Bấy lâu nay cho đến những ngày này, tôi càng hiểu mình hơn vì sao lại thích những ca khúc chủ đề về người phụ nữ như “Huyền thoại mẹ” của Trịnh Công Sơn, “Đất nước” của Phạm Minh Tuấn, “Chị tôi” của Trần Tiến... Bởi trong hoà bình hay thời kỳ chiến tranh họ là những người chịu nhiều mất mát, hi sinh hơn cả. Đặc biệt rất mê “ Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” của Nguyễn Văn Tí. Vì nội dung tư tưởng của nó rất trùng hợp với một kỉ niệm sâu sắc trong tôi có từ những ngày đầu tham gia Công tác cộng đồng của Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov – Một tổ chức xã hội đầu tiên của Cộng đồng Việt Nam tại Kharkov – Ucraina (mồng 3 tháng 3 năm 1994).
Thay lời giãi bày tâm sự của mình về hoài niệm một thời xa xưa ấy, xin ghi lại nguyên văn toàn bộ bài báo nhỏ “Người thiếu phụ ấy” – tác giả là tôi, đăng trên báo “Quê Hương” – bản tin của Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov – số 15, phát hành ngày 31 tháng 3 năm 1998, để bạn đọc tham khảo:
“Hai năm về trước, cũng vào những ngày tháng mùa đông băng tuyết giá lạnh này, Ban lãnh đạo Hội đồng hương tỉnh Kharkov cử tôi đi cùng Vân đi Khminhiski, dự phiên toà công khai của thành phố, xử vụ sát nhân người bản xứ, cướp đoạt tiền, dùng súng bắn chết hai công dân Việt Nam trên tuyến đường dài bằng ô tô đi biên giới lấy hàng. Sau đó, chúng kéo thi hài vào rừng sâu, tẩm xăng đốt xác hòng phi tang.
Vụ giết người dã man đó gây dư luận xôn xao trong nhân dân địa phương, làm tăng thêm mối lo âu về cuộc sống hiện tại lẫn tương lai của cộng đồng Việt Nam đang sinh sống, buôn bán kinh doanh và học tập trên đất nước này. Mà trước hết là làm đảo lộn cuộc sống thường ngày, phá hoại hạnh phúc gia đình của Vân – người thiếu phụ trẻ, vợ của một trong hai nạn nhân xấu số trên.
Trước những mất mát đau thương không gì bù lại ấy của Vân, nhiều lần dự định trao đổi tâm tình với ý tưởng ghi chép chút ít “chất liệu sống” người thật việc thật để sau này có thêm tư liệu viết về người phụ nữ Việt Nam trong những ngày bươn trải nơi đất khách quê người. Nhưng thời gian quá eo hẹp lại bề bộn công việc chung, ngày nào cũng phải đến toà. Mãi sau, trước ngày lên đường về Kharkov, khi mọi chuyện đã ổn thoả, tôi mới có dịp trò chuyện cùng Vân.
Vân kể nhiều cho tôi nghe về những ước mơ thầm kín ngày còn ấu thơ, ngày còn cắp sách đến trường. Nhất là những buổi hẹn hò, gặp gỡ với người chồng quá cố của mối tình đầu da diết nơi xứ người, những niềm vui “xao xuyến lòng người mẹ” khi nghe tiếng khóc chào đời của đứa con “máu mủ ruột già”, những ngày sống hạnh phúc bên người chồng và con cái cả mối quan hệ khăng khít với anh em bạn bè trên thương trường sống động. Rồi, tiếp đó – đôi mắt em rưng rưng ngấn lệ - là chuỗi ngày dài đi tìm kiếm, nhận dạng chồng, lo toan chu toàn chôn cất để người chồng xấu số thanh thản về nơi an nghỉ cuối cùng, về với quê cha đất tổ. Và, cuối cùng là chuỗi ngày vất vả sớm tới chiều hôm nơi chợ búa thay chồng nuôi con khôn lớn.
