Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Tham luận: 'Việc dạy học Tiếng Việt trong cộng đồng Người Việt tại Odessa'

Thứ bảy, 04/03/2017 | 05:51
Tác giả: Hoàng Thị Vân, chi hội phụ nữ Làng Sen. 

Tham luận: 'Việc dạy học Tiếng Việt trong cộng đồng Người Việt tại Odessa'

Cô giáo Hoàng Thị Vân đọc tham luận tại Đại hội (Ảnh Leone Bianco)

Kính thưa các vị đại biểu;

Thưa toàn thể các đồng chí,

Được sự phân công của Hội Phụ Nữ VN tỉnh Odessa giới thiệu phát biểu tham luận tại Đại Hội Phụ Nữ VN tỉnh Odessa lần thứ III nhiệm kỳ 2017 – 2020. Lời đầu tiên cho phép tôi xin gửi tới quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí về dự Đại hội lời chào trân trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc Đại hôi thành công tốt đẹp.

Thưa toàn thể các đồng chí,

Trước hết tôi xin hoàn toàn nhất trí với các bản báo cáo, phương hướng vừa trình trước Đại hội. Sau đây tôi xin tham luận một số vấn đề về công tác giáo dục Tiếng Việt trong cộng đồng.

  1. Thuận lợi:

  • Cơ sở vật chất tạm ổn

  • Học sinh ngoan, sạch sẽ

  • Phụ huynh quan tâm đến giáo viên và học sinh

  • Lớp học luôn nhận được sự quan tâm của Hội người Việt Nam, hội Phụ Nữ, hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên. Luôn động viên, thăm hỏi tình hình giảng dạy và học tập của cô và trò, luôn sát cánh trong các hoạt động tập thể như sinh hoạt hè, tổ chức các ngày tết thiếu nhi, Trung Thu…

  1. Khó khăn

  • Thứ nhất: Về sách giáo khoa – chủ yếu dạy theo chương trình cũ, sách cũ, chưa có giáo trình thích hợp.

  • Thứ hai: Về thiết bị dạy học – Thiết bị dạy học, đồ dùng trực quan k có càng khó cho việc ghi nhận hình ảnh và tên gọi sự vật, hiện tượng mình đang học. (Ví dụ: chiếc quang gánh, chiếc thuyền thúng, cái bừa…)

  • Thứ ba: Về học sinh – Số lượng từ Tiếng Việt của học sinh sử dụng được trong giao tiếp không nhiều, học sinh chỉ nói được số lượng từ tương đương với trẻ em 3-4 tuổi ở Việt Nam

  • Thứ tư: Về phụ huynh - một số bậc cha mẹ thiếu sự quan tâm duy trì Tiếng Việt cho con em mình. Người Việt chúng ta thường gửi con cho bà Tây chăm sóc từ khi chập chững cho đến tuổi đi học. Trẻ em Việt cả ngày ở trường nói tiếng Nga, học nếp sinh hoạt của người Nga. Hơn nữa một số cha mẹ chưa đánh giá cao tầm quan trọng của ngôn ngữ - văn hóa Việt cho các con mình, sự nhận thức đó đã dẫn đến những thanh niên Việt Nam sinh sống ở nước sở tại không hiểu lối sống – văn hóa Việt Nam. Có thể thấy sự mai một của tiếng mẹ đẻ. Từ những nguyên nhân này ta thấy nguy cơ sự đồng bộ hóa ngôn ngữ là có thể. Dó là một thiệt thòi lớn không những cho từng cá nhân mà cho toàn dân tộc Việt.

  • Thứ năm: Về cơ sở vật chất nói chung là tạm ổn, so với chúng ta tại đây nhưng so với tình hình hiện nay ở Việt Nam còn thiếu nhiều, thiếu sách trong thư viện, có thể thêm máy tính, loa, tăng âm.

  1. Biện pháp thực hiện:

  • Huy động trẻ đã qua lớp 1 ở nước sở tại tới lớp học Tiếng Việt tại cộng đồng.

  • Giáo viên nhiệt tình, yêu nghề, yêu trẻ, học tập, rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho phù hợp với tình hình mới.

  • Lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với học sinh, sử dụng các phương tiện dạy học như bảng con, bảng lớn, rèn luyện tư thế ngồi viết cho học sinh.

  • Tăng cường chấm, chữa bài tay đôi giữa thầy và trò, chỉ ra lỗi sai của học sinh, giúp các e sửa lỗi của mình, kịp thời động viên, khích lệ những cố gắng của học sinh.

  • Tăng cường luyện nói cho học sinh.

  • Phối hợp với các chi hội tổ chức cho các em tham gia các hoạt động tập thể trong hè, từ đó giúp các em tự tin mạnh dạn trong giao tiếp.

  • Bên cạnh đó muốn thu hút và nâng cao hiệu quả của việc dạy và học Tiếng Việt ở nước ngoài của người Việt cần có khóa bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên giảng dạy, các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu văn hóa lịch sử Việt Nam.

  • Tổ chức các khóa học Tiếng Việt ngắn hạn, trại hè học Tiếng Việt cho con em kiều bào Việt Nam.

  • Hỗ trợ xây dựng tủ sách Tiếng Việt, góc Việt Nam, thư viện Việt Nam tại thư viện cộng đồng.

  • Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người Việt Nam tại nước ngoài về tầm quan trọng, lợi ích của việc học Tiếng Việt đối với việc giữ gìn nét đẹp văn hóa và bản sắc dân tộc.
    Mặt khác tích cực vận động các hội đoàn, tổ chức cá nhân tâm huyết bảo trợ lớp học Tiếng Việt cho con em người Việt Nam tại nước ngoài. Phát động phong trào cha mẹ cho con đi học Tiếng Việt phù hợp với từng lứa tuổi.

Nói tóm lại người Việt Nam ở nước ngoài là hạt nhân hết sức tích cực trong việc truyền bá rộng rãi hình ảnh Việt Nam với Thế giới, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào quá trình Quốc tế hóa.

Đặc biệt đẩy mạnh phong trào dạy và học Tiếng Việt cho thế hệ trẻ thứ 3, thứ 4 ở nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ giữ gìn Tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mà còn quảng bá nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc đến với bạn bè quốc tế.

Trên cơ sở chủ trương của Đảng và Nhà nước – Hội nghị cán bộ cộng đồng người trong toàn Ukraine năm 2017 đối với người Việt Nam tại nước ngoài, xuất phát từ thực tế, nhu cầu thực tiễn của người Việt Nam tại Ukraine chúng ta hãy đẩy mạnh công tác giữ gìn phát triển và quảng bá văn hóa dân tộc, đặc biệt chú trọng việc dạy và học Tiếng Việt. Trên tinh thần đó ta có thể khẳng định rằng năm 2017 là năm Tiếng Việt của cộng đồng người Việt tại Ukraine như đại sứ Nguyễn Minh Trí đã nói.

Trên đây là bản tham luận về vấn đề dạy Tiếng Việt của cộng đồng người Việt. Rất mong nhận được sự góp ý, chia sẻ của quý đại biểu để sự nghiệp “trồng người” của chúng tôi đạt được kết quả cao nhất.

Điểm neo Cuối cùng xin chúc quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, bình an.

Chúc cho các bà, các cô, các chị em luôn hạnh phúc, xinh đẹp, vui tươi. Hãy sống hết mình, cháy hết mình, luôn là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”, đoàn kết vượt khó đi lên, là tổ ấm, là chỗ dựa vững chắc cho mỗi gia đình và toàn xã hội.

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm lắng nghe của các đồng chí và toàn thể chị em.

Hoàng Thị Vân