Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Gặp người hát quan họ Bắc Ninh

Thứ sáu, 24/02/2017 | 05:34

Ngày hội đồng hương Kinh Bắc ra mắt chương trình ca múa nhạc do chính những người con sinh ra và lớn lên ở hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh thực hiện để lại trong lòng người xem nhiều ấn tượng sâu sắc. Nhất là những ca khúc dân ca quan họ Bắc Ninh tưởng chừng không thể nào quên được. Với tôi, thêm giọng hát mượt mà, truyền cảm của ca sỹ cộng đồng Phạm Ngọc Sơn song ca bài “Gửi về quan họ” như cuốn hút tâm hồn những ai vốn đam mê quan họ Bắc Ninh sớm về với những “Em là cô gái Bắc Giang” duyên dáng, dịu dàng trong bộ cánh tứ thân đậm đà tính dân tộc.
Vừa nghe xong, còn đang ngẩn ngơ luyến tiếc thì Tuyết Nhung- Khách từ Kiev hỏi nhỏ:
Anh có quen ca sỹ Sơn ấy không?
Rất thân nữa đằng khác. Biết nhau rồi thường ngày gặp gỡ nơi chợ búa, tính đến nay đã hơn 20 năm trời, còn ít ỏi gì nữa phải không em?- Tôi thì thầm trả lời.
Nhung gật đầu. Vuốt nhẹ mái tóc đen láy vờn trên trán, em đặt vấn đề.
Chắc khán giả Kharkov từng làm quen giọng hát tự tin, phong cách thoải mái của anh phó chủ tịch thường trực hội đồng hương Kinh Bắc trên sân khấu cộng đồng nhiều lần rồi anh nhỉ?
Ở đâu thì không rõ chứ trực diện anh biết mới lần đầu. Tôi đáp.
Cứ y như chuyên nghiệp ý. Tủm tỉm cười, khen xong Nhung thổ lộ, Kharkov các anh nhiều nhân tài thật, “Hữu xa tự nhiên hương” rồi sẽ tỏa ngát lên cả thủ đô Kiev chúng em nữa cho mà xem.
Nhân tài năng của Ngọc Sơn ẩn kín bấy lâu nay “xuất đầu lộ diện” trong ngày hội Kinh Bắc này lại được nhiều người ngưỡng mộ, tôi tranh thủ thể hiện, một lần nữa, tấm lòng quý trọng “cô gái Bắc Giang” ngồi bên:
Thì cũng như nhiều bài thơ “đi vào lòng người” trong tập “Hoài niệm Hội Lim” của Thương Giang (Bút danh của Tuyết Nhung) đã đến với độc giả Kharkov và nhiều tỉnh khác ở Ucraina có cộng đồng Việt nam sinh sống, làm việc và học tập đó sao.
Vốn khiêm tốn, lảng ngay sang chuyện khác, Nhung kể:
Sáng ngày Anh Sơn và các anh trong hội Kinh Bắc Kharkov ra tận ga tàu hỏa đón, khiến những người Kinh Bắc Kiev chúng em cảm động thấy gần gũi, hòa nhập ngay từ giây phút ban đầu ấy.
Nghe Nhung nói, tự biết trong cuộc sống đời thường lẫn quan hệ buôn bán kinh doanh Sơn vẫn vẫn giữ được nét đẹp chân tình ấy với mọi người, nên tôi cũng chả mong bổ sung gì thêm mà chỉ muốn sẽ có một ngày gặp anh ca sỹ cộng đồng Kinh Bắc để “chất vấn” vì sao dấu kín mãi “giọng ca vàng” của cộng đồng mới bộc lộ!
Thế rồi bẵng đi một chuỗi ngày đợi chờ, tôi gặp lại Ngọc Sơn qua bài quan họ Bắc Ninh-Nặng tình “gửi về quan họ” tại nhà hàng ẩm thực Thăng Long vào chiều ngày 12-8-2016 nhân đại hội 5 năm lần thứ nhất Hội đồng hương Thanh Hóa (2011-2016) và lễ ra mắt Ban chấp hành mới nhiệm kỳ hai năm (2016-2018).
Mà rồi cũng lạ thật, qua đi có bấy nhiêu ngày, hôm nay thưởng thức giọng ca của ông chủ đồng hồ, có chòm râu đen dưới cằm, độc đáo đến nỗi trở thành biệt hiệu riêng “Sơn râu”, càng dạt dào lưu luyến hơn. Để rồi giọng ca tự tin tình cảm tràn trề qua các cung bậc tình yêu quê hương quan họ. Vừa kết thúc, cả nhà hàng sôi động hẳn với lời khẩn khoản yêu cầu “hát nữa đi anh”. Cùng lúc, cầm trong tay những bông hồng tươi thắm đỏ do chính khán giả tặng, Ngọc Sơn khiêm tốn cúi đầu chào hẹn gặp lại vào bất cứ lễ hội nào của cộng đồng Việt Nam ta.
Qua đi một tháng 30 ngày, chiều tối mùng 10 tháng 9 năm 2016, tôi lại “tái ngộ” gặp Sơn trên sân khấu tại Quảng trường Phù Đổng, Làng Việt Nam vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập làng Thời Đại (2006-2016) Khu chung cư khép kín, yên tĩnh thoáng đãng mẫu mực của cộng đồng Việt Nam nơi hải ngoại. 