Đặt chén nước bên tôi, giọng lắng đọng, Vân trải lòng:
Thế đấy anh! Nào ngờ đâu đang “sóng yên biển lặng”, thân phận em bỗng trôi nổi bồng bềnh như bông tuyết cuối mùa vậy, hợp lại tan. Vâng, em có ngờ đâu, ngày cùng cháu nhỏ tiễn chồng đi đường xa lấy hàng lại chính là ngày “định mệnh”, giây phút cuối cùng của hạnh phúc gia đình. Anh ấy ra đi vĩnh viễn, để lại em một mình với con cái côi cút vắng cha.
Tôi lấy bút, giở sổ định ghi. Vân vội giữ tay tôi lại, nghẹn ngào bảo:
Đừng anh. Em không muốn mọi người nhận ra nỗi bất hạnh của mình. Ngoài anh.
Anh hiểu Vân. Nếu như... – giữ mình, tôi không nói thêm. Định tìm lời an ủi động viên, thấy bằng thừa. Vì hơn một tuần lễ qua, Vân đã bộc lộ rõ tính cách kiên nhẫn, chịu đựng và quyết tâm vươn lên của mình. Và, thật sự cảm thấy yên tâm khi bắt gặp ánh mắt sáng ngời niềm tin và hi vọng của người thiếu phụ đáng trân trọng ấy.
Chợt, Vân đột ngột hỏi tôi:
Trước đây anh đã từng viết báo phải không?
Và bây giờ nữa, “nhà báo cộng đồng” mà! – tôi mỉm cười trả lời.
Vậy thì, những gì em kể về mình, anh đừng viết nhé! – Vân giao hẹn.
Dĩ nhiên. Anh giữ nó trong lòng như một kỷ niệm! Và chỉ khi nào em “cho phép” (tủm tỉm cười) anh mới khởi bút.
Hai năm sau, kể từ ngày ấy, cuộc trò chuyện khó quên ấy. Tôi ít gặp Vân. Đôi lần thoáng nhìn em bên sạp hàng, vẫn màu da thắm hồng, vẫn nụ cười duyên dáng đầy niềm tin, tôi mừng thầm. Gần đây, biết tin Vân đưa hai cháu nhỏ về Việt Nam “thăm lại miền quê”. Nơi có một triền đê, có hàng tre ru khi chiều về..., lại thu xếp đưa di hài chồng (lọ tro) về chôn cất tại quê nội, nơi anh sinh ra và lớn lên. Vậy thì, em – một con người tận tuỵ, một tấm lòng thuỷ chung như thế chẳng để chúng ta trân trọng, tự hào sao!
Đọc xong, tin rằng mọi người nhất trí ủng hộ tôi quan điểm trên và cũng nhận ra một trong những nét đẹp riêng của người phụ nữ thời bình có Vân.
Lâu lắm rồi, kể từ ngày đi Khminhiski – miền Tây Ucraina, cách Kharkov hàng nghìn cây số đường, đến nay tròn 20 năm (1996-2016) tôi rất ít gặp Vân nên chả hiểu cuộc sống của em có gì đổi thay không. Một đôi lần “mặt đối mặt” tại chợ Barabasova, chớp nhoáng chỉ kịp đủ thổ lộ dăm câu ba điều về sức khỏe, về buôn bán kinh doanh về con cái, học hành nên chả có những thông tin về đời tư lẫn ý định tương lại. Nhất là mấy năm gần đây, tất bật bận rộn lo toan chống đỡ cơn bão khùng hoảng chính trị lẫn kinh tế tại nước sở tại, lại càng khó khăn bội phần. Bù lại, hè năm nào tôi cũng mặc chiếc áo sơ mi, Vân mua tại chợ Khminhiski, tặng tôi như thể vật lưu niệm chuyên đi “công ích” giúp em, và kỳ lạ thay qua đi ngần ấy tháng năm tấm áo tình nghĩa đó vẫn còn mới tinh sáng màu như cái thuở ban đầu. Để rồi cứ mỗi lần khoác lên mình “tấm áo ấy bấy lâu nay...” là bao kỷ niệm xưa lại trỗi dậy, buồn thay cho số phận một con người.
Ảnh chụp tại KTX Hoà Bình 4a - Kharkov, năm 1996.
