Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Tôi đi làm bằng Metro (phần 5)

Thứ hai, 10/04/2017 | 08:20
Phần 5: Nét đẹp văn hóa trong lòng đất

Bẵng đi một chuỗi ngày dài, mải lo làm ăn khi mùa xuân về, chợ có vẻ khởi sắc nên chẳng có thời gian gặp lại V. theo lời hẹn.
    Đầu tháng 3 vừa qua, nhớ bạn hiền sáng chiều liên tục gọi điện cho hắn. Nhưng tiếc thay, lần nào hồi âm cũng chỉ là câu trả lời lạnh tanh “ngoài vòng phủ sóng” từ miệng của cô gái địa phương nào đó, thì hỏi rằng, có buồn không cơ chứ! Nghĩ hắn về quê đón Tết cổ truyền dân tộc 2017. Biết ngày nào sang? Nên càng nóng lòng mong đợi khi chuyện đi làm bằng metro lúc nào cũng hừng hực trong tôi chủ đề về con người và cuộc sống trong lòng đất. Chờ mãi, nhắn tin qua điện thoại cũng chẳng có hồi âm, càng buồn hơn tưởng như đã tắt ngấm niềm tin và hi vọng. Nhưng bỗng một hôm, trên đường về nhà ra bến tàu điện ngầm Barabashova, tôi gặp V. ngày nào.
    Mừng vui khôn tả. Níu áo hắn lại, chào hỏi xong tôi trách “khéo” ngay:
-    Gớm, nằm “vùng” ở chốn nào, bặt tăm tích gọi điện mãi chả hồi âm, cứ y như nhà cách mạng hoạt động bí mật ấy!
Lắc đầu phủ nhận, V. cự nự:
-    Cậu chỉ được cái hay nói đùa thôi. – ngừng một lát, hắn nghiêm túc đặt vấn đề - hỏi thật, cậu “phôn” cho tớ lúc nào và bao giờ?
-    Tuần nào sáng chiều cũng đôi lần. – tôi đáp nhanh.
-    Thảo nào! - ỡm ờ nói rồi chẳng để tôi hỏi “vì sao”, V. giải thích luôn – bởi vào thời điểm ấy, tớ ở trong lòng đất. Sóng yếu cộng thêm điện thoại thuộc dạng cổ lỗ sĩ thì làm sao có thể thông đồng bén giọt được
-    Có nghĩa là cậu đi làm bằng Metro? – đoán già đoán non tôi ướm hỏi.
Giọng tự tin, V. đáp “dĩ nhiên” rồi kể lể:
-    Từ sau ngày hai chúng mình chia tay, đến nay đã qua mùa thu lá vàng rơi và mùa đông giá lạnh, với tớ, không còn con đường nào khác dẫn đến chợ ngoài metro. Để rồi, gắn bó với nó có bấy nhiêu ngày đã cảm thấy gần gũi thân thiết như cặp tình nhân thấm đậm yêu thương. Tưởng chừng nếu phải xa nhau sẽ buồn biết mấy …

Tôi đi làm bằng Metro (phần 5)

Cửa vào Metro

Chuyện đang vào cuộc, vừa lúc hai đứa dừng chân trước bậc thềm dẫn sâu vào trong lòng đất rồi bước tiếp theo dòng người trình tự xếp hàng nối đuôi nhau mua vé qua máy tự động. Vào bến bãi cũng tự giác qua máy soi chứ không hề có nhân viên kiểm soát – một nét đẹp văn hóa trong lòng đất mà chỉ những ai đi làm bằng metro mới “mục sở thị”.
Lấy trong túi áo hai tờ 5 grivna, nhằm mua vé cho cả hai liền bị V. ngăn lại với lí do là đã có vé “các” tháng trong tay và nằng nặc đòi chiêu đãi tôi nhân cuộc tái ngộ không hẹn mà nên này. Nể bạn tôi không phản đối, đành tạm dừng một lần thú vui sưu tầm đồng grivna bằng kim loại, sáng lung linh như vàng.
Nhẽ ra chia tay V. về nhà ngay, sau buổi chợ vừa về chiều đã vắng tanh như chùa bà đanh. Nhưng hiềm nỗi phải đến trung tâm thành phố mua “quà” theo đơn đặt hàng của bà xã nhân ngày Quốc tế phụ nữ mồng 8 tháng 3. Hơn nữa, bản thân cũng muốn tâm sự đôi điều với anh bạn đồng niên vắng bặt tăm hơi nửa năm trời nên tôi quyết định theo hắn vào chung một toa tàu. 
Ngồi bên nhau, chả để hắn kịp hỏi “Vì sao”, nhanh giải thích vài lời ngắn gọn xong rồi, theo thói quen nghề nghiệp làm báo cộng đồng thấm vào máu thịt từ lâu, tôi tranh thủ “phỏng vấn”:
-    Bấy nhiêu ngày làm quen với metro, ngoài sức khỏe tăng cường do đi bộ sáng, chiều, tâm hồn phơi phới dậy mùa xuân vì có dịp hòa nhập với cuộc sống đời thường của dân địa phương “trong lòng đất”. Còn gì thú vị nữa, theo cậu?
-    Đấy là nét đẹp văn hóa trong lòng đất. – vừa trả lời xong, như linh cảm báo, chợt ngẩng đầu lên thấy một cặp cụ ông lẫn cụ bà đứng bên. V. nháy tôi. Hai đứa vội đứng lên nhường chỗ với lời mời thân thiện “пожалуйста” (xin mời). Đáp lại là ánh mắt trìu mến và câu nói chân tình “спасибо” (cảm ơn) của hai vị lão thành ấy. Cùng lúc, thêm những ánh mắt cảm phục của những người đứng cạnh, thì hỏi rằng có cảm thấy vinh hạnh, hành vi nhỏ bé trong cách “đối nhân xử thế” của mình, góp phần gìn giữ hình ảnh người Việt đẹp trong con mắt người bản xứ không các bạn? Thế là, sau giây phút ấy, hắn càng hưng phấn trải lòng – Hôm đọc bài “Tôi đi làm bằng Metro” thoạt nghĩ tác giả cố tình che giấu “cái nghèo trời ban”. Nhưng khi thể nghiệm thấy hoàn toàn không phải. Trước hết mang tính khách quan, sau đấy còn nhận được nhiều lẽ phải của đời. Đặc biệt là cách cư xử bình đẳng “người với người là bạn”, tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần “đừng quên mình là ai”, cũng như thái độ niềm nở, phong cách nhã nhặn theo phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình”… khiến tình yêu đối với quê hương thứ 2 Kharkov càng thêm mặn nồng và gắn bó hơn. 
-    Thí dụ cụ thể xem nào! – tôi vờ ướm hỏi xem những gì lọt vào mắt hắn có trùng hợp với mình không. 
Được thể, V. kể luôn:
-    Chắc cậu cũng đã thấy. Đấy là luồng người ngược xuôi theo dòng đời đua chen mà không hề ồn ào, chen lấn nhau. Thậm chí, lớp trẻ hối hả là thế nhưng vẫn nhường bước cho những người già lão đi trước, cho trẻ thơ vội vã cắp sách đến trường. Đặc biệt, qua tấm cửa kính nặng nề, người đi trước bao giờ cũng giữ chặt chờ người nối bước qua rồi mới buông tay. Đấy là bến Metro đèn chùm lộng lẫy sáng chưng, hoành tráng như lâu đài bao giờ cũng sạch bóng bởi đôi bàn tay chuyên cần của nhân viên quét dọn, của hành khách tứ phương với ý thức giữ gìn nơi công cộng sạch sẽ như ngôi nhà mình, là những đoàn tàu cập bến và xuất phát nghiêm chỉnh theo giờ quy định, cho mọi đối tượng hành khách thực hiện tốt công việc riêng tư, là hàng trăm nghìn hành khách đủ mọi thành phần trí thức, lao động kể cả dân chợ búa, nghiêm túc về trang phục, nhẹ nhàng trong lời ăn tiếng nói và tự nguyện thực hiện nếp sống văn minh chứ không phụ thuộc vào loa đài nhắc nhở. Nhất là, ngần ấy tháng ngày, tớ chưa hề nhìn thấy kẻ say rượu lướt khướt hoặc hút thuốc lá vụng trộm như đã từng xảy ra trên mặt đất. – ngưng một lát, giọng vẫn nhỏ nhẹ để tránh ảnh hưởng tới sự yên ắng xung quanh, hắn đưa ra kết luận – Có đi đó đi đây bằng metro mới học được một sàng khôn về lối sống làm người. 
Ngắt lời V., tôi khẽ hỏi:
-    Cụ thể là gì?
-    Ngay gần đây thôi. Vội về, chân dẫm toẹt vào vũng nước sẫm bùn. Chểnh mảng xuống thẳng metro, đi trên sàn lát đá hoa qua chỗ nào để lại cát bụi trên chỗ ấy. Mấy người xung quanh theo dõi chẹp miệng thở dài. Vừa lúc, tàu cập bến, da mặt nóng bừng tớ vội “lao” vào như trốn tội. Để rồi, mỗi lần nghĩ lại cảm thấy ngượng chín đến cả người.
-    Thì cậu có cố ý đâu! – an ủi V. xong, tôi nhắc nhở hắn cũng là để tự dặn mình – song cố gắng đừng bao giờ lặp lại kể cả vô tình, cho lòng mình thanh thản.
Đồng tình, V. tự thú:
-    Sau lần ấy, ngoài quần áo chỉn chu ra dứt khoát phải kiểm tra cả giày dép trước khi xuống thành phố trong lòng đất.
Mỉm cười chia sẻ cùng V. xong cũng là lúc “tàu về bến bãi”. Trước khi chia tay nhau, tôi kể nhanh cho V. nghe một việc làm rất đậm tình người lẫn nét đẹp văn hóa nơi công cộng của cô gái dáng sinh viên, tóc đen dài chấm ngang vai, da mặt màu nâu mịn màng… đã tự nguyện đặt “các” tháng của mình lên bảng tự động cho người phụ nữ địa phương cao tuổi đang bị “nghẽn” bước qua vào bến metro, vì có thể thẻ của bà ấy hết giá trị sử dụng, rồi vội vã bước đi, cho đấy là lẽ phải nếp sống văn hóa đời thường.

 

Tôi đi làm bằng Metro (phần 5)

Dòng người ngược xuôi

Hòa vào dòng người đi làm bằng metro, tôi tin rằng, và có lẽ cả V. nữa, sẽ có chung một suy tư: Nét đẹp văn hóa trong lòng đất ấy chắc chắn là nơi bền lâu, lắng sâu mãi trong khối óc, con tim ta. 
Tin rằng trong tương lai, “hữu xạ tự nhiên hương” từ trong lòng đất ấy sẽ cảm hóa thêm nhiều người, nhiều màu da khác nhau trở thành “bạn đồng hành” trong khúc quân hành “tôi đi làm bằng metro” đầy thi vị “được nhiều hơn mất” …
 

Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng Hành” Kharkov