Joe, kỹ sư trẻ người Mỹ lên đường đi Trung Quốc, tham gia điều hành một xưởng chế tạo linh kiện điện thoại di động. Anh bỏ lại đằng sau bạn gái và một xã hội an bình, đi vào một cộng đồng sản xuất xa lạ với hàng ngàn nhân công và kỹ sư từ nhiều quốc tịch khác nhau để cuối cùng đem về cho nước Mỹ những thiết bị tinh tế được sử dụng trong đời sống hàng ngày. Maria, phụ nữ lớn tuổi người Ba Lan, qua Thụy Sỹ với nghề nghiệp chăm sóc các cụ lớn tuổi. Chị bỏ lại chính cha mẹ mình lẫn các cháu nhỏ, chính họ cần sự chăm sóc của chị hơn ai hết. Nhưng chị phải đi Thụy Sỹ vì phải kiếm tiền nuôi những người thân đó.
Toàn cầu hóa, hệ quả về kinh tế, chính trị và cư trú
Trên đây là hai hình ảnh giản đơn nhất của một sự vận động to lớn được mệnh danh là “Toàn cầu hóa”. Kể từ những năm 80 của thế kỷ trước, người ta ghi nhận một sự biến chuyển sâu rộng trong phạm vi toàn cầu, trên mặt kinh tế, chính trị và cư trú. Trên bình diện kinh tế, hiện tượng đáng ghi nhận nhất là các nước tiên tiến chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp đi các nước châu Á, châu Phi... để tiết kiệm phí tổn nhân công. Ngành lâm nghiệp và ngư nghiệp cũng phát triển ở các nước thế giới thứ ba, nhưng chủ yếu là nhằm phục vụ cho người tiêu dùng phương Tây. Trong quá trình chuyển dịch đó, nhiều nước vươn lên phát triển nhanh chóng, trong đó có Trung Quốc.
Về mặt chính trị, nhiều quốc gia vì lý do địa lý hay thể chế kết hợp với nhau trong nhiều liên minh, bênh vực và bảo hộ lẫn nhau về mặt thuế khóa, xuất nhập khẩu, nhân công lao động, lập trường chính trị. Tiêu biểu nhất của mô hình là thị trường châu Âu (EU) hay ASEAN. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được nhắc đến trong những năm qua cũng nằm trong khuynh hướng này.
Chủ trương toàn cầu hóa trong chính trị và kinh tế cũng dẫn đến một hiện tượng khá bất ngờ: sự thay đổi về cư trú của người dân, trong bình diện quốc gia và quốc tế. Trong một quốc gia nhất định, dù tại châu Á hay châu Mỹ Latinh, các cơ sở do nước ngoài đầu tư thường tập trung vào các đô thị, chúng hút sức lao động về thành phố. Đó là hiện tượng toàn cầu hóa sinh ra đô thị hóa. Rất nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước vốn phân bố đồng đều như Đức, lâm vào cảnh mất cân bằng về tỷ lệ cư trú. Dân chúng, nhất là lớp trẻ, tập trung sinh sống trong các khu công nghiệp và dịch vụ tiên tiến, bỏ rơi vùng quê và các nghề nghiệp truyền thống.
Những đứa trẻ Syria trong mùa Giáng sinh 2016 tại trại tị nạn Bab Al-Salam, gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: REUTERS
Nhưng sự thay đổi cư trú bất ngờ và đáng lo ngại nhất lại chính là khuynh hướng di dân trên bình diện toàn cầu. Thế giới đang chứng kiến một sự di dân chưa hề có. Khi dân chúng một nước không đủ điều kiện làm ăn sinh sống hay bị chiến tranh đe đọa, khi họ có cơ hội tìm đến các nước giàu mạnh với một tương lai hứa hẹn hơn, người ta liều mình ra đi, dù bất hợp pháp, dù cái chết cận kề, dù bị bạc đãi xua đuổi. Đó là lý do của phong trào di dân hiện nay, vấn nạn lớn nhất không có lời giải của thế giới. Liên hiệp quốc ước lượng khoảng 50 triệu người di cư và mỗi ngày vẫn có hàng ngàn người ra đi.
