Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

'Của vay là của lo, Của cho là của nợ'

Chủ nhật, 12/03/2017 | 05:36
....(Tiếp theo kỳ trước)

'Của vay là của lo, Của cho là của nợ'

Ảnh sưu tầm

.... Đúng hẹn, tôi và M. "tái ngộ" tại một góc chợ nọ "vắng người mua thưa người bán", buồn ơi là buồn! Định vào chuyện theo chủ đề nóng hổi "của vay là của lo" đang hừng hực cháy trong tim. Chợt chạnh lòng cảnh chợ vắng như chùa bà đanh vào cuối tháng mười tiết trời sang thu lá vàng rơi, tôi cố thổ lộ đôi điều cho nguôi ngoai nỗi buồn day dứt bấy lâu, nhất là từ ngày kinh thế chợ khủng hoảng tưởng chừng như không có điểm dừng:

- Cậu thấy đấy, có "thực mục sở thị" và bản thân từng trải qua mới thấy hết thẩy những khó khăn vất vả một nắng hai sương của người Việt mình đang mưu sinh tại chợ Barabashova để trụ lại Kharkov - Quê hương thứ hai mà ta tự nhận. Phải không ? "Dĩ nhiên" - nhanh mồm nhanh miệng trả lời tôi xong, M. chép miệng thở dài than vãn:

- Xong tiếc thay, điều đơn giản như thế vẫn có người không hiểu, lợi dụng niềm tin của anh em, bè bạn để làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người khác. Nhưng trời đất đâu cho... Ngừng một lát như sực nhớ ra, hắn nhắc tôi - chuyện ăn ở hai mang, Kiếm tiền đôi chỗ "cậu kể đi nào". "Thì gặp nhau hôm nay chủ yếu là vậy chứ còn gì khác", tôi vội đáp rồi vào đề ngay:

- Thứ 2, ốp-tôm vừa rồi vắng khách đường xa chợ sớm về chiều đang bước nhanh ra bến tàu điện ngầm mang tên viện sĩ Hàn lâm Barabashova, gặp T. - cô gái cùng quê, lững thững đi ngược chiều. Nhìn đôi mắt hững hờ chả khác chi kẻ mất hồn, tớ trêu luôn:

- Trong em ngẩn ngơ như người bị mất cắp ý!

- Thì cũng đúng vậy anh à! - chép miệng thở dài T. đáp. Ngạc nhiên tôi hỏi:

- Em không đùa đấy chứ?

- Thật đó anh. Mà lại bị ngay người mình tin tưởng lừa lọc mới hận đời chứ! - Trả lời xong, T. giải thích. - chả là mùa hè năm nay đánh hàng tàu nhiều, em giao giá buôn cho một số bạn bè quen biết trong đó có vợ chồng K. Thường lệ cuối tuần hoặc chậm nhất 30 ngày, K. thanh toán đều đặn, không chê vào đâu được. Nhưng gần đây, chẳng những trả chậm còn hay khất lần. "Chợ đuội, thông cảm cho vợ chồng mình nhé". Nể bạn hàng đành "nhắm mắt làm ngơ". Hơn nữa "buôn có bạn bán có phường", phải không anh? Chợt nhớ câu thành ngữ "tin bạn mất vợ" tôi hỏi:

- Ngày tháng số lượng hàng giao em ghi sổ sách đàng hoàng hay chỉ bằng "lời nói gió bay"?

- Thiếu mỗi nước ra công chứng xin số đỏ thôi anh à! - giọng buồn nản T. trả lời.

- Chưa hiểu hết nguyên cớ, tôi đặt vấn đề:

- Làm ăn bài bản như vậy mà vẫn dính "chưởng" thì lạ thật!

T. thẫn thờ buông lời than vãn:

- Cũng tại em cả tin mới đến nông nỗi này. - ngừng một lát, cô bộc bạch hết những gì chưa ai hay biết trong lòng mình - Thì anh cũng biết đấy, ai học đến chữ "ngờ". Vâng, những lần trước K. nghiêm túc thanh toán không thiếu một xu và đều đặn như cơm bữa hàng ngày, khiến em chẳng những tin tưởng tuyệt đối mà còn hy vọng cộng tác lâu dài. Nào ngờ, gần đây thất hứa, hẹn xuông liên tục cho đến cuối tháng 9 em đến. Nào ngờ cửa hàng đóng cửa im thin thít, nghe đồn chủ nhân của nó đã "cao chạy xa bay". Hoảng hốt em bấm máy liên tục mấy ngày liền cho K. Im ắng không nhận được hồi âm. Hỏi anh, em phải làm gì bây giờ?

