Chen lấn một hồi, hai đứa mới dắt díu nhau ra khỏi toa tàu. Sau đấy, lại “kề vai sát cánh” hòa vào dòng người – “cùng hội cùng thuyền” đi làm, đi học, cả đi chơi bằng Metro – bước tiếp, nối chân nhau tiến về phía trước. Cùng lúc, cánh bên trái luồng người hối hả lầm lũi bám gót nhau bước về phía sau tìm bến đợi. Tưởng chừng không ngừng.
Ngắm nghía cảnh ngoạn mục dòng người qua lại như trăm sông đổ về biển đông ấy, V. ngỡ ngàng thốt lên lời:
- Lạ thật. Mới sớm ngày mà họ đi đâu làm gì đông như trẩy hội “mùa xuân ở Kinh bắc” ấy nhỉ? Trong khi hiện thời ở nơi đây kinh tế chưa khởi sắc. Nhà máy, xí nghiệp chưa hoạt động đều!
Lâu đài ...
Cảm thông anh bạn thân ít va chạm với thực tế cuộc sống, tôi giải thích theo nhận thức của mình qua quá trình đã từng hòa nhập:
- Thì cậu tính, chả nhẽ cứ ngồi nhà chờ “sung rụng” à! Vì thế, ai nấy đều phải tự vận động lo cho cuộc sống riêng bằng tình yêu với thành phố mình sinh ra và lớn lên. Hơn nữa, tuyến tàu điện ngầm Pobeda này, sáng nào cũng đông thêm hàng nghìn sinh viên người địa phương lẫn người nước ngoài “khoác ba lô” đến trung tâm tỏa ra các trường đại học như Tổng hợp, Y khoa, Kinh tế, Văn hóa, Bách Khoa… Ngoài ra, còn phải tính đến lượng người không hề nhỏ vốn là dân chợ búa lẫn khách hàng hoạt động trên thương trường tự do như Trung tâm thương mại Barabashova, Chợ trung tâm … Bởi Metro là một loại phương tiện giao thông công cộng thuận tiện nhất cả về thời gian lẫn tiền bạc. Thêm vào đó, giây phút ngồi trong toa tàu, yên tĩnh suy tư lặng thinh đọc báo, nghe nhạc. Hoặc như tớ, thời làm báo cộng đồng từ “Tuần tin Quê hương” đến “Bạn Đồng Hành” đã từ đấy tạo cho mình nhiều lời hay ý đẹp về con người và cuộc sống nơi đây – quê hương thứ 2 Kharkov. Thế thì hỏi cậu, dại gì để mất thời cơ “đi làm bằng Metro” ngàn năm có một này!
Có lẽ, cảm thấy hứng thú và bị lôi cuốn theo dòng người đi Metro, mà Kharkov là một trong ba thành phố ở Ucraina có “thành phố trong lòng đất” – khai trương năm 1975 (sau Kiev -1960, và trước Dnepetrovsk -1997) V. tươi nét mặt, tự thú:
- Chắc chắn, ngày một ngày hai tới tớ sẽ đi chợ bằng Metro như cậu để còn biết đó biết đây. Chứ sớm tối chiều hôm, ngày tiếp ngày ngồi sau tay lái thì tới ngày nào “khôn” (tủm tỉm cười)
Chưa hẳn tin, tôi gạn hỏi:
- Cậu không nói đùa cho vui đấy chứ?
Nghiêm túc, V. lắc đầu. Vừa định giãi bày cho vừa lòng nhau thì hai đứa bước tới bậc thang cuối cùng là bến Universitet hoành tráng, lộng lẫy như một lâu đài hiện đại với chiều dài khoảng trên 100 mét. Chiều rộng xấp xỉ 20 mét và chiều cao không dưới 10 mét được soi tỏ bởi những chùm đèn pha lê treo tận đỉnh hầm. Lại thêm, mấy hàng ghế tựa, lúc nào cũng chật kín “khách không mời mà đến”, ngồi bên nhau dõi xem màn hình màu treo lửng lơ và xúc động lắng nghe những bài ca trữ tình theo chủ đề sâu lặng “Tôi yêu Kharkov” …
Sững sờ trước khung cảnh sống động đầy mộng mơ như lọt vào động tiên ấy, V. khôi hài, thổ lộ:
- Có lẽ, chẳng còn cách nào khác là phải dứt khoát tìm cách “kết hôn” bằng được với nàng metro mê hồn, cho thỏa lòng mong ước bấy lâu đây.
