Đoàn công tác số 8 đi thăm và kiểm tra các đảo trên huyện đảo Trường sa do thứ trưởng Bộ ngoại giao, chủ nhiệm Uỷ ban nhà nước về người Việt nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam làm trưởng đoàn công tác. Đại tá phó tham mưu trưởng quân chủng Hải quân Nguyễn Thế Tốt phó trưởng đoàn. Đại tá Viện trưởng Viện kiểm soát quân sự Hải quân chịu trách nhiệm về công tác tổ chức của đoàn công tác. Gần 200 đại biểu bao gồm 60 kiều bào từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với các đại biểu từ các cơ quan ban ngành của Nhà nước và các công ty.
Sáng sớm ngày 25/4 đoàn khởi hành từ cảng Cát lái trên chiếc tàu kiểm ngư KN491. Trước đó lãnh đạo đoàn đã thắp hương tưởng niệm các thủy thủ đoàn tàu không số tại lữ đoàn 125 vùng 2 Hải quân. Thượng tá Trần Minh Thuần phó lữ trưởng lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân chỉ huy hải trình. Điểm đến đầu tiên của đoàn là đảo Song tử Tây, nơi địa đầu phía Bắc những hòn đảo Việt nam đang đóng giữ.
Ngay ngày đầu tiên 25/4 đoàn đã thành lập Ban biên tập bản tin KN491 và tổ chức đêm giao lưu Văn nghệ giữa đoàn Văn công quân đội với các thành viên trên tàu và đoàn công tác. Chương trình giao lưu vui vẻ tạo không khí hoà nhập giữa các thành viên trong đoàn. Ngày 26/4 các thành viên đã làm quen, giao lưu với nhau trong không khí đoàn kết ấm áp. Đoàn kiều bào đã tổ chức quyên góp ủng hộ cán bộ chiến sĩ biển đảo Trường sa. Số tiền quyên góp hơn 700 triệu được trao ngay cho đại diện Uỷ ban nhà nước về người Việt nam ở nước ngoài để chuyển đến tận tay các chiến sĩ.
Đúng 11h trưa ngày 27/4 tàu KN491 thả neo tại đảo Song tử Tây để đưa thủ trưởng đoàn công tác lên thăm cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Đoàn đã thực hiện nghi thức chào cờ, đọc lời thề quân nhân dưới cột mốc chủ quyền thiêng liêng. Sau đó đoàn đi dâng hương tại chùa Song tử Tây, tượng Trần Hưng Đạo và tập trung ở Hội trường nghe chỉ huy đảo báo cáo về tình hình đời sống cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Các thành viên của đoàn công tác cũng đi gặp gỡ giao lưu với quân dân trên đảo và tham gia chương trình ca nhạc của đoàn Văn công quân đội. Cũng trong thời điểm đó một số thành viên của đoàn đến thăm và tặng quà chiến sĩ đảo chìm Đá Nam. Cuộc sống tuy có gian nan, vất vả nhưng các chiến sĩ đều xác định được tư tưởng kiên định quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ngày 28/4 tàu KN491 đã đưa đoàn công tác đến thăm đảo Sơn Ca và đảo Nam Yết. Tại đây đoàn cũng dâng hương tại tượng đài Võ Nguyên Giáp, chùa Nam Huyên, nghĩa trang liệt sĩ và tượng đài Trần Hưng Đạo. Sau khi nghe báo cáo và trao tặng quà đoàn có buổi giao lưu văn nghệ với cán bộ chiến sĩ trên đảo.
Tiếp tục hải trình ngày 29/4 đoàn đã ghé thăm đảo Sinh tồn và đảo Cô lin. Tại đảo Sinh tồn đoàn đã được các em học sinh đón chào và hát múa cùng đoàn như khẳng định thêm niềm tin vững chắc về ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tại đảo Cô lin đoàn đã được nghe về tinh thần anh dũng kiên cường của cán bộ chiến sĩ khi chiến đấu bảo vệ chủ quyền trong trận chiến ngày 14/3/1988. Từ đảo qua kính viễn vọng các đại biểu cũng được ngắm nhìn đảo Gạc ma, nơi 64 liệt sĩ vẫn đang nằm dưới biển trong trận hải chiến đó. Đau đáu nhìn một phần đất thiêng, phần xương máu của chiến sĩ đã bị xâm lăng các đại biểu không khỏi ngậm ngùi. Ngay trong chiều cùng ngày dưới nắng nóng đoàn công tác đã tổ chức Lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thương và cảm phục tinh thần bất khuất của các anh. Nhiều người không biết hút thuốc cũng châm lửa thuốc lá để gửi tặng các anh.
Trong không khí kỷ niệm 42 năm ngày thống nhất đất nước, đoàn đã đến thăm và tặng quà các chiến sĩ đảo Đá Đông B và Đá Đông C. Chia sẻ tình cảm với ngư dân đang ngày đêm bám biển, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Thủ trưởng đoàn đã trao quà và động viên bà con nêu cao tinh thần quyết tâm vừa làm kinh tế vừa bảo vệ quyền thiêng liêng về lãnh thổ, lãnh hải.
Ngày thứ 7 của Hải trình 01/5 đoàn đã có mặt ở đảo Đá Tây A. Sau khi thắp hương nơi thờ Lý Thường Kiệt đoàn đã được nghe báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2017. Đặc biệt đảo Đá Tây A đã xây dựng được âu tàu cho ngư dân trú bão mỗi khi biển động. Trên đảo cũng đang xây đắp khu đất để lập trạm thu mua hải sản.
Đây là hòn đảo chìm duy nhất đã có bóng cây xanh. Chiều cùng ngày tàu kiểm ngư KN491 đã cập cảng đảo Trường sa lớn. Đây là hòn đảo lớn nhất trong số những đảo ta đóng giữ, có cầu tàu, có đường băng và nhà ga hàng không. Dù nắng gắt nhưng toàn đoàn đã cùng các cán bộ chiến sĩ trên đảo chào cờ và duyệt đội ngũ. Đoàn cũng thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc; đoàn đã dâng hương đền thờ Bác Hồ, chùa Trường sa, thắp hương mộ liệt sĩ và trao quà cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Tối cùng ngày đoàn công tác có chương trình giao lưu Văn nghệ với cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo tại khu cột mốc chủ quyền. Buổi giao lưu diễn ra vui vẻ, đầm ấm thắm đượm tình cảm thân thương.
Điểm cuối cùng trong hành trình là chuyến thăm và trao quà tại nhà giàn DK1/11 vào ngày 02/5. Nhà giàn được xây dựng trên bãi đá ngầm Tư chính thuộc vùng biển phía Nam của Tổ quốc. Nhà giàn DK1/11 là minh chứng sống động về nỗ lực của Nhà nước và Quân đội ta trong công cuộc bảo vệ chủ quyền thềm lục địa và biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sau phần thăm hỏi và tặng quà các cán bộ chiến sĩ trên nhà giàn đoàn công tác đã tổ chức Lễ tưởng niệm dâng hương các liệt sĩ đã hi sinh nằm lại biển khơi khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Những sẻ chia của cán bộ chiến sĩ khi khó khăn gian khổ được nhắc lại như ghi nhớ thêm lần nữa lòng quả cảm của các anh. Đồng chí đại tá Nguyễn Xuân Thanh nghẹn ngào đọc những dòng tưởng niệm tới anh linh các anh - những người con ưu tú của dân tộc Việt nam anh hùng.
Kết thúc chuyến thăm quan và kiểm tra trên các đảo thuộc huyện đảo Trường sa tàu KN491 hướng về đất liền. Chiều 03/4 tàu neo tại vùng biển Vũng tàu, các đại biểu đã có buổi liên hoan như để mừng cho thành công của chuyến công tác. Đêm giao lưu Văn nghệ cũng đọng lại ký ức của từng thành viên trong đoàn công tác. Sáng 04/5 tàu hành trình về cảng Cát lái, đoàn đã có buổi liên hoan tổng kết chuyến công tác của đoàn. Lưu luyến chia tay, sẻ chia điện thoại, email hay kết bạn trên mạng xã hội. Dù rất hiểu cuộc vui nào cũng phải chia tay nhưng mọi người đã kịp hẹn nhau về các cuộc gặp mặt tiếp theo.
Tạm biệt Trường sa nhưng hình ảnh của Trường sa đã gắn sâu trong trái tim mỗi người. Chúng tôi nguyện sẽ làm hết mình vì Trường sa thân yêu. Xin mượn câu thơ của nhà dịch giả-kiều bào Hungary Giáp Văn Chung để nói nỗi lòng của mình:
Trường sa xin đến một lần
Để mang Tổ quốc thật gần trong tim
Để lòng ta trọn niềm tin
Hải Âu sải cánh tới nghìn năm xa...
Xem thêm: Phóng sự ảnh về Trường Sa
Hải Anh