoạn tuần trước vẫn còn đó.

Phía trước tòa nhà công đoàn ở Odessa - Ảnh: AFP

{mp3}nha-bao-viet-nam-o-odessa{/mp3}

Những người thiệt mạng là những người “thân Nga” lui vào cố thủ trong đó sau trận đánh nhau với nhóm “ủng hộ Kiev” ngoài phố. Thảm kịch đã gây sốc dư luận Ukraine, dù là bên “thân Nga” hay bên “ủng hộ Kiev”, gây sốc cả với chính quyền lẫn cộng đồng quốc tế.

Nó như là bằng chứng sống cho một viễn cảnh ai cũng lo sợ: nội chiến giữa những người dân Ukraine mà cách đây không lâu còn là hàng xóm, là bạn bè.

Vẫn có những người đến đặt hoa và cắm nến để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng. Cảnh sát chống bạo động của chính quyền Kiev vẫn đứng canh vòng ngoài. Họ mới được tăng cường từ thủ đô đến đây hôm 7-5. Phía sát dãy cửa tòa nhà là cảnh sát quốc gia.

Chiếc máy quay phim của chúng tôi bắt đầu tác nghiệp và cũng chính vì thế thu hút sự chú ý của cả hai phía: “ủng hộ Kiev” và “thân Nga”. Mỗi bên đều cố gắng giải thích cho sự kiện bi thảm ở phía trong tòa nhà.

Dĩ nhiên cả hai bên đều muốn giành ưu thế trong cuộc chiến tranh thủ dư luận này khi thấy chúng tôi là nhà báo nước ngoài. Chúng tôi nghe cũng muốn lùng bùng lỗ tai vì không biết sự thật nằm ở đâu: “Những kẻ ném chai xăng gây cháy thật ra là tình báo Nga và chúng muốn chụp mũ trách nhiệm lên chúng tôi”, “Không, thật ra đó là một vài kẻ quá khích muốn trả thù cá nhân. Họ từng chứng kiến người thân bị người Nga sát hại nên ra tay như thế. Thật đáng tiếc nhưng cũng có thể hiểu được!”, “Mấy ông thấy đó, bọn phát xít của Kiev hành xử như thế đó. Chính vì thế chúng tôi mới xuống đường đánh nhau. Nước Nga sẽ giúp đỡ chúng tôi...”.

Tôi hiểu được lý do nổi giận của họ: báo chí phương Tây nhìn chung thiên vị với chính quyền Kiev trong việc xử lý thông tin. Dường như các nhà báo không có thời gian để phân tích và có độ lùi cần thiết để kiểm chứng thông tin. Việc chạy đua tranh giành bạn đọc trong cuộc khủng hoảng hiện tại cũng là một lý do khác.

Nhưng sự thật là sau một thời gian, mọi chuyện càng trở nên khó hiểu và vượt ngoài mọi tầm kiểm soát. Loạn lên cả. Giờ đây chẳng biết ai anh hùng, ai tội đồ, ai đòi dân chủ, ai đang lạm dụng dân chủ. Trong những ngày biểu tình trước đây, người ta thấy có những người đấu tranh vì tự do, những người đòi đả phá nạn tham nhũng có hệ thống của chính quyền cũ. Ngay cả ở biểu tượng của cuộc đấu tranh, quảng trường Maidan ở Kiev giờ đây có cả những kẻ cực đoan thuộc bên cánh tả lẫn cánh hữu và họ nay cũng chẳng dính dáng gì đến dân chủ. Dường như họ đang trang bị các thứ chỉ để đánh nhau.

Lúc này người ta thấy có những người Ukraine thân Nga xuống đường chỉ để bảo vệ văn hóa, ngôn ngữ của họ do lịch sử gắn bó lâu nay giữa Ukraine và Nga (vì chính quyền Kiev đã từng ban hành lệnh cấm ngôn ngữ tiếng Nga). Nhưng cũng có cả những người Ukraine thân Nga chỉ muốn ly khai bằng mọi giá.

Từ khi mọi thứ mất kiểm soát, có thể thấy cả hai phía Ukraine và Nga đang tiến hành một cuộc chiến thông tin càng dẫn đến sự thù hận giữa các nhóm dân. Thông tin lẽ ra phải giúp người dân hiểu được mọi lẽ để tự chọn con đường chính trị mà mình mong muốn. Thế mà giờ đây nó lại làm chao đảo mọi thứ. Trong một cuộc chiến, dù là chính quy giữa hai bên hay nội chiến, nạn nhân đầu tiên luôn là sự thật!

Nhưng trước mắt tôi giờ đây, nạn nhân còn là một Odessa từng một thời thanh bình, từng là một nơi đáng sống...

Kiev thừa nhận dân miền đông ủng hộ bên ly khai

Chiến sự tại trị trấn Mariupol, thuộc vùng Donetsk ở miền đông Ukraine, tiếp tục kéo dài đến rạng sáng 10-5 với con số thương vong lên gần 50 người. Lúc này, Kiev thừa nhận mất sự ủng hộ của người dân miền đông. Báo điện tử Vesti.ua của Ukraine hôm qua dẫn lời tổng thống tạm quyền Aleksander Turchynov thừa nhận rằng những gì xảy ra tại Mariupol hôm 9-5 cho thấy lực lượng đòi ly khai được người dân ủng hộ. Ông Turchynov thừa nhận tình hình này sẽ gây khó khăn cho chiến dịch quân sự của chính phủ tại miền đông.

Lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine thông báo phía họ có một người chết và bốn người bị thương. Đến 10g sáng 10-5, lực lượng này cho biết đã rút ra khỏi khu vực trung tâm thị trấn. Trong khi đó, chính quyền Donetsk thống kê có bảy người chết và 39 người bị thương. Bộ trưởng nội vụ Ukraine Arsen Avakov thông báo quân chính phủ tiêu diệt 20 người bên ly khai, bốn người bị bắt làm tù binh.

Do giao tranh giữa hai bên, trụ sở cảnh sát Mariupol đã bị phá hủy. Đài phát thanh Latvia Baltkom dẫn lời một nhân chứng cho biết lực lượng vệ binh quốc gia đã bắn vào cảnh sát bằng súng phóng lựu, do họ từ chối khai hỏa vào những người họ cho là dân thường.

Bộ Nội vụ Ukraine thông báo cảnh sát trưởng Mariupol, ông Valeryi Androsehuk, đã bị bên đòi ly khai bắt cóc. Quan điểm này bị các dân quân phản đối, họ cho biết cảnh sát đứng về phía họ và đây là hành động của phe cực hữu.

Báo Independent của Anh nhận xét rằng cuộc đụng độ đẫm máu ở Mariupol hôm 9-5, đúng vào dịp kỷ niệm chiến thắng phát xít - niềm tự hào của một nửa dân số nói tiếng Nga tại Ukraine, đã làm tan nát hi vọng hòa giải, đẩy đất nước đến gần bờ vực nội chiến. Và đây là một sai lầm của Kiev. “Những con số báo cáo thương vong khác nhau không có ý nghĩa gì trong cuộc đối đầu này. Đối với nhiều người, sự kiện hôm nay càng củng cố quan điểm của phe ly khai rằng họ đang bị những kẻ tân phát xít tấn công” - báo Anh bình luận.


Theo Tuổi trẻ