Chợt đoàn tàu cập bến. Như đã hẹn, hai đứa vội vàng bước vào trong toa đi về hướng Metro Geroev Truda. Tranh thủ, tôi đặt vấn đề:
- Lẽ nào, cậu lại có thể thay đổi tư duy và nếp sống của mình một cách nhanh chóng như vậy?
Như thể lấy “lòng” tôi – bạn bè một thời cùng ngồi trên ghế nhà trường, một thời cùng lăn lộn trên thương trường sống động “cay đắng ngọt bùi” có nhau, V. láu lỉnh đáp:
- Quá nửa năm trước, tình cờ đọc bài “Tôi đi làm bằng Metro” của cậu, ngẫm phận mình thấy hao hao giống đã đành mà còn tự cảm nhận ra lẽ phải của đời: Cần khiêm tốn, giản dị và từ bỏ lối sống phù hoa “có rồi lại mất” và vẫn giữ quan hệ anh em, bạn bè bền chặt, sức khỏe tăng cường thì hà cớ gì bỏ qua. Vả lại, tớ chỉ tạm “ly thân” với nàng khi đi làm bằng Metro, còn khi nào cần giải quyết những công việc khẩn thiết về kinh doanh lẫn riêng tư, vẫn “hợp duyên với nàng” cơ mà!
- Có nghĩa là cậu vẫn giữ chiếc BMW cổ lỗ sĩ! – tôi ngỡ ngàng đặt vấn đề.
Trầm tư mặc tưởng, V. vội đáp:
- Dĩ nhiên. Vì nó đã đồng hành với tớ mười mấy năm trời qua, như người bạn đường tri kỷ ấy!
Nghe xong, thấy hắn hao hao giống cảnh ngộ người hàng xóm cùng khu chung cư, tôi hỏi:
- Cậu có nhớ ông Tây “com lê củ sếch” thân mật chào hai đứa chúng mình ở bến Podeda không?
- Quên thế nào được, mà sao cơ? – V. dồn dập hỏi lại
Hứng thú, tôi giảng giải:
- Cậu biết không. Ông ta là giáo sư, phó hiệu trưởng thứ nhất học viện Dược được tiêu chuẩn ô tô nhà nước đưa đón tận nhà hàng bao năm trời qua. Nhưng ba năm trở lại đây, do khủng hoảng kinh tế chăng, ông ta đi làm bằng Metro suốt cả thời gian đó cho đến tận bây giờ, mặc dù vẫn có xe riêng. Nhiều lần, vô tình đi bộ “dồng hành” cùng ông ta từ nhà tới bến Metro dài hơn một nghìn mét. Tế nhị hỏi “vì sao”. Vị giáo sư ấy hãnh diện đáp: Đi bộ vừa hòa nhập vừa tăng cường sức khỏe. Cùng lúc một công đạt được hai việc chẳng hay hơn à! Thầm cảm ơn ông ta đã nói hộ nỗi lòng mình, muốn chia sẻ cùng ai…
- Và, cả cho tớ nữa. Trúng ý bấy lâu nay. – V. hứng thú vơ cả về mình.
Như “mở cờ trong bụng”, tôi thú vị hỏi lại cho chắc ăn:
- Có nghĩa là cậu đã tự nguyện nhập ngũ “Bạn Đồng Hành” với những ai đi làm bằng Metro?
