Múa Ba Lê là một loại hình vũ kịch có nguồn gốc xuất xứ từ triều đình Ý và được phát triển tại Pháp, Nga, Mỹ và Anh thành dạng múa phối hộp. Đây là một dạng múa kỹ thuật hình thể với ngôn từ riêng của mình. Loại hình nghệ thuật này có tầm ảnh hưởng toàn cầu và được giảng dạy tại các trường múa trên khắp thế giới đặc biệt là các nước phương Tây. Tuy nhiên ở Việt Nam loại hình nghệ thuật này còn rất nhiều tiềm năng phát triển và chưa thực sự phổ biến.
Là một môn nghệ thuật khó, đòi hỏi nhiều kỹ năng nhưng suốt 10 năm qua em Trang luôn miệt mài luyện tập, tham gia nhiều cuộc thi múa Ba Lê ở Pháp, Bungaria, Nga… và đã gặt hái được những thành công bước đầu. Được biết em Trang có lịch biểu diễn vai chính trong vở “anh lính kẹp hạt dẻ” và “cô bé lọ lem” trong hai ngày thứ bảy, chủ nhật vừa qua tại nhà hát Opera, phóng viên báo Người Việt Odessa đã có dịp đến xem và phỏng vấn nhanh em Trang cùng gia đình.
Em Trang cùng cô giáo dạy múa
P/v: Chào Trang, em đã học múa Ba Lê được bao lâu rồi? Vì sao em lại chọn Ba Lê?
Em Trang: Chào anh, em học múa được 10 năm rồi và diễn vai chính được 8 năm, thực ra cách đây 10 năm em còn rất nhỏ nên mẹ chọn cho em, sau đó một thời gian thì em đam mê và theo đuổi đến bây giờ.
P/v: Đã theo đuổi 10 năm nay vậy những khó khăn mà em gặp phải là gì?
Em Trang: Cái khó nhất em nghĩ không phải cho em mà cho mẹ, nhất là lúc em còn nhỏ, gia đình phải sắp xếp thời gian đưa đón lúc em đi học, nhiều khi không có thời gian nên em phải ăn trưa, ăn tối trên xe.
P/v: Được biết em đã đi diễn nhiều nơi và đạt được nhiều giải thưởng, em có thể chia sẻ về dự định của mình trong tương lai được không?
Em Trang: Trong tương lại gần em muốn thi vào một trường nghệ thuật để có thể học chuyên sâu về Ba Lê và sau này thì có thể em sẽ về Việt Nam giảng dạy.
P/v: Cảm ơn em! Chúc Trang luôn học tập tốt và thực hiện được những mơ ước, dự định của mình!
Kết thúc cuộc trò chuyện, em Trang tiếp tục luyện tập những động tác cuối cùng cho vai diễn chính thức sắp diễn ra.
Em Trang luyện tập cùng các bạn
Em Trang biểu diễn trên sân khấu
Chia sẻ với phóng viên, cô Vũ Vân Anh – mẹ của em Trang cho biết: Nhiều khi cô cũng bận, vì vậy để sắp xếp lịch đưa đón em là rất khó nhưng nhìn sự đam mê của con, nhìn con đắm mình trong các vai diễn trên sân khấu, cô lại có động lực hơn. Không biết mai sau như thế nào nhưng hiện tại cô mong em tiếp tục học tập thật tốt để thi đỗ vào trường đại học em mong muốn, ngoài ra đi diễn để lấy kinh nghiệm, sau này nếu có cơ hội sẽ trở về Việt Nam, góp một phần nhỏ vào việc phát triển môn múa Ba Lê tại Việt Nam.
Giáo dục từ lâu được coi như là chìa khóa đem lại những cơ hội thăng tiến. Đầu tư cho con cái là ưu tiên hàng đầu của các gia đinh người Việt tại Odessa. Ngoài chương trình học ở trường, việc đầu tư phát triển kỹ năng mềm và các môn nghệ thuật sáng tạo cho trẻ cũng được quan tâm. Điều này cho thấy nguyện vọng của các gia đình ngày càng cao, và trẻ em cần một nền giáo dục toàn diện, bao gồm cả âm nhạc, nghệ thuật và thể thao...
Điều đáng nói, cuộc sống của cô Vân Anh còn nhiều khó khăn, hoàn cảnh neo đơn nhưng vẫn quyết tâm vượt lên hoàn cảnh và số phận, nuôi con ăn học. Không phụ lòng cô, các con cô đều hiền thảo và chăm ngoan.
Em Trang cùng mẹ trước giờ diễn.
Phóng viên báo Người Việt Odessa