Tôi lớn lên trên cao nguyên đầy nắng và gió đất tây nguyên, tuổi thơ tôi là những buổi trời chiều trong cao vời vợi giữa núi rừng xanh thẳm, mải mê ngắm những đàn cò trắng trong thung lũng, nối nhau bay về tổ ấm sau một ngày mệt nhọc kiếm ăn, với những đám mây bồng bềnh, nhẹ nhàng trôi chầm chậm ngang lưng chừng núi.
Cuộc sống có bao điều khó khăn, vất vả. cái nghèo, thiếu thốn và những nhọc nhằn không làm vơi đi tình yêu của tôi với quê hương, dẫu giờ đây nhớ lại, những hạt mồ hôi bươn trải vẫn lấp đầy trong ký ức. Nhưng tôi vẫn chọn và lưu giữ cho mình những ký ức thật đẹp. Hồi ấy tôi từng ước gì mình có một chiếc máy ảnh để có thể lưu giữ lại mãi những hình ảnh của quê hương, mọi thứ trước mắt tôi lúc nào cũng tươi đẹp và yên bình quá đỗi. Không có máy, nhưng tất cả những hình ảnh ấy, đã được chụp và lưu lại mãi trong tâm trí tôi cho đến tận bây giờ, để rồi khi xa, nó nhiều lúc vẫn dội về và cháy lên trong tôi một niềm thương nhớ khôn nguôi.
Xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk
Quê hương tôi không có những cánh đồng mênh mông cò bay thẳng cánh, bốn bề chỉ có núi bao quanh, núi che chở, ấp ôm lấy những bản làng nhỏ, thưa nhà cửa, thấp thoáng trong những lùm cây, những con đường làng cỏ xanh mượt mà hai bên chỉ chừa đủ lối đi, cứ những buổi sáng sớm hay chiều lại ướt đẫm sương gấu áo ba mẹ và tôi đi làm về.
Thời học sinh của tôi phải đạp xe trên những con đường ngoặt nghèo đầy dốc hơn mười lăm cây số mới lên đến thị trấn học, chiều lại đạp xe vào núi đi làm, chúng bạn hay trêu tôi là người rừng, bởi tôi ở trong núi miết, chẳng có mấy ai qua lại, thỉnh thoảng mới có những bác đi rừng ghé qua nghỉ chân, uống miếng nước và khi nào các bác cũng mang về cho tôi những chùm dâu da chín mọng. Cả mùa hè may ra tôi xuống núi có ba lần, về làng đạp xe lên huyện mua mấy cuốn sách về đọc, công việc nên phải làm trong rẫy suốt. Mỗi lần trở về làng là lại nghe tiếng mấy bác hàng xóm hỏi thăm: Hôm nay cháu về đấy à! rồi nghe các bác trò chuyện với mấy con gà, con vịt, mấy chú gà trống choai thỉnh thoảng lại gáy ầm lên trong sân và tiếng con gà mái cục ta cục tác trong cái nắng trưa hè, mọi thứ giờ đây cứ sống lại trong tôi sao mà thân thương đến thế…
Hồi đó mọi thứ còn nguyên sơ, nhưng bây giờ nhiều người vào đây phá rừng làm rẫy, những đồi núi đã trở thành những đồi cà phê bạt ngàn hoa trắng muốt tinh khôi, cũng có những quả đồi trọc, đất xói mòn nằm trơ sỏi đá, cây cối chẳng lên được. Tôi nhớ lắm những buổi làm nương giữa cái nắng trưa trời oi ả, tôi chỉ khát khao được bay đi thật xa, muốn biết cái thế giới đằng sau dãy núi kia là gì và rồi vừa làm vừa nghe ba và chú tôi kể chuyện hồi mới vào đây phát rẫy, đất hồi đó tốt lắm, không bị xói mòn như bây giờ, ba bảo, chỉ cần thả hạt đỗ xuống đất rồi đến mùa ra cây nào cây nấy cũng sai nặng trĩu quả không phải phân bón, rồi bệnh tật như bây giờ. Cái đầm lầy nhỏ trong làng tôi cứ đến mùa hoa sen lại nở rộ, lũ gà đồng, lũ chim cuốc làm tổ đầy trong những bụi đước, những chiều tôi cùng mấy đứa trẻ trong xóm xách cái rổ con ra đầm hái rau muống về ăn, rồi rủ nhau chèo thuyền ra nhặt đầy những mũ trứng chim cuốc, chú tôi bảo mình chỉ nhặt đủ ăn thôi còn cho chúng sống.
Tôi lớn lên mọi thứ đổi thay nhiều, cánh đầm sen ngày nào giờ ngày càng bé lại, các cô các bác thuê những chiếc xe chở đất, đổ đầy xuống đầm làm ruộng, những chiếc xe lu lớn từ trên huyện về ủi những con đường quê rộng thênh thang, thế rồi từ đó những chiếc xe lớn cứ thay nhau về làng săn bắt lũ cò, lũ vạc, gặt hết những vụ sen. Những ngày về thăm nhà, buổi chiều, nấu cơm xong, tôi lại dong chiếc xe đạp ra đầm dạo một lát, vui vì mình trở lại cái không khí trong lành, yên ả sau những ngày tấp nập chốn thị thành, nhưng cũng lại thấy buồn, tiếc nuối những tiếng cò, tiếng vạc cứ xa dần thưa mãi, cái đầm sen ngày nào ngày càng bé lại, con đường xanh ướt đẫm sương mai giờ thỉnh thoảng lại gặp những chiếc túi ni lông nằm phất phơ trong gió bụi bên đường
Đường về nhà tôi
Giờ sống và học tập ở một đất nước khác xa xôi, tôi càng thêm thương nhớ quê hương mình, nhớ mảnh đất cằn cỗi, nhớ những người dân quê vất vả cả một đời mà vẫn sống nặng tình nặng nghĩa. Tôi chỉ ước ao có thể làm được gì cho mảnh đất này, trước hết là mang cái chữ về cho bản, cùng với mọi người hiện đại hóa quê hương nhưng vẫn giữ lại được những vẻ đẹp tự nhiên mà tạo hóa đã ban tặng, để mảnh đất ấy, còn mãi xanh tươi, còn mãi những đàn cò cứ chiều chiều lại bay về ngang ngõ, đậu trắng trên những ngọn cây như những ngôi sao đêm không bao giờ tắt, không chỉ còn cháy mãi trong kí ức thương nhớ khôn nguôi của mỗi người con xa xứ, những người con đã lớn lên và gắn bó với mảnh đất này.
Trần Xuyến