Mùa hè năm nay, nhìn áo đẹp ai cũng khen nhưng thấy tôi khoác trên mình liên tục thì “chê” như thể tôi “nghèo”. Định không thanh minh để giữ riêng kỷ niệm, song nghĩ đi nghĩ lại, muốn mọi người có chung một hoài niệm tôi liền kể lại. Ngắn gọn thôi, mà ai cũng bồi hồi xúc động, cảm thông những khó khăn, vất vả qua bao chặng đường của người thiếu phụ ấy. Và liền sau đấy cũng “nựng” tôi ngay bằng những lời có cánh: Trong cộng đồng ta đâu có nhiều người biết trân trọng và giữ gìn những kỷ niệm. Nghe xong, thú vị tự cảm thấy bằng lòng với chính mình, như việc thường xuyên gom góp, tích tụ những bức ảnh chụp cá nhân, tập thể cùng anh em bạn bè, đồng nghiệp cùng thời chẳng hạn. Để rồi, lắm lúc nhiều khi ngồi một mình, thường mở tập album dầy dặn những bức ảnh ấy bấy lâu nay, lần lượt giở ra xem lại như thấy mình đang sống trong kỷ niệm buồn vui lẫn lộn chẳng thể mờ phai. Trong số đó, tấm hình có tôi, và cùng hai con gái lớn ba tuổi, bé mới hơn một năm và một vài nhân vật nữa chụp tại ký túc xá Hòa Bình phố Zernovaya 4A, gây xúc động mạnh trong tôi. Và không phải tự dưng nảy sinh ý tưởng tìm Vân (vì đã quá lâu bặt tăm hơi, vắng hẳn tin tức) Không chỉ khoe mà còn muốn biết giờ này em ở đâu làm gì và cuộc sống gia đình có gì đổi thay. Nhất là hai cháu nhỏ đã lớn khôn, trưởng thành như thế nào trước sự nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ và tình thương của mẹ. Người phụ nữ ấy đã từng chịu đựng và vượt qua nỗi dau của người vợ.
Hôm vừa rồi, thu về chợ nhen nhóm khởi sắc, đang lững thững dạo quanh góc chợ nọ tình cờ gặp Vân đang tác nghiệp tại cửa hàng dẫy RO đông khách hàng “kẻ đi người đến”. Sau giây phút ngỡ ngàng cuộc hội ngộ không hẹn mà nên này, thăm hỏi thân tình xong, tôi dặn Vân:
Ngày mai anh sẽ đến...
Chưa kịp nói hết câu, Vân đã hóm hỉnh “đùa” lại:
Sao không ngay bây giờ hả anh?
Mang theo một kỷ niệm để còn có cớ gặp Vân chứ! Cười vui tôi nói tiếp ý mình.
Vâng. Đấy là tấm ảnh tôi chụp chung với ba mẹ con Vân. Ghi lại dấu ấn một thời của 20 năm trời qua.
Cầm trong tay tấm ảnh xưa bấy lâu tôi vẫn giữ kín ấy. Vân bổi hồi xúc động. Im lặng một hồi như thể để trôi đi những nỗi buồn man mát trong lòng bấy lâu, em mới trải lòng:
Trong cuộc sống, mỗi người có riêng mình số phận. Những niềm vui nỗi buồn khác nhau. Ngừng một lát, giọng vui hẳn, Vân bâng khuâng hỏi: Anh có biết không? Tôi ngơ ngác chẳng hiểu vì sao, em đã tự trả lời: Giờ đây hạnh phúc lớn nhất của em là cháu gái đầu lòng Nguyễn Thị Thùy Linh, sang năm tốt nghiệp cao học khoa kinh tế đô thị, cháu “nhỏ” Nguyễn Thị Thanh Huyền sinh viên năm 4, cùng ngành với chị.
Còn em, đã tốt nghiệp trường đời. Tôi hưng phấn bổ sung trước khi tạm biệt Vân - Người phụ nữ ấy năm xưa mà tôi quý mến, trân trọng và tự hào.
Về nhà vào buổi chiều hôm thanh tịnh, tôi cặm cụi viết mấy dòng tâm sự này những mong chia sẻ cùng bạn đọc gần xa nét đẹp trung hậu đảm đang của người phụ nữ Việt Nam - Trong đó có Vân đang đồng hành cùng chúng ta trên đường đời.
Nguyễn Trọng Cơ
“Ban Đồng Hành” - Kharkov