Hôm nay, toàn thể giáo dân dòng đạo Xlavơ chính thống và dòng Catholic - Hy Lạp đều tổ chức đón Lễ Phục sinh - dịp lễ quan trọng nhất trong năm của đạo Cơ đốc.
Phục sinh là dịp lễ quan trọng nhất trong năm
Theo truyền thuyết, vào ngày này, Đức Chúa Jesus đã sống lại sau khi lấy cái chết của mình để chuộc mọi tội lỗi của loài người, và mang đến cho mọi người, qua sự hồi sinh của mình, niềm hy vọng về cuộc sống sau khi chết.
Theo tiếng Ukraine và tiếng Nga, ngày Lễ Phục sinh được gọi là "Paskha". Từ này bắt nguồn từ tiếng Do Thái cổ, có nghĩa là "vượt lên" và "giải thoát" - như vậy, sự kiện Đức Chúa Phục sinh tượng trưng cho việc vượt qua cái chết để trở về sự sống, từ mặt đất lên trời. Lễ Phục sinh được Giáo hội chính thức ấn định từ năm 325 sau Công nguyên.
Ngày tổ chức kỷ niệm sự kiện Đức Chúa Phục sinh được dòng đạo Xlavơ chính thống tuân thủ cách tính của Giáo hội Aleksandria thời xưa, theo đó Lễ Phục sinh rơi vào ngày chủ nhật đầu tiên sau khi trăng tròn, tính từ ngày 30 tháng 3 (theo lịch cũ).
Kinh Phúc âm kể rằng, ngày thứ ba sau khi thi thể Đức Chúa Jesus được khâm liệm, vào sáng sớm ngày chủ nhật, một số phụ nữ trọng đạo (gồm Maria, Salomia, Ioanna) mang hương thơm đến chỗ quan tài, để làm lễ cho Đức Chúa. Khi đến nơi, họ ngạc nhiên thấy tảng đá lớn chặn lối vào hang đã bị dịch qua một bên, quan tài trống rỗng, còn trên tảng đá có một thiên thần đang ngồi, dáng như tia chớp, quần áo trắng muốt như tuyết. Thiên thần bảo: "Đừng sợ, vì ta biết các ngươi đến tìm Chúa Jesus bị đóng đinh câu rút. Người không có ở đây, vì Người đã hồi sinh như lời Người đã nói". Những người phụ nữ vừa mừng vừa sợ, vội vã quay về báo tin cho các Thánh tông đồ. Khi đó, Đức Chúa đã hiện ra và bảo: "Đừng sợ, hãy đi nói với các anh em của ta đến Galileia, ở đó họ sẽ nhìn thấy ta".
Từ thời các vị Thánh tông đồ đến nay, nhà thờ công giáo đều làm lễ kỷ niệm sự kiện Đức Chúa phục sinh vào ban đêm. Một trong những tập tục không thể thiếu được, là việc linh mục và các con chiên tổ chức lễ rước thánh giá xung quanh nhà thờ vào đêm Thứ bảy vĩ đại sang ngày Lễ Phục sinh, để tượng trưng cho việc các môn đồ của Chúa Jesus cùng nhau đi gặp Người sau khi Người sống lại.
Tục lệ tặng nhau trứng tô màu xuất hiện từ thế kỷ thứ I sau Công nguyên. Theo truyền thuyết, thời xưa, khi ai đến gặp hoàng đế đều phải mang theo lễ vật quý. Nhưng khi môn đồ nghèo của Chúa Jesus là Maria Magdalina đến gặp Hoàng đế La Mã Tiveri để truyền đạo, thì chỉ mang đến tặng được một quả trứng gà. Hoàng đế Tiveri ban đầu không tin vào những điều Maria truyền dạy về sự kiện Đức Chúa Phục sinh, nên bảo: "Không thể có chuyện người đã chết lại sống dậy được! Điều đó không thể có, trừ phi quả trứng này tự nhiên biến thành màu đỏ". Ngay lập tức, một sự lạ đã diễn ra ngay trước mắt hoàng đế - quả trứng gà bình thường biến thành màu đỏ, minh chứng cho phép màu của Chúa Cứu thế. Từ đó đến nay, mọi nhà đều làm rất nhiều trứng luộc tô màu trong ngày Lễ Phục sinh là bắt nguồn từ truyền thuyết đó.
Người Ukraine trước đây đón Lễ Phục sinh bằng những hoạt động vui vẻ: chơi đu, hò hát, nhảy múa tập trung… Khi gặp nhau trong ngày này, người ta thường hôn nhẹ vào môi nhau ba lần, kèm theo lời nói: "Đức Chúa phục sinh!" - "Thực sự đã phục sinh!" để thay cho lời chào. Mọi gia đình đều làm món trứng luộc tô vẽ các màu. Người ta tặng trứng đó cho nhau và mang ra mộ những người thân đã mất. Người sùng đạo còn ăn kiêng suốt 7 ngày trước Lễ Phục sinh.
Theo tục lệ cổ truyền, Lễ Phục sinh tại Ukraine và Nga được kỷ niệm trong suốt một tuần. Ngày đầu tiên, phụ nữ ở nhà, còn đàn ông đi chúc các gia đình người thân và bạn bè. Các nhà đều bày bàn tiệc suốt ngày, với những món ăn tương đối đạm bạc (nhưng không phải đồ kiêng khem): cá mòi muối, xúp, gà quay, khoai tây hầm thịt bò, thịt giăm bông, các loại sa-lát, rượu vodka và rượu vang… Những món đồ ngọt thường là bánh paskha (làm từ bột, trứng và nho khô), bánh mì ngọt, bánh ga-tô, nước nấu từ hoa quả, chè và cà phê. Thường khi đến nhà ai, khách đều được mời vào bàn ăn uống một chút với chủ nhà, sau đó lại tiếp tục đi sang nhà khác. Bắt buộc phải đi thăm hết những người họ hàng thân, sau đó đến bạn bè và người lớn tuổi. Người Ukraine không có tục mang quà đi tặng trong ngày này.
Sang ngày thứ hai, đến lượt các ông chồng ở nhà, còn các bà vợ sẽ đi thăm họ hàng, người quen.
Thời nay, thông thường người ta hẹn nhau thành nhóm những người thân nhất để cùng tổ chức Lễ Phục sinh, khi đến nhà nhau cũng không nặng về chuyện mời mọc, ăn uống cho lắm.
Ngoài ra, còn có tục lệ phóng thích chim trong ngày Lễ Phục sinh.
Báo "Người Việt Kharkov".