- Biết động viên cũng bằng thừa nên tớ chỉ khuyên theo tiêu chí chung:

- Em viết đơn lên Hội. Càng sớm càng tốt khi sự vụ còn đang nóng.

- Vâng. Nhưng khốn nỗi cùng giao cho vợ chồng K. mặt hàng như em còn có một đại gia khác nữa. Vì thế, không đơn giản chút nào anh ạ! - T. giãy bày trong tâm trạng rối như mớ bòng bong ấy.

An ủi T. "Dẫu sao, mình người thật việc thật cơ mà." Nói xong tôi giục em:

- Vậy thì, em cần tìm ngay đại gia ấy cùng bàn cách tháo gỡ đã rồi mới đến Hội. Anh tin mọi việc sẽ đâu vào đấy. Vợ chồng hắn chạy đâu cho thoát lưới trời. - trước khi chia tay, tớ dặn - Có thế nào gọi điện ngay cho anh nhé!

.... Vừa dứt lời kể chưa kịp bày tỏ quan điểm của mình trước nhân tình thế thái ấy, M. đã nôn nóng hỏi:

- Cô ấy đã phone cho cậu chưa!

- Ngày nào cũng đợi cũng cho nhưng cho đến bây giờ vẫn chẳng thấy hồi âm. - Tôi ngao ngán đáp.

Gật gù đầu, M. đoán trong niềm tin và hi vọng:

- Chắc mọi việc đã ổn.

Không phản đối ý tưởng ấy của M. nhưng tôi vẫn muốn bày tỏ đôi điều:

- Tớ cho rằng, kết cục chuyện chả đơn giản như thế đâu. Nhất là trong hoàn cảnh kinh tế chợ suy giảm như hiện nay, việc thanh toán tiền bạc theo văn bản hợp đồng hẳn hoi đã khó thì hành động cố tình lừa đảo càng phức tạp hơn. - ngừng một lát, sức nhớ mới hôm qua hôm kia gì thôi, nghe thằng bạn thân tấm tức than vãn bị một người phụ nữ thuộc phái đẹp vay một khoản tiền mua cửa hàng từ sáu, bảy năm về trước, tìm cách cướp trắng. Cảm thấy xót xa thay cho hắn, tôi tranh thủ kể nhanh lại hết thảy cho M. nghe rồi hỏi - Cậu có tin rằng, những kẻ bội bạc ấy sẽ bị trời đất trừng phạt theo thuyết nhân quả không?

- Đúng quá đi chứ! - ủng hộ chính kiến của tôi xong, M. chia sẻ - Tuy nhiên trong cộng đồng ta vẫn còn không ít người trung thực, vay lo trả từng ngày. Thật đáng trân trọng.

Thấy trúng ý mình, tôi tự thú:

Tớ cũng nghe loáng thoáng vậy, còn cụ thể thế nào, sự thật ra sao nào có hay biết! Còn cậu? Biết ai không?

Hồ hởi đáp "Thiếu gì", M. vào cuộc ngay:

- Như C. chẳng hạn. Được xếp hạng trong hàng ngũ doanh nhân Kharkov thành đạt cả về buôn bán kinh doanh lẫn hạnh phúc gia đình. Nhưng luôn giữ mình là một con người bình dị, hết mực tôn trọng anh em bạn bè. Và, luôn căm giận khi nghe tin những vụ lừa đảo tiền bạc trong cộng đồng "máu đỏ da vàng" đang cùng nhau sống nơi đất khách quê người mới càng bất lương hơn. Có lần tớ hỏi " Theo cậu, nguyên nhân chính là gì?" Giọng bất bình C. đáp "Đơn giản chỉ vì bọn chúng cố tình không hiểu câu "của vay là của lo", kệ "bao nước mắt buồn rơi theo" cốt vơ đầy túi tham.

Có lần, lấy tinh thần tớ dò hỏi C. :

- Đã khi nào cậu cho ai vay và bản thân vay của ai bao giờ chưa?

- Cả hai phía. Nhưng vấn đề là ở chỗ, trả đúng hẹn và sòng phẳng thì mọi việc sẽ đâu vào đấy và tình con người mới bền lâu. - C. trải lòng.