Gặp người hát quan họ Bắc NinhNgọc Sơn trong tiết mục song ca: Tương tương ngộ

Lần này, như thể để hội nhập với khung cảnh làng quê “hiện đại” Ngọc Sơn chỉnh chu trong chắc áo dài the đen, đầu đôi khăn xếp trong tiết mục song ca “Tương tương ngộ” với “ Cô gái Bắc Giang” Vạt áo tứ thân duyên dáng được dân làng đánh giá cao về phong cách biểu diễn rất “chân quê” và giọng hát cực kỳ mê hồn của người quan họ Bắc Ninh vào những lúc sánh đôi vừa lứa khi hội ngộ. Riêng tôi chứ chả dám nói thêm ai , vào giây phút  “Tương phùng tương ngộ” ấy cảm thấy hồn mình như lạc vào cõi bồng lai của ngày hội Kinh Bắc dạt dào tình yêu, tình người, tình quê hương đồng nội.
Thế là  “quá tam ba bận” cuối tháng 9 vừa rồi, tôi tìm bằng được Phạm Ngọc Sơn . Nơi anh đang tác nghiệp tại cửa hàng U-Gôn HN. Chất vấn hay hơn là tâm sự, đối đầu để viết nên một vài suy tư bấy lâu này về người hát quan họ Bắc Ninh tài ba ấy.
Tôi hỏi: Anh có thể kể về mình cụ thể là niềm đam mê và tài năng trong con người hát quan họ Bắc Ninh được thính giả quý mến, trân trọng.
 Nở nụ cười tự tin của “người đàn ông rộng miệng thì sang” Sơn sẵn lòng chia sẻ “những gì mình có” :
Tôi gốc người Bắc Giang, yêu quan họ Bắc Ninh từ thưở cắp sách đến trường. Lớn lên đã từng học quay phim,chụp ảnh. Nhưng rồi số phận đưa đẩy, năm 1987 xuất ngoại sang Kharkov, là công nhân nhà máy búa liềm theo hiệp định kinh tế được ký kết giữa hai nhà Việt Nam và Liên Xô ( cũ). Tháng năm sống nơi đất khách quê người đau đáu nỗi nhớ nhà  day dứt được nhẹ bớt đi qua những khúc ca quan họ Bắc Ninh thường vang vọng trong lòng, hát thành lời theo cung bậc miền quê.
Cảm ơn số phận đã cho tôi giọng hát quan họ. Nhưng muốn trau chuốt đi vào lòng người thì phải nắm bắt được cái hồn của từng lời ca, phải học hỏi trau dồi kiến thức âm nhạc và tôi luyện âm điệu một cách thường xuyên.
Đây là lý thuyết còn anh ?  Tôi ướn hỏi :
Đôi mắt rực sáng niềm tin Sơn hứa :
Mong mỏi con tim mình lúc nào hòa vào nhịp điệu chung của mọi quý thính giả qua những khúc ca quan họ Bắc Ninh của quê Kinh Bắc.
Chân thành cảm ơn Phạm Ngọc Sơn - Ca sĩ cộng đồng quan họ Bắc Ninh vào thời điểm này được nhiều người hâm mộ thưởng thức với tấm lòng trân trọng.


Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn đồng hành” – Kharkov


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN