Doanh nhân Lê Quốc Sơn - trình bày về mô hình kinh doanh mới.
P/v: Trước tiên, xin chúc mừng ông với kế hoạch đang là tâm điểm chú ý của bà con cộng đồng. Xin ông vui lòng cho biết, xuất phát từ đâu, ông xây dựng kế hoạch như vậy?
-Ý tưởng thành lập Trung tâm thương mại Việt Nam trong khuôn viên chợ cây số 7 được hình thành sau gần 1 năm đi lại nghiên cứu tại các nước Đông Âu. Như chúng ta biết, hầu như nước nào ở đó cũng có chợ, Trung tâm thương mại của riêng người Việt. Tại Đức có chợ Đồng Xuân. Tại CH Séc có trung tâm thương mại Sa Pa. Ở Ba Lan trong quần thể chợ đông đúc gồm chợ Tàu, chợ Thổ, chợ Ấn Độ, chen vào đó có 2 khu chợ của Việt Nam. Tôi ấn tượng nhất với khu chợ Polskie của anh Kiên. Mấy năm trước do chợ nằm ở vị trí trong cùng nên gần như chợ trên bờ vực phá sản. Sau đó anh Kiên đã xin phép chính quyền mở chợ đêm. Nhờ đó mà khu vực chợ của anh Kiên đã phát triển mạnh nhất trong khu vực. Do các xe lấy hàng đến từ nửa đêm, họ đã tranh thủ vào khu chợ của anh Kiên để lấy hàng rồi về cho kịp phiên chợ ở các thành phố xa. Ngoài bán buôn thì bán lẻ cũng rất tốt nhờ cửa hàng khang trang nên khách hàng tin tưởng.
Chợ đêm của người Việt tại Balan
Sau khi nghiên cứu ở nước ngoài về tôi có suy nghĩ, tại sao Odessa nằm ở vị trí đắc địa, có hải cảng lớn, có chợ km 7 lớn nhất Châu Âu, có một cộng đồng Việt vững mạnh, chăm chỉ với nhiều doanh nhân thành đạt mà lại không có một Trung tâm thương mại nào cho người Việt.
P/v: Trước đây, cũng đã từng có nhiều Trung tâm thương mại được mở ra cạnh chợ như chợ Angelica( chợ Tàu), chợ mới...nhưng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi đóng cửa. Liệu có mạo hiểm lắm không, thưa ông?
- Trung tâm thương mại dự kiến nằm trong khuôn viên chợ cây số 7 và là một bộ phận, một khu của chợ. Như đã biết, tại chợ cây số 7 có rất nhiều khu vực với "bản sắc" riêng để tồn tại lâu dài: như khu vực bãi 1 chuyên bán đồ chơi, khu vực bãi 2 bán lẻ hàng Thổ, khu bãi 3 bán sĩ hàng Tàu, khu Mưnka bán hàng may mặc, khu Zavodski bán hàng dân dụng, khu hàng vải...Ngoài ra, khu vực bãi 2 nhắm đến khách hàng là người trong phố, khu vực bãi 3 nhắm đến khách hàng từ thành phố khác...Vì thế, Trung tâm thương mại người Việt không cạnh tranh với chợ mà chỉ là một bộ phận mới giúp khách hàng tới chợ cây số 7 có nhiều sự lựa chọn phong phú phù hợp với sở thích của họ.
P/v: Vậy, Trung tâm thương mại người Việt có những thuận lợi gì, thưa ông?
- Trước hết, cần phải phân tích tình hình chợ cây số 7 hiện nay. Tại chợ, bà con ta buôn bán tản mát, tập trung đông nhất tại khu 3. Đây là khu vực hoạt động tốt nhất mà theo tôi với mấy lý do sau:
- Tập trung đông người Tàu và người Việt Nam nhất.
- Có lối đi rộng.
- Và một điều quan trọng là mở cửa sớm hơn mọi khu vực khác.
Tuy nhiên cũng có những bất cập. Với cộng đồng Việt, TQ đông đảo như hiện nay thì số lượng chỗ không đáp ứng đủ nhu cầu. Trong tương lai khi chợ thay đổi lại cấu trúc thì ít nhiều khu vực này sẽ bị ảnh hưởng bởi các điểm bán hàng vẫn là Container.
Từ những nghiên cứu trên, tôi đề xuất lập dự án mở khu trung tâm thương mại cho người Việt tại vị trí đẹp và thuận tiện nhất trong chợ Km7.
Khu vực này sẽ đáp ứng được tất cả các tiêu trí tốt nhất cho buôn bán.
- Khu vực chợ của người Việt
- Xây dựng khang trang, lối đi rộng 6m
- Xung quanh là bãi đỗ xe
- Được mở cửa sớm khi xe đường dài vào chợ.
- Đây là khu vực tốt nhất trong tương lai vì không thể xây dựng thêm các cửa hàng để cạnh tranh trong khu vực này bởi các mặt xung quanh đều là đường và bãi xe.
Với các yếu tố trên khu vực này sẽ nhanh chóng phát triển thịnh vượng. Tất cả các khách hàng không mất công tìm kiếm khu chợ Việt, do vậy ngoài khách quen ra thì chúng ta sẽ có lượng lớn khách mới.
Với một trung tâm thương mại khang trang, khách hàng tin tưởng chúng ta sẽ thêm được nguồn bán lẻ tốt.
Do trung tâm nằm giữa 3 cửa ra vào lại có bãi đỗ xe rộng , mở cửa sớm chắc chắn sẽ thu hút lượng khách hàng lớn.
P/v: Thưa ông, thời điểm này công việc kinh doanh ế ẩm, liệu có phải là thời điểm phù hợp để mở Trung tâm thương mại?
- Ucraina đang tiến tới hội nhập EU, bà con ta cũng phải chuẩn bị những phương án làm ăn bài bản, đúng luật, và Ba Lan là thị trường có những đặc thù giống với Ucraina mà chúng ta cần học tập......Tôi tâm niệm rằng, để thành công thì phải nhìn trước được tương lai, phải dũng cảm, dám nghĩ dám làm và phần thưởng luôn dành cho người dũng cảm. Hiện nay tình hình kinh tế Ucraina rất khó khăn, nhưng cũng là thời cơ và thách thức của chúng ta. Lúc này chúng ta mới có thể chọn được khu vực đẹp và với giá đầu tư hợp lý. Về đầu tư tôi rất tâm đắc với câu chuyện Vinpearl của anh Phạm Nhật Vượng. Theo đó, hơn 10 năm trước, thoáng nghe thông tin có một "đại gia" Việt xây dựng Khu du lịch Vinpearl tại đảo Hòn Tre(Nha Trang), thậm chí có cả cáp treo vượt biển, rất ít người tin tưởng. Nhiều người còn bảo, Phạm Nhật Vượng "điên", là "ném tiền xuống biển", "trứng chọi đá"...
P/v: Vấn đề pháp lý và giá xây dựng thì như thế nào?
- Chúng ta là Người quyết định đầu tư( chi tiền), Ban giám đốc chợ cây số 7 là Chủ đầu tư ( mua sắm vật liệu, thuê thợ, máy móc...). Chợ sẽ xây dựng theo mô hình Trung tâm theo yêu cầu của chúng ta. Những người quyết định đầu tư sẽ ký hợp đồng trực tiếp với Ban giám đốc chợ( giống như cách làm khi xây dựng Làng Sen)
Vấn đề giá xây dựng ( sẽ thông báo sau) Khi chúng tôi thu thập được số lớn khách hàng thì chúng ta sẽ cử những đại diện có uy tín tới thương lượng trực tiếp với chủ chợ.
P/v: Ông có thể cho biết, những ai có thể tham gia vào đầu tư Trung tâm thương mại?
- Chúng tôi ưu tiên cho người Việt nhưng để Trung tâm hoạt động hiệu quả, càng có nhiều sự tham gia của các doanh nhân các nước thì càng tốt. Hiên nay, chúng tôi đã trao đổi với các lãnh đạo cộng đồng người Tàu và họ rất quan tâm.
P/v: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi thú vị. Chúc kế hoạch của ông nhận được sự ủng hộ của cộng đồng để có thêm một biểu tượng mới, cùng với Làng Sen, đầy tự hào tại Odessa.
P/v Người Việt Odessa