Nhận diện lại “toàn cầu hóa”
Gần 30 năm trước, khi Internet bắt đầu phát triển thì sự bùng nổ của ngành thông tin liên lạc cũng kéo theo sự phát triển về lưu lượng giao thông quốc tế. Phí tổn giao thông bằng đường bộ, hàng không, hàng hải... rẻ đến bất ngờ, hầu như ai cũng có thể ra khỏi làng mạc truyền thống của mình. Người ta nói về một “thế giới phẳng”, trong đó thông tin và di chuyển dễ dàng như trong một cái làng nhỏ. Trong khung cảnh đó, toàn cầu hóa xem ra chỉ là hệ quả tất yếu, hợp lý và đáng mừng của sự phát triển của loài người. Khi cả toàn cầu nằm trong một hệ thống thông tin chặt chẽ như Internet, khi người ta chỉ cần chục tiếng đồng hồ để đi từ châu lục này qua châu lục khác, khi sự phân bố lao động và cơ sở sản xuất được tổ chức một cách nhịp nhàng, hiệu quả, khi ai ai cũng được hưởng lợi từ một nền văn minh kỹ thuật và thông tin liên lạc... thì nhân loại phải bước qua một giai đoạn huy hoàng hơn xưa.
Thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Tiếc thay, toàn cầu hóa có những mặt trái của nó và hệ lụy do nó sinh ra góp phần vào tình hình rối ren và bất ổn hiện nay trên thế giới, bắt đầu rõ nét từ năm 2015 và cuối năm 2016 đã lên cao điểm. Mặt trái của toàn cầu hóa là gì?
Toàn cầu hóa tạo điều kiện cho sự hợp tác và liên kết trên phạm vi thế giới, nhưng mặt trái của nó, nói một cách giản đơn, sản sinh ra một số lớn người bị thua thiệt. Trong mức độ của một quốc gia, nhất là quốc gia phương Tây, phong trào toàn cầu hóa chắp cánh cho thành phần trí thức, kỹ thuật gia có học thuật và đào tạo.
Toàn cầu hóa cũng giúp các nhà kinh doanh biết liên hệ, hợp tác với nước ngoài, nhất là khi họ tìm kiếm cơ sở sản xuất giá rẻ. Nhưng xã hội một nước không chỉ bao gồm các thành phần ưu tú đó. Còn lại là giới thợ mất việc làm, các tiểu chủ mất thị trường cung ứng sản phẩm, các hộ gia đình nằm trong các vùng quê ngày càng vắng dân vì phong trào đô thị hóa. Họ là những người bị đoàn tàu toàn cầu hóa bỏ rơi và số lượng của họ không hề nhỏ bé. Họ trở thành khối cử tri bất mãn và chóng lên tiếng trong các cuộc hầu cử.
Rộng hơn nữa, toàn cầu hóa trên phạm vi thế giới, giữa các quốc gia, là nguồn gốc của nhiều hệ lụy đáng lo ngại. Từ nhiều năm nay giới học giả phương Tây đã cảnh cáo “Tất cả chúng ta (phương Tây) chính là kẻ bóc lột, phồn vinh của chúng ta chính là nỗi khổ của kẻ khác”. Theo tinh thần này thì toàn cầu hóa không gì khác hơn là “chuyển dịch các vấn nạn về môi trường và xã hội qua các nước thế giới thứ ba”. Trong tác phẩm Đại hồng thủy đang xảy ra bên cạnh chúng ta (1), Giáo sư S. Lessenich (sinh 1965) liệt kê một số thảm họa về môi trường và xã hội. Ông nêu thí dụ như vỡ đập mỏ sắt tại Brazil với 60 triệu khối bùn đỏ lan tràn. Chuyển cả một vùng rộng hơn nửa nước Việt Nam thành độc canh đậu nành tại Argentina. Vì sản xuất dầu dừa mà phá hẳn phần lớn rừng tại Indonesia. Vì cung ứng tôm xuất khẩu mà loại bỏ một phần ba tổng số rừng ngập mặn tại Thái Lan. Tại Bắc Phi, vì nuôi cá hồi xuất khẩu mà tàu đánh cá hiện đại phải đánh bắt cá con cung ứng cho cá hồi, ngư dân châu Phi mất hết cơ hội bắt cá. Bảng “thành tích” này có thể kéo dài vô tận trên khắp thế giới, trong đó Việt Nam hẳn phải có chỗ đứng với việc hủy hoại môi trường của nhà máy Formosa.
Hiển nhiên, toàn cầu hóa cũng mang lại việc làm và phồn vinh cho một số nước, cho một số thành phần kinh tế, nhưng hệ lụy của nó ngày nay mới được nhận diện rõ. Đó là thảm họa về môi trường và đẩy một số lớn con người vào đường cùng. Họ phải ra đi vì nghèo đói và đó là một trong những lý do của phong trào di dân ngày hôm nay. Theo Lessenich hễ có người hưởng lợi thì tất phải có kẻ thiệt thòi. Kẻ thua thiệt từ các nước thế giới thứ ba đang “gõ cửa chúng ta”.
