Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Ly hôn cũng là một lựa chọn để hạnh phúc

Chủ nhật, 04/05/2014 | 14:00
Chúy – Tác giả cuốn sách “Gom nắng cho em”Quan trọng nhất là phải làm cho bản thân mình được hạnh phúc, chúng ta không thể mang đến cho con cái những thứ mà ngay bản thân mình cũng không có được.

Thời gian gần đây, tôi được nghe rất nhiều những câu chuyện ly hôn của bạn bè, những người bạn mới gặp lần đầu họ cũng tìm đến tôi để tâm sự và cả những người bạn đã thân thiết với tôi từ lúc 10 tuổi. Người vui, người buồn, người lắc đầu như thể vừa bước ra từ bàn cỗ cưới mà đồ ăn dở tệ, tặc lưỡi tiếc cái phong bì lúc nãy. Trước kia, khi nghe người ta nói đến sự đổ vỡ trong hôn nhân tôi đã nghĩ đó là thứ cảm giác chắc mình sẽ không phải trải qua, đó là một bước ngoặt mà có lẽ mình không phải đi vào, đó là nơi tồi tệ, đó là thất bại, đó là sự đau đớn không có kết thúc và một cuộc sống đã dừng lại.

Ly hôn cũng là một lựa chọn để hạnh phúc

Ảnh: minh họa

Trong ký ức ngày nhỏ, tôi nhớ như in hình ảnh một người phụ nữ ở xóm trong, cách nhà tôi mấy nhà, cô ấy cũng sống một mình cùng cậu con trai. Mẹ tôi bảo cô ấy không có chồng. Vào những năm bao cấp, thì cuộc sống của một người phụ nữ không chồng luôn là đề tài nói chuyện của cả xóm. Căn nhà của cô ở cũng trở nên kỳ bí, câu chuyện của cô nói với con trai trong lúc ngồi ăn phở ở đầu ngõ người ta cũng lắng nghe, ai đến nhà cô người ta cũng nhấm nháy. Tất cả để đều nhìn cô với ánh mắt tò mò, dò xét và e ngại, người ta thêu dệt nên đủ câu chuyện về cuộc đời của cô: chồng chết, chồng bỏ, trốn đi biệt xứ, xin giống ở đâu hay cặp kè với thằng nào đẻ ra đứa con hoang…

Nhưng rồi khi cuộc hôn nhân của chính mình đổ vỡ và tôi tìm lại được sự cân bằng cũng như niềm vui để cuộc sống được tiếp tục, tôi mới nhận ra rằng, ly hôn cũng chỉ là một ngã rẽ, một lựa chọn trên con đường hạnh phúc.

Nhiều người nói rằng: Ôi tôi phải ly hôn hôn vì không còn lựa chọn nào khác. Còn bản thân tôi thì nghĩ rằng, cuộc sống này tồi tệ ở chỗ là có quá nhiều rủi ro, nhưng lại tử tế ở chỗ là cho chúng ta lựa chọn một rủi ro với mức tổn thất ít nhất. Tức là, một cuộc hôn nhân trên bờ vực thẳm với bất kỳ lý do gì, vẫn có rất nhiều lựa chọn để giải quyết : Tiếp tục chung sống để làm cho ra ngô ra khoai, lập lại trật tự gia đình nếu bạn đủ sức, sống cùng nhà nhưng chỉ làm bạn, không can thiệp vào việc của nhau và đối xử với nhau một cách văn minh nếu bạn đủ nhiệt tình, hoặc ly hôn và sống cuộc sống khác nếu bạn đủ dũng cảm…và vài lựa chọn khác nữa tùy hoàn cảnh mỗi người. Nên việc ly hôn là một lựa chọn của bạn chứ không phải là không có lựa chọn nào nên buộc phải làm.

Rồi có người sẽ nói: Tôi muốn ly hôn, tôi không thể sống như này mãi, nếu được chọn chắc chắn tôi sẽ chọn ly hôn. Nhưng còn con tôi thì sao, tôi sợ phải nuôi con một mình, con tôi lớn lên sẽ như nào đây?

Tôi biết, chắc chắn tôi biết. Đó là lựa chọn khó khăn hơn nhiều, việc bạn đứng ở quầy KFC, định gọi kem phủ socola nhưng kem vani hôm nay lại được giảm giá đặc biệt trong khi bạn chỉ còn bụng để ăn thêm một cái. Không sao, cuộc sống là một chuỗi dài những việc bạn cần lựa chọn. Và điều quan trọng hơn là chúng ta phải làm gì sau đó với lựa chọn của mình.

Mẹ tôi đến bây giờ nhiều lúc vẫn trách móc, nhìn cháu nhà người ta có bố có mẹ thế kia, phải như thế thì trẻ con mới phát triển được. Tôi công nhận. Nhưng so sánh như các cụ thì gần giống với việc so sánh sức khỏe của người bị bệnh khớp với vận động viên điền kinh vừa được huy chương vàng Olympic, đương nhiên thiệt thòi rồi. Nhưng mà có lẽ tôi đã khỏe mạnh và may mắn hơn bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối và cuộc sống chỉ tính bằng ngày.

Hơn nữa, theo quan điểm của tôi thì việc nuôi một đứa trẻ là việc chúng ta không nên làm một mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Phụ nữ sau khi ly hôn không nên tự quy trách nhiệm nặng nề cho bản thân về việc “một mình nuôi con”. Đó là thiệt thòi cho đứa trẻ chứ không phải là chứng minh cho sự tháo vát và mạnh mẽ của bạn. Mọi đứa trẻ đều cần sự chăm sóc và dạy dỗ của cha và mẹ ngay cả khi cả hai không còn ở bên nhau .Không thiếu cách để chúng ta đáp ứng được điều đó cho chúng mà không cần phải duy trì một cuộc hôn nhân tồi tệ. Đừng biến gia đình trở thành vỏ bọc cho những bất ổn về hôn nhân.

Không cần biết bạn và tôi đã lựa chọn thế nào, nhưng quan trọng nhất là phải làm cho bản thân mình được hạnh phúc, chúng ta không thể mang đến cho bọn trẻ những thứ mà ngay bản thân mình cũng không có được. Phải không?