Tò mò tớ thử C.:

- Hỏi khí không phải. Một doanh nhân "tầm" như cậu mà vẫn "ngả tay" đi vay à?

- "Sông có khúc, người có lúc", cậu quên rồi ư! Nhất là trong thời điểm hiện nay, buôn bán kinh doanh có nhiều bước thăng trầm. Ai mạnh mồm được. - giãi bày xong C. bộc bạch thêm - Hè vừa rồi, chợ đuội chưa từng thấy. Hàng đọng vốn tồn, cần "ngân" đánh hàng nên đành phải vay anh bạn đồng nghiệp "đôi cục".. Qua vụ, giữ hẹn trong tâm trạng "của vay là của lo", tớ thu va hà vén trả cả gốc lẫn lãi mặc dù anh bạn vẫn chân tình bảo: "Nếu cần cứ giữ lấy, lúc nào dư dật trả cũng được."

Nửa khen nửa chê, tôi bạo mồm bạo miệng nói:

- Cậu hơi kỹ tính và câu nệ quá đó.

Vừa nghe tớ nói hết câu, C. lắc đầu bày tỏ rõ hơn quan điểm của mình:

- Muốn gì thì muốn, một khi trong giao dịch tài chính đánh mất chữ Tín vì tiền thì còn đâu niềm tin để tiếp tục cộng sự nữa.

Gật đầu tán thành, tớ chỉ bổ sung thêm:

- Và lời nói đi đôi với việc làm nữa tất sẽ chỉn chu hơn.

Kể lại hết với M. chuyện gặp C. Giọng đầy triết lý, hắn kết luận:

- Cuộc sống vô cùng phức tạp và muôn hình muôn vẻ. Cách đối nhân xử thế trong quan hệ bạn bè nhất là tiền bạc không đơn giản. Nhưng suy từ thực tế, người tốt vẫn có đôi lúc còn nhiều hơn kẻ xấu nên vẫn duy trì được sự trong sạch và vững mạnh trong cộng đồng ta. Tuy nhiên vẫn phải cảnh giác và không ngừng đấu tranh khi kẻ xấu "vay không lo trả còn chủ trương quỵt" xuất đầu lộ diện.

Nghe M. phát biểu thẳng thắn quan điểm của một người có ý thức xây dựng cộng đồng nơi đất khách quê người cảm thấy quá thấm thía và trọn vẹn tình nghĩa. Thầm cảm ơn hắn đã cùng tôi chung một suy tư, một ý tưởng chủ đề muôn thuở "của vay là của lo, của cho là của nợ" mang tính hiện thực và giáo dục cao khi quanh ta đã và vẫn còn xảy ra những vụ làm cho "khốc hại" chẳng qua vì tiền ấy!

Nhìn cảnh quang chợ mới giữa trưa đã thưa người mua vắng kẻ bán, hai đứa rủ nhau ra về trong cái gió man mát lành lạnh của mùa thu vàng, giữ mãi trong con tim mình tình yêu giữa "người với bạn". Tới bến tàu điện ngầm Barabashova, tôi dừng chân chia tay. Chợt mấy M. cũng không bước tiếp, ngạc nhiên tôi hỏi:

- Xe của cậu gửi gần đây à?

Vội trả lời "Không", M. giải thích:

- Những ngày gần đây tớ thường ra chợ bằng metro. Một phương tiện công cộng chẳng những thuận lợi mà còn tạo điều kiện cho mình nhanh chóng hội nhập vào cuộc sống dân dã của người bản xứ nữa.

- Quả không sai. Và, đã hơn 10 năm tớ đi làm bằng metro một cách tự nguyện. - tôi thổ lộ.

Lặng lẽ ngồi bên nhau trong một toa tàu đông người già trẻ, gái trai. Trầm tư mặc tưởng. Chả hiểu hắn nghĩ gì. Còn tôi, trước những thói hư tật xấu trên đời, chợt nhớ ca khúc "Trở về cát bụi", tâm đắc mấy câu:

... Sống trên đời này tựa phù du có đầy rồi lại mất/ cuộc sống mong manh xin nhắc ai dừng đổi trắng thay đen/ nào người sang giàu đừng vì tham tiền bỏ nghĩa anh em...

Xin ghi lại trên trang báo này cùng bạn đọc tham khảo, nhận ra lẽ phải của đời.

Nguyễn Trọng Cơ

"Bạn Đồng Hành" - Kharkov