Tình trạng nhập cư và chủ nghĩa quốc gia cực đoan
Năm 2015 đánh dấu đỉnh cao của phong trào di dân từ Syria, Afghanistan và các nước Bắc Phi vào châu Âu. Hàng triệu người chen chúc trên những con thuyền thô sơ hay những đường mòn xuyên biên giới để nhập cư vào Đức, Anh... Họ ra đi vì tương lai tại quê nhà quá mù mịt hay vì bị chiến tranh đe dọa. Một số quốc gia châu Âu đành chấp nhận cho họ nhập cư, một phần vì lý do nhân đạo, một phần vì luật định về người tị nạn chiến tranh. Họ là cả triệu con người lam lũ, đã kinh qua bờ vực sống chết, bị dìm trong cơn hoảng loạn về tinh thần và tâm lý, đến “gõ cửa” những xã hội tuy mang tiếng phồn vinh nhưng cũng đang bị xáo trộn dữ dội bởi nợ công, nạn thất nghiệp và hố ngăn cách giàu nghèo.
Châu Âu của 2015 từ Na Uy đến Thổ Nhĩ Kỳ, từ Anh đến Ba Lan, nghe qua thì “thống nhất” nhưng thực ra rất bất đồng về kinh tế và chủ trương chính trị. Trước đó người ta đã nói đến khả năng giải thể đồng tiền chung euro cũng như cơ cấu điều hành thống nhất của 28 nước châu Âu. Thế nên từ năm 2015, khi hàng triệu người tràn vào nhập cư, mang theo tất cả sự khác biệt phiền toái về văn hóa và xã hội, chủ nghĩa quốc gia cực đoan tại các nước châu Âu bùng phát hơn bao giờ cả. Chủ trương của các nhà chính trị “quốc gia” này hết sức đơn giản: chống người nhập cư, bảo vệ quyền lợi người bản xứ, quyền lợi quốc gia trên hết, chống Liên hiệp châu Âu. Luận cứ của họ nghe ra vô cùng hợp lý với lớp người đang bất mãn, xu nịnh cử tri, chống lại mọi can thiệp và liên kết với bên ngoài, vì vậy chủ trương này có khi được gọi là “dân túy”.
Trong lịch sử phát triển nền chính trị tại phương Tây, chủ nghĩa dân túy thường được xem là ngây thơ và rẻ tiền, họ ít khi chiếm được trên 10% phiếu bầu. Quần chúng của họ thường là những người thất nghiệp, ít được học hành đào tạo và triền miên bất mãn. Thế nhưng, từ năm 2015 trở đi, phong trào dân túy núp dưới danh nghĩa “bảo vệ quyền lợi dân tộc” phát triển mạnh mẽ. Tại Áo, Hà Lan, Pháp và kể cả Đức, chủ trương chống người nước ngoài và ly khai khỏi cộng đồng châu Âu phát triển mạnh. Tại Áo, ứng viên dân túy tuy thất bại trong việc tranh cử tổng thống nhưng giành đến 46% số phiếu. Tại Pháp, khả năng bà Le Pen trở thành tổng thống trong năm 2017 không thể loại bỏ. Trong các nước Đông Âu như Hungari, Rumania, Ba Lan phong trào quốc gia ngày càng phát triển rộng khắp.
Trong năm 2016 khi chưa kịp giải quyết vấn nạn xã hội của người nhập cư tại Đức, hai biến cố bất ngờ xảy ra làm chao đảo nền chính trị phương Tây. Tháng 6-2016 cuộc trưng cầu tại Anh về việc ở lại hay ra đi khỏi cộng đồng châu Âu cho một kết quả bất ngờ. Khoảng 52% phiếu bầu muốn “Brexit” (nước Anh ra đi). Theo thăm dò chung, phần lớn cử tri không muốn nước Anh bị gò bó trong một liên kết chính trị nữa. Họ cũng chống người nhập cư, không muốn dân Đông Âu như Ba Lan, Hungari đến Anh sống và làm việc với tính cách dân cộng đồng châu Âu.
Brexit tại Anh nói lên một khuynh hướng bất ngờ của thế kỷ 21: quyền lợi quốc gia trên hết, giảm thiểu liên kết chính trị và chống người nước ngoài. Phong trào quốc gia tưởng chừng như đã tàn lụi theo toàn cầu hóa bỗng nhiên có một sức sống mới, có khả năng khoác cho chủ nghĩa dân túy một màu áo nghiêm túc. Trước sự hồi sinh của chủ nghĩa quốc gia tại phương Tây và hệ lụy về môi trường và xã hội tại các nước thứ ba, chủ trương toàn cầu hóa xem ra bị chặn đứng chỉ trong vòng một năm.
Cú sốc Trump
Các nhà chính trị theo chủ trương “quốc gia trên hết” tại Pháp, Hà Lan, Áo, Hungari, Đức chưa hết vui mừng về việc rút lui của Anh thì chỉ năm tháng sau, biến cố lớn tại Mỹ xem ra đánh dấu dứt điểm chủ trương toàn cầu hóa. Nhà kinh doanh tỉ phú Trump được bầu vào Nhà trắng trong sự ngạc nhiên của toàn thế giới. Ông thắng cử với một chương trình quốc gia cực đoan. “Nước Mỹ trước đã”, đó là khẩu hiệu của ông và cộng sự. Ông hứa hẹn với cử tri sẽ lấy lại việc làm đã chuyển qua các nước khác, đóng cửa biên giới Mexico, trục xuất người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp, từ bỏ các liên minh quân sự và kinh tế, trong đó Mỹ bị “lợi dụng”.
Ông hay phát ngôn tùy tiện, cho rằng Trung Quốc và Việt Nam “đánh cắp” việc làm của người Mỹ khi nói về các công ty như Apple có sơ sở sản xuất tại hai nước đó.
Hiện nay người ta chưa rõ chính phủ Trump sẽ thực hiện hay không chương trình bầu cử nói trên, nhưng ta hãy chú ý thái độ của cử tri Mỹ khi bầu phiếu cho Trump. Đó là phân nửa người Mỹ xem ra đã đặt niềm tin nơi chủ nghĩa quốc gia trên hết. Sự thăm dò cử tri cho thấy phiếu bầu cho Trump phần lớn đến từ những người bị thiệt thòi trong xã hội, họ là kẻ thua cuộc trong toàn cầu hóa, trong sự giao lưu rộng rãi trên thế giới do Internet và thương mại mang lại. Họ đã bất mãn sẵn với tầng lớp chính trị chuyên nghiệp xưa nay tại Mỹ, họ sẵn sàng nghe những lời hứa hẹn giản đơn, cụ thể và có khi bốc đồng. Toàn cầu hóa phát xuất từ Mỹ và phản ứng dữ dội nhất dĩ nhiên cũng phải từ Mỹ. Và phản ứng đó hiện nay đang làm thế giới rối ren hơn bao giờ hết, từ mấy mươi năm nay.
Chưa ai biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra. Các dấu hiệu tài chính tích cực tại Mỹ cho thấy chính quyền Trump có vẻ sẽ đầu tư mạnh để đáp lại lời hứa giải quyết công ăn việc làm trong thời tranh cử. Các hãng chuyên sản xuất tại nước ngoài đang bị áp lực phải chuyển cơ sở về Mỹ. Liệu họ có nghe lời hay không, chưa ai biết được.
Trên mặt quốc tế, châu Âu là cộng đồng hoang mang nhất với các bước kế tiếp của ông Trump. Liệu Liên phòng Bắc Đại Tây Dương (NATO) còn có thể dựa vào Mỹ hay không. Liệu Mỹ còn tôn trọng giá trị chung về nhân quyền, dân chủ... và sẵn lòng cùng châu Âu theo đuổi và bảo vệ? Liệu Mỹ còn nằm trong các mối cam kết về quân sự, chính trị và kinh tế hay đi hẳn với Nga? Đó là các câu hỏi lớn của một châu Âu hầu như đang kiệt quệ với các vấn đề khác như suy thoái kinh tế, chia rẽ vì vấn nạn nhập cư, nước Anh ra đi, nền chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ, khủng hoảng tại Ý, các đảng dân túy đang tiến mạnh. Chưa bao giờ châu Âu suy yếu như hiện nay, sự tan rã của liên minh và đồng euro là một khả năng hiện thực.
So với châu Âu thì xem ra Nga và Trung Quốc hưởng lợi với Trump nhưng chưa mấy ai xác định được điều gì, nhất là khi Trump không ngại chọc giận ai, kể cả siêu cường Trung Quốc. Tuy nhiên, ta không quên một điều có tính chất cốt lõi. Đó là ông Trump vốn là một nhà kinh doanh đi tắt vào chính trị. Nội các của ông bao gồm nhiều nhà kinh doanh. Có lẽ ông không có một triết lý chính trị gì to tát, một học thuyết cao xa để đời cho con cháu, mà sẽ là một ông tổng thống quen sử dụng thuật trao đổi mua bán để đem lại lợi ích cho nước Mỹ, “lợi ích” theo cách nhìn của ông và cộng sự.