- Vội đạp “gần như thế”. Sau đó, V. trải lòng:
- Những ngày này chợ vắng bóng người mua, không ít bữa về tay không. Thấy chi nhiều hơn thu, bà xã bàn: Hay ta cũng đi chợ bằng Metro như mọi người. Vì từ nhà ra bến metro có mấy phút đi bộ. Tuy mất chút ít thời gian những lại được sức khỏe và nhiều thú khác. Nghe “điều hay lẽ phải” ấy muốn thực hiện ngay. Song ậm ừ mãi, ngại mấy ông bạn ô tô cùng khu chung cư chê bai. Nhưng đến hôm nay, tớ đã quyết định đi theo con đường mình chọn, hòa nhập vào thời cuộc trong lúc này là hoàn toàn chính xác.
Nghe xong, đồng lòng tôi ngồi xích lại gần V. hơn.
Siêu thị trong lòng đất
Gần ba tiếng đồng hồ hành trình qua ba tuyến đường Metro vòng quanh nội thành kharkkov. Chợt, V. bảo:
- Sáng vội đi, điểm tâm quá nhẹ nay thấy đói bụng. Cậu xem có quán nào trong lòng đất để ta tạm dừng chân, lót dạ được không?
- Thiếu gì! – được dịp quảng bá, tôi liền kể ngay. Theo tớ biết và cũng đã từng dừng chân. Có thể nói, hầu hết những tuyến đường dưới lòng đất dẫn đến bến tàu điện ngẫm đều có vô số các “siêu thị” nhỏ bán thập cẩm đủ mọi mặt hàng từ đồ ăn thức uống đến hàng hóa tiêu dùng công nghiệp mỹ nghệ, văn hóa, hương phẩm. Thậm chí, có cả cửa hàng bán vàng, bạc cũng như chi nhánh ngân hàng nữa. Nghĩa là, giống như “bách hóa tổng hợp” hay là trung tâm thương mại “nhỏ”. Đặc biệt, thuận lợi nhất đoạn đường nối tiếp bến cuối cùng Metrobudivnykiv imeni G.I Vashchenka – của tuyến đường Alekseevka với bến Sportivna – dài chừng năm sáu mươi mét, cửa hàng liền kề hai bên đường chả khác gì phố “magazin”… - Ngừng một lát, nhìn nét mặt V. hớn hở nghe, tôi đưa ra sáng kiến – hay ta về bến ấy. Sau đấy, tới Gagarina cậu về nhà. Đồng ý chứ?
- Một công đôi việc như thế. Lẽ nào không thuận chiều. – V. sốt sắng đáp.
Thế là, sau mấy chục phút “mục sở thị” và chiêu đãi tôi chiếc bánh ngọt với tách cà phê. V. nức nở khen: “Thật tuyệt diệu” rồi chia sẻ lòng mình: May mắn thay. Nếu không có cuộc hành trình trong lòng đất ngày hôm nay để mà tai nghe mắt thấy thì biết ngày nào khôn.
Tôi cười. Cảm thấy mình thật hạnh phúc. Tới đoạn đường cuối cùng đến bến Sportivnaya, hai đứa rẽ vào cửa hàng mỹ phẩm hương thơm ngạt ngào. Tôi đứng lặng, nhìn V. mua một lọ nước hoa nhãn hiệu Paris. Chưa kịp hỏi, hắn đã khoe “Tặng vợ nhân ngày lễ Quốc Khánh mồng 2 tháng 9 và đền ơn trả nghĩa nửa kia cuộc đời mình đã từng mách lối chỉ đường đi làm bằng Metro”.
Nghe xong mà lòng tràn đầy niềm vui. Để rồi, vào giây phút này tôi chợt nhớ đến trách nhiệm của mình mua kỷ vật quý giá nhất tặng cho người phũ nữ đẹp nhất của cuộc đời người đàn ông là vợ mình – nhân ngày hội lớn của dân tộc.
Lúc chia tay, chúng tôi hẹn gặp lại. Vì chuyện “đi làm bằng metro” kể ra đến một nghìn một trăm lẻ một “ngày đêm” cũng chả hết …
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng Hành” – Kharkov