Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Tham luận về Tiếng Việt của cô giáo Hoàng Thị Vân

Thứ ba, 16/05/2017 | 17:34
Đến với Đại hội Hội người Việt Nam tỉnh Odessa lần thứ VIII, cô giáo Hoàng Thị Vân đã mang đến một bài tham luận đầy cảm xúc, thể hiện sự tâm huyết, cái tâm với nghề của một nhà giáo với bao bộn bề của cuộc sống vẫn dành thời gian đóng góp cho cộng đồng, cho thế hệ trẻ.

Tham luận về Tiếng Việt của cô giáo Hoàng Thị Vân

Kính thưa ngài Đại sứ Nguyễn Minh Trí  – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Ucraina và Moldova!
Kính thưa Đoàn chủ tịch, thưa toàn thể Đại hội!

Đại hội toàn thể Hội người Việt Nam tỉnh Odessa đươc diễn ra trong tháng 5 – tháng mà cả trong và ngoài nước đều hào hứng chào đón các ngày lễ lớn như 131 năm ngày Quốc tế Lao động; 63 năm chiến thắng Điện biên phủ và 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Và tại đây, đất nước châu Âu nói chung, Ucraina xinh đẹp nói riêng cũng hừng hực khí thế chào đón, kỷ niệm 72 năm chiến thăng Đức Quốc xã trong cuộc chiến tranh Thế giới thứ 2. Đâu đó ta bắt gặp những hình ảnh xúc động khi người dân Ucraina đang chăm chút cho các đài tưởng niệm nhỏ. Tại mỗi nơi, ngọn lửa vĩnh cửu được thắp lên, kế bên là thắm đỏ những bông hồng trang trọng để tri ân các chiến binh công nông đã ngã xuống trong cuộc vệ quốc vĩ đại.

Tôi cũng rất làm vui mừng được Ban chấp hành hội phân công trình bày tham luận trước Đại hội, được trao đổi, được bày tỏ trách nhiệm của một người nhà giáo với các đồng chí, các đồng nghiệp và các bậc phụ huynh về vai trò – tầm quan trọng của tiếng Việt với thế hệ trẻ người Việt tại nước ngoài.

Lời đầu tiên tôi xin gửi tới tất cả các vị khách quý về dự Đại hội lời chào mừng nồng nhiệt nhất. Chúc tất cả các vị khách về dự Đại hội mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

Trước hết, tôi xin nhất trí với bản báo cáo và phương hướng nhiệm kỳ 2017 – 2020 của Đoàn chủ tịch đã đề ra.
Kính thưa các vị Đại biểu, thưa Đại hội!

Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất – đa dân tộc và vì vậy cũng là quốc gia có nhiều ngôn ngữ. Trong suốt quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước, phát triển đất nước việc bảo tồn và phát huy sự trong sáng của Tiếng Việt cũng như các ngôn ngữ dân tộc khác luôn được xem là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam. Tiếng Việt như là một ngôn ngữ luôn gắn liền với sự phát triển của xã hội Việt Nam. Nhiều chương trình nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định ngôn ngữ Tiếng Việt rất phong phú và luôn phát triển. Cho tới thời điểm hiện tại với thế giới nói chung và người dân Việt Nam chúng ta nói riêng, đều không thể phủ nhận vai trò quan trọng của Tiếng Việt cũng như sự phát triển mạnh mẽ của “ngôn ngữ mẹ đẻ”.

Thời gian trở lại đây, song hành với quá trình toàn cầu hóa nói chung, “toàn cầu hóa văn hóa” và “toàn cầu hóa ngôn ngữ” đó là một thực tế không thể tránh khỏi. Quá trình giao thoa về ngôn ngữ diễn ra mạnh mẽ khiến Tiếng Việt cùng lúc phải cạnh tranh với nhiều ngôn ngữ khác. Tiếng Việt cũng có nguy cơ hòa tan theo xu hướng áp đảo của chính sách “Thế giới phẳng” về ngôn ngữ và văn hóa do một số nước lớn chủ sướng – nhưng mục tiêu thống nhất vẫn là “giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt”, phải kế thừa giá trị ngôn ngữ truyền thống và hội nhập như thế nào để đừng đánh mất bản sắc của tiếng mẹ đẻ.

Như chúng ta đã biết, thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng liên quan đến người Việt ở nước ngoài - Bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước ta với các nước. Trong đó hỗ trợ cộng đồng duy trì, củng cố và phát triển Tiếng Việt cho đồng bào ở xa tổ quốc nhất là thế hệ trẻ kiều bào luôn được xác định là một công tác trọng tâm, một nội dung quan trọng hàng đầu của công tác đối với người Việt ở nước ngoài.

Tháng 1 năm 2017 đề án “Nâng cao hiệu quả dạy và học Tiếng Việt cho người Việt ở nươc ngoài” đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp của đề án là tuyên truyền, vận động cộng đồng người Việt ở nước ngoài tổ chức các lớp dạy Tiếng Việt, động viên con em người Việt Nam tham gia học Tiếng Việt. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người Việt ở nước ngoài về tầm quan trọng, lợi ích của việc học Tiếng Việt trong việc góp phấn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, củng cố phát triển ngôn ngữ, bản sắc văn hóa dân tộc Việt, khơi dậy phát huy tinh thần hướng về quê hương đất nước, góp phấn quảng bá Tiếng Việt và văn hóa Việt ở nước ngoài.
Hưởng ứng trọng tâm xuyên suốt của đề án “Dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài” Đại sứ Nguyễn Minh Trí đã lấy năm 2017 là năm Tiếng Việt tại Ucraina và khẳng định: “Tiếng Việt là sống còn của người Việt”. Ngày 21/04/2017 Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina đã tổ chức Hội nghị “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt” nhằm trao đổi các biện pháp – kế hoạch – mục tiêu cụ thể để tăng cường và đổi mới phương pháp dạy và học Tiếng Việt cho cộng đồng. Trao đổi và hướng cho các Hội đoàn thành lập “Quỹ Tiếng Việt”.

Kính thưa các đồng chí!

Hôm nay cộng đồng người Việt Nam tỉnh Odessa tổ chức Đại hội nhằm đánh giá những việc đã làm được và những hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua. Nhưng quan trọng hơn cả là chúng ta sáng suốt lựa chọn ra cho nhiệm kỳ mới, nhiệm kỳ 2017 – 2020 những đồng chí cán bộ chủ chốt, lãnh đạo cộng đồng là những người có Đức -  có Tài – có “Trái tim nóng, cái đầu lạnh và đôi bàn tay sạch”. “Trái tim nóng” để biết vui, buồn thông cảm, thương xót với những đau khổ và bất hạnh của nhân dân, một “trái tim nóng” để không tự biến mình thành vô cảm hay vô trách nhiệm. “Cái đầu lạnh” để tỉnh táo, để biết phải, trái, biết lắng nghe tiếng nói của lương tri. Nhưng quan trọng nhất vẫn là “đôi bàn tay sạch” – nó tự biết miễn dịch với cái ác và trái lương tâm. Tôi mong rằng ban lãnh đạo cộng đồng nhiệm kỳ mới hãy phát huy hết khả năng của mình, bắt tay “đoàn kết” phát triển cộng đồng ngày một thịnh và hãy song hành cùng chúng tôi – những người giáo viên “ươm mầm xanh cho đất nước” – tuyên truyền tới bà con cộng đồng giữ gìn, củng cố và phát triển Tiếng Việt một cách hiệu quả, sâu rộng nhất để truyền bá rộng rãi hình ảnh Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc với thế giới, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào quá trình quốc tế hóa – việc bảo tồn và phát huy Tiếng Việt làm cầu nối các thế hệ cộng đồng khắp nơi với cội nguồn, nhằm chung tay xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.

Với tôi – xin hứa sẽ đem hết khả năng, trình độ của mình để truyền đạt kiến thức cho các em. Hi vọng trong tương lai không xa, tất cả thế hệ trẻ đều có thể tự ngâm nga và thấm thía, hiểu được ý nghĩa câu thơ 

“Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”

Cuối cùng, xin chúc quý vị đại biểu, bà con cộng đồng sức khỏe, hạnh phúc, bình an. Chúc các đồng chí lãnh đạo sẽ có nhiều thành công và tạo được tiếng vang trong cộng đồng ở nhiệm kỳ mới.

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm, lắng nghe của quý vị!
Cô giáo – Hoàng Thị Vân