Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài: Cần tìm được tiếng nói chung

Thứ hai, 14/04/2014 | 14:00
Việc ký và phê chuẩn Công ước Lahay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế đã đem lại cho Việt Nam những thuận lợi nhất định. Thông qua việc phê chuẩn Công ước, nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đã có cơ hội được các gia đình người nước ngoài nhận về nuôi và chăm sóc. Đặc biệt, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhiều Việ
 
Giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài: Cần tìm được tiếng nói chung
 
Bé Đỗ Duy Phương được một gia đình người Ý nhận làm con nuôi
Ảnh: Phương Thảo
 
Cơ hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
 
Trước khi Công ước này có hiệu lực, trên cơ sở các Hiệp định hợp tác song phương, Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác về nuôi con nuôi với 9 nước, bao gồm: Pháp, Đan Mạch, Italia, Ailen, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Canada, Thụy Sỹ và Tây Ban Nha. Sau khi Công ước Lahay có hiệu lực đối với Việt Nam (năm 2012) ngoài những nước trên, Bộ Tư pháp đã nhận được văn bản đề nghị hợp tác về nuôi con nuôi của 6 nước thành viên khác của Công ước Lahay, gồm: Ailen, Thụy Điển,Vương quốc Bỉ, Cộng hòa Liên bang Đức, Nauy, Hoa Kỳ và Luxembourg. Cho đến nay, tất cả các nước nêu trên đều chính thức thiết lập quan hệ hợp tác với Việt Nam.
 
Theo thống kê của Bộ Tư pháp sau khi Luật Nuôi con nuôi (năm 2010) và Công ước Lahay có hiệu lực, cả nước đã giải quyết 1.234 trẻ em được người nước ngoài nhận làm con nuôi. Trong đó, 543 trường hợp được hoàn tất thủ tục theo Nghị định số 68/2002/NĐ-CP, 691 trường hợp được giải quyết theo quy định của Luật Nuôi con nuôi. Phần lớn số trẻ em được người nước ngoài nhận làm con nuôi thuộc đối tượng có nhu cầu chăm sóc đặc biệt. Trong đó Pháp, Cannada, Italia và Tây Ban Nha là những nước đã tích cực hỗ trợ tìm gia đình thay thế cho nhiều trẻ em bị bệnh tật hiểm nghèo, khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS chiếm hơn 50% số trẻ em được giải quyết làm con nuôi tại nước đó.
 
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp so với những năm trước đây, số lượng trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi người nước ngoài tuy giảm mạnh về số lượng nhưng lại được cải thiện rõ nét về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của Công ước Lahay. Đặc biệt nhiều trẻ em khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo đã có gia đình cha mẹ nuôi người nước ngoài có đầy đủ điều kiện chăm sóc trong môi trường y học phát triển.
 
Tuy nhiên, trong bối cảnh thực tế số lượng trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có xu hướng gia tăng (theo báo cáo của Bộ LĐTB& XH hiện cả nước có khoảng 15 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần giúp đỡ) thì số trẻ em được nhận làm con nuôi người nước ngoài vẫn còn khá khiêm tốn.
 
Hồ sơ của người nhận con nuôi
 
Hồ sơ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có các giấy tờ, tài liệu sau đây: Đơn xin nhận con nuôi; Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế; Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam; Bản điều tra về tâm lý, gia đình; Văn bản xác nhận tình trạng sức khoẻ; Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản; Phiếu lý lịch tư pháp; Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân…
 
Nhiều vướng mắc
 
Trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Con nuôi Nguyễn Văn Bình thừa nhận đây là những bất cập tồn tại trong quá trình thực hiện Công ước Lahay. Cũng theo ông Bình nguyên nhân do Luật Nuôi con nuôi đã tạo ra cơ chế liên thông giữa con nuôi trong nước và con nuôi người nước ngoài theo nguyên tắc ưu tiên nuôi con nuôi trong nước và chỉ cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế trong nước. Ngoài ra nhiều địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến việc thông báo tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em dẫn đến kéo dài thời gian trẻ em phải sống tập trung tại các cơ sở nuôi dưỡng trong điều kiện hết sức khó khăn về vật chất.
 
Phản ánh của các địa phương cho thấy, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai thực hiện Luật Nuôi con nuôi là ở khâu lập dự toán để sử dụng khoản chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài theo quy định của Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP. Ngoài ra, theo phản ánh của Làng thiếu niên Thủ Đức TP. Hồ Chí Minh hiện công tác xác minh nguồn gốc trẻ là một khó khăn rất lớn trong quá trình giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài tại cơ sở nuôi dưỡng. "Thời gian qua, số lượng trẻ ở các cơ sở nuôi dưỡng cần xác minh nguồn gốc, phục vụ cho việc tìm gia đình thay thế ở nước ngoài rất đông trong khi cơ quan công an không trực tiếp đi xác minh mà chỉ gửi phiếu đề nghị xác minh đến công an các địa phương qua đường bưu điện, dẫn đến việc rất nhiều trường hợp không nhận được phản hồi. Điều này đã làm kéo dài thời gian giải quyết việc nuôi con nuôi, tác động đến tâm lý chờ đợi của cha mẹ nuôi cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ, nhất là với trẻ mang các căn bệnh nghiêm trọng cần được điều trị sớm” – đại diện Làng thiếu niên Thủ Đức phản ánh.
 
Xuất phát từ thực trạng trên nhiều ý kiến cho rằng, việc ký kết và triển khai Công ước Lahay có vai trò rất quan trọng, mở ra cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với các nước cũng như tạo điều kiện chữa bệnh tốt hơn cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Do đó, các cơ quan, ban ngành cũng như các địa phương cần có tiếng nói chung để giải quyết những bất cập nêu trên.
 
Theo Daidoanket.vn