Việt Nam trong thời kỳ mới
Với một tân Tổng thống Trump và các diễn biến hiện nay, ta có thể suy đoán khuynh hướng toàn cầu hóa sẽ bị khựng lại, thậm chí quay đầu. Khuynh hướng quốc gia cực đoan sẽ chắp cánh, các mối liên minh chính trị và kinh tế sẽ mất ảnh hưởng, thay vào đó sẽ là chủ trương thương lượng song phương giữa các nước với nhau.
Trong bối cảnh mới của thế giới, xem ra Việt Nam sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trước. Một trong những tuyên bố đầu tiên của ông Trump sau khi đắc cử là sẽ hủy bỏ TPP. Trong năm trước hiệp định này hứa hẹn một trong những đường thoát quan trọng của Việt Nam, thiết lập một sự hợp tác kinh tế mới, độc lập hơn với Trung Quốc. Nay giải pháp này bất thành, Việt Nam mất đi một bàn đạp quan trọng.
Ông Trump đang công khai yêu cầu Apple rút lui khỏi Trung Quốc và Việt Nam. Áp lực này có thể mang lại thiệt hại kinh tế và lao động cho Việt Nam, nhất là khi nước ta đang muốn mở rộng hợp tác kỹ thuật với phương Tây. Mối quan hệ giữa các công ty và chính phủ tại Mỹ sẽ phủ bóng trên nền kinh tế Việt Nam.
Tranh chấp biển Đông là một hồ sơ khó lường. Một khi Mỹ chỉ muốn trở lại quyền lợi quân sự “cốt lõi” của mình, không muốn ai “bám đuôi” theo Mỹ vì quyền lợi riêng, thì ta khó tin Mỹ sẽ xả thân cho ai khác. Mặt khác hành động hầu như khiêu khích của Mỹ đối với Trung Quốc cho thấy Mỹ là một đối thủ khó chịu cho siêu cường phương Bắc này. Liệu giữa Mỹ và Trung Quốc có một sự đổi chác, chia phần nào đó tại biển Đông, tương lai sẽ trả lời. Nhưng điều chắc chắn là quyền lợi Việt Nam sẽ không có bao nhiêu trọng lượng trên bàn thương thuyết của họ. Và điều này hầu như sẽ dẫn đến tình trạng ta phải thương lượng song phương với Trung Quốc, điều mà Trung Quốc luôn luôn đòi hỏi. Vai trò của ASEAN sẽ mờ nhạt và chia rẽ như xưa, nếu không nói là tệ hại hơn, trong tinh thần “song phương” mới trên thế giới.
Các lực lượng khác trên thế giới như châu Âu, Nga hay Nhật Bản đều phải xếp đặt lại đường hướng nội bộ cũng như ngoại giao của mình, Việt Nam sẽ dựa vào ai trong nhiều năm tới? Câu trả lời chỉ có thể là dựa trên nội lực của chính mình và “nội lực” đó phải được xây dựng trên sự đồng thuận của toàn thể dân tộc.
Lời kết
Năm 2017, liệu Joe có trở về lại Mỹ hay không vì công ty của anh rút khỏi Trung Quốc hay Maria về lại Ba Lan săn sóc cha mẹ, ta không thể suy đoán. Mọi diễn biến cần đến thời gian, nhưng các dấu hiệu cho thấy thế giới hình như sang trang. Tinh thần “quốc gia” đang thắng thế, các chính sách liên minh kinh tế và quân sự đang mất ảnh hưởng. Mối hợp tác trên thế giới sẽ đặt trên căn bản song phương, từng quốc gia với nhau.
Trật tự quốc tế thiết lập từ thời kỳ chấm dứt chiến tranh lạnh, từ gần ba mươi năm nay, đang bị đảo lộn. Các giá trị nhân quyền, dân chủ, pháp trị... đang bị thử thách trên các châu lục. Công thức hợp tác kinh tế và chính trị giữa các nước trên thế giới đang chuyển đổi. Trong bối cảnh đó, các bước đi của các quốc gia, kể cả Việt Nam, đều phải dựa trên sự tỉnh táo, sáng tạo và chấp nhận những đổi thay quyết liệt.
Theo Nguyễn Trường Bách/ TBKTSG Xuân (ndh.vn)