Nhà báo Võ Trung Dung, cộng tác viên của Tuổi Trẻ, đã có mặt tại thành phố cảng Odessa - nơi từng xảy ra vụ thiệt mạng đẫm máu trong những xung đột hiện nay ở Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đến dâng hoa tại Matxcơva ngày 8-5, trước ngày nước Nga kỷ niệm Ngày chiến thắng phát xít Đức 9-5. Dòng chữ trên đài kỷ niệm là Odessa - Ảnh: Reuters
Quốc tịch Việt Nam đã giúp ông thoát khỏi nguy hiểm. Xin giới thiệu bài viết của ông.
Chúng tôi đi xuống phố, dọc đại lộ lớn Velyka Arnautska ở gần trung tâm Odessa, không xa cảng biển là mấy. Hôm nay (9-5), thành phố Odessa có vẻ yên tĩnh. Nhưng tôi vẫn cảm nhận thấy bóng dáng của bạo lực phía sau vẻ yên tĩnh bất thường này.
Có những nhóm người đứng nói chuyện trên hè phố. Họ nhìn chúng tôi, quan sát với vẻ nghi ngờ với cái máy quay tôi mang bên người và dàn cây sào âm thanh của anh Kyto, chuyên viên âm thanh của Đài Nhật NHK.
Một số người nói vài câu gì đó với nhóm chúng tôi. Dĩ nhiên tôi chẳng hiểu gì nhưng lo lắng khi giọng nói họ có vẻ gây hấn. Raïssa, người phiên dịch tiếng Ukraine của chúng tôi, liền dịch: “Họ nói: bọn khốn! Chúng mày làm việc cho bọn phát xít ở Kiev và bọn CIA. Chúng mày chỉ kể những điều ngu xuẩn về chúng tao. Cút về nhà chúng mày đi!”.
Những nhóm người khác, gồm cả đàn ông lẫn phụ nữ, khi nghe những lời chửi rủa đó liền tiếp cận nhóm chúng tôi với vẻ đe dọa. Trên tay họ lăm lăm gậy sắt, những cây gậy gỗ và những đồ vật gì đó mà tôi không kịp nhận ra.
Tôi nắm lấy tay Raïssa khi đó đang mỉm cười. Cô ấy từng chứng kiến những chuyện tệ hại hơn trong thời chiến tranh ở Grozny, quê hương Chechnya của cô. Cách phản ứng hay nhất là sẵn sàng phản công lại và không tỏ vẻ sợ hãi. Tôi tự nhủ trong đầu và chúng tôi tiến về phía nhóm người có vẻ muốn gây hấn.
Kyto mặt lạnh tanh, và vốn là người chuyên nghiệp, anh ấy tăng âm của máy ghi mang theo bên mình để sẵn sàng thu. Tôi nói “chào” bằng tiếng Anh và Raïssa dịch ra tiếng Ukraine. Rồi tôi nói “Chào các bạn” bằng tiếng Việt. Đó là cách để gây bất ngờ và làm giảm nhịp căng thẳng.
Sau đó tôi tìm cách giải thích với họ chúng tôi là ai và đang làm việc gì. Đại loại chúng tôi làm việc khách quan, trung thực... Nhưng nhóm kia vẫn chưa hạ nhiệt. Một người đàn ông cao to cỡ 2m hét lên: “Bọn người Nhật chúng mày là đồng minh của Mỹ. Chúng mày gì thì gì cũng phục vụ Mỹ mà thôi!”. Một người khác góp vào: “Chúng nó là người Hoa. Chúng chả hiểu gì về chuyện đang xảy ra ở đây!”.
Tình thế có vẻ rất căng thẳng. Đám đông vây lấy chúng tôi, vừa có vẻ tò mò vừa có vẻ đe dọa. Nhưng rồi có vài người bình tĩnh góp lời với đám đông: “Để họ đi đi. Để họ đi làm việc của họ. Nếu chúng ta giết họ thì trong mắt thế giới, chúng ta chẳng khác những tên man rợ. Điều đó không tốt cho chính nghĩa của chúng ta...”. Kyto ghi âm lại được hết. Anh ấy thuộc dạng người có thể chết đứng khi đang làm nhiệm vụ.
Lúc này Raïssa kịp thời lên tiếng giải tỏa: “À không, anh nhà báo này là người Việt Nam!”. Câu nói đó vậy mà giải quyết được mọi việc. Một phụ nữ trong nhóm bảo: “Tôi có mấy hàng xóm người Việt. Họ hơi ồn ào nhưng dễ mến”. Một người có tuổi khác góp vào: “Chúng ta từng là anh em. Thời đó tốt đẹp làm sao!”. Rồi một người đàn ông hỏi tôi: “Chiến tranh ở đất nước anh hồi đó thật khủng khiếp. Hẳn anh hiểu tình cảnh chúng tôi hiện nay. Chúng tôi đấu tranh cho văn hóa, ngôn ngữ, sự độc lập của mình...”.
Thế là từ chuyện đe dọa đánh đập nhóm chúng tôi bỗng chuyển thành chuyện bàn tán chỉ trích người Mỹ gây chiến tranh ở Việt Nam, giống như chuyện họ đang gây ra ở Ukraine...
VÕ TRUNG DUNG (